Những điều cần biết về thuốc tim mạch Digoxin

Digoxin là thuốc gì? Thuốc Digoxin được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kỹ về thuốc Digoxin trong bài viết được phân tích dưới đây nhé!

Thành phần hoạt chất: digoxin.

Thuốc có thành phần tương tự: DigoxineQualy.

Digoxin là thuốc gì?

Các dạng thuốc và hàm lượng cụ thể

  • Thuốc uống: Nang chứa dịch lỏng: 50 microgam, 100 microgam, 200 microgam.
  • Cồn ngọt: 50 microgam/ml (60 ml).
  • Viên nén: 125 microgam, 250 microgam, 500 microgam.
  • Thuốc tiêm: 100 microgam/ml (1 ml), 250 microgam/ml (2 ml).

Công dụng của digoxin

  • Digoxin là một glycosid trợ tim thu từ lá Digitalis lanata.
  • Thuốc này hiện nay thường được dùng hơn digitoxin. 
  • Công dụng chính của digoxin là làm tăng lực co bóp cơ tim và làm tăng lưu lượng tim.
Digoxin
Tìm hiểu thông tin chi tiết thuốc Digoxin

Giá thuốc Digoxin

Thông tin thuốc Digoxin Richer:

  • Dạng bào chế: Viên nén.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ x 50 viên.
  • Giá thuốc Digoxin Richer: 58.000 VNĐ/hộp.

Thông tin thuốc Digoxin Anfarm:

  • Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 6 ống x 2ml.
  • Giá thuốc Digoxin Anfarm: 40.000 VNĐ/ống.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Theo đó, đây là loại thuốc kê đơn cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời bạn nên tìm mua ở những nhà thuốc uy tín để đảm bảo chất lượng và nhận được sự tư vấn cụ thể của bác sĩ/dược sĩ.

Tác dụng của thuốc Digoxin

Chỉ định của thuốc Digoxin được dùng trong các trường hợp điều trị cho người bệnh bị suy tim.

Ngoài ra, Digoxin còn được dùng trong điều trị loạn nhịp nhanh trên thất như:

  • Cuồng nhĩ.
  • Rung nhĩ.
  • Nhịp nhanh trên thất.
Digoxin
Digoxin dùng cho người bệnh suy tim

Trường hợp không nên dùng thuốc Digoxin

Chống chỉ định Digoxin trong những trường hợp bao gồm:

  • Dị ứng với digoxin hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác có trong công thức thuốc.
  • Người bệnh bị block nhĩ thất độ 2 hoặc 3 hoặc mắc tình trạng loạn nhịp trên thất do hội chứng Wolff – Parkinson – White.
  • Ngoài ra, nếu người bệnh mắc cơ tim phì đại tắc nghẽn (trừ khi có đồng thời rung nhĩ và suy tim, nhưng phải thận trọng). 
  • Không những vậy, không dùng digoxin đối với các đối tượng bị loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất; viêm cơ tim. Viêm màng tim co thắt.
  • Các hội chứng tăng cảm xoang cảnh, nhịp nhanh nhịp chậm.

Cách dùng thuốc Digoxin hiệu quả

Cách dùng

  • Thường dùng thuốc qua đường uống với tần suất 1 lần/ ngày.
  • Đối với đối tượng là trẻ nhỏ và trẻ <10 tuổi, nên khuyến nghị chia thành liều nhỏ.
  • Trường hợp không uống được và cần tác dụng điều trị nhanh, có thể tiêm tĩnh mạch và chuyển ngay sang uống nếu có thể. 

Liều dùng

Đầu tiên, Digoxin có chỉ số điều trị thấp. Trong đó, liều thường dùng là liều trung bình đòi hỏi phải thay đổi nhiều tùy theo nhu cầu và đáp ứng của từng người bệnh:

  •  Tình trạng tim mạch.
  • Chức năng thận.
  • Cân nặng.
  • Tuổi tác của người bệnh.
  • Các bệnh kèm theo.
  • Các loại thuốc đang dùng…
Digoxin
Liều lượng và những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc bạn cần chú ý

Ngoài ra, cần phải chú ý đến sự khác nhau giữa hiệu quả của các thuốc tiêm và uống khi chuyển từ đường dùng này qua đường dùng kia.

Không những vậy, khi điều trị Digoxin, phải theo dõi điện tâm đồ. Liều Digoxin phải giảm ở các đối tượng bị giảm kali máu, tổn thương cơ tim rộng hoặc rối loạn dẫn truyền, người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh động mạch vành.

Đặc biệt chú ý liều Digoxin khi đang dùng đồng thời quinidin.

Tác dụng phụ của Digoxin

  • Chán ăn, buồn nôn, nôn.
  • Nhịp tim chậm xoang, blốc nhĩ – thất, blốc xoang nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ hoặc nút, loạn nhịp thất, nhịp đôi, nhịp ba, nhịp nhanh nhĩ với blốc nhĩ – thất.
  • Ngủ lơ mơ, nhức đầu, mệt mỏi, ngủ lịm, chóng mặt, mất phương hướng.
  • Tăng kali huyết với ngộ độc cấp.
  • Không dung nạp thức ăn, đau bụng, tiêu chảy.
  • Đau dây thần kinh.
  • Nhìn mờ, vòng sáng, nhìn vàng hoặc xanh lá cây, nhìn đôi, sợ ánh sáng, ánh sáng lóe lên.

Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Digoxin

  • Muối calci tiêm tĩnh mạch.
  • Cỏ ban (millepertuis).
  • Sultoprid.
  • Midodrin (thuốc giống giao cảm alpha).
  • Aminoquinolin (thuốc chống sốt rét).
  • Amiadaron.
  • Thuốc chống nấm (các dẫn xuất của azol; thuốc chống nấm toàn thân).
  • Atorvastatin.
  • Các thuốc chẹn beta.
  • Carvedilol, conivaptan; cyclosporin, macrolid, milnacipran, nefazodon.
  • Và nhiều loại thuốc cũng có thể gây tương tác, bạn cần thông tin cho bác sĩ tất cả các loại thuốc mình đang dùng để đảm bảo hiệu quả lẫn an toàn khi điều trị.

Những lưu ý khi dùng thuốc Digoxin

  • Thuốc dễ gây độc và có thể do tăng nồng độ trong huyết tương hoặc do tăng tính nhạy cảm với Digoxin.
  • Lưu ý hầu hết các thay đổi xấu trong tình trạng tim và tuần hoàn đều có thể làm tăng tính nhạy cảm với Digoxin. Do đó, thận trọng khi dùng Digoxin cho các đối tượng mắc bệnh tim mạch.
  • Chú ý đến các dấu hiệu sớm nhiễm độc Digoxin và tần số tim thường phải duy trì trên 60 lần/ phút. 
  • Thận trọng khi dùng Digoxin trên đối tượng bị blốc nhĩ thất độ I, vì có thể gây ra blốc tim hoàn toàn. Tương tự lưu ý ở các đối tượng mắc rối loạn nút xoang, viêm cơ tim (như viêm tim do thấp tim), trong nhồi máu cơ tim cấp, suy tim giai đoạn cuối,…
  • Ngoài ra, mất cân bằng điện giải cũng như loạn năng giáp có thể tác động đến tính nhạy cảm với digoxin. 
  • Digoxin phải thận trọng dùng cho người bệnh đã dùng thuốc này hoặc một glycosid trợ tim khác trong vòng 2 – 3 tuần trước. Có thể phải giảm liều.
  • Thường phải giảm liều và đo nồng độ digoxin trong huyết tương ở người suy chức năng thận, người cao tuổi và trẻ sơ sinh.

Các đối tượng sử dụng đặc biệt

Phụ nữ mang thai

  • Vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu cho thấy nguy cơ gây độc hại đối với thai, mặc dù digitalis đã được dùng từ lâu.
  • Việc sử dụng được coi là an toàn, và khi cần cải thiện tuần hoàn, có thể dùng digitalis ở người mang thai.
  • Cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định dùng.

Phụ nữ cho con bú

  • Digoxin được phân bố vào sữa người.
  • Tuy nhiên, với liều điều trị bình thường không chắc có nguy cơ tác dụng trên trẻ nhỏ bú sữa mẹ.
Digoxin
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Xử trí khi quá liều Digoxin

  • Ngừng Digoxin khi quá liều xảy ra.
  • Thúc đẩy thanh thải glycosid: Dùng than hoạt tính, cholestyramin, hoặc colestipol.
  • Giảm kali huyết và giảm chức năng thận: dùng muối kali nhưng không dùng nếu có tăng kali huyết hoặc blốc tim hoàn toàn, trừ khi những triệu chứng này có liên quan với nhịp tim nhanh trên thất.
  • Những thuốc khác dùng điều trị loạn nhịp do ngộ độc Digoxin.
  • Lưu ý tạo nhịp thất có thể tạm thời có tác dụng tốt trong trường hợp blốc tim nặng.
  • Ngoài ra, khi quá liều Digoxin đe dọa tính mạng, tiêm tĩnh mạch thuốc Fab miễn dịch kháng digoxin (từ cừu). 

Xử trí khi quên một liều Digoxin

  • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
  • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
  • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
  • Đối với liệu trình tiêm đã có chuyên gia chăm sóc sức khỏe quyết định.

Cách bảo quản

  • Để thuốc Digoxin tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là <30 ºC.

Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Digoxin. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!