Dị ứng sữa: Những điều bố mẹ cần biết

Dị ứng là một tình trạng mà cơ thể phản ứng với những thứ mà nó cho là có hại. Hệ thống miễn dịch cố gắng bảo vệ trẻ bằng cách tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ tác động làm cơ thể giải phóng một số chất như histamin. Chất này khiến cơ thể trẻ phát ban ngoài da kèm theo ngứa. Nguy hiểm hơn, chúng kích thích gây co thắt đường thở khiến trẻ khó thở.

1. Làm sao biết trẻ có dấu hiệu dị ứng sữa?

Khi dị ứng xảy ra, trẻ có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau với từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Trong đó, tiêu hóa, da và hô hấp là những cơ quan bị tác động nhiều nhất. Các triệu chứng đa dạng, thường không đặc hiệu nên có thể dễ bị bỏ sót, nhất là ở trẻ nhỏ.

1.1. Đường tiêu hóa

Trẻ sơ sinh bú giảm, ọc sữa, quấy khóc hay tiêu máu là những triệu chứng thường gặp. Trẻ lớn có thể tiêu chảy hay táo bón, đau bụng, tiêu máu, khó nuốt. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ có thể xanh xao do thiếu máu thiếu sắt và chậm tăng cân.

1.2. Nhận biết qua da

Là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Trẻ thường nổi mẩn đỏ từng mảng gồ trên da khắp cơ thể và rất ngứa. Nặng hơn, trẻ có thể sưng phù mắt và môi.

Dị ứng sữa: Những điều bố mẹ cần biết
Da bé nổi ban đỏ do bị dị ứng sữa bò

1.3. Hô hấp

Trẻ có thể ngứa mũi, chảy nước mũi, ho khan. Nếu dị ứng nặng, trẻ có thể khó thở, tím tái.

>> Khi phát hiện những dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa thì nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay. Bài viết Dị ứng sữa: Bật mí một số kinh nghiệm khi đi khám bệnh sẽ tổng hợp những thông tin cần thiết nhất cho lần thăm khám.

2. Nếu bé bị dị ứng sữa, bạn nên cho trẻ uống sữa công thức nào?

Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò, bạn có thể chọn các loại sữa sau cho trẻ: sữa đậu nành, sữa có đạm thủy phân hoàn toàn, sữa công thức amino acid.

Trong trường hợp trẻ chỉ dị ứng với đậu nành, bạn có thể cho trẻ uống sữa bột thông thường (không phải đậu nành). Tuy nhiên, khoảng 50% trẻ dị ứng sữa khởi phát muộn cũng bị dị ứng với đậu nành. Nếu con bạn bị dị ứng với cả sữa đậu nành và sữa bò, bạn sẽ cần phải chuyển sang sữa công thức có nguy cơ dị ứng thấp hơn.

Tránh những loại sữa không được khuyến cáo như sữa bò, sữa bò lactose-free (không chứa đường lactose), sữa có đạm thủy phân một phần, sữa dê. Ngoài ra, một số cha mẹ có khuynh hướng cho trẻ dùng nước cơm, nước yến mạch để thay thế sữa. Điều này cũng không nên vì không đủ chất dinh dưỡng. Việc lựa chọn các loại sữa rất quan trọng vì phải cân nhắc về dinh dưỡng và khả năng gây dị ứng.

Một vài trường hợp dị ứng xảy ra ở trẻ bú mẹ hoàn toàn. Lúc này bạn cần kiểm tra lại những yếu tố nguy cơ tác động đến trẻ như đồ trang sức hay nước hoa, thực phẩm từ trứng, đậu nành, sữa… Ngoài việc bạn cần tránh sữa và các thực phẩm từ sữa, trẻ vẫn được khuyến khích tiếp tục bú mẹ. Bạn có thể hạn chế các thực phẩm này trong khoảng 1 đến 2 tuần tùy mức độ ảnh hưởng đến trẻ.

Theo thống kê, 67 – 80% trẻ cải thiện tình trạng dị ứng sữa khi được 5 đến 6 tuổi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm bắt đầu cho trẻ uống sữa hoặc các thực phẩm từ sữa trở lại.

Vì những ảnh hưởng không mong muốn của sữa bò, một số ý kiến cho rằng trẻ trên 2 tuổi và người lớn không nên uống sữa bò. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Dưới đây là những lý do về lợi ích của việc uống sữa bò nhiều hơn những rủi ro.

3. Lợi ích của sữa bò

Các sản phẩm từ sữa bò cung cấp nguồn đạm cho cơ thể với giá thành không quá tốn kém.

Sữa bò là nguồn bổ sung canxi cho sự phát triển của trẻ. So với những loại sữa khác như sữa đậu nành, sữa dê… sữa bò có vị dễ uống hơn.

4. Nguy cơ có thể gặp phải khi uống sữa bò

4.1. Chảy máu từ đường ruột

Một số trẻ có thể bị chảy máu từ đường ruột, biểu hiện bằng tiêu ra máu khi uống sữa bò trong năm đầu đời. Về lâu dài có thể gây thiếu máu do thiếu chất sắt. Vì lý do này, sữa công thức không được khuyến cáo dùng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi.

4.2. Dị ứng thức ăn

Có khoảng 2% trẻ bị dị ứng với thành phần đạm trong sữa bò. Khi trẻ ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa bò, trẻ có thể bị nổi mề đay, tiêu chảy, đau bụng, khó thở, khò khè, ngứa…

4.3. Không dung nạp lactose

Lactose là một loại đường được tìm thấy trong sữa bò. Một số trẻ xuất hiện tình trạng gọi là không dung nạp lactose hay không hấp thụ đường lactose trong sữa. Trẻ thường bị đầy hơi và tiêu chảy khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa bò. Nguyên nhân là do thiếu hụt lactase – một loại enzyme giúp tiêu hóa đường trong sữa.

4.4. Bệnh tim

Đối với trẻ có người thân trong gia đình mắc bệnh tim, nên tránh các sản phẩm có sữa bò. Bởi vì lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao trong sữa nguyên chất sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch cho trẻ sau này. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách cho trẻ uống sữa tách bỏ kem sau 2 tuổi.

4.5. Thiếu canxi

Nếu trẻ không thể uống sữa hoặc ăn thực phẩm làm từ sữa thì cần phải bổ sung chế độ ăn có nhiều canxi. Trẻ không được bổ sung đủ canxi mỗi ngày có thể bị còi xương, ảnh hưởng đến tầm vóc sau này. Ngoài ra, trẻ dễ bị gãy xương và tăng nguy cơ loãng xương khi về già. Vậy nên, bạn có thể bổ sung canxi từ trái cây, ngũ cốc hay các loại thực phẩm chức năng.

5. Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa phản ứng dị ứng ở trẻ?

5.1. Tại nhà

Tránh hoàn toàn thực phẩm gây dị ứng là cách tốt nhất để ngăn ngừa xuất hiện các triệu chứng dị ứng ở trẻ. Bạn có thể đọc thêm sách hướng dẫn dạy nấu ăn cho trẻ bị dị ứng thực phẩm. Bạn có thể hỏi bác sĩ thông tin về những thực phẩm thay thế trong bữa ăn của trẻ.

Nếu bạn đang cho con bú, không ăn những thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Chất gây dị ứng có thể được tiết qua sữa mẹ từ chế độ ăn uống của bạn.

Dị ứng sữa: Những điều bố mẹ cần biết
Các thực phẩm từ sữa bò cần được các mẹ lưu ý đối với những bé bị dị ứng sữa

Một điều quan trọng là bạn phải biết các thành phần trong thực phẩm có thể khiến trẻ dị ứng. Bước đầu tiên là chú ý đến thông tin về thành phần của từng loại thực phẩm từ sữa, trứng, cá, hải sản… Ngay cả khi chất gây dị ứng là một phần trong hỗn hợp hương liệu hoặc gia vị, bạn cần đọc lại thành phần của thực phẩm trước khi quyết định mua. Thành phần có thể đã thay đổi kể từ lần cuối bạn mua thực phẩm.

5.2. Tại quán ăn

Khi cho trẻ ăn ngoài, tránh cho trẻ ăn các món salad hay tiệc buffet. Bởi vì món ăn có thể đã tiếp xúc với các thực phẩm khác. Gọi những món ăn đơn giản chỉ với một vài nguyên liệu. Tránh các loại nước sốt trừ khi bạn chắc chắn rằng chúng không chứa chất gây dị ứng. Thông báo với người phục vụ về việc tránh các thực phẩm gây dị ứng của trẻ. Đặc biệt, tránh chế biến thực phẩm cho trẻ bằng thớt, chảo, dao chung với người khác.

5.3. Tại trường học

Nếu trẻ đi nhà trẻ hoặc đến trường học, bạn cần dạy trẻ chú ý đến việc kiểm soát các loại thức ăn. Có thể tóm gọn với 3 nguyên tắc đơn giản như:

  • KHÔNG trao đổi thức ăn với bạn bè.
  • KHÔNG ăn thực phẩm lạ trừ khi được chuẩn bị sẵn ở nhà.
  • Nói với người lớn (cô giáo hay chú bảo vệ) NGAY LẬP TỨC khi trẻ nghĩ rằng trẻ đã ăn một loại thực phẩm mà trẻ có thể bị dị ứng.

Khi trẻ biết đọc, hãy dạy bé cách đọc thông tin về thành phần trên bao bì.

Đối với người trông giữ trẻ, giáo viên và bạn bè của trẻ, bạn nên:

  • Liệt kê tất cả các thông tin về các loại thực phẩm dị ứng của trẻ. Ngoài ra, những dấu hiệu cho thấy trẻ bị dị ứng và xử trí cần thiết cũng rất quan trọng.
  • Bạn có thể dặn dò giáo viên dạy trẻ thông báo với bạn trước về bất kỳ bữa tiệc nào sắp được tổ chức. Chuẩn bị sẵn thực phẩm dành riêng cho trẻ trong trường hợp giáo viên quên thông báo với bạn.

Điều quan trọng để ngăn tình trạng dị ứng sữa là tránh để trẻ dùng các sản phẩm từ sữa. Đặc biệt, những lưu ý khi trẻ không được cha mẹ chăm sóc trực tiếp sẽ giúp trẻ tránh được phản ứng nguy hiểm.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống