Epstein-Barr Virus (EBV) gây bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Virus Epstein-Barr là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Chúng rất dễ lây lan qua dịch tiết của cơ thể, đặc biệt là nước bọt. Virus này là thủ phạm gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Ngoài ra, chúng cũng có liên quan tới một số loại ung thư và bệnh tự miễn. Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng Lê Minh Hùng tìm hiểu về Epstein-Barr Virus (EBV) qua bài viết sau.

Tổng quan về Virus Epstein-Barr

Virus Epstein-Barr (EBV) là một loại virus rất phổ biến, lây lan qua nước bọt và dịch cơ thể. EBV là một thành viên của gia đình herpesvirus, có tên gọi khác là Human herpesvirus 4.1

Epstein-Barr Virus (EBV) gây bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Epstein-Barr (EBV) là một loại virus rất phổ biến, lây lan qua nước bọt và dịch cơ thể

Khi nhiễm EBV, hầu hết các trường hợp không có triệu chứng. Tuy nhiên ở một số đối tượng như thanh thiếu niên và thanh niên, virus này có thể gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

Sau khi nhiễm EBV, virus sẽ trú ngụ trong cơ thể bạn ở trạng thái không hoạt động. Tuy nhiên, virus có thể bị tái kích hoạt và gây ra triệu chứng, cho dù bạn có thể nhiễm EBV lần đầu từ rất lâu trước đó.1

Nguyên nhân mắc Epstein-Barr Virus

Virus EBV thường lây lan qua các loại dịch tiết của cơ thể, đặc biệt là nước bọt.1 Tuy nhiên, EBV cũng có thể lây lan qua đường máu và tinh dịch khi quan hệ tình dục, truyền máu và ghép tạng.2

Virus EBV có thể lây truyền khi sử dụng chung các đồ vật với người bị nhiễm bệnh, ví dụ như bàn chải đánh răng hoặc ly nước. Virus EBV có thể tồn tại trên một đồ vật khi đồ vật đó vẫn còn ẩm.3

Khi bạn bị nhiễm virus EBV lần đầu tiên (nhiễm EBV nguyên phát), bệnh nhân có thể lây lan virus trong vòng nhiều tuần, ngay cả khi bạn chưa có triệu chứng. Một khi virus đã vào trong cơ thể, nó sẽ ở trạng thái tiềm ẩn (không hoạt động). Nếu virus tái hoạt động, bệnh nhân có thể lây lan EBV cho người khác.3

Virus EBV gây bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết thế nào?

1. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn

Virus EBV là nguyên nhân thường gặp nhất của Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.1 2

Tuy nhiên, một số loại virus khác cũng có thể gây ra bệnh này (Cytomegalovirus, Toxoplasmosis, Rubella, Adenovirus,…).

Bệnh phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên, đặc biệt là ở sinh viên đại học. Ở nhóm đối tượng nêu trên, trên 1/4 số người bị nhiễm virus EBV sẽ bị bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.4

Epstein-Barr Virus (EBV) gây bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Bệnh phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên, đặc biệt là ở sinh viên đại học

Dấu hiệu bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn

Các triệu chứng điển hình của bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng thường xuất hiện từ 4 đến 6 tuần sau khi nhiễm EBV. Các triệu chứng có thể diễn tiến chậm và không xảy ra cùng một lúc.4

Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Sốt.
  • Đau họng.
  • Đau đầu và đau nhức toàn thân.
  • Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ và nách.
  • Gan to và/hoặc lá lách to.
  • Phát ban.
Epstein-Barr Virus (EBV) gây bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ

Lách to và gan to là những triệu chứng ít gặp. Đối với một số bệnh nhân, gan và/hoặc lách của họ có thể vẫn còn to ngay cả khi họ không còn triệu chứng mệt mỏi.

Hầu hết các bệnh nhân sẽ khỏe hơn sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy mệt mỏi trong vòng vài tuần sau đó. Đôi khi, các triệu chứng của bệnh này có thể kéo dài trên sáu tháng.4

2. Mối liên quan giữa virus EBV và ung thư

Nhiễm EBV có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hiếm gặp, do các đột biến trong các tế bào bị nhiễm EBV có thể hình thành tế bào ung thư.

Theo Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ, Virus EBV có thể  thể liên quan đến một số loại ung thư, bao gồm:5

  • Ung thư vòm họng, hoặc ung thư đáy lưỡi.
  • Một số loại lymphoma, bao gồm cả Burkitt’s lymphoma.
  • U lympho Hodgkin.
  • Ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Các loại ung thư liên quan đến EBV thường không phổ biến. Hầu hết những người đã từng bị nhiễm EBV không mắc các loại ung thư kể trên. Các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác định những đột biến gây ra các loại ung thư này và lý do tại sao EBV có thể gây ra chúng. Nhìn chung, người ta ước tính rằng virus EBV chỉ góp phần vào khoảng 1%  các bệnh ung thư trên toàn thế giới.6

3. Một số bệnh khác

EBV cũng có thể liên quan tới một số bệnh khác, bao gồm các rối loạn tự miễn và tâm thần phân liệt.

Rối loạn tự miễn

EBV từ lâu được cho là có liên quan đến các rối loạn tự miễn, chẳng hạn như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Các chuyên gia tin rằng EBV có thể gây ra những thay đổi trong việc biểu hiện gen, làm tăng nguy cơ hình thành các rối loạn tự miễn.

Một nghiên cứu năm 2018 được hỗ trợ bởi Viện Quốc gia về Bệnh dị ứng và truyền nhiễm Hoa Kỳ tìm ra rằng virus EBV có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh Lupus.7 Các tác giả của nghiên cứu tin rằng, với cùng một cơ chế, virus EBV có thể liên quan với các tình trạng tự miễn khác, bao gồm:

  • Bệnh đa xơ cứng.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh Celiac (không dung nạp gluten).
  • Bệnh đái tháo đường type 1.
  • Bệnh viêm ruột mạn tính.
  • Viêm khớp tự phát thiếu niên.
  • Các bệnh tự miễn của tuyến giáp, bao gồm viêm giáp Hashimoto và bướu cổ basedown (bệnh Graves).

Các tác giả gợi ý rằng virus EBV, cùng với các yếu tố khác, có thể kích hoạt một số gen làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn.

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về các bệnh này để hiểu rõ mối liên hệ giữa EBV và các tình trạng tự miễn.

Tâm thần phân liệt

Một nghiên cứu năm 2019 đã xem xét tỷ lệ nhiễm EBV ở hơn 700 người có và không mắc bệnh tâm thần phân liệt.8 Những người bị tâm thần phân liệt có nồng độ kháng thể chống lại virus EBV cao hơn những người không mắc bệnh, cho thấy họ có phản ứng miễn dịch bất thường với virus này.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ở những người có các yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh, hoặc có kháng thể chống lại virus EBV tăng cao, nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt của họ cao hơn 8 lần so với những người không có 2 yếu tố trên.

Epstein-Barr Virus (EBV) gây bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Epstein-Barr là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

Một nghiên cứu nhỏ hơn vào năm 2021 của cùng tác giả với nghiên cứu trên đã phát hiện ra rằng trong 84 người bị tâm thần phân liệt, lượng kháng thể chống virus EBV trong máu tăng cao có liên quan đến việc suy giảm khả năng nhận thức. Các tác giả nghiên cứu cho rằng phơi nhiễm với virus EBV có thể góp phần gây ra suy giảm nhận thức ở những người bị tâm thần phân liệt.9

Các nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành để nghiên cứu về mối liên hệ giữa nhiễm EBV và bệnh tâm thần phân liệt.

Xét nghiệm EBV

Chẩn đoán nhiễm EBV có thể khó khăn vì các triệu chứng tương tự như các bệnh khác. Nhiễm EBV có thể được xác nhận bằng xét nghiệm máu phát hiện kháng thể. Các xét nghiệm EBV có thể giúp phân biệt tình trạng đã bị nhiễm EBV hay chưa.1 3

Các loại kháng thể chống lại kháng nguyên của virus EBV có thể được xét nghiệm bao gồm:3 10

1. Kháng thể chống lại Kháng nguyên capsid của virus (Anti-VCA)

Anti-VCA IgM xuất hiện sớm sau khi nhiễm virus EBV và thường biến mất trong vòng bốn đến sáu tuần.

Anti-VCA IgG xuất hiện trong giai đoạn cấp sau khi nhiễm virus EBV, đạt đỉnh vào hai đến bốn tuần sau khi bệnh khởi phát, giảm nhẹ và sau đó tồn tại mãi mãi trong máu của người nhiễm.

2. Kháng thể chống lại Kháng nguyên sớm (Anti-EA)

Anti-EA IgG xuất hiện trong giai đoạn cấp tính của bệnh và thường giảm xuống mức không thể phát hiện được sau ba đến sáu tháng. Ở nhiều người, việc phát hiện kháng thể Anti-EA IgG trong máu là một dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đang hoạt động. Tuy nhiên, có thể phát hiện loại kháng thể này trong máu 20% người khỏe mạnh trong vòng nhiều năm.

3. Kháng thế chống lại Kháng nguyên nhân EBV (Anti-EBNA)

Kháng thể anti-EBNA được xác định bằng xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang. Tuy nhiên không thể tìm thấy loại kháng thể này trong giai đoạn nhiễm EBV cấp tính. Anti-EBNA sẽ từ từ xuất hiện sau khi có triệu chứng hai đến bốn tháng và tồn tại mãi mãi.

4. Xét nghiệm Monospot

Xét nghiệm Monospot không được khuyến cáo sử dụng trên lâm sàng.  Monospot có thể cho kết quả dương tính giả và âm tính giả. Thêm vào đó, xét nghiệm Monospot không xác nhận được tình trạng nhiễm EBV của bệnh nhân.

Điều trị các bệnh do virus EBV gây ra

Điều trị virus Epstein-Barr có mục tiêu giải quyết các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện những điều sau:1 2

  • Uống nhiều nước.
  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn. Tuy nhiên cần đảm bảo liều lượng.

Nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải tránh hoạt động thể chất quá mức có thể dẫn đến vỡ lách nếu trường hợp virus này làm cho lá lách của bạn to ra.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm virus EBV có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm:3

  • Vỡ lách.
  • Thiếu máu.
  • Giảm tiểu cầu.
  • Viêm gan.
  • Viêm cơ tim.
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bao gồm viêm não, viêm màng não và hội chứng Guillain-Barré.

Nếu nghi ngờ nhiễm virus EBV, bạn nên đi khám bác sĩ nếu lo lắng về các triệu chứng của mình. Bác sĩ có thể đánh giá các triệu chứng của bệnh và dặn dò những việc nên làm.

Đối với bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng1 4

Khi mắc Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, bạn không nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh penicillin như ampicillin hoặc amoxicillin.

Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng thường sẽ tự hồi phục trong vài tuần.

Do bệnh có thể gây ra tình trạng lách to, bạn nên tránh tham gia các môn thể thao vận động mạnh cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Tham gia các môn thể thao này có thể khiến lách bị vỡ.

Có thể phòng ngừa Epstein-Barr Virus (EBV) được không?

Hiện chưa có vaccine ngừa virus EBV. Bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa virus bằng cách:

  • Không dùng chung thức ăn hoặc đồ uống với người mắc virus.
  • Không hôn người mắc virus.
  • Không dùng chung bàn chải đánh răng hoặc các đồ vật khác với người mắc virus.
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục với người mắc virus.

Trên đây là những thông tin về Epstein-Barr Virus (EBV). Triệu chứng của bệnh không rõ nét và thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì vậy, khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám ngay. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang
Hình ảnh tin tức Khám phụ khoa là khám những gì? Chị em nên khám phụ khoa ở đâu?
Khám phụ khoa định kỳ là bước quan trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Song nhiều chị em vẫn chưa
Hình ảnh tin tức 35 tuổi có tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không?
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung thường được khuyến nghị cho trẻ từ 12-13 tuổi để bảo vệ và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung trước khi có quan hệ tình dục lần
Hình ảnh tin tức Nên đeo bao cao su lúc nào khi quan hệ? Cách đeo bao cao su đúng cách
Sử dụng bao cao su để ngừa thai và bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục là một phương pháp phổ biến. Nhưng nên đeo bao cao su