Bột sủi bọt Efferalgan cho trẻ em: những điều cần lưu ý

Thuốc bột sủi bọt Efferalgan là gì? Thuốc Efferalgan được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Efferalgan 80 mg trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!

Thuốc bột sủi bọt Efferalgan là gì?

Thành phần bột sủi Efferalgan

Hoạt chất

  • Paracetamol: 80 mg

Tá dược

  • Acid citric khan.
  • Natri carbonat khan, Natri hydrogen carbonat.
  • Sorbitol, Natri saccharin.
  • Natri docusate, Natri benzoat.
  • Povidone.
Efferalgan (Bột sủi)
Bột sủi Efferalgan 80 mg

Công dụng và đối tượng sử dụng của thuốc Efferalgan

Đối tượng hướng tới của thuốc Efferalgan này là trẻ em.

Thuốc Efferalgan được chỉ định để điều trị các triệu chứng:

  • Đau từ nhẹ đến trung bình hoặc sốt như đau đầu.
  • Chữa các tình trạng như cúm, đau răng, nhức mỏi cơ.
  • Ngoài ra, thuốc còn dùng để điều trị đau bụng kinh.

Không nên dùng thuốc Efferalgan cho trẻ em nếu

  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong công thức của thuốc kể cả hoạt chất hoặc tá dược.
  • Đối tượng là bệnh nhân mắc bệnh gan nặng hoặc bệnh gan đang tiến triển.
  • Không dùng thuốc trên đối tượng không dung nạp với fructose (vì sự có mặt của sorbitol).
  • Ngoài ra, với các trường hợp bị thiếu hụt men Glucose-6-Phosphate Dehydrogenase (G6PD) cũng không nên cho dùng.

Cách dùng thuốc Efferalgan cho trẻ em hiệu quả

Cách dùng

  • Đối tượng: dạng thuốc này dành cho trẻ cân nặng từ 6 đến 20 kg (nằm trong độ tuổi từ 1 – 7 tuổi).
  • Efferalgan trong phần trình bày này được bào chế dưới dạng bột sủi bọt.
  • Do đó, để dùng thì cần phải hòa bột sủi bọt vào một ít đồ uống lỏng (như nước, sữa, nước trái cây) để tạo thành một dung dịch uống cho trẻ.
  • Uống ngay sau khi hòa tan hoàn toàn.

Lưu ý: Nếu trẻ sốt > 38,5°C, cần tiến hành các bước sau để nhanh chóng hạ nhiệt cho trẻ

  • Trước tiên, cởi bỏ bớt quần áo của trẻ (đồ thoáng, không bí mồ hôi).
  • Tiếp đến cho trẻ uống thêm chất lỏng (nước, dung dịch thuốc).
  • Tránh để trẻ ở nơi quá nóng.
  • Trường hợp nếu cần, hãy lau người cho trẻ bằng nước ấm.

Liều dùng

1. Đối tượng là trẻ có chỉ số chức năng bình thường

  • Nên dùng thuốc Efferalgan ở liều từ 10 – 15 mg/kg/liều x 4 – 6 lần/ ngày, mỗi liều uống cách nhau 4- 6 giờ.
  • Tổng liều tối đa mỗi ngày là 60 mg/kg/ngày.
  • Lưu ý, liều tối đa mỗi ngày < 3 g.

*Liều dùng tham khảo tương ứng với cân nặng và tuổi tác cụ thể dưới đây:

  • Bé cân nặng từ 6 – 8 kg (khoảng 1-2 tuổi) dùng liều 80 mg (1 gói) tối thiểu mỗi 6 giờ (tối đa 320 mg/ngày – 4 gói).
  • Bé cân nặng từ 8 – 11 kg (khoảng 2-3 tuổi) dùng liều 80 mg (1 gói) tối thiểu mỗi 4 giờ (tối đa 480 mg/ngày – 6 gói).
  • Bé cân nặng từ 11 – 16 kg (khoảng 3-6 tuổi) dùng liều 160 mg (2 gói) tối thiểu mỗi 6 giờ (tối đa 640 mg/ngày – 8 gói).
  • Bé cân nặng từ 16 – 20 kg (khoảng 6-7 tuổi) dùng liều 160 mg (2 gói) tối thiểu mỗi 4 giờ (tối đa 960 mg/ngày – 12 gói).
  • Bé cân nặng > 20 kg (> 7 tuổi) nên dùng một dạng thuốc uống thay thế khác.

2. Đối tượng suy thận

Đối với bệnh nhân suy thận nặng thì khoảng cách tối thiểu giữa mỗi lần dùng thuốc nên được điều chỉnh theo bảng sau (tham khảo).

  • Độ thanh thải Creatinin ≥ 50 ml/phút, dùng thuốc sau mỗi 4 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin từ 10 – 50 ml/phút, dùng thuốc sau mỗi 6 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin < 10 ml/phút, dùng thuốc sau mỗi 8 giờ.

3. Đối tượng bệnh nhân suy gan

Lưu ý trên bệnh nhân bệnh gan mạn tính hoặc bệnh gan còn bù thể hoạt động.

Đặc biệt chú ý ở những bệnh nhân mắc phải các tình trạng sau.

  • Suy tế bào gan.
  • Nghiện rượu mạn tính.
  • Suy dinh dưỡng kéo dài (kém dự trữ glutathion ở gan).
  • Mất nước.

Liều dùng nên < 3 g/ ngày.

Tác dụng phụ của bột sủi bọt Efferalgan

  • Tiêu chảy, đau bụng.
  • Mày đay, ban đỏ, phát ban, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Giảm lượng tiểu cầu, giảm bạch cẩu trung tính, giảm bạch cầu.
  • Tăng men gan.
  • Phản ứng phản vệ, phù Quincke, quá mẫn.
  • Tình trạng hạ huyết áp. Đây là triệu chứng của quá mẫn.

Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Efferalgan cho trẻ em

  • Thuốc chống đông máu.
  • Phenytoin.
  • Probenecid.
  • Salicylamid.
  • Các chất gây cảm ứng enzym: barbiturat, isoniazid, carbamazepin, rifampin và ethanol.

Những lưu ý khi dùng thuốc Efferalgan cho trẻ em

Vì trong thành phần của thuốc có sorbitol nên thuốc này không được sử dụng trong trường hợp không dung nạp với fructose.

Lưu ý, nếu dùng thuốc vượt liều khuyến cáo thì nguy cơ tổn thương gan rất nghiêm trọng. Các triệu chứng lâm sàng về tổn thương gan thường được ghi nhận đầu tiên sau 1 đến 2 ngày quá liều paracetamol. Đối với các triệu chứng tổn thương gan tối đa thường được quan sát thấy sau 3 – 4 ngày.

Cần sử dụng một các thận trọng paracetamol trong những trường hợp sau:

  • Suy tế bào gan.
  • Người bệnh bị suy thận nặng (độ thanh lọc creatinin ≤ 30 ml/phút).
  • Tình trạng chán ăn, chứng ăn vô độ hoặc suy mòn, suy dinh dưỡng kéo dài (tức kém dự trữ glutathion ở gan).
  • Mất nước, giảm thể tích máu.

Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).

Ngoài ra, nếu triệu chứng đau dai dẳng > 5 ngày, hoặc còn sốt > 3 ngày, hoặc thuốc chưa đủ hiệu quả, hoặc thấy xuất hiện các triệu chứng khác. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.

Đối với người mắc bệnh gan nặng, hoặc bệnh thận, cần thận trọng khi dùng paracetamol.

Ở bệnh nhân đang thực hiện chế độ ăn kiêng muối, lưu ý trong mỗi gói thuốc có chứa 66 mg Natri để tính vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Xử trí khi quá liều thuốc Efferalgan

1. Triệu chứng khi quá liều

Nguy cơ ngộ độc, đặc biệt ở người bệnh gan, ở bệnh nhân suy dinh dưỡng kéo dài và người dùng thuốc cảm ứng enzym. Đặc biệt, quá liều có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp này.

Trong 24 giờ đầu bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng gồm:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Chán ăn.
  • Da tái.
  • Khó chịu.
  • Đổ mồ hôi.

Quá liều khi dùng một liều > 7,5 g paracetamol ở người lớn, hoặc 140 mg/kg ở trẻ em sẽ gây viêm và hủy tế bào gan, có thể gây hoại tử hoàn toàn và không phục hồi, kéo theo suy tế bào gan, nhiễm acid chuyển hóa, và bệnh não có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.

Lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của tổn thương gan thường rõ rệt lúc ban đầu sau 1 – 2 ngày, và đạt tối đa sau 3 – 4 ngày.

2. Xử trí khi quá liều

  • Lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để điều trị
  • Trước khi bắt đầu điều trị, cần phải định lượng nồng độ paracetamol trong huyết tương (lấy máu) nhưng không được sớm hơn 4 giờ sau khi uống paracetamol.
  • Loại bỏ nhanh lượng thuốc đã dùng bằng rửa dạ dày.
  • Phải dùng thuốc giải độc ngay lập tức, càng sớm càng tốt nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống paracetamol. Tùy vào triệu chứng cũng như thời gian quá liều mà sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc và liều lượng cụ thể riêng
  • Phải tiến hành làm xét nghiệm về gan lúc khởi đầu điều trị và nhắc lại mỗi 24 giờ.
  • Trong hầu hết trường hợp, transaminase gan trở lại mức bình thường sau 1 – 2 tuần với sự phục hồi đầy đủ chức năng gan. Trong trường hợp quá nặng, có thể cần phải ghép gan cho bệnh nhân

*Tóm lại, khi quá liều xảy ra cần phải đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất và tập trung điều trị cũng như cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.

Xử trí khi quên một liều thuốc Efferalgan

  • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
  • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
  • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

Cách bảo quản

  • Để thuốc Efferalgan tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc Efferalgan ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là < 30°C.

Bên trên là những thông tin sử dụng bột sủi bọt Efferalgan. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!

Video chia sẻ thông tin chi tiết về Efferalgan: