Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?

Cổ trướng (báng bụng) là biểu hiện thường gặp khi suy gan nhưng cũng có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác. Cổ trướng là tình trạng bụng của người bệnh to ra do chứa quá nhiều dịch trong khoang bụng. Vậy cụ thể tình trạng này có thể được chẩn đoán như thế nào? Điều trị và tiên lượng ra sao? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến tìm hiểu về cổ trướng qua bài viết sau nhé.

Cổ trướng (báng bụng) là gì?

Bình thường, trong khoang màng bụng có rất ít dịch. Lượng dịch này đủ để các lớp màng bụng bao gồm tạng dễ dàng di chuyển trơn tru khi các tạng co thắt. Cổ trướng hay báng bụng là tình trạng có sự tích tụ dịch bất thường (> 25 ml) trong khoang màng bụng.

Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh nhân cổ trướng

Nguyên nhân của cổ trướng

Cổ trướng có thể là triệu chứng của xơ gan, thường là mạn tính (xuất hiện từ từ, thường từ vài tuần đến vài tháng). Nhưng đôi khi cũng là tình trạng cấp tính (diễn tiến nhanh, đột ngột trong vài ngày. đặc biệt khi liên quan đến ác tính).

Tại Hoa Kỳ, nguyên nhân thường gặp nhất của báng bụng là do xơ gan, chiếm hơn 80% trường hợp. Những nguyên nhân báng bụng khác bao gồm ung thư (10%), suy tim (3%), lao (2%), lọc máu (1%), bệnh lý tụy (1%).1

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng cần đặc biệt lưu ý lao màng bụng. Cần lưu ý, cổ trướng không phải là một bệnh mà là một trong những biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Mặt khác, các bệnh lý không liên quan đến gan cũng có thể gây ra cổ trướng.

Các nguyên nhân liên quan đến bệnh gan1 2

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Tắc nghẽn tĩnh mạch gan (ví dụ, Hội chứng Budd-Chiari).
  • Huyết khối tĩnh mạch cửa.

Các nguyên nhân không do gan1

  • Bệnh cảnh các bệnh toàn thân như: suy tim, suy thận, hội chứng thận hư, viêm màng ngoài tim co thắt,…
  • Bệnh lý của màng bụng: ung thư tế bào màng bụng, ung thư di căn màng bụng,…
  • Những nguyên nhân ít phổ biến hơn, chẳng hạn như lọc máu, viêm tụy, lupus ban đỏ hệ thống, và rối loạn nội tiết (suy giáp,…).

Trong các nguyên nhân kể trên, trên lâm sàng, cổ trướng là hiện diện thường gặp ở bệnh nhân xơ gan, suy gan mạn, suy gan cấp. Trong xơ gan, gan xơ hoá dẫn đến việc hồi lưu máu từ tĩnh mạch cửa qua gan về tim bị ứ trệ. Điều này dẫn đến tăng lưu lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch cửa kết hợp cùng tình trạng giảm nồng độ albumin máu (một phân tử protein có quan trọng giữ nước trong lòng mạch), dẫn đến dịch thoát vào khoang màng bụng gây báng bụng.

Các tình trạng tổn thương gan dẫn đến suy gan cấp, suy gan mạn là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến cổ trướng như:1 2

  • Nghiện rượu.
  • Nhiễm viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C.
  • Béo phì, thừa cân, đái tháo đường.

Một số trường hợp hiếm gặp, do cơ địa dễ sinh huyết khối (ung thư máu, ung thư, viêm nhiễm,…) dẫn đến hình thành cục máu đông trong mạch máu của gan (tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa) dẫn đến ứ tắc dòng chảy trong hệ tĩnh mạch cửa, gây tăng áp lực và dẫn đến cổ trướng. Sự ứ tắc của dòng chảy còn có thể do một khối u trong ổ bụng chèn ép vào tĩnh mạch cửa.

Bên cạnh đó, trong các bệnh lý hệ thống, như suy tim, suy thận cấp, suy thận mạn hay hội chứng thận hư, việc mất kiểm soát điều hoà lượng nước và muối trong cơ thể dẫn đến ứ trệ dịch trong tuần hoàn, sẽ dẫn đến phù toàn thân (phù mặt, phù tay, chân và đi kèm cổ trướng).

Đặc biệt, khi người bệnh có cổ trướng nhưng không có xơ gan, cần lưu ý nguyên nhân lao màng bụng – rất hay gặp ở Việt Nam. Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành lao. Vi khuẩn lao sau khi xâm nhập vào cơ thể, bên cạnh gây tổn thương phổi (lao phổi, tràn dịch màng phổi do lao), vi khuẩn có thể tấn công hệ tiêu hoá (lao ruột, lao màng bụng).

Bệnh nhân thường là người trẻ, sụt cân, sốt về chiều, hay vã mồ hôi trộm ban đêm, kèm đau bụng âm ỉ. Ở người lớn tuổi, cổ trướng có thể có biểu hiện của ung thư, còn gọi là cổ trướng ác tính. Kiểu cổ trướng này thường do tế bào ung thư tại màng bụng tiết dịch bất thường. Tế bào này có thể xuất phát nguyên phát tại màng bụng (ung thư màng bụng nguyên phát); hoặc từ cơ quan khác di căn đến bao gồm: ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư phổi và ung thư buồng trứng.

Cổ trướng do tụy có thể thấy ở những người bị viêm tụy cấp. Tuy nhiên, cổ trướng do rượu cũng có thể gây ra bởi viêm tụy cấp hoặc chấn thương tụy.

Báng bụng bao gồm những mức độ nào?

Báng bụng bao gồm 3 mức độ:3

  • Độ 1: Cổ trướng nhẹ, trên lâm sàng, bác sĩ và người bệnh cũng khó phát hiện được. Tình trạng này thường tình cờ phát hiện được trên siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính.
  • Độ 2: Người bệnh thấy bụng to ra, mặc quần áo chật hơn, cân nặng tăng hơn. Khi người bệnh đến khám, bác sĩ dễ dàng khám lâm sàng và phát hiện được.
  • Độ 3: Bụng báng căng, người bệnh thường có biểu hiện khó chịu (khó thở, ăn mau no, rốn lồi). Người bệnh thường đến khám tại phòng cấp cứu vì biến chứng của cổ trướng lượng nhiều.
Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?
Tình trạng bụng báng căng to

Bệnh nhân cổ trướng sẽ có những triệu chứng gì?

Cổ trướng hay báng bụng ở mức độ nhẹ thường không có biểu hiện rõ rệt. Người bệnh thường chỉ được phát hiện bệnh khi lượng dịch đã tăng nhiều, kèm theo các biểu hiện như:1 2

  • Bụng lớn căng, to bè hai bên.
  • Rốn lồi khi bụng báng quá căng.
  • Mặc quần áo chật hơn, tăng cân không rõ nguyên nhân.
  • Phù nề thành bụng.

Khi cổ trướng nhiều hơn, người bệnh còn xuất hiện:1 2

  • Đầy hơi, chướng bụng, đầy bụng.
  • Khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng của bệnh đi kèm như:1 2

  • Phù mắt cá nhân, chân.
  • Tiểu ít, tiểu đục bọt.
  • Khó thở phải nằm đầu cao.
  • Sốt, vã mồ hôi trộm.
  • Khối u ở bụng.

Trong một số trường hợp, bụng báng căng, bệnh nhân có kèm đau bụng, sốt nên có thể nghi ngờ nhiễm trùng dịch báng. Tình trạng cổ trướng lớn sẽ tạo điều kiện vi khuẩn trên da, ruột tiếp xúc lượng dịch trong ổ bụng chưa đầy dinh dưỡng, điều kiện này rất dễ gây nhiễm khuẩn. Tình trạng này nếu không được chữa trị có thẻ dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, tình trạng bụng căng to trên nên được phân biệt với có thai, ứ đọng trong đại tràng (hay gặp ở người bón), chướng hơi, u nang buồng trứng lớn.

Biến chứng của cổ trướng

Nếu không được chữa trị, cổ trướng có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng sức khoẻ, vì lượng dịch tiết ra nhiều trong khoang bụng bao gồm:2

  • Chèn ép các cơ quan.
  • Suy dinh dưỡng thiếu hụt protein.
  • Tăng huyết áp.
  • Suy thận: biến chứng của xơ gan cổ trướng. Tình trạng này thường thấp, tuy nhiên, nếu xuất hiện thường có diễn tiến rất nặng.
  • Bệnh não gan.
  • Đau bụng khi báng bụng lượng nhiều gây cản trở hoạt động hằng ngày.
  • Nhiễm trùng: viêm phúc mạc hay viêm lớp lót màng bụng.

Các xét nghiệm chẩn đoán cổ trướng

Khi phát hiện nghi ngờ cổ trướng, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán sau:1 2 4

Hình ảnh học

  • Siêu âm bụng: đây là xét nghiệm thường được sử dụng nhất, không xâm lấn. Siêu âm bụng giúp phát hiện dịch trong ổ bụng và hỗ trợ chọc dò dịch màng bụng.
  • Chụp cắt lớp vi tính: ngoài việc phát hiện dịch trong ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính giúp phát hiện huyết khối, khối u trong ổ bụng.
  • X-quang cũng là công cụ chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện sự tích tụ chất dịch trong phổi, ví dụ trường hợp ung thư di căn đến phổi hoặc suy tim.
Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?
Dịch cổ trướng phát hiện nhờ siêu âm bụng

Chọc dịch màng bụng

Đây là một thủ thuật trong đó bác sĩ dùng một kim nhỏ để lấy lượng dịch ra khỏi khoang màng bụng nhằm để xác định bệnh. Dịch màng bụng được dùng để xét nghiệm tế bào, sinh hoá và cấy tìm tác nhân. Việc phân tích mẫu chất dịch có thể cho thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư, hoặc có tình trạng nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp, khi bụng quá căng, độ 3, trướng gây khó chịu, chọc dịch sẽ giúp tháo bớt một lướng dịch lớn ra khỏi cơ thể.

Biến chứng chọc dò bao gồm nhiễm trùng, rối loạn điện giải, thủng ruột, chảy máu, rò dịch ra từ thành bụng, tổn thương thận cấp.

Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?
Chọc dò dịch báng để xác định nguyên nhân

Một số xét nghiệm khác

Người bệnh có thể được lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân cổ trướng. Các xét nghiệm máu bao gồm đánh giá chức năng gan và thận. Nếu xơ gan được xác định, các xét nghiệm tiếp theo sẽ được sử dụng để làm rõ nguyên nhân (GGT, ALP, các xét nghiệm viêm gan B hoặc C).5

Điều trị cổ trướng như thế nào?

Mục tiêu của điều trị cổ trướng (báng bụng) là làm giảm triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Bên cạnh đó, cần xác định đúng nguyên nhân, và điều trị nguyên nhân càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân hàng đầu của cổ trướng là xơ gan mất bù. Đối với những bệnh nhân trên, các biện pháp điều trị bao gồm:1 2 4 5

Xơ gan mất bù là bệnh lý về chức năng gan và là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Ở giai đoạn này, các tế bào gan, mô gan gần như bị xơ hóa hoàn toàn, chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng. Những tế bào gan chưa bị tổn thương không còn khả năng bù trừ về mặt chức năng cho các tế bào bị tổn thương nữa. Xơ gan mất bù thường có biểu hiện cổ trướng (báng bụng) nên còn được gọi là xơ gan cổ trướng.

1. Thay đổi lối sống

  • Thực hiện chế độ ăn hạn chế muối (ăn dưới < 2000 mg muối/ngày).
  • Không sử dụng rượu bia.
  • Giảm bớt lượng dịch nhập.
  • Tránh dùng các thuốc giảm đau kháng viêm nonsteroid như ibuprofen có thể gây tổn thương thận, gây ứ nước, làm tình trạng cổ trướng nặng thêm.
Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) là gì? Có nguy hiểm không?
Hạn chế sử dụng muối trong ăn uống giúp điều trị cổ trướng (báng bụng)

2. Điều trị thuốc

  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: dùng thuốc sẽ giúp người thải bớt dịch trong ổ bụng ra khỏi cơ thể. Đối với người bệnh báng bụng nhẹ và vừa: thường mục tiêu giảm không quá 1 kg/ngày. Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường lượng nước tiểu được thải loại và có thể ngăn ngừa tình trạng ứ dịch thêm. Thuốc lợi tiểu còn được dùng trong trường hợp báng do suy thận, suy tim.
  • Đối với người bệnh báng bụng nặng: tiến hành chọc hút dịch ổ bụng để giải áp và chẩn đoán.
  • Kháng sinh: nếu có tình trạng nhiễm trùng dịch báng, cần khởi động kháng sinh diệt khuẩn càng sớm càng tốt; nhằm giảm nguy cơ diễn tiến nặng cho người bệnh.

3. Một số thủ thuật khác

  • Chọc dò dịch báng: giảm bớt lượng dịch quá mức. Trong các trường hợp kháng thuốc, hoặc nếu có quá nhiều dịch cổ trướng trong khoang bụng, chọc hút dịch có thể là một kỹ thuật hiệu quả. Mục tiêu là để giảm dịch qua giảm sự đè áp lực trong khoang bụng , giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Trong một số trường hợp, người bị cổ trướng có thể chứa khoảng 5 – 10 lít chất dịch. Người bệnh có thể được truyền thêm albumin để nâng đỡ, giảm nguy cơ suy thận.
  • Đặt TIPS: đây là một kĩ thuật đặc biệt tạo shunt để dẫn lưu bớt dịch ứ trệ dưới gan về tim.
  • Phẫu thuật ghép gan: có thể được chỉ định cho bệnh nhân có bệnh gan mạn giai đoạn cuối, suy gan.

Trong trường hợp cổ trướng ác tính, các bác sĩ có thể sử dụng ống shunt để dẫn lưu chất dịch từ bụng vào máu. Bệnh cảnh này khi tế bào u đã di căn xa, di chuyển nhiều nơi trong cơ thể. Việc điều trị triệt để báng bụng khá khó khăn. Nếu báng căng, dịch tái lập liên tục, bác sĩ sẽ đặt kim được đặt vào tĩnh mạch ở cổ và gắn một shunt dọc theo thành ngực. Các shunt nối khoang bụng với cổ, dịch bụng sau đó theo ống di chuyển vào máu.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được điều trị đặc hiệu với u gây ra tình trạng báng. Trong đó, hóa trị có thể giúp thu nhỏ hoặc kiểm soát khối ung thư thông qua một ống trong bụng. Phương pháp này đôi khi có thể ngăn chặn tình trạng dịch tích tụ dịch. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp này hoạt động hiệu quả.

Trong trường hợp lao màng bụng, người bệnh cần được khởi động thuốc điều trị kháng lao càng sớm càng tốt. Sau khi điều trị triệt để, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn.

Theo dõi điều trị báng bụng như thế nào?

Người bệnh cần được theo dõi cân nặng, nước tiểu, số đo vòng bụng. Các phép đo này vừa đơn giản vừa hiệu quả; vì sự biến đổi của cân nặng do thay đổi dịch báng trong bụng, nhanh hơn nhiều so với biến đổi liên quan đến lượng mỡ trong cơ thể.

Cổ trướng do xơ gan hoặc cổ trướng ác tính có thể tràn dịch tái phát nhiều lần. Nếu người bệnh có triệu chứng nặng, nên đến cơ sở y tế gần nhất hoặc tái khám khi có dấu hiệu tràn dịch tái phát. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn, tránh dùng thêm các thuốc không rõ nguồn gốc, vì có thể làm gan và thận tổn thượng nặng nề hơn.2

Cổ trướng có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Điều trị cổ trướng (báng bụng) giúp cải thiện triệu chứng, giảm biến chứng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây báng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Nếu báng do lao, sau khi điều trị khỏi, người bệnh có thể hết cổ trướng hoàn toàn.1 2

Ngược lại, ở u di căn màng bụng gây báng bụng ác tính, việc điều trị triệt để rất khó vì khối u đã tiến triển xa. Bệnh nhân xơ gan có báng bụng thường khi đã vào giai đoạn mất bù, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ tốt, bệnh nhân có thể giảm được báng bụng rõ.1 2

Cổ trướng có nguy hiểm không? Có thể phòng ngừa được không?

Cổ trướng là biểu hiện của bệnh lý khi đã rõ trên lâm sàng. Vì vậy cần điều trị nguyên nhân cụ thể. Nếu dịch báng tích tụ quá mức sẽ gây khó chịu cho người bệnh (ăn kém, khó thở, rốn lồi).

Khi dịch báng quá nhiều, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng dịch báng. Tình trạng nhiễm trùng này nếu không được chữa trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Chính vì khó chữa, nên cần sớm phát hiện và thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa cổ trướng hay báng bụng. Việc phòng ngừa báng bụng có liên quan rất nhiều đến việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh dẫn tới báng bụng:1 2 4

  • Ở những bệnh nhân đã có bệnh gan và xơ gan do bất kì nguyên nhân nào, hãy tránh lạm dụng rượu bia, thuốc nguồn gốc không rõ.
  • Việc sử dụng các thuốc kháng viêm không chứa steroids (NSAIDs) cũng nên được hạn chế sử dụng ở các bệnh nhân xơ gan. Vì chúng có thể làm giảm dòng máu tới thận. Dẫn đến hạn chế việc thải muối và nước.
  • Chủng ngừa viêm gan siêu vi B, quan hệ tình dục an toàn.
  • Vận động thể thao, chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
  • Rửa tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân lao.
  • Kiểm tra sức khoẻ định kỳ, thực hiện các xét nghiệm tổng quát để phát hiện sớm tổn thương tiền ung. Từ đó giúp dễ dàng xử trí sớm trước khi tiến triển xa đến cổ trướng ác tính.

Tiên lượng

Tiên lượng cổ trướng tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, cũng như mức độ nặng nhẹ. Bệnh nhân với cổ trướng mới khởi phát thường dễ điều trị và tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên, trường hợp báng bụng lâu năm thì thường khó đáp ứng điều trị hơn. Các triệu chứng có thể được kiểm soát và giảm bớt, nhưng chính việc giải quyết nguyên nhân cổ trướng sẽ quyết định kết quả điều trị.

Trên đây là những thông tin về tình trạng cổ trướng hay báng bụng. Hi vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về tình trạng này. Từ đó có những biện pháp phòng ngừa cổ trướng và cách xử trí phù hợp khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ. Tình trạng này có thể được phát hiện bằng thăm khám lâm sàng và các phương tiện hình ảnh học như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính. Điều trị và tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân gây cổ trướng, mức độ, thời gian xuất hiện cổ trướng.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức [Giải đáp thắc mắc]: Thai chết lưu bao lâu thì ra máu?
Thai chết lưu có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu như thai không máy trong thời gian dài, chuột rút, chảy máu âm đạo… Vậy thai chết lưu bao lâu
Hình ảnh tin tức Bệnh tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị sớm. Bệnh này liên quan đến việc quá trình sản xuất các tế bào
Hình ảnh tin tức [Giải đáp thắc mắc] Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?
“Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?” là một câu hỏi quen thuộc mà nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng nhịp tim bất thường. Trên thực tế, để
Hình ảnh tin tức Uống chanh mật ong có giảm mỡ máu không?
Mỡ máu cao hiện là một trong những tình trạng đáng báo động bởi không chỉ người lớn tuổi mà nhiều người trẻ cũng đang gặp phải. Mỡ máu cao gây ra
Hình ảnh tin tức Lỡ quan hệ khi mang thai tuần đầu có sao không?
Bạn thường nghe các chị em bầu bí mách nhau nên hạn chế chuyện chăn gối trong thời gian đầu thai kỳ. Thế nhưng, vì chưa biết được bản thân “cấu bầu”