Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!

Dị ứng vật nuôi xảy ra khi tiếp xúc với protein trong da, nước bọt hay nước tiểu của động vật. Hắt hơi và sổ mũi là những triệu chứng thường thấy và phổ biến. Một số người có thể có những triệu chứng nặng hơn giống hen suyễn, chẳng hạn như khò khè hay khó thở. Nguyên nhân thường thấy nhất là khi tiếp xúc với vẩy da (mảnh da chết) của vật nuôi. Bất kỳ động vật nào có lông đều có thể là nguồn gây dị ứng thú cưng. Trong đó, mèo và chó là hai động vật hay gặp nhất. Cùng YouMed theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!

1. Các triệu chứng khi mắc bệnh dị ứng vật nuôi

Những triệu chứng thường do tình trạng viêm mũi. Gồm có:

  • Hắt hơi.
  • Sổ mũi.
  • Ngứa, đỏ mắt hay chảy nước mắt.
  • Nghẹt mũi.
  • Ngứa mũi, ngứa vòm miệng hoặc cổ họng.
  • Chảy dịch mũi sau.
  • Ho.
  • Cảm giác đau ở mặt.
  • Thường xuyên thức giấc.
  • Quầng thâm mắt sưng lên và chuyển màu xanh.
  • Hành động thường xuyên cọ xát mũi ở trẻ em.

Có thể xuất hiện những triệu chứng nặng giống hen suyễn như:

  • Khó thở.
  • Đau ngực hoặc nặng ngực.
  • Tiếng khò khè hoặc tiếng rít trong thì thở ra.
  • Mất ngủ do khó thở, ho hoặc khò khè.

1.1. Triệu chứng ngoài da

Một số người bị dị ứng vật nuôi cũng có thể có triệu chứng da, một dạng bệnh còn được gọi là viêm da dị ứng. Loại viêm da này do phản ứng của hệ thống miễn dịch tác động gây viêm. Tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi gây dị ứng có thể kích hoạt viêm da dị ứng. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Nổi mề đay (các mảng đỏ, nổi lên trên bề mặt da)
  • Chàm. Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Top 12 nguyên liệu thiên nhiên điều trị chàm hiệu quả
  • Ngứa da

Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!
Các triệu chứng biểu hiện trên da.

1.2. Khi nào bạn nên đi khám?

Một số triệu chứng do dị ứng vật nuôi như hắt hơi hay sổ mũi rất giống như mắc cảm lạnh. Vì thế, đôi khi rất khó để phân biệt bạn bị dị ứng hay cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài trên hai tuần, khả năng cao là bạn bị dị ứng.

Có khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn như nghẹt hoàn toàn mũi và khó ngủ hay khò khè. Khi đó bạn nên đi khám sớm. Bạn nên đi khám hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu xuất hiện khò khè hoặc khó thở xấu đi nhanh chóng hay khó thở ngay cả trong những sinh hoạt cơ bản hằng ngày.

Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ và những điều nên biết

2. Những nguyên nhân thường gặp

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với một chất “lạ” như phấn hoa, nấm mốc hay vẩy da động vật.

Khi đó, hệ thống miễn dịch của bạn sản xuất các protein hay còn được gọi là các kháng thể. Những kháng thể này bảo vệ bạn khỏi những tác nhân xâm nhập gây bệnh hay nhiễm trùng. Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn cho rằng những tác nhân vô hại kia là thứ xấu xa cần loại trừ.

Khi bạn hít vào hay tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng (dị nguyên), hệ thống miễn dịch của bạn kích hoạt các phản ứng gây viêm trong đường thở và phổi. Tiếp xúc lâu dài và thường xuyên với các dị nguyên có thể gây ra tình trạng viêm đường thở mạn tính (liên quan đến bệnh hen suyễn).

2.1. Mèo và chó

Những tác nhân dị ứng từ mèo và chó thường thấy trong tế bào da đã bong (vẩy da). Ngoài ra còn có thể gặp trong nước bọt, nước tiểu và mồ hôi trên lông của chúng. Vẩy trên lông thú cưng là một vấn đề khó chịu vì nó rất nhỏ và có thể ở trong không khí một thời gian dài mỗi khi có dòng khí thổi lên. Nó thường được tìm thấy trên đồ nội thất hay dính và quần áo của bạn. Nước bọt của vật nuôi có thể dính vào thảm, giường, đồ đạc và quần áo.

Những giống có tên gọi chó hoặc mèo không gây dị ứng thực chất do chúng rụng ít lông hơn những giống khác. Thực ra không có giống chó, mèo nào không gây dị ứng cả.

2.2. Thỏ và các loài gặm nhấm

Các loài thú nuôi gặm nhấm bao gồm chuột, chuột nhảy gerbil, chuột hamster và chuột lang. Các tác nhân dị ứng thường có trong lông, vẩy da, nước bọt và nước tiểu của con vật. Bụi từ rác thải hay mùn cưa dưới đáy lồng có thể góp phần đưa các tác nhân dị ứng lơ lửng trong không khí.

Nguồn gây dị ứng từ thỏ tìm thấy trong vẩy da trên lông, lông và nước bọt.

Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!
Chuột lang có thể gây dị ứng vật nuôi.

2.3. Những loại vật nuôi khác

Dị ứng vật nuôi hiếm khi do các loài động vật không lông gây ra (như cá và bò sát).

3. Những người nào dễ bị dị ứng vật nuôi?

Dị ứng vật nuôi khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu có ai trong gia đình bạn bị dị ứng hay bị hen suyễn, khả năng bị dị ứng vật nuôi của bạn càng tăng.

Tiếp xúc với thú cưng từ khi còn là trẻ con có thể tránh bị dị ứng vật nuôi sau này. Một số nghiên cứu tìm ra rằng trẻ em sống với một con chó trong năm đầu đời có khả năng chống lại nhiễm trùng hô hấp trên tốt hơn những trẻ không sống cùng một con chó ở độ tuổi đó.

4. Dị ứng vật nuôi có những biến chứng gì?

4.1. Viêm xoang

Tình trạng viêm các mô trong mũi kéo dài và mạn tính do dị ứng vật nuôi có thể làm tắc nghẽn các xoang rỗng kết nối với mũi của bạn. Việc tắc nghẽn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng xoang (viêm xoang).

4.2. Hen suyễn

Người bị cả hen suyễn và dị ứng vật nuôi thường khó kiểm soát các triệu chứng hen. Họ có nguy cơ vào cơn hen cấp. Khi xuất hiện cơn hen cấp, bạn cần nhập cấp cứu sớm để được điều trị kịp thời.

4.3. Các biện pháp phòng ngừa

Nếu trước giờ bạn chưa từng nuôi một con vật nào nhưng đang muốn mua một con, nhớ đảm bảo rằng bạn không bị dị ứng với loài đó.

Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!
Hãy đảm bảo rằng bạn không dị ứng với vật nuôi trước khi quyết định nuôi chúng.

5. Chẩn đoán dị ứng vật nuôi như thế nào?

Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị dị ứng vật nuôi dựa trên các triệu chứng, kiểm tra mũi của bạn và những vấn đề khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ để khám niêm mạc mũi của bạn. Nếu bị dị ứng vật nuôi, niêm mạc mũi có thể phù nề, nhợt nhạt.

5.1. Test lẩy da

Bác sĩ sẽ chỉ định test lẩy da để xác định chính xác bạn dị ứng với dị nguyên nào. Trong xét nghiệm này, một lượng nhỏ dị nguyên được chiết xuất và tinh chế được chích vào bề mặt da của bạn. Thường vị trí chích ở cẳng tay hoặc lưng.

Bác sĩ hoặc y tá sẽ quan sát da của bạn để tìm các dấu hiệu của phản ứng dị ứng sau 15 phút. Ví dụ nếu bạn bị dị ứng với mèo, vùng da chích dị nguyên từ mèo sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa. Các tác dụng phụ thường gặp của xét nghiệm này là ngứa và đỏ da. Chúng thường sẽ biến mất trong vòng 30 phút sau tiêm.

5.2. Xét nghiệm máu

Trong một số trường hợp, không thể thực hiện xét nghiệm trên da vì một số bệnh lý da hoặc vì tương tác thuốc. Khi đó để thay thế, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu. Việc này nhằm tìm kháng thể đặc hiệu gây dị ứng phổ biến. Xét nghiệm này cũng có thể cho thấy mức độ nhạy cảm của bạn với chất gây dị ứng. 

Xem thêm: Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu

6. Phương pháp điều trị

Cách tốt nhất để kiểm soát dị ứng vật nuôi là tránh tiếp xúc các động vật gây dị ứng nhiều nhất có thể. Khi hạn chế tiếp xúc với dị nguyên, các phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra nhưng với tần suất thấp và mức độ nhẹ hơn.

Thường rất khó hoặc đôi khi không thể loại trừ hoàn toàn việc tiếp xúc dị nguyên động vật. Thậm chí dù bạn không nuôi thú cưng, bạn vẫn có thể bị do những dị nguyên bám trên quần áo người khác.

Bên cạnh việc tránh tiếp xúc, bạn còn cần thuốc men để kiểm soát triệu chứng.

6.1. Thuốc chống dị ứng

Bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một trong các nhóm thuốc sau để cải thiện triệu chứng dị ứng ở mũi:

  • Kháng histamine: tác động hệ thống miễn dịch giúp giảm sản xuất các hoá chất trung gian. Những hoá chất này thường xuất hiện trong phản ứng dị ứng. Nhờ đó, kháng histamine giúp giảm ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi.
  • Corticosteroids: dùng bằng cách xịt mũi. Có thể giúp giảm viêm và kiểm soát triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
  • Thuốc co mạch mũi: giúp giảm mô sưng trong mũi và giúp bạn dễ thở hơn. Tuy nhiên những thuốc này có thể làm tăng huyết áp. Do đó không nên dùng nếu bạn bị tăng huyết áp, tăng nhãn áp hoặc bệnh tim mạch khác. Thuốc co mạch mũi dùng dưới dạng xịt mũi có thể làm giảm nhanh các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng thuốc xịt trong hơn 3 ngày liên tiếp có thể gây sung huyết.
  • Thuốc ức chế leukotriene: giúp ngăn chặn một số chất gây dị ứng. Bác sĩ có thể kê thuốc này nếu bạn không thể sử dụng corticosteroid xịt mũi hay kháng histamine. Những tác dụng phụ của thuốc ức chế leukotriene bao gồm nhiễm trùng hô hấp trên, đau đầu và sốt. Các tác dụng phụ ít gặp hơn gồm thay đổi khí sắc và hành vi (như lo âu hoặc trầm cảm).

6.2. Những phương pháp điều trị khác

  • Liệu pháp miễn dịch. Bạn có thể “huấn luyện” hệ thống miễn dịch của mình không nhạy cảm với dị nguyên. Việc này thực hiện bằng cách tiêm một loạt các mũi chứa dị nguyên vào cơ thể. Một đến hai tuần đầu, những mũi tiêm đưa vào lượng rất ít các chất gây dị ứng. Trong bệnh này là các protein từ vật nuôi mà bạn dị ứng. Sau đó liều sẽ tăng dần thường, là trong khoảng bốn đến sáu tháng. Cần tiêm những mũi duy trì mỗi 4 tuần trong 3 đến 5 năm. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng khi các phương pháp điều trị đơn giản khác không phù hợp.
  • Rửa mũi. Bạn có thể dùng bình neti hoặc một chai xịt để rửa sạch chất nhầy và chất kích thích từ các xoang bằng nước muối. Nếu bạn tự pha chế dung dịch muối, hãy sử dụng nước sạch như nước được đun sôi và để nguội, nước vô trùng hoặc lọc bằng bộ lọc có kích thước lỗ dưới 1 micron. Nhớ rửa sạch dụng cụ sau mỗi lần sử dụng và để nơi khô ráo. Tham khảo thêm bài viết sau: Rửa mũi cho bé đúng cách: Bố mẹ đã biết?

Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!
Dùng bình neti rửa mũi.

7. Lối sống và một số hướng dẫn tại nhà

Tránh tiếp xúc thú cưng là cách tốt nhất.

7.1. Nếu bạn tìm nơi ở mới cho thú cưng

Khi đó, các triệu chứng dị ứng sẽ không hết ngay lập tức. Thậm khi sau khi dọn dẹp nhà kỹ càng, các dị nguyên từ vật nuôi vẫn tồn tại trong nhiều tuần đến nhiều tháng. Làm theo các bước sau đây có thể giúp giảm lượng dị nguyên:

  • Dọn dẹp: nhớ lau dọn cả trần nhà và tường.
  • Thay thế hoặc chuyển đi các đồ đạc bọc nệm. Bởi vì không thể loại bỏ dị nguyên hoàn toàn khỏi những đồ vật được bọc nệm, bạn nên thay thế chúng nếu có thể.
  • Thay thế thảm, ga trải giường và mền bởi vì rất khó làm sạch dị nguyên khỏi chúng hoàn toàn. Ngoài ra bạn nên thay cả bao gối.
  • Dùng bộ lọc khí hiệu quả cao (HEPA).

 7.2. Nếu bạn vẫn quyết định tiếp tục nuôi thú cưng

Khi đó, bạn nên giảm thiểu dị nguyên trong nhà hết mức có thể với các mẹo sau:

  • Tắm thú cưng thường xuyên.
  • Thiết lập khu vực không để thú cưng vào, chẳng hạn như phòng ngủ.
  • Loại bỏ thảm và các đồ vật dễ dính vẩy da, lông. Nếu có thể, hãy thay bằng gạch, gỗ hoặc sàn bọc vinyl giúp hạn chế lưu lại dị nguyên. Ngoài ra bạn nên cân nhắc thay thế các nội thất như rèm cửa hay ghế bọc nệm.
  • Nhờ giúp đỡ: nhờ người không bị dị ứng giúp dọn dẹp chuồng hay hộp đựng chất thải.
  • Dùng bộ lọc khí hiệu quả cao (HEPA).
  • Nếu có thể, hãy để thú cưng của bạn sống bên ngoài. Việc này giúp giảm thiểu lượng dị nguyên trong nhà. Tuy nhiên, để thú cưng sống ngoài nhà phụ thuộc vào loại vật nuôi hoặc thời tiết.

Dị ứng vật nuôi: Cùng giải đáp những thắc mắc thường gặp!
Cần thường xuyên vệ sinh chỗ ở và tắm rửa sạch sẽ cho thú cưng.

Dị ứng vật nuôi rất thường gặp đặc biệt trên những người có cơ địa nhạy cảm. Nếu bạn nghi ngờ bản thân bị dị ứng vật nuôi, hãy làm theo các bước trên để hạn chế tiếp xúc dị nguyên hết mức có thể. Đồng thời bạn nên khám sớm khi có triệu chứng để được chẩn đoán, tư vấn điều trị phù hợp.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan