Đề kháng insulin: Tiền đề của căn bệnh đái tháo đường

Đề kháng insulin là một tình trạng phức tạp. Trong đó, cơ thể của chúng ta không phản ứng như bình thường với insulin. Hay nói cách khác, các tế bào không thể sử dụng insulin – một loại hormone mà tuyến tụy tiết ra, rất cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Đề kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Tình trạng này có thể xảy ra trong nhiều năm mà không được hay biết. Một số yếu tố di truyền và lối sống có thể góp phần vào việc hình thành kháng insulin. 

Thế nào là đề kháng insulin?

Những người bị đề kháng insulin, hay còn được gọi là giảm nhạy cảm với insulin, đã hình thành khả năng dung nạp insulin, làm cho hormone này hoạt động kém hiệu quả. Do đó, cần nhiều insulin hơn để ra tín hiệu cho các tế bào trong cơ thể như tế bào mỡ, cơ và gan hấp thụ glucose. Kháng insulin cũng đã được định nghĩa một cách nôm na là cơ thể cần đến 200 đơn vị insulin trở lên mỗi ngày, để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa nhiễm toan ceton.1 2

Trong trường hợp bình thường, insulin hoạt động theo các bước sau:3

  • Cơ thể phân hủy thức ăn thành glucose (đường), là nguồn năng lượng chính của cơ thể.
  • Glucose đi vào máu, phát tín hiệu cho tuyến tụy tiết ra insulin.
  • Insulin giúp glucose trong máu đi vào các tế bào cơ, mỡ và tế bào gan để chúng có thể sử dụng làm năng lượng hoặc tích trữ để sử dụng sau này.
  • Sau khi glucose đi vào trong tế bào và nồng độ glucose trong máu giảm, phát tín hiệu cho tuyến tụy ngừng sản xuất insulin.

Vì một số lý do, các tế bào cơ, mỡ và gan của cơ thể có phản ứng không thích hợp với insulin – tình trạng đề kháng insulin – làm chúng không thể hấp thụ hoặc lưu trữ glucose từ máu một cách hiệu quả. Vì thế cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng.

Để đối phó với tình trạng đề kháng insulin, tuyến tụy tiết ra một lượng lớn hormone để cho các tế bào có thể tạo đủ năng lượng, và giữ cho lượng đường trong máu vẫn trong giới hạn bình thường. Đây được gọi là tình trạng tăng insulin máu.3

Khả năng tăng sản xuất insulin bù trừ của tuyến tụy làm cho tình trạng kháng insulin ở giai đoạn đầu sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên theo thời gian, tình trạng đề kháng insulin có xu hướng trở nên tồi tệ hơn, và các tế bào beta tuyến tụy tiết ra insulin có thể bị suy yếu. Dần dần tuyến tụy không còn sản xuất đủ insulin để vượt qua sự đề kháng của tế bào. Hậu quả là đường trong máu cao, và cuối cùng là tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường típ 2.3

Insulin còn có các vai trò khác trong cơ thể, bên cạnh việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Và tác động của đề kháng insulin ngoài bệnh đái tháo đường típ 2, còn liên quan đến một số tình trạng khác, bao gồm:3

  • Béo phì.
  • Bệnh tim mạch.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Hội chứng chuyển hóa.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đề kháng insulin?

Các nhà khoa học đã bắt đầu hiểu hơn về cách hình thành tình trạng đề kháng insulin. Cho đến nay, họ đã xác định được một số gen khiến một người ít nhiều có khả năng bị kháng insulin. Ngoài ra, người cao tuổi dễ bị mắc phải tình trạng này.

Một số yếu tố và tình trạng có thể gây ra các mức độ đề kháng insulin khác nhau. Các nhà khoa học tin rằng lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, đặc biệt là xung quanh bụng; và ít vận động là hai yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng này.

Theo các nghiên cứu, cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây đề kháng insulin. Tình trạng này có thể là kết quả của các ảnh hưởng di truyền và việc bị mắc phải.3

Nguyên nhân mắc phải của đề kháng insulin3

  • Thừa cân, béo phì: Các nhà khoa học tin rằng béo phì, đặc biệt là mỡ thừa ở bụng và xung quanh các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng), là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đề kháng insulin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỡ bụng tạo các chất và hormone khác nhau có thể góp phần gây ra tình trạng viêm nhiễm lâu dài trong cơ thể. Tình trạng viêm này có thể đóng một vai trò trong việc đề kháng insulin.
  • Ít hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin, và xây dựng khối cơ có thể hấp thụ glucose trong máu hiệu quả. Việc thiếu hoạt động thể chất có thể có những tác động ngược lại và gây ra tình trạng đề kháng insulin. Ngoài ra, thiếu hoạt động thể chất và lối sống ít vận động có liên quan đến tăng cân, cũng có thể góp phần gây ra tình trạng đề kháng insulin.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu tinh bột và chất béo bão hòa có liên quan đến tình trạng đề kháng insulin.
  • Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây kháng insulin. Bao gồm steroid, một số loại thuốc huyết áp, một số phương pháp điều trị HIV và một số loại thuốc tâm thần.
  • Các bệnh lý liên quan đến nội tiết: Các vấn đề với một số nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến mức độ cơ thể sử dụng insulin. Các rối loạn nội tiết tố có thể gây ra kháng insulin bao gồm: hội chứng Cushing (cortisol trong máu tăng cao), bệnh to đầu chi (tăng hormon tăng trưởng GH)…
Đề kháng insulin: Tiền đề của căn bệnh đái tháo đường
Thừa cân, béo phì có thể gây ra tình trạng đề kháng insulin

Các nguyên nhân liên quan hội chứng đề kháng insulin bẩm sinh3

Các nguyên nhân liên quan hội chứng đề kháng insulin bẩm sinh vì nhiều cơ chế khác nhau, các hội chứng này bao gồm:

  • Hội chứng đề kháng insulin típ A.
  • Hội chứng Rabson-Mendenhall.
  • Hội chứng Donohue.
  • Chứng loạn dưỡng tăng trương lực cơ.
  • Hội chứng Alström.
  • Hội chứng Werner.
  • Chứng loạn dưỡng mô mỡ.

Tác động của đề kháng insulin đối với cơ thể?

Nồng độ insulin tăng cao có thể dẫn đến tăng cân, do đó làm cho tình trạng kháng insulin trở nên trầm trọng hơn. Tăng insulin máu cũng có liên quan đến các tình trạng sau:3

  • Tăng triglyceride máu.
  • Xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, đề kháng insulin cũng là đặc điểm chính của hội chứng chuyển hóa – liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường típ 2. Các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa bao gồm:3

  • Rối loạn đường huyết (đường huyết lúc đói trên 100 mg/dL).
  • Rối loạn chuyển hóa lipid chủ yếu là tăng triglyceride máu (Mức triglycerid lúc đói trên 150 mg/dL).
  • Mức HDL trong máu thấp (cholesterol HDL dưới 40 mg/dL ở nam, và 50 mg/dL ở nữ).
  • Huyết áp cao (huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên).
Đề kháng insulin: Tiền đề của căn bệnh đái tháo đường
Đề kháng insulin gây tăng insulin trong máu từ đó có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch

Đối với người mắc bệnh đái tháo đường típ 2 càng đề kháng insulin thì càng khó kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vì cần nhiều thuốc hơn để có đủ insulin trong cơ thể nhằm đạt được mức đường huyết mục tiêu.1

Đề kháng insulin không phải là nguyên nhân của bệnh đái tháo đường típ 1. Nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường típ 1 đề kháng insulin sẽ cần liều insulin cao hơn để kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu, so với những người nhạy cảm với insulin.1

Triệu chứng đề kháng insulin?

Ban đầu, đề kháng insulin không có triệu chứng. Các triệu chứng chỉ bắt đầu xuất hiện khi nó dẫn đến các biến chứng như đường trong máu tăng cao hơn. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng có thể bao gồm:3 4

  • Khát nước thường xuyên.
  • Đi tiểu nhiều lần.
  • Tăng cảm giác đói.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm tập trung.
  • Nhìn mờ.

Các dấu hiệu khác thường xuất hiện ở những người bị kháng insulin bao gồm:3 4

  • Dấu gai đen (acanthosis nigricans): các mảng da dày, mịn sẫm màu ở bẹn, nách và cổ. Không có phương pháp điều trị dấu gai đen. Song nếu bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt, giảm cân cũng như bệnh lý gây kháng Insulin thì màu da sẽ trở lại bình thường.
  • Dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa.
Đề kháng insulin: Tiền đề của căn bệnh đái tháo đường
Dấu gai đen – một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng đề kháng insulin

Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng?

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán trực tiếp tình trạng đề kháng insulin. Bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố khi đánh giá tình trạng tình trạng này, bao gồm: hỏi bệnh sử và tiền căn gia đình, thăm khám các triệu chứng lâm sàng.5

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu:5

  • Đường huyết: Đường huyết lúc đói hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT).
  • Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c): Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng qua.
  • Bilan lipid: Đây là một nhóm các xét nghiệm đo lượng lipid cụ thể trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, LDL, HDL và triglycerid.
  • Chỉ số HOMA (homeostatic model assessment): Nhằm định lượng glucose và insulin trong máu. Sau đó dùng các phép tính để ước lượng chức năng của tế bào beta và độ nhạy với insulin.

Phải làm gì khi mắc đề kháng insulin?

Vì không phải tất cả các yếu tố gây ra kháng insulin đều có thể điều trị được. Chẳng hạn như yếu tố di truyền và tuổi tác, thay đổi lối sống là phương pháp điều trị chính đề kháng insulin. Những thay đổi về lối sống bao gồm:3 5 6

1. Vận động

Đây có lẽ là cách tốt nhất để chống lại tình trạng đề kháng insulin. Tập thể dục có thể làm giảm đáng kể tình trạng này trong cả ngắn hạn và dài hạn. Thường xuyên hoạt động thể chất cường độ vừa phải giúp tăng mức sử dụng năng lượng glucose, và cải thiện độ nhạy insulin của cơ.

Người bệnh nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với hoạt động vừa phải (như đi bộ nhanh) 5 ngày trở lên mỗi tuần. Một buổi tập thể dục cường độ vừa phải có thể làm tăng hấp thu glucose lên ít nhất 40%.

Đề kháng insulin: Tiền đề của căn bệnh đái tháo đường
Thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động và phương pháp điều trị chính cho tình trạng kháng insulin

2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Người bệnh nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp đến trung bình. Và hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Tránh ăn quá nhiều carbohydrate (tinh bột) do kích thích sản xuất insulin. Ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nên ăn cá, và thịt nạc gia cầm. Hạn chế ăn chất béo bão hòa, đường, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn.

3. Giảm cân

Giảm cân cũng có thể làm giảm tình trạng kháng insulin. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, giảm 7% trọng lượng cơ thể ở người thừa cân béo phì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 đến 58%. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người trải qua phẫu thuật giảm cân có khả năng trở nên nhạy cảm hơn với insulin.7 8

4. Thuốc

Không có loại thuốc nào được phê duyệt cụ thể để điều trị đề kháng insulin. Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị đái tháo đường như metformin và thiazolidinediones (TZDs), là những chất làm tăng nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, bằng cách giảm kháng insulin.

Có thể đảo ngược tình trạng hay không?

Đề kháng insulin có một số nguyên nhân và yếu tố góp phần. Mặc dù thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm cân, có thể làm tăng độ nhạy cảm insulin và giảm kháng insulin. Nhưng không phải tất cả các nguyên nhân đều có thể khắc phục được.3

Khi nào đi khám bác sĩ về tình trạng đề kháng insulin?

Nếu có các triệu chứng liên quan đến đề kháng insulin, người bệnh nên thường xuyên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm tình trạng này, hoặc các tình trạng liên quan đến đề kháng insulin và đảm bảo rằng đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường.

Nếu người bệnh đang gặp các triệu chứng của đường trong máu tăng cao hoặc tiền đái tháo đường. Hãy đi khám bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm đơn giản, để kiểm tra đường huyết và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường hoặc các tình trạng có thể gây đề kháng insulin, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ phát triển tình trạng này.

Có thể thấy, đề kháng insulin là một tình trạng phức tạp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo một số cách. Vì nó không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi chuyển sang giai đoạn tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường típ 2. Điều tốt nhất có thể làm là cố gắng ngăn ngừa và đảo ngược tình trạng này bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai
Vợ chồng bạn đang trong cuộc đua “săn rồng” và dù đã canh ngày rụng trứng để quan hệ nhưng vài tháng trôi qua mà vẫn chưa có tin vui. Bạn băn khoăn
Hình ảnh tin tức Mùa nắng nóng uống rau má đậu xanh mỗi ngày có tốt không?
Rau má đậu xanh là thức uống giải nhiệt được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon và cảm giác thanh mát khi thưởng thức. Song việc uống nhiều
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra ung thư phổi tại nhà và làm sao để nhận biết sớm bệnh?
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân là bệnh không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn
Hình ảnh tin tức Thức khuya có đau dạ dày không? Tác hại của thức khuya với hệ tiêu hóa
Việc cân bằng công việc, cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ xã hội đôi khi khiến chúng ta phải thức khuya hơn và việc ngủ đủ giấc trở nên “xa xỉ”.
Hình ảnh tin tức 9 cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tại nhà an toàn, hiệu quả
Phụ nữ đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời áp dụng