Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết

Gù cột sống là một tình trạng bệnh lý tương đối phổ biến hiện nay. Hầu hết không cần điều trị, tuy nhiên trong một số trường hợp nặng cần phải điều trị bằng thuốc, nẹp lưng, thậm chí là cần đến phẫu thuật. Cùng YouMed tìm hiểu về bệnh lý này nhé!

1. Tổng quan về gù cột sống

Cột sống bình thường khi nhìn ở phía sau sẽ thẳng từ trên xuống. Khi nhìn từ phía bên cột sống bình thường có thể cong từ 20 – 45 độ ở vùng lưng trên. Gù cột sống là tình trạng cong về phía trước quá mức của lưng, độ cong từ 50 độ trở lên được đo trên phim X-quang. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. Gù cột sống liên quan đến tuổi tác thường do yếu ở xương sống khiến chúng bị nén ép hoặc gãy. Các loại gù cột sống khác có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên do dị tật cột sống hoặc biến dạng hình nêm của đốt sống theo thời gian.

Gù cột sống nhẹ có thể gây ít vấn đề không cần điều trị. Tuy nhiên, gù nặng có thể gây đau và trở nên biến dạng cột sống. Điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và các ảnh hưởng gây ra bởi độ cong của cột sống.

2. Phân loại gù cột sống

Có thể chia gù cột sống thành 3 loại chính:

  • Gù tư thế: là tình trạng gây ra bởi việc duy trì tư thế lưng không đúng, tuy nhiên, hình dạng đốt sống còn bình thường. Loại này thường dễ uốn nắn và cải thiện với các bài tập trị liệu và cải thiện tư thế lưng.
  • Gù Scheuermann: biểu hiện là các đốt sống có dạng hình nêm (wedge). Loại gù này thì cứng hơn, nên khó nắn chỉnh, trở nên tồi tệ hơn khi cơ thể đang trong giai đoạn tăng trưởng. Tình trạng này xảy ra ở 0.4% dân số, tỷ lệ ngang nhau giữa nam và nữ.
Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Gù Scheuermann tuổi vị thành niên.
  • Gù bẩm sinh: Có sự khác biệt về hình dạng của một hay nhiều đốt sống. Sự khác biệt này xuất hiện lúc mới sinh. Đứa trẻ khi sau khi sinh ra cột sống đã bị cong vẹo và ngày càng nặng hơn khi cơ thể tăng trưởng.

3. Triệu chứng của gù cột sống

Gù nhẹ có thể không gây ra các dấu hiệu hay triệu chứng đáng chú ý nào. Tuy nhiên, một số người có thể bị đau lưng và cứng khớp.

Các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến nhất của gù lưng, bao gồm:

  • Hai vai lệch nhau.
  • Hai xương bả vai chênh nhau.
  • Đầu hơi cúi về phía trước.
  • Phần lưng trên bị nhô cao hơn so với bình thường khi cúi người về phía trước.
  • Các cơ ở sau đùi trở nên săn chắc.
  • Đau lưng có thể xuất hiện, nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Gù cột sống ở một bệnh nhân lớn tuổi.

4. Nguyên nhân gây gù cột sống

Gù có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải làm cho các đốt sống có hình dạng bất thường, bao gồm:

4.1. Gãy xương

Các đốt sống bị gãy hoặc bị nghiền nát (gãy lún) có thể dẫn đến gù vẹo cột sống. Gãy lún thường không tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý nào.

>> Xem thêm: Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lí?

4.2. Loãng xương hay mật độ xương thấp

Rối loạn loãng xương này có thể gây ra gù cột sống, đặc biệt là nếu đốt sống yếu có thể dẫn đến gãy lún. Loãng xương phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi và người sử dụng corticosteroid trong thời gian dài.

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Gãy lún đốt sống có thể gây gù cột sống.

4.3. Bệnh xương thủy tinh

Tình trạng này có thể làm gãy xương khi tác động một lực nhỏ. Tham khảo thêm bài viết sau: Trẻ bị xương thủy tinh có thể tự đi được không?

4.4. Loạn dưỡng cơ

Là một tình trạng di truyền gây yếu dần dần của cơ bắp.

4.5. Bệnh Paget

Là một tình trạn di truyền, trong đó sự phát triển của các tế bào xương mới bị gián đoạn, dẫn đến xương yếu đi.

4.6. Thoái hóa đĩa đệm

Đĩa đệm mềm, tròn đóng vai trò đệm giữa các đốt sống. Càng lớn tuổi các đĩa này khô và co lại, thường làm nặng thêm tình trạng gù cột sống.

4.7. Bệnh Scheuermann

Bệnh này thường bắt đầu trong giai đoạn tăng trưởng xảy ra trước tuổi dậy thì. Con trai bị ảnh hưởng thường xuyên hơn con gái.

4.8. Dị tật cột sống chẻ đôi

Là một dị tật bẩm sinh. Trong đó, xương cột sống không phát triển đúng cách trước khi sinh có thể gây ra bệnh gù cột sống.

4.9. Các hội chứng

Gù ở trẻ em cũng có thể được liên kết với một số hội chứng nhất định. Chẳng hạn như hội chứng Ehlers-Danlos và hội chứng Marfan.

4.10. Ung thư 

Ung thư ở cột sống, cũng như hóa trị và xạ trị điểu trị ung thư có thể làm suy yếu các đốt sống và làm cho chúng dễ bị gãy xương do lún hơn, từ đó phát triển bệnh gù cột sống.

4.11. Gù lưng do tư thế

Đây là nguyên nhân và cũng là loại gù lưng phổ biến nhất. Thông thường sẽ thấy rõ nhất ở lứa tuổi vị thành niên. Điều chỉnh tư thế sinh hoạt, tập luyện đúng cách là các phương pháp điều trị hiệu quả.

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Ngồi sai tư thế là nguyên nhân phổ biến nhất gây gù.

5. Biến chứng của bệnh

Ngoài việc gây ra đau lưng, gù cột sống có thể gây ra:

  • Vấn đề về hô hấp: Gù nặng có thể gây áp lực lên phổi, đường thở gây khó thở.
  • Chức năng vật lý hạn chế: Gù có liên quan đến việc cơ lưng bị suy yếu và khó thực hiện các nhiệm vụ như đi bộ và rời khỏi ghế ngồi. Độ cong của cột sống cũng có thể gây khó khăn khi nhìn lên hoặc lái xe và có thể gây đau khi nằm xuống.
  • Vấn đề về thần kinh: Đôi khi, những người bị gù cột sống sẽ xuất hiện các vấn đề thần kinh khi các dây thần kinh tủy sống bị chèn ép. Điều này có thể phá vỡ các tín hiệu dẫn truyền thần kinh và gây ra các triệu chứng như: tê hoặc yếu ở tay và chân, vấn đề với thăng bằng, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột. Những biến chứng nghiêm trọng này đòi hỏi sự chăm sóc y tế khẩn cấp và phẫu thuật thường sẽ được chỉ định.
  • Vấn đề về tiêu hóa: Gù nặng có thể gây đè nén đường tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản và khó nuốt.
  • Vấn đề hình dạng cơ thể. Những người mắc bệnh gù cột sống, đặc biệt là thanh thiếu niên, có thể có hình dạng cơ thể xấu đi xuất phát từ việc có lưng còng hoặc mang nẹp chỉnh gù. Đối với người già, hình dạng cơ thể xấu có thể dẫn đến sự cô lập xã hội.
  • Khó kiểm soát: Đau dai dẳng khó kiểm soát bằng thuốc.

6. Chẩn đoán gù cột sống

Bác sĩ thường sẽ tiến hành kiểm tra thể chất kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra chiều cao. Bệnh nhân được yêu cầu uốn cong cột sống về phía trước, bác sĩ sẽ đánh giá độ cong cột sống từ việc nhìn cột sống ở phía bên của cơ thể. Bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra thần kinh bao gồm kiểm tra phản xạ và sức mạnh cơ bắp. Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi có thể được hỏi thêm về tình trạng di truyền trong gia đình.

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Bác sĩ đang tiến hành khám cột sống.

Sau khi đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các cận lâm sàng như:

  • X-quang hoặc CT scan. X-quang có thể giúp chẩn đoán bệnh, xác định mức độ cong và phát hiện biến dạng của đốt sống. Chụp CT có thể được khuyến nghị nếu bác sĩ muốn có hình ảnh chi tiết hơn.
  • MRI. Những hình ảnh này có thể phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc khối u trong cột sống. Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có hại cho cơ thể không?
  • Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh. Nếu có tê hoặc yếu cơ, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định mức độ xung động thần kinh di chuyển giữa tủy sống và tứ chi.
  • Xét nghiệm mật độ xương. Xương mật độ thấp có thể làm nặng thêm tình trạng gù cột sống.

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Hình ảnh X-quang một trường hợp gù nặng.

7. Phương pháp điều trị

Hầu hết các trường hợp gù cột sống không cần điều trị. Gù tư thế có thể được điều trị bằng cách cải thiện tư thế, tránh khom lưng. Các loại gù khác làm thay đổi hình dạng của đốt sống, điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:

7.1. Thuốc

Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau. chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol, các loại khác), ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) hoặc naproxen natri (Aleve)…
  • Thuốc trị loãng xương. Thuốc tăng cường độ chắc cho xương có thể giúp ngăn ngừa gãy xương đốt sống.

>> Tham khảo thêm: Thuốc NextG Cal: Bổ sung canxi và điều trị loãng xương.

7.2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể giúp quản lý một số loại gù cột sống. Bác sĩ có thể đề nghị:

  • Các bài tập trị liệu. Như các bài tập kéo giãn cột sống có thể giúp cải thiện sự linh hoạt của cột sống và giảm đau lưng.
  • Nẹp lưng. Thanh thiếu niên bị gù từ nhẹ đến trung bình có thể cần đeo nẹp lưng. Nẹp được đeo khi xương còn đang phát triển, nhằm ngăn chặn sự tiến triển nặng hơn của tình trạng gù. Nẹp lưng Milwaukee hay nẹp trên đòn được chỉ định ở trẻ em với góc gù lớn hơn 65 độ. Lúc đầu đeo nẹp có thể cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, hầu hết quen với chúng sau một thời gian. Nẹp lưng hiện đại được thiết kế thuận tiện, vì vậy vẫn có thể tham gia các hoạt động thể chất. Nẹp thường được quy định là đeo 23 giờ một ngày, cho đến khi xương cột sống ngừng phát triển, trong khoảng 14 hoặc 15 tuổi.
Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Hình ảnh minh họa nẹp lưng Milwaukee.

7.3. Phẫu thuật chỉnh hình cột sống

Phẫu thuật có thể được chỉ định cho các trường hợp:

  • Gù cột sống nặng gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh.
  • Đau dai dẳng không kiểm soát được bằng thuốc.
  • Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, hoặc nếu không phẫu thuật sẽ dẫn đến biến chứng nặng hơn.

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật chỉnh gù.

Phẫu thuật chỉnh gù bằng dụng cụ cột sống lối sau, nẹp vít chân cung là phương pháp phổ biến nhất giúp giảm độ cong cột sống. Cuộc phẫu thuật có thể mất khoảng bốn đến tám tiếng dưới gây mê toàn thân. Thời gian nằm viện từ ba đến bốn ngày, hoặc tối đa 1 tuần. Nẹp lưng có thể phải đeo đến 9 tháng sau phẫu thuật để hỗ trợ cột sống đến khi lành hẳn. Người bệnh có thể trở lại làm việc sau 4 đến 6 tuần và có thể chơi thể thao khoảng 1 năm sau phẫu thuật.

Biến chứng của phẫu thuật:

  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật.
  • Chảy máu quá nhiều tại nơi phẫu thuật.
  • Tổn thương do phẫu thuật phạm dây thần kinh tủy sống, có thể dẫn đến tê liệt do mất chức năng bàng quang và ruột.

Trước khi quyết định có nên phẫu thuật cột sống hay không, nên thảo luận về lợi ích và rủi ro với bác sĩ phụ trách chăm sóc.

8. Biện pháp phòng ngừa

Để giúp duy trì mật độ xương tốt, bác sĩ có thể khuyên:

  • Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D.
  • Tránh thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu.

Gù tư thế có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

Gù cột sống: Những kiến thức bạn cần biết
Ngồi đúng tư thế ngừa gù cột sống.

  • Tránh khom lưng khi ngồi, đi, đứng. Nhất là khi ngồi học tập, làm việc phải đúng tư thế và thẳng lưng.
  • Tránh mang cặp xách nặng có thể tác động xấu đến các cơ và dây chằng vùng lưng gây ra chứng gù.
  • Tập thể dục thường xuyên để giúp tăng cường độ khỏe khoắn và dẻo dai cho lưng. Các hoạt động được khuyến khích như bơi lội, chạy, đi bộ, yoga.
  • Mang đai lưng chống gù để điều chỉnh tư thế lưng đúng.

Gù cột sống là tình trạng bệnh thường gặp, ở mọi độ tuổi, cả giới nam và giới nữ. Bệnh ảnh hưởng đến tâm lý về ngoại hình đối với người bệnh, cũng như gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, thậm chí gây ra các biến chứng hết sức nặng nề. Cần gặp các bác sĩ chuyên khoa về cột sống để được tư vấn điều trị khi có các dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ. Nhất là, đối với các trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, cột sống đang trong giai đoạn tăng trưởng. Khi đó cần được phát hiện và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế tối đa mức độ trầm trọng của bệnh.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống