Giải đáp những thắc mắc về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Khi người mẹ mang thai, tùy theo nguy cơ của người mẹ mà bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào lúc nào. Trong đó tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến 10% các trường hợp mang thai, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Đây là một xét nghiệm thường quy khi mang thai. Tuy nhiên, ắt hẳn mẹ vẫn phần nào lo lắng nếu kết quả xét nghiệm cao hơn bình thường. Tại bài viết này, YouMed sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn thông tin xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là lượng đường trong máu cao hoặc có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được phát hiện lần đầu trong lúc mang thai. Điều này không loại trừ người mẹ đã có giảm dung nạp glucose hoặc ĐTĐ từ trước nhưng chưa được phát hiện. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn ở quý thứ hai hoặc thứ ba của quá trình mang thai.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm thường quy khi mang thai. Điều này giúp bác sỹ tầm soát và chẩn đoán tiểu đường thai kỳ cho bà mẹ. Trường hợp nếu lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức cho phép, có nghĩa là người mẹ có hoặc có nguy cơ phát triển tiểu đường thai kỳ.

Giải đáp những thắc mắc về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm thường quy khi mang thai

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu không được kiểm soát. Đó là lý do tại sao xét nghiệm được khuyến khích cho tất cả các bà mẹ trước khi sinh.

Phần lớn phụ nữ mang thai đang có vấn đề tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát lượng đường trong máu thông qua chế độ dinh dưỡng tiết chế và tập thể dục. Nếu vẫn chưa đủ kiểm soát lượng đường, mẹ sẽ cần được tư vấn phối hợp sử dụng insulin – Một loại hormone giúp đưa glucose vào trong tế bào và làm giảm lượng đường trong máu.

Nếu mẹ kiểm soát đường huyết tốt, hầu hết mẹ có giai đoạn mang thai bình thường và sinh con khỏe mạnh.

Những đối tượng nào nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), tất cả phụ nữ khi mang thai nên cần được kiểm tra tiểu đường thai kỳ.

Với hầu hết phụ nữ, xét nghiệm thường được thực hiện từ tuần 24 đến 28 thai kỳ. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao cần kiểm tra sớm hơn trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Giải đáp những thắc mắc về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Trường hợp phụ nữ mang thai nên tiến hành xét nghiệm thai kỳ

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ

  • Có thể trạng thừa cân, béo phì.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người thân thế hệ thứ nhất.
  • Tiền sử sinh con ≥ 4000g.
  • Tiền sử về rối loạn đường huyết trước đó.
  • Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi.
  • Tiền sử sinh sản trước đó bất thường: Thai lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.

Tiểu đường thai kỳ nếu không được tầm soát, chẩn đoán sớm có thể gây ra những biến chứng trong khi mang thai và khi sinh con.

Một số vấn đề thường hay gặp nếu không kiểm soát lượng đường tốt

  • Thai to hoặc suy dinh dưỡng.
  • Sang chấn khi sanh. Đặc biệt là gãy xương đòn và tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do con to khó sinh.
  • Đa ối.
  • Thai lưu.
  • Trẻ suy hô hấp sau sinh.
  • Nguy cơ trẻ bị béo phì và đái tháo đường cao hơn trẻ bình thường.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ gồm những gì?

Hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Điều này tùy thuộc vào dịch vụ cơ sở Sản phụ khoa bạn khám:

Phương pháp xét nghiệm đường huyết 2 bước

Đầu tiên, người mẹ sẽ được chỉ định uống hết 50g Glucose trong 5 phút. Sau đó, NVYT lấy máu của mẹ sau 1 giờ kể từ lúc uống để đo lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép, mẹ sẽ cần quay lại cơ sở y tế để làm xét nghiệm dung nạp glucose để có kết quả chính xác nhất.

Giải đáp những thắc mắc về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Tìm hiểu quy trình xét nghiệm thai kỳ

Với xét nghiệm dung nạp Glucose: Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng. Mẹ được dặn nhịn đói qua đêm từ 8 đến 14 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Nhân viên y tế lấy máu tĩnh mạch để đo đường huyết lúc đói. Sau đó, mẹ sẽ được uống 100g glucose trong 5 phút, và đo đường huyết máu sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ kể từ lúc uống.

Phương pháp xét nghiệm đường huyết 1 bước

Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng. Mẹ được dặn nhịn đói qua đêm từ 8 đến 14 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Nhân viên y tế sẽ lấy máu tĩnh mạch của mẹ và đo đường huyết máu 3 lần. Lần đầu tiên được gọi là đường huyết lúc đói.

Sau đó mẹ được uống dung dịch chưa 75g glucose trong 5 phút. Sau khi uống xong, mẹ được nghỉ ngơi và lấy máu tĩnh mạch đo đường huyết sau 1 giờ và sau 2 giờ kể từ lúc uống.

Kết quả xét nghiệm đường trong máu sẽ có 3 kết quả: Lượng đường trong máu lúc đói, sau 1 giờ và sau 2 giờ kể từ khi uống glucose.

Trong lúc làm xét nghiệm, mẹ không ăn hoặc uống nước ngọt tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ? Nên xét nghiệm ở đâu?

Đến nay xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được thực hiện rộng rãi tại nhiều cơ sở Sản phụ khoa với giá dao động tầm 200.000 đồng đến 350.000 đồng. Với chi phí xét nghiệm cụ thể còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Cơ sở xét nghiệm: Tại các cơ sở y tế lớn, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ thường có chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cao hơn. Nhưng đồng nghĩa mẹ sẽ được trải nghiệm chất lượng dịch vụ, cam kết. Đảm báo kết quả chính xác và sàng lọc nguy cơ cẩn trọng hơn.
  • Thường được xem nằm trong gói xét nghiệm. Tại các phòng khám Sản phụ khoa, thông thường mẹ sẽ được tư vấn đăng ký theo gói khám với chi phí rẻ hơn so với chi phí làm xét nghiệm đơn lẻ.
  • Loại xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: Tùy vào điều kiện tại cơ sở, mẹ sẽ được làm xét nghiệm tiểu đường 1 bước hoặc 2 bước.

Quan trọng hơn, người mẹ nên lựa chọn làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại cơ sở Sản phụ khoa uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm. Việc sàng lọc kỹ càng, tầm soát và chẩn đoán sớm tiểu đường thai kỳ sẽ giúp mẹ mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Nên chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm?

Để mẹ cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm, còn phụ nào vào loại xét nghiệm mà cơ sở y tế cung cấp cho bạn. Nếu mẹ làm xét nghiệm hai bước, ở bước đầu tiên, mẹ không cần chuẩn bị điều gì đặc biệt. Mẹ có thể ăn uống bình thường cả đêm trước và ngày làm xét nghiệm.

Trường hợp mẹ làm xét nghiệm một bước, mẹ sẽ được dặn tránh ăn hoặc uống nước ngọt trong vòng 8 đến 14 tiếng trước khi làm xét nghiệm.

Trên hết, mẹ cần hỏi bác sĩ xem mẹ sẽ được làm xét nghiệm đường huyết thai kỳ như thế nào. Liệu có bất kỳ điều đặc biệt gì cần kiêng khem, chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm hay không. Điều này sẽ giúp hạn chế những yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Cách đọc kết quả xét nghiệm đường huyết thai kỳ như thế nào?

Xét nghiệm đường huyết 2 bước

Ở lần đầu thử đường huyết mao mạch sau khi uống 50g đường glucose. Nếu kết quả đường huyết sau 1 giờ cho thấy mức đường trong máu < 140 mg/dl được gọi là bình thường. Nếu lượng đường trong máu từ 140 mg/dl trở lên, mẹ sẽ cần làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose để xác định mẹ mắc bệnh hay không.

Giá trị đường huyết bất thường sau khi dung nạp glucose với dung dịch 100g glucose trong 3 giờ là:

  • Đường huyết lúc đói: 95 mg/dl (5,3 mmol/l).
  • Sau 1 giờ: > 180 mg/dl (10,0 mmol/l).
  • Sau 2 giờ: > 155 mg/dl (8,6 mmol/l).
  • Sau 3 giờ: > 140 mg/dl (7,8 mmol/l).

Nếu có ≥ 2 chỉ số glucose huyết vượt qua chỉ số quy định là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Lúc này hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống; cùng các phương pháp khác để kiểm soát lượng đường trong máu tốt.

Xét nghiệm đường huyết 1 bước

Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA); chỉ số nồng độ đường huyết bình thường sau khi dung nạp 75g đường glucose bằng đường uống như sau:

  • Nồng độ đường huyết lúc đói: < 5,1 mmol/L (tương đương 92 mg/dL).
  • Nồng độ đường huyết 1 tiếng sau uống glucose: < 10,0 mmol/L (tương đương 180 mg/dL).
  • Đường huyết 2 tiếng sau uống glucose: < 8,5 mmol/L (tương đương 153 mg/dL).

Chỉ cần 1 kết quả bất thường trong các tiêu chuẩn trên sẽ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.

Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ cụ thể. Đặc biệt là dinh dưỡng tiết chế trong bữa ăn, thời lượng tập thể dụng trong ngày. Nếu lượng đường trong máu vẫn không kiểm soát tốt, mẹ có thể cần phối hợp dùng insulin.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có khó chịu không?

Một số bà mẹ cảm thấy buồn nôn sau khi uống dung dịch glucose. Có những thai phụ thậm chí còn nôn mửa sau khi uống. Nếu mẹ bị nôn ngay sau khi uống xong, mẹ sẽ phải quay lại cơ sở vào một ngày khác và kiểm tra lại. Một số tác dụng phụ khác khi uống dung dịch glucose bao gồm: đầy bụng, đau đầu…

Ngoài ra, do mẹ cần lấy máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm đường huyết. Vì thế vẫn có một số tác dụng phụ xảy ra như:

  • Chảy máu nhiều ở chỗ đâm kim.
  • Ngất xỉu, chóng mặt, hoa mặt ở một số đối tượng sợ máu.
  • Nhiễm trùng tại vị trí đâm tim (hiếm xảy ra).
  • Tổn thương, bầm tím vùng kim tiêm đâm hoặc một số đối tượng khó tìm ven tĩnh mạch.

Thực tế những tác dụng phụ trên thường ít gặp và các bà mẹ thường vượt quá nó tốt để hoàn thành xét nghiệm.

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến 10% các trường hợp mang thai. Nếu không được tầm soát và chẩn đoán sớm sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cả mẹ và con. Vì thế để có một thai kỳ tốt, mẹ cần tuân thủ lịch tầm soát các xét nghiệm. Trường hợp mẹ nằm trong nhóm nguy cơ cao, hãy khai báo với bác sĩ để được tư vấn tầm soát tiểu đường sớm.

Nếu thông qua các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cho kết quả mắc bệnh, mẹ đừng quá lo lắng. Hãy tuân thủ dinh dưỡng tiết chế, tập thể dục theo sự tư vấn của bác sĩ. Tin tốt cho mẹ rằng hầu hết các trường hợp kiểm soát lượng đường tốt trong thai kỳ đều sinh con bình thường và khỏe mạnh.  

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chửa trứng thử que có lên 2 vạch không?
Nhiều cặp đôi thắc mắc chửa trứng thử que có lên 2 vạch không? Tại sao thử que hiện 2 vạch nhưng siêu âm bác sĩ lại kết luận là không mang thai mà là
Hình ảnh tin tức Xuất huyết dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Xuất huyết dạ dày thuộc nhóm các rối loạn ở đường tiêu hóa trên (bao gồm thực quản, dạ dày, phần trên của ruột non gọi là tá tràng). Chúng ta nghi ngờ
Hình ảnh tin tức Nhu cầu sinh lý của đàn ông 40 tuổi? Tần suất quan hệ mấy lần 1 tuần?
Sự thay đổi về nhu cầu sinh lý hay ham muốn tình dục của đàn ông phần lớn do ảnh hưởng từ sự thay đổi nội tiết tố testosterone. Trong khi đó, đàn ông
Hình ảnh tin tức Cách nhận biết dấu hiệu đàn ông có nhu cầu sinh lý cao
Mức độ ham muốn tình dục hay nhu cầu sinh lý (sexual desire) ở mỗi người đàn ông là khác nhau. Sự tăng giảm nhu cầu sinh lý cũng diễn ra một cách tự
Hình ảnh tin tức 6 mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu và những lưu ý cần nhớ
Đau đầu là tình trạng phổ biến khi mang thai. Để giảm đau đầu nhưng không muốn sử dụng thuốc, nhiều chị em áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho