Thuốc DuoPlavin (clopidogrel, acetylsalicylic acid): Công dụng, cách dùng và lưu ý

DuoPlavin (clopidogrel, acetylsalicylic acid) là một loại thuốc

chống kết tập tiểu cầu giúp đề phòng sự hình thành các cục máu đông. Vậy DuoPlavin được dùng thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất và những điểm cần lưu ý để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tên thành phần hoạt chất: 75 mg clopidogrel, 100 mg acetylsalicylic acid.

Thuốc tương tự: Ogrel Plus, Ridlor Plus.

DuoPlavin (clopidogrel, acetylsalicylic acid) dùng để điều trị bệnh gì?

DuoPlavin có hoạt chất là clopidogrel và acetylsalicylic acid, có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, được chỉ định để:

  • Đề phòng sự hình thành các cục máu đông trong các động mạch xơ cứng có thể dẫn đến tai biến xơ vữa huyết khối (như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc tử vong).
  • Đề phòng các cục máu đông trong đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim.
DuoPlavin
Thuốc DuoPlavin (clopidogrel, acetylsalicylic acid)

Liều lượng và cách dùng DuoPlavin như thế nào?

  • Uống 1 viên DuoPlavin mỗi ngày vào một giờ nhất định, kèm với thức ăn hoặc không đều được.
  • Nếu đã từng bị nhồi máu cơ tim, thuốc phải được uống ít nhất là 4 tuần.
  • Không được tự ý ngưng điều trị.

Trường hợp nào tuyệt đối không được sử dụng DuoPlavin?

  • Dị ứng với clopidogrel, acetylsalicylic acid hoặc bất kỳ thành phần nào của DuoPlavin.
  • Dị ứng với thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
  • Hen suyễn, chảy mũi và pô-lýp mũi.
  • Đang loét dạ dày, chảy máu não.
  • Bệnh gan, thận nặng.

Trường hợp cần thận trọng khi sử dụng DuoPlavin

Trước khi dùng thuốc, báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết nội (loét dạ dày).
  • Rối loạn máu khiến dễ xuất huyết nội (chảy máu bên trong các mô, cơ quan hoặc các khớp trong cơ thể)
  • Có thương tích nặng gần đây.
  • Mới phẫu thuật gần đây (kể cả nhổ răng).
  • Sắp phẫu thuật (kể cả nhổ răng) trong vòng 7 ngày tới.
  • Có cục máu đông trong động mạch não xảy ra trong vòng 7 ngày trước.
  • Bệnh gan/thận.
  • Tiền sử hen hoặc phản ứng dị ứng.
  • Bệnh gout.
  • Không dung nạp một số đường.
  • Trẻ em, thiếu niên dưới 18 tuổi.

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc

  • Tác dụng phụ thường gặp nhất đã được nhận thấy ở DuoPlavin là chảy máu. Chảy máu có thể xảy ra dưới dạng: chảy máu trong dạ dày hoặc trong ruột, bầm máu, tụ máu, chảy máu cam, tiểu ra máu…
  • Nếu bị đứt tay hay tự gây thương tích, máu sẽ chảy lâu hơn thường lệ trước khi cầm được. Đó là do tác động của thuốc vì nó ngăn chặn khả năng hình thành cục máu đông. Nếu bạn lo ngại về tình trạng chảy máu, hãy đến gặp ngay bác sĩ.
  • Có tác dụng phụ khác đã được nhận thấy là: tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu hoặc ợ nóng.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Đau đầu, loét dạ dày, đi mửa, buồn nôn, táo bón, đầy hơi trong dạ dày hoặc trong ruột, nổi mẩn, ngứa, choáng váng cảm giác tê rắn hoặc kiến bà.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Chóng mặt.
  • Một số tác dụng phụ rất hiếm gặp: Vàng da, đau bụng dữ dội kèm hoặc không kèm đau lưng, sốt, khó thở đôi khi kết hợp với ho, các phản ứng dị ứng toàn thân;
  • Tác dụng phụ không rõ tần suất thủng ổ loét, ù tai, mất thính lực, phản ứng dị ứng đột ngột đe dọa tính mạng, bệnh thận, hạ đường huyết, gout.

Nếu một tác dụng phụ bất kỳ trở nên nghiêm trọng, hoặc nếu để ý thấy có một tác dụng phụ bất kỳ không được liệt kê, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Phụ nữ mang thai và cho con bú có được dùng DuoPlavin?

Không dùng thuốc DuoPlavin ở phụ nữ có thai và cho con bú.

DuoPlavin có thể tương tác với thuốc gì?

Hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn đang dùng hoặc gần đây đã dùng bất kỳ thuốc nào dưới đây:

  • Thuốc chống đông máu.
  • Thuốc có chứa acetylsalicylic acid (aspirin) hoặc thuốc giảm đau kháng viêm thuộc nhóm NSAIDs (ví dụ: celecoxib, ibuprofen…) khác dùng để điều trị đau hoặc viêm cơ hoặc khớp.
  • Heparin hoặc bất kỳ một thuốc tiêm nào có tác dụng giảm đông máu.
  • Thuốc điều trị bệnh dạ dày nhóm ức chế bơm proton (omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, lansoprazole).
  • Methotrexat: một thuốc dùng để điều trị bệnh khớp nặng (viêm khớp dạng thấp) hoặc bệnh da (vảy nến).
  • Probenecid, benzbromarone, sulfinpyrazone: những thuốc dùng để trị bệnh gout.
  • Fluconazole, voiconazole, ciprofloxacin hoặc chloramphenicol: những thuốc dùng để trị nhiễm trùng và nhiễm nấm.
  • Cimetidin: thuốc dùng để trị loét dạ dày.
  • Fluoxetin, fluvoxamin hoặc modobenide: những thuốc dùng để trị trầm cảm.
  • Carbamazepin, oxacarpazepin: thuốc dùng để trị một số thế bệnh động kinh.
  • Tidopidin: một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu khác.
  • Ngưng điều trị dopidogrel khác trong khi dùng DuoPlavin.

Triệu chứng và cách xử trí khi sử dụng quá liều thuốc DuoPlavin

Triệu chứng ban đầu quá liều thuốc DuoPlavin bao gồm:

Chóng mặt, nhức đầu, ù tai, triệu chứng trên tiêu hóa (buồn nôn, nôn và đau dạ dày). Các triệu chứng sau đây cũng có thể phát sinh: tăng thân nhiệt và ra mồ hôi, dẫn đến mất nước, bồn chồn, co giật, ảo giác và hạ đường huyết.

Xử trí

Bệnh nhân hãy đến gặp bác sĩ hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất.

Với nhiễm độc vừa phải, có thể gây nôn hoặc được chỉ định rửa dạ dày với than hoạt tính (chất hấp phụ) và natri sun-fat (thuốc nhuận tràng). Kiềm hóa nước tiểu (250 mmol natri bicarbonate trong 3 giờ) trong khi theo dõi pH nước tiểu. Chạy thận nhân tạo là lựa chọn tối ưu cho nhiễm độc nặng. Đồng thời, điều trị các triệu chứng nhiễm độc khác.

Bảo quản thuốc

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25°C.

DuoPlavin, với hoạt chất là clopidogrel, acetylsalicylic acid, được sử dụng để chống kết tập tiểu cầu và đề phòng sự hình thành các cục máu đông. Bên cạnh DuoPlavin, còn có các loại thuốc khác có chứa thành phần hoạt chất với công dụng tương tự. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Hãy đi khám ở các bệnh viện và phòng khám uy tín để được bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.