Dị ứng thức ăn: những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Dị ứng thức ăn là cách hệ thống miễn dịch phản ứng ngay sau khi ăn một loại thức ăn nào đó. Thậm chí chỉ một lượng rất ít cũng có thể khởi phát các triệu chứng về tiêu hoá, nổi ban đỏ hay phù nề đường thở. Ở một số người nhạy cảm, dị ứng thức ăn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhiều hay có thể đe doạ mạng sống như sốc phản vệ.

Hiện tượng này được phát hiện trong khoảng 6-8% ở trẻ em dưới 3 tuổi và khoảng 3% ở người trưởng thành. Một số trẻ em có thể hết dị ứng khi lớn lên. Thường dễ nhầm lẫn giữa dị ứng với việc không dung nạp thức ăn. Không dung nạp thức ăn thường ít nguy hiểm hơn và không liên quan đến hệ miễn dịch.

1. Dị ứng thức ăn thường gây ra các triệu chứng gì?

Với một số người, dị ứng thức ăn có thể chỉ gây khó chịu. Với một số khác, triệu chứng có thể vô cùng nghiêm trọng hay thậm chí đe doạ mạng sống. Những triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Những triệu chứng thường gặp là:

  • Cảm giác ngứa trong miệng
  • Phát ban, ngứa da hoặc chàm
  • Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
  • Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở
  • Đau bụng, tiêu chảy, nôn hay buồn nôn
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Dị ứng thức ăn: những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Sốc phản vệ

Ở một số người, dị ứng thức ăn có thể gây ra sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể dẫn đến các triệu chứng đe doạ tính mạng như:

  • Co thắt đường thở
  • Sưng cổ họng
  • Sốc, tụt huyết áp
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt hoặc bất tỉnh

Sốc phản vệ cần điều trị khẩn cấp, nếu không có thể gây hôn mê thậm chí tử vong.

Khi nào bạn cần đi khám?

Đi khám sớm nếu bạn có triệu chứng dị ứng ngay sau khi ăn. Thời điểm tốt nhất là ngay khi có phản ứng bất thường. Khám cấp cứu ngay khi bạn xuất hiện các triệu chứng của sốc phản vệ như:

  • Co thắt đường thở gây khó thở
  • Sốc và huyết áp tụt
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt hay choáng

2. Nguyên nhân thường gặp gây dị ứng là gì?

Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhận nhầm một chất trong thực phẩm là thứ có hại và tấn công nó. Khi đó hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng nhiều hoá chất khác nhau như histamine vào máu và gây ra các triệu chứng dị ứng.

Ở người lớn thường do các loại protein có trong:

  • Các loài động vật có vỏ như tôm, cua
  • Đậu phộng
  • Các loại hạt như quả óc chó và quả hồ đào

Ở trẻ em thường do các loại protein có trong:

  • Đậu phộng
  • Các loại hạt
  • Trứng
  • Sữa bò
  • Lúa mì
  • Đậu nành

Dị ứng thức ăn: những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Những loại thức ăn thường gây dị ứng

3. Yếu tố nguy cơ thường gặp của dị ứng thức ăn

Các yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:

  • Tiền căn gia đình: nếu người thân của bạn bị hen, chàm hay nổi mề đay thì bạn tăng nguy cơ mắc dị ứng thức ăn.
  • Các loại dị ứng khác: nếu bạn dị ứng với một loại thức ăn nào đó thì bạn có thể tăng nguy cơ dị ứng với một loại thức ăn khác. Tương tự, nếu bạn mắc một loại dị ứng khác như chàm thì nguy cơ dị ứng thức ăn cũng sẽ cao hơn bình thường.
  • Tuổi tác: dị ứng thực phẩm phổ biến hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh. Khi lớn lên, hệ thống tiêu hoá ngày càng trưởng thành và giảm khả năng hấp thụ những chất gây dị ứng. Nhờ đó, trẻ em thường không còn dị ứng với sữa, đậu nành, lúa mì hay trứng khi lớn lên. Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng nặng hay dị ứng với hạt và tôm cua thường là kéo dài suốt đời.

  • Hen suyễn: hen suyễn thường xảy ra cùng với dị ứng thức ăn. Khi mắc cả hai bệnh, triệu chứng hen và dị ứng thức ăn thường xuất hiện nặng nề và nghiêm trọng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phản ứng phản vệ bao gồm:

  • Tiền căn hen suyễn
  • Độ tuổi thiếu niên hoặc nhỏ hơn
  • Có triệu chứng dị ứng nhưng dùng epinephrine chậm trễ
  • Không xuất hiện phát ban hay các triệu chứng trên da khác

4. Những biến chứng nguy hiểm do dị ứng thức ăn gây ra là gì?

Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp bao gồm:

  • Sốc phản vệ: là một phản ứng nguy hiểm và đe doạ tính mạng.
  • Viêm da cơ địa (chàm): dị ứng thức ăn có thể gây ra các phản ứng trên da chẳng hạn như chàm.

5. Làm cách nào để phòng ngừa dị ứng thức ăn?

Dị ứng thức ăn: những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Tránh ăn thức ăn bị dị ứng

Thử ăn từng chút một và làm quen dần với những thực phẩm có thể gây dị ứng giúp giảm nguy cơ. Nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian tốt nhất con bạn bắt đầu ăn thử.

Tuy nhiên, một khi dị ứng thức ăn đã tiến triển thì cách tốt nhất là biết và tránh các thực phẩm đó. Ngoài ra, một số loại có thể là nguyên liệu ẩn bên trong một số món ăn mà người bị dị ứng không biết được, đặc biệt trong các nhà hàng.

5.1 Nếu bạn bị dị ứng thức ăn, hãy tuân thủ theo các bước sau:

  • Biết rõ những gì bạn ăn và uống, nhớ đọc về thông tin sản phẩm cẩn thận
  • Nếu bạn đã từng bị những phản ứng nghiêm trọng, hãy đeo vòng tay hoặc vòng cổ y tế. Việc này để người khác biết bạn bị dị ứng thức ăn và cần cấp cứu khi không nói hay giao tiếp được.
  • Trao đổi với bác sĩ về toa thuốc epinephrine trong trường hợp khẩn cấp. Nếu có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nặng, bạn cần mang theo bút tiêm tự động epinephrine phòng khi nguy hiểm.
  • Cẩn thận khi ăn bên ngoài. Bạn nên nhắc nhở phục vụ và đầu bếp rằng bạn hoàn toàn không thể ăn loại thức ăn bạn bị dị ứng.

Bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng những gì bạn ăn không chứa loại thực phẩm đó. Ngoài ra cần chú ý thức ăn không được nấu chung hay tiếp xúc với những loại thức ăn bạn bị dị ứng. Đừng ngần ngại nói cho người khác vấn đề dị ứng của bản thân. Thông thường nhân viên sẽ vui vẻ giúp đỡ khi họ hiểu yêu cầu của bạn.

  • Chuẩn bị thức ăn và đồ ăn vặt trước khi ra khỏi nhà. Nếu cần, bạn có thể mang theo thực phẩm không gây dị ứng được bảo quản lạnh khi đi du lịch hay tham dự sự kiện.

Dị ứng thức ăn: những điều bạn cần biết và cách phòng ngừa

Đọc thông tin sản phẩm cẩn thận

5.2 Nếu con bạn bị dị ứng thức ăn, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để đảm bảo an toàn cho trẻ:

  • Thông báo cho những người quan trọng rằng con bạn bị dị ứng thức ăn. Nói chuyện với người chăm sóc trẻ em, nhân viên nhà trường, phụ huynh của bạn bè con bạn và những người lớn khác thường xuyên tiếp xúc con bạn.

Nhớ nhấn mạnh phản ứng dị ứng có thể nguy hiểm tính mạng và cần can thiệp ngay lập tức. Đồng thời dặn con bạn biết gọi giúp đỡ ngay lập tức nếu bé phản ứng với thức ăn.

  • Giải thích và dạy cách nhận biết các triệu chứng dị ứng thức ăn cho những người thường xuyên dành thời gian với con bạn.
  • Bạn nên viết một kế hoạch mô tả những hành động khi bé bị dị ứng thức ăn. Đưa một bản sao cho y tá của trường học và những người chăm sóc con bạn.
  • Cho trẻ đeo vòng tay hoặc vòng cổ cảnh báo y tế. Trên cảnh báo cần liệt kê các triệu chứng dị ứng của con bạn. Đồng thời cần có giải thích cách sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp.

6. Dị ứng thức ăn được chẩn đoán như thế nào?

Không có một xét nghiệm nào chẩn đoán chắc chắn hoặc giúp loại trừ dị ứng thức ăn. Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra chẩn đoán. Các yếu tố này bao gồm:

  • Các triệu chứng bạn có. Bạn cần cung cấp chi tiết bệnh sử về triệu chứng. Ngoài ra loại thức ăn cũng như lượng thức ăn đủ để gây triệu chứng cũng rất quan trọng.
  • Tiền căn dị ứng trong gia đình. Nhớ cung cấp cho bác sĩ có người thân nào của bạn cũng bị dị ứng không.
  • Khám lâm sàng kỹ lưỡng: giúp xác định hoặc loại trừ các bệnh lý y khoa khác.
  • Test lẩy da: giúp xác định phản ứng của cơ thể bạn với một loại thức ăn cụ thể. Trong xét nghiệm này, một lượng nhỏ thức ăn nghi ngờ được đặt lên bề mặt da cẳng tay hoặc lưng của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ dùng kim châm nhẹ vào da bạn. Một lượng nhỏ thức ăn sẽ được đưa xuống dưới bề mặt da. Nếu bạn mắc dị ứng với chất đó, chỗ tiếp xúc sẽ xuất hiện một vết sưng. Nhưng nhớ rằng phản ứng dương tính với chỉ xét nghiệm này không thể khẳng định bạn mắc dị ứng thức ăn.
  • Xét nghiệm máu: đo lường kháng thể IgE (một loại kháng thể liên quan đến dị ứng).

Những cách khác để biết:

  • Ngưng sử dụng loại thực phẩm nghi ngờ. Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng ăn loại thức ăn nghi ngờ trong một hoặc hai tuần. Sau đó có thể bắt đầu ăn rồi tăng dần lượng thức ăn trong bữa ăn. Quá trình này giúp xem xét liệu có phải loại thức ăn nào đó gây ra triệu chứng hay không. Tuy nhiên, việc này không thể cho biết bạn thực sự dị ứng hay chỉ là nhạy cảm với loại thức ăn đó. Hơn nữa, nếu trước đây bạn từng bị phản ứng nặng nề thì quá trình này có thể nguy hiểm.
  • Thử nghiệm ăn thử: bạn sẽ thực hiện tại phòng khám, bắt đầu ăn một lượng ít loại thức ăn nghi gây triệu chứng, sau đó tăng dần dần. Nếu không xuất hiện phản ứng gì trong, bạn có thể ăn loại thức ăn đó sau này.

7. Điều trị như thế nào khi bạn bị phản ứng dị ứng?

Cách duy nhất để không bị phản ứng dị ứng là tránh ăn loại thức ăn gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, dù cố gắng tránh đến mấy thì bạn cũng có thể ăn nhầm loại thức ăn đó.

Nếu chỉ xuất hiện phản ứng nhẹ, bạn có thể tự mua hoặc được bác sĩ cho kháng histamine để làm giảm các triệu chứng. Bạn có thể uống thuốc này sau khi ăn loại thức ăn gây dị ứng. Việc này nhằm giúp giảm ngứa hoặc nổi mề đay. Tuy nhiên, kháng histamine không thể điều trị phản ứng dị ứng nặng.

Nếu bị phản ứng dị ứng nặng, bạn cần được tiêm epinephrine khẩn cấp và đến ngay bệnh viện. Nhiều người bị dị ứng mang theo bên người bút tiêm epinephrine tự động. Thiết bị này bao gồm một ống tiêm và một đầu kim được ẩn đi. Nó giúp tiêm một liều thuốc duy nhất khi bạn ấn vào đùi của mình.

A close up of a device

Description automatically generated

Bút tiêm epinephrine tự động

8. Lối sống và và một số hướng dẫn tại nhà khi bị dị ứng thức ăn

Một trong những chìa khoá là tránh hoàn toàn loại thức ăn gây triệu chứng.

  • Luôn đọc thông tin sản phẩm, chắc chắn rằng chúng không chứa loại thức ăn bạn dị ứng. Nhớ đọc nhãn sản phẩm cẩn thận. Tránh những loại thức ăn gây dị ứng phổ biến như: sữa, trứng, đậu phộng, cá và đậu nành.
  • Nếu nghi ngờ, hãy nói không. Khi ăn tiệc hoặc hội nhóm, luôn có nguy cơ bạn ăn phải loại thức ăn gây dị ứng. Nếu nghi ngờ món ăn đó, hãy tránh xa.
  • Thông báo cho người chăm sóc: nếu con bạn bị dị ứng thức ăn, hãy thông báo cho họ hàng, người chăm trẻ, giáo viên. Đảm bảo rằng họ hiểu tính nghiêm trọng khi trẻ bị dị ứng và biết cách xử trí trong tình huống đó.

Tóm lại, dị ứng thức ăn có thể xuất hiện các triệu chứng từ rất nhẹ đến nguy hiểm tính mạng. Cách tốt nhất là biết và tránh hoàn toàn lại thức ăn bạn bị dị ứng. Nếu xuất hiện phản ứng nguy hiểm, bạn cần gọi cấp cứu ngay và có thể tự tiêm thuốc epinephrine nếu có. Nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc nghi ngờ mình bị dị ứng thức ăn, đừng ngần ngại đi khám để được chẩn đoán và phòng ngừa sớm nhé.

Bác sĩ Phan Văn Giáo

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan