Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Hội chứng hít phân su là một trong những nguyên nhân gây ra suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường gặp ở trẻ đủ hoặc già tháng – trẻ trong bụng mẹ quá ngày dự sanh. Yếu tố thúc đẩy là do trẻ bị căng thẳng do thiếu oxy trong khi mang thai hoặc trong lúc sinh.

1. Hội chứng hít phân su là gì?

Phân su thường có màu xanh đậm được tống ra ngoài qua hậu môn khi em bé được sinh ra. Đây cũng là chất thải ra đầu tiên của trẻ sơ sinh. Bản chất của phân su là các tế bào biểu mô ruột, lông tóc, dịch nhầy, dịch tiết của đường ruột như dịch mật, v.v.

Khi em bé bị căng thẳng do tình trạng thiếu oxy trước hoặc trong khi sinh có thể làm cho bé tổng xuất phân su ra ngoài sớm hơn khi vẫn còn trong tử cung. Phân su lúc này sẽ hòa lẫn vào nước ối. Trong y học, tình trạng này còn được gọi là nước ối nhuộm phân su.

Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Khi em bé bị căng thẳng do tình trạng thiếu oxy trước hoặc trong khi sinh có thể làm cho bé tổng xuất phân su ra ngoài sớm hơn khi vẫn còn trong tử cung

Phân su trong nước ối đi vào phổi và gây ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp sau khi sinh. Hội chứng hít phân su của trẻ có thể xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi sinh.

Mặc dù tình trạng này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra các biến chứng về hô hấp của trẻ sau sinh.

2. Hội chứng hít phân su có thể ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Phân su trực tiếp làm thay đổi tính chất nước ối, làm giảm hoạt tính kháng khuẩn và sau đó làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn chu sinh.

Biến chứng nặng nề nhất của hội chứng hít phân su là suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, phân su gây kích ứng da thai nhi, làm tăng nguy cơ ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh.

Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Biến chứng nặng nề nhất của hội chứng hít phân su là suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có nghĩa là tình trạng trẻ bị thiếu oxy. Theo thống kê, tử vong do suy hô hấp đứng hàng đầu tử vong ở trẻ sơ sinh.

Hội chứng hít phân su hình thành 4 tác động chính gây hậu quả suy hô hấp bao gồm: tắc nghẽn đường thở, giảm chức năng surfactant, viêm phổi do hóa chất, tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh.

2.1 Tắc nghẽn đường thở:

Sự tắc nghẽn hoàn toàn của đường thở do phân su dẫn đến xẹp phổi. Hậu quả này dẫn đến suy hô hấp.

Trong khi đó sự tắc nghẽn một phần đường thở gây ra tình trạng kẹt khí và tăng áp suất trong phế nang – là đơn vị nhỏ nhất trong phổi, có cấu tạo là những túi khí được sắp xếp như chùm nho, nằm ở đầu tận của các ống dẫn khí nhỏ nhất.

Khí bị giữ lại (phổi căng phồng) có thể vỡ vào màng phổi gây bệnh cảnh tràn khí màng phổi,  trung thất gây tràn khí trung thất.

Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

2.2 Giảm chức năng của Surfactant:

Surfactant là một chất nằm trong lòng phế nang. Tác dụng của nó chống sự xẹp phế nang quá mức khi người bình thường thở ra.

Khi trẻ hít phân sư, phân su sẽ vô hiệu hóa hoặc ức chế sự tổng hợp chất Surfactant. Khi chất này thiếu sẽ làm cho phế nang xẹp, gây rối loạn trao đổi khí và dẫn đến suy hô hấp.

Để hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến xẹp phổi, mời đọc tham khảo: Xẹp phổi: Kẻ thù thầm lặng

2.3 Viêm phổi do hóa chất:

Các enzym, muối mật và axit béo tự do trong phân su gây kích thích đường thở và nhu mô phổi giải phóng các hoạt chính gây viêm.

Hít phân su có thể khởi phát một đợt viêm phổi chỉ trong vài giờ sau khi sinh.

2.4 Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh:

Khi đứa trẻ được sinh ra và hít thở đầu tiên, các mạch máu phổi sẽ mở ra và bắt đầu lưu thông máu qua phổi. Điều này cho phép em bé lấy oxy cho não và phần còn lại của cơ thể.

Với tình trạng tăng áp phổi, các mạch máu đến phổi của em bé không mở ra hết. Hậu quả dẫn đến trẻ không nhận được đủ oxy cho cơ thể và gây suy hô hấp.

Xem thêm: Hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết!

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng hít phân su là gì?

Hội chứng hít phân si có thể xảy ra khi bé bị căng thẳng. Căng thẳng này thường là do trẻ bị thiếu oxy trước hoặc trong khi sinh.

Khi trẻ bị căng thẳng, sẽ kích thích gây ra nhu động ruột và giãn cơ vòng ở trực tràng hậu quả phân su bị tống ra ngoài sớm.

Những yếu tố nguy cơ gây hội chứng hít phân su bao gồm:

  • Mang thai quá ngày dự sanh (sau 40 tuần): Hầu hết trẻ không tống xuất phân su ra ngoài cho đến cuối thai kì. Vì vậy, khi thai quá ngày dự sanh có khả năng tiếp xúc với phân su nhiều hơn.
  • Sanh khó, chuyển dạ kéo dài
  • Một số vấn đề sức khỏe mà người mẹ gặp phải, bao gồm: tăng huyết áp (huyết áp cao) hoặc bệnh tiểu đường
  • Nhiễm trùng khi mang thai
  • Thai chậm phát triển trong tử cung do suy bánh nhau
  • Tiền sản giật
  • Thiểu ối
  • Thai bị thiếu oxy trong tử cung

Thống kê cho thấy hội chứng hít phân su phổ biến hơn ở trẻ có thai quá ngày so với trẻ sinh đủ tháng và hiếm gặp ở trẻ sinh non tháng.

4. Biểu hiện khi có hội chứng hít phân su?

Suy hô hấp là biểu hiện nổi bật nhất của tình trạng này. Trẻ sơ sinh có thể thở gấp hoặc rên trong khi thở. Một số trẻ sơ sinh có thể ngừng thở nếu đường thở bị tắc hoàn toàn bởi phân su.

Một số biểu hiện khác có thể bao gồm:

  • Màu sắc da tím tái
  • Thở cánh mũi phập phồng
  • Co kéo cơ hô hấp phụ khi thở
  • Thở nhanh
  • Bác sỹ khám đôi khi nghe được có tiếng ran ở phổi

Ngoài ra, đôi khi ở móng tay, rốn và da bị nhuốm màu phân su có màu ố vàng xanh.

Hội chứng hít phân su: biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Móng tay, rốn và da bị nhuốm màu phân su có màu ố vàng xanh

Nước tiểu màu xanh có thể được ghi nhận ở trẻ sơ sinh hít phân su dưới 24 giờ sau khi sinh. Điều này do các sắc tố phân su có thể được phổi hấp thụ vào máu và được bài tiết qua nước tiểu.

5. Hội chứng hít phân su được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán được đưa ra dựa trên các biểu hiện hô hấp của trẻ sơ sinh và sự hiện diện của phân su trong nước ối.

Bác sĩ sẽ nghe lồng ngực của trẻ bằng ống nghe để phát hiện âm thanh thở bất thường. Có một số phương pháp thường được sử dụng hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm khí máu động mạch để đánh giá nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu.
  • Chụp X-quang ngực để khảo sát bệnh lý phổi, màng phổi, tim, lồng ngực. Trên Xquang ngực của trẻ bị hít phân su có thể thấy ứ khí phổi, xẹp phổi, thâm nhiễm phổi, tràn khí màng phổi, v.v.

6. Hội chứng hít phân su được điều trị như thế nào?

Nếu em bé có hội chứng hít phân su, sẽ cần:

  • Đặt ống hút ở khí quản sau đó hút phân su ra ngoài.
  • Làm ấm cơ thể của trẻ
  • Lau khô và kích thích trẻ
  • Thở oxy qua các dụng cụ hỗ trợ cung cấp oxy
  • Nhập vào khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh để được theo dõi chặt chẽ.

Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng có thể xảy ra.
  • Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch (IV) – nếu các vấn đề về hô hấp khiến em bé không thể bú bằng miệng.
  • Bức xạ ấm hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể.
  • Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể: là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi mà cả hai chức năng này đều không thể hoạt động bình thường. Phương pháp này có tác dụng thay thế hoạt động của tim hoặc phổi hoặc cả hai trong một khoảng thời gian ngắn.

7. Hội chứng phân su có thể ảnh hưởng như thế nào đế trẻ về sau?

Trong hầu hết các trường hợp nước ối nhuộm phân su thì tiên lượng khá tốt và không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.

Trên thực tế, chỉ khoảng một nửa số trẻ sơ sinh có phân su có vấn đề về hô hấp và chỉ khoảng 5% trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp do hội chứng hít phân su.

Một số trường hợp, trẻ có thể cần hỗ trợ thêm về hô hấp và dinh dưỡng. Việc hỗ trợ này thường kết thúc sau 2-4 ngày nếu trẻ không xảy ra các biến chứng gì. Nếu trẻ có tình trạng thở nhanh, việc hỗ trợ có thể kéo dài thêm vài ngày.

May mắn thay, hội chứng hít phân su hiếm khi dẫn đến tổn thương phổi vĩnh viễn.

Xem thêm Viêm đường hô hấp ở trẻ: Lời khuyên Bác sĩ dành cho bố mẹ

Tuy hít ối phân su ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp là không nghiêm trọng. Việc theo dõi các dấu hiệu trẻ hít phải phân su cẩn thận và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế những di chứng về sau.

Tác giả: Hoàng Yến

Tham vấn Y khoa: BS NGUYỄN TRUNG NGHĨA

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm