Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Gãy xương hàm (hay gãy xương hàm dưới) là một chấn thương phổ biến ở mặt, chỉ xếp sau gãy mũi. Nó phổ biến thứ 10 trong những xương bị gãy trên cơ thể con người. Gãy xương hàm dưới là kết quả của một lực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào xương hàm dưới. Khi bị chấn thương, xương có thể gãy kín hoặc hở, di lệch hoặc không. Tùy vào tình huống, nhưng đa số sẽ biểu hiện những triệu chứng như mô tả dưới đây.

1. Đặc điểm xương hàm dưới

Xương hàm dưới (XHD) là một xương di động, có nhiều đường cong theo các hướng khác nhau như: cằm, góc hàm… Nó là một xương dẹt, ngoài đặc, trong xốp, ở giữa có ống thần kinh răng dưới như một cái máng. Giữa vùng chân răng cối nhỏ có lỗ cằm, nơi dây thần kinh răng dưới đi ra.

Toàn bộ XHD to, nhưng khi cử động lại dựa vào lồi cầu và cổ lồi cầu nhỏ bé. Do đó, XHD có một số vị trí yếu như:

  • Vùng răng cửa.
  • Lỗ cằm.
  • Góc hàm.
  • Cổ lồi cầu.
Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Cấu trúc xương hàm dưới

2. Phân loại gãy xương

2.1. Vị trí gãy

  • Vùng cằm.
  • Cành ngang.
  • Góc hàm.
  • Cành cao.
  • Lồi cầu.
  • Mỏm vẹt.
  • Xương ổ răng.
Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Tỉ lệ gãy xương hàm dưới theo vùng giải phẫu

2.2. Liên quan với môi trường bên ngoài

  • Gãy kín: Vết gãy không gây rách da, niêm mạc hoặc màng nha chu. Không có mối liên hệ nào giữa xương hàm và môi trường.
  • Gãy hở: Xương hàm mở ra với môi trường.

2.3. Kiểu gãy

  • Gãy không hoàn toàn.
  • Hoàn toàn.
  • Kiểu cành tươi: Một phần của xương hàm bị gãy trong khi phần còn lại bị uốn cong.
  • Gãy vụn: Vùng xương hàm có các mảnh xương vụn hoặc xương dăm.

2.4. Sự di lệch

  • Không di lệch.
  • Di lệch theo chiều trên dưới.
  • Di lệch theo chiều ngang.

2.5. Hướng đường gãy

  • Thẳng.
  • Chéo.
  • Vát.

2.6. Số đường gãy

  • Gãy một đường.
  • Gãy nhiều đường: hai hoặc nhiều vết gãy riêng biệt của xương hàm.

2.7. Nguyên nhân

  • Gãy do tác động: Một phần của xương bị tác động bởi lực.
  • Do teo xương.
  • Gãy xương do bệnh lý.

3. Dịch tễ học

Nam giới có nguy cơ gãy hàm cao hơn phụ nữ khoảng 3 lần. Những người trong độ tuổi từ khoảng 20 – 30 là nhóm bị ảnh hưởng phổ biến nhất. Khoảng 42% trường hợp gãy xương hàm chỉ xảy ra ở một bên hàm. Một tỉ lệ lớn bệnh nhân bị gãy xương hàm có chấn thương liên quan đến một hoặc nhiều bộ phận sau: đầu, cổ, mặt, mắt và mũi.

Trước thế kỷ 19, hầu hết các ca gãy xương hàm đều được điều trị bằng bao bọc bên ngoài. Quá trình lành vết thương rất kém, thường xuyên bị nhiễm trùng và việc sắp xếp lại xương hàm để tạo điều kiện cho các vị trí bình thường của răng thường không được thực hiện. Những áp lực bình thường lên xương hàm do nhai thức ăn không giúp chữa lành gãy xương và nhiều người đã tử vong do không được điều trị đầy đủ hoặc không đúng cách.

Vào cuối những năm 1880, ổn định của xương hàm bằng các thanh, tấm và vít đã được áp dụng. Sự ổn định xương hàm đã được cải tiến hơn nữa trong những năm tiếp theo bao gồm cố định cứng với sự liên kết răng thích hợp bằng cách giảm hở với cố định tấm và vít, mặc dù đôi khi có thể thực hiện các thay đổi trong quy trình.

4. Nguyên nhân gãy hàm

Mặc dù gãy xương hàm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân bệnh lý (ví dụ: ung thư, mất xương do nhiễm trùng), nhưng phần lớn gãy xương xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Tai nạn giao thông.
  • Hành hung (chấn thương mặt).
  • Chấn thương liên quan đến thể thao (quyền anh, bóng đá…).
  • Té ngã.
Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Chơi các môn thể thao đối kháng có thể khiến hàm bị tổn thương

Phần lớn gãy xương hàm dưới (xương hàm) xảy ra ở nam thanh niên (20 – 30 tuổi).

5. Các triệu chứng gãy hàm

Ở đa số bệnh nhân, các dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương hàm bắt đầu xuất hiện ngay sau một số chấn thương ở hàm.
  • Gián đoạn và đau chói bờ xương hàm dưới. Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán xác định gãy xương hàm dưới.
  • Biến dạng xương. Triệu chứng này gặp trong trường hợp gãy di lệch nhiều và là dấu hiệu chắc chắn để chẩn đoán gãy xương. Có ý nghĩa trong việc lựa chọn chỉ định điều trị
  • Sưng nề, tụ máu ngoài mặt hoặc ngách miệng: tùy thuộc vào vị trí gãy, mức độ sang chấn. Vị tri sưng nề giúp chúng ta hướng đến vị trí gãy. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu quan trọng để chấn đoán xác định xương gãy.
  • Chảy máu.
  • Sai khớp cắn: răng không khớp với nhau một cách chính xác.
  • Gián đoạn và di lệch cung răng.
Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Gãy xương hàm dưới vùng cằm làm gián đoạn cung răng
  • Có thể gặp khó khăn khi nói hoặc nhai thức ăn, khi há.
  • Cằm hoặc môi dưới có thể bị tê do tổn thương dây thần kinh hàm dưới.
  • Ngoài ra, còn có thể bị bầm tím dưới lưỡi hoặc thậm chí là vết cắt trong ống tai do xương hàm bị gãy di chuyển về phía sau.
  • Chảy nước dãi và không thể ngậm miệng.

6. Khám và đánh giá gãy xương

Nếu sau một số chấn thương ở hàm hoặc mặt, răng bị lệch lạc, chảy máu trong miệng, đau nhiều, khó nói hoặc sưng tấy, tốt nhất bạn nên đi khám. Gãy hàm được đánh giá tốt nhất tại bệnh viện. Do đó, hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên chúng ta nên đi cấp cứu, tốt nhất là tại một bệnh viện lớn, nơi có nhiều chuyên gia (bác sĩ phẫu thuật răng miệng) để giúp đánh giá và điều trị cá nhân nếu cần.

Một hậu quả tiềm ẩn nhưng nghiêm trọng của gãy xương hàm là khó thở do lưỡi bị mất hỗ trợ. Do đó, bất kỳ dấu hiệu nào của vấn đề hô hấp cần được giải quyết ngay lập tức.

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và chỉ định chụp X quang nếu cần. Không cần xét nghiệm máu trừ khi nghi ngờ có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể đóng vai trò gây ra chấn thương (ví dụ: té ngã do các vấn đề y tế) hoặc nếu bạn cần đến phòng phẫu thuật để cố định vết gãy.

  • Khám ngoài mặt: sẽ bao gồm kiểm tra tổng thể khuôn mặt để xem có biến dạng rõ ràng, bầm tím hoặc sưng tấy hay không. Bước tiếp theo sẽ là sờ xương hàm qua da.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra chuyển động của hàm dưới.
  • Sau khi khám bên ngoài xong, bác sĩ sẽ kiểm tra bên trong miệng. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cắn và đánh giá răng có thẳng hàng, liên tục không? Khớp cắn như thế nào? Có các vết bần tím, tụ máu không?
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra xương hàm xem có ổn định không. Với việc kiểm tra lưỡi thẳng, bác sĩ có thể đặt một que đẩy (dụng cụ hạ lưỡi, một thanh gỗ phẳng) vào giữa răng trên và dưới và đánh giá xem bệnh nhân có thể giữ được lưỡi ở vị trí hay không.
Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Bác sĩ cũng cần phải kiểm tra răng
  • Các loại phim có thể được chỉ định chup gồm:
    • X quang toàn cảnh.
    • Mặt thẳng.
    • CT scan, 3D.
    • Blondeau-Hirzt, cằm chếch… nếu nghi ngờ và cần quan sát tại các vị trí gãy khác nhau.

7. Các phương pháp điều trị gãy xương hàm

 Có hai loại phương pháp điều trị:

  • Điều trị bằng chỉnh hình.
  • Điều trị bằng phẫu thuật.

Đứng trước một trường hợp gãy xương, bao giờ cũng nên nghĩ đến và tìm cách điều trị bằng chỉnh hình. Vi phương pháp chỉnh hình, người ta có thể giải quyết được phần lớn các trường hợp. Chỉ khi nào tiên lượng điều trị chỉnh hình không mang lại kết quá, ít kết quả hoặc kết quả không chắc chắn mới nghĩ đến phẫu thuật hoặc phẫu thuật phối hợp với chỉnh hình.

Mục đích của điều trị:

  • Phục hồi chức năng:

  • Làm cho các đầu xương gãy liền lại đúng vị trí. Bảo đảm chức năng của bộ máy nhai.
  • Thước đo cụ thể là khớp cắn trung tâm đúng. Ăn, nói, nuốt, há, ngậm miệng + cảm giác: bình thường.
  • Phục hồi thẩm mỹ:

Không để lại các biến dạng quan trọng trên mặt và các lồi lõm trên xương. Các di chứng của các cơ quan trên mặt và các sẹo xấu.

Yêu cầu của điều trị:

Có 3 yêu cầu:

  • Nắn chỉnh lại xương gãy.
  • Cố định xương gãy.
  • Ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Ba yêu cầu này có liên quan mật thiết với nhau. Nếu một khâu nào làm không tốt sẽ đem ảnh hưởng đến kết quả và thời gian.

7.1. Nắn chỉnh xương hàm dưới:

Có nhiều cách nắn chỉnh tùy theo mức độ:

7.1.1. Nắn chỉnh bằng tay

Đối với các trường hợp gãy ít di lệch và mới, có thể nắn chỉnh bằng tay dưới gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng.

7.1.2. Nắn chỉnh bằng lực kéo

Khi chấn thương đã hơi cũ, nắn chỉnh bằng tay không đạt kết quả có thể sử dụng lực kéo của cao su, lò xo, ốc nắn hàm. Thông thường và đơn giản nhất là buộc nẹp thép hai hàm. Sau đó, mắc các vòng cao su theo hướng cần thiết để tạo một lực kéo liên tục nắn xương dần dần về đúng vị trí.

7.1.3. Nắn chỉnh bằng phẫu thuật

Khi nắn chỉnh bằng tay hoặc lực kéo không có kết quả hoặc xương liền xấu, phải dùng phương pháp phẫu thuật đục gãy hàm trở lại để nắn chỉnh cho đúng, sau đó cố định lại.

Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Điều trị gãy xương hàm dưới bằng nắn chỉnh và cố định nẹp vít

7.2. Cố định xương gãy

7.2.1. Cố định bằng chỉnh hình

Các phương pháp trong miệng:

  • Buộc số 8.
  • Buộc dây theo LEBLANC, hình thang, theo IVY, theo STOUT.

Các phương pháp ngoài miệng:

  • Làm mũ thạch cao làm chỗ tựa để cố định hàm dưới.
  • Phương pháp này cồng kềnh, khó chịu cho bệnh nhân nên ít dùng.

7.2.2. Cố định bằng phẫu thuật

  • Buộc vòng quanh hàm, phương pháp BLACK IVY: Mục đích bất động các đoạn gãy ở hàm dưới của người không còn răng hoặc ở trẻ con chưa mọc đủ răng sau khi đã nắn chỉnh xương.
  • Khâu kết hợp xương bằng dây thép không rỉ.
  • Kết hợp xương bằng đinh.
  • Kết hợp xương bằng nẹp bắt ốc.
  • Cố định bằng treo từ xa lên khối xương hàm trên.

Treo hàm dưới vào: hố mũi, bờ dưới ổ mắt, mấu mắt ngoài thuộc xương trán, cung tiếp gò má.

Những cách treo cố định 2 hàm nêu trên ngày nay hầu như không dùng nữa. Phương pháp phổ biến là kết hợp xương bằng nẹp và vít.

Tiên lượng điều trị của gãy xương hàm thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Vết gãy nhỏ thường có thể tự lành mà không cần đến sự can thiệp của y tế. Những trường hợp gãy nặng hơn có thể sẽ cần đến các thiết bị y tế hỗ trợ quanh hàm. Quá trình chữa bệnh có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.

Trong hầu hết các trường hợp, hàm lành lại thành công và ít ảnh hưởng lâu dài. Thời gian phục hồi có thể lâu hơn nếu hàm không được nghỉ ngơi đầy đủ. Phẫu thuật cũng có thể kéo dài thời gian hồi phục hoàn toàn. Sau điều trị, bạn cũng có thể gặp các biến chứng như: nhiễm trùng, sai khớp, cal lệch, tổn thương thần kinh… Do đó, cần phải theo dõi và tái khám liên tục để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm