Bạn biết gì về thuốc xịt kiểm soát cơn hen và COPD Flixotide (fluticasone)?

Thuốc Flixotide (fluticasone) là thuốc gì? Thuốc hoạt động như thế nào để có thể mang lại hiệu quả điều trị như vậy? Trong quá trình dùng thuốc, cần nên lưu ý những điều gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!

Tên thành phần hoạt chất: Fluticasone.

Thuốc Flixotide (fluticasone) là thuốc gì?

Bình xịt Flixotide có chứa hoạt chất fluticasone propionat. Trong đó, fluticasone propionat là:

  • Corticosteroid tổng hợp có nguyên tử fluor gắn vào khung steroid.
  • Chủ yếu có tác dụng của glucocorticoid.
  • Có cơ chế tác dụng tại chỗ là sự phối hợp 3 tính chất quan trọng: chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch.

Flixotide

Chỉ định của thuốc Flixotide (fluticasone)

  • Bệnh hen.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có viêm phế quản mạn.

Trường hợp không nên dùng thuốc Flixotide

  • Dị ứng với fluticasone hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
  • Mục đích làm giảm co thắt phế quản cấp cho người bệnh hen.
  • Không dùng làm thuốc đầu tiên để điều trị cơn hen nặng hoặc những giai đoạn hen cấp khác cần phải dùng những biện pháp mạnh.

Hướng dẫn dùng thuốc Flixotide

1. Cách dùng bình xịt

Thao tác chuẩn bị

Tháo nắp ống ngậm bằng cách bóp nhẹ hai bên nắp và kiểm tra bình xịt cả bên trong và bên ngoài xem có chỗ nào bị hở và ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bên trong hay không.

Sau đó, để xem bình xịt có hoạt động hay không, hãy xịt thử vài nhát ngoài không khí để đánh giá tình trạng thuốc ra.

Kỹ thuật sử dụng

  1. Trước khi dùng thuốc nên thở càng chậm càng tốt.
  2. Tư thế khi dùng thuốc: đứng hoặc ngồi thẳng.
  3. Lắc đều bình xịt 4 – 5 lần để đảm bảo toàn bộ thành phần trong thuốc được trộn đều vào nhau.
  4. Giữ bình xịt thẳng đứng giữa ngón tay cái và các ngón khác, với vị trí ngón tay cái ở đáy bình, phía dưới của ống ngậm. Sau đó, thở ra hết cỡ.
  5. Ngậm ống kín giữa 2 hàm răng, khép hờ môi xung quanh miệng nhưng không được cắn.
  6. Tiếp theo, hít vào sâu và đều đặn. Khi bắt đầu hít vào hãy ấn xuống phần đỉnh của bình xịt để đưa thuốc vào trong lúc vẫn đang hít vào.
  7. Lấy bình xịt ra khỏi miệng và nín thở trong vài giây.
  8. Trường hợp theo chỉ định phải sử dụng 2 liều thuốc, chờ vài phút để hít lần tiếp theo như các bước đã được hướng dẫn ở trên.
  9. Sau khi sử dụng cần phải súc miệng, vệ sinh miệng sạch sẽ.
  10. Đậy nắp ống ngậm ngay khi không còn sử dụng để tránh bụi bẩn.

Vệ sinh bình xịt

Tháo nắp ống ngậm (Không tháo bỏ vỏ kim loại ra khỏi vỏ nhựa).

Vệ sinh bên trong và bên ngoài ống ngậm và vỏ nhựa bằng vải khô hoặc khăn giấy.

Thay nắp ống ngậm.

2. Liều dùng

Bạn cần dùng thuốc thường xuyên ngay cả khi không có triệu chứng. Flixotide chỉ được hít qua đường miệng. Nếu cảm thấy khó khăn khi hít thuốc từ bình xịt định liều thì nên sử dụng bình xịt dưới dạng hít qua buồng đệm.

Mỗi liều được thiết kế thường là 2 nhát xịt/ liều.

Trường hợp người bệnh bị hen

Thời gian bắt đầu có tác dụng điều trị là từ 4 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số lợi ích có thể thấy rõ sớm sau 24 giờ ở những bệnh nhân chưa dùng steroid dạng hít trước đó.

Bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu thấy hiệu quả của thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn kém đi hoặc bệnh nhân cần xịt thuốc nhiều hơn bình thường.

Người lớn và thanh thiếu niên > 16 tuổi

  • Liều 100 – 1000 mcg x 2 lần/ngày.

Bệnh nhân nên sử dụng liều khởi đầu phù hợp tùy thuộc vào tình trạng của bệnh

  • Nhẹ: 100 – 250 mcg x 2 lần/ ngày.
  • Vừa: 250 – 500 mcg x 2 lần/ ngày.
  • Nặng: 500 – 1000 mcg x 2 lần/ ngày.

Sau đó, tùy vào đáp ứng của bệnh nhân, có thể hiệu chỉnh cho đến khi đạt được kiểm soát hay giảm đến liều thấp nhất có hiệu quả.

Lưu ý không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân cao tuổi hay người bị suy gan hoặc suy thận.

Tác dụng phụ của thuốc Flixotide (fluticasone)

  • Sốt, ớn lạnh, suy nhược.
  • Tình trạng chảy máu cam nặng.
  • Buồn nôn, nôn mửa, các triệu chứng cúm.
  • Chảy nước mũi, hoặc có vảy xung quanh lỗ mũi.
  • Phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
  • Mờ mắt, đau mắt, hoặc nhìn thấy quầng sáng quanh đèn.
  • Da bị đỏ, loét, hoặc có mảng trắng trong miệng hoặc cổ họng.

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Nhức đầu.
  • Đau lưng.
  • Chảy máu mũi nhẹ.
  • Đau xoang, ho, đau họng.
  • Xuất hiện các vấn đề trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Cảm giác mất hứng thú trong quan hệ tình dục.
  • Lở loét hoặc có mảng trắng bên trong hoặc xung quanh mũi.

Tương tác thuốc khi dùng Flixotide (fluticasone)

  • Corticosteroid dùng theo đường hít và/hoặc theo đường toàn thân.
  • Thuốc tác động lên isoenzym 3A4 của cytochrom P450 ở gan (ảnh hưởng lên chuyển hóa của thuốc).
  • Ketoconazol (liều 200 mg/ lần/ngày) (làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương).

Lưu ý khi dùng thuốc Flixotide (fluticasone)

  • Không ngừng thuốc đột ngột.
  • Thường xuyên kiểm tra chiều cao của trẻ khi dùng dùng lâu dài.
  • Thuốc không làm giảm triệu chứng của cơn hen cấp tính (tình trạng này cần phải dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn dạng hít).
  • Diễn biến xấu đột ngột và nặng dần trong kiểm soát hen có nguy cơ đe dọa tính mạng của bệnh nhân, do đó nên cân nhắc trong việc tăng liều corticosteroid.
  • Tác dụng toàn thân có thể xảy ra với bất cứ một corticosteroid dạng hít nào, đặc biệt khi dùng liều cao và dài hạn. Các tác động có thể gặp là hội chứng Cushing, biểu hiện giống Cushing, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thanh thiếu niên, giảm mật độ khoáng xương, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
  • Việc thay thế liệu pháp dùng steroid toàn thân bằng steroid dạng hít có thể xuất hiện các bệnh lý dị ứng khác như viêm mũi dị ứng hoặc chàm đã được kiểm soát trước đó bằng steroid toàn thân.
  • Lưu ý khi dùng thuốc ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân lao phổi thể hoạt động hoặc thể yên lặng.
  • Nếu xuất hiện co thắt phế quản nghịch lý với tình trạng thở khò khè tăng ngay sau khi dùng thuốc. Cần ngừng ngay thuốc và đánh giá tình trạng của bệnh nhân.

Ngoài ra, nên kiểm tra cách dùng bình xịt của bệnh nhân để đảm bảo sự đồng bộ giữa động tác xịt thuốc và động tác hít vào để đưa thuốc đến phổi một cách tối ưu.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

1. Phụ nữ mang thai

Thuốc được sử dụng cho người mang thai bị bệnh hen vì hen gây thiếu oxy dẫn đến nguy hiểm cho bào thai. Với liều điều trị bình thường thuốc ít gây nguy cơ quái thai ở người.

2. Phụ nữ cho con bú

Bạn nên hỏi kĩ bác sĩ để được tư vấn trước khi dùng thuốc để tránh gây ảnh hưởng lên trẻ.

Xử trí khi quên một liều Flixotide

  • Nếu quên liều, dùng ngay sau khi nhớ ra.
  • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
  • Trường hợp gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình bình thường.

Cách bảo quản thuốc

  • Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và thú cưng.
  • Tránh để thuốc ở nơi ẩm ướt như nhà tắm. Tránh ánh sáng trực tiếp.
  • Bảo quản nơi khô ráo ở nhiệt độ từ 15 – 30 °C.
  • Không được dùng thuốc đã hết hạn và phải biết xử lí những thuốc này trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Trên đây là thông tin của bình xịt Flixotide kiểm soát cơn hen và COPD. Hãy đảm bảo sử dụng bình xịt đúng cách và dùng đúng liều lượng mà bác sĩ tư vấn để có thể đạt hiểu quả tối ưu.