Dầu cây Búa: công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Dầu cây Búa có công dụng là gì, sử dụng khi nào? Khi dùng thuốc này bạn cần lưu ý điều gì? Trong bài viết dưới đây Dược sĩ Phan Tiểu Long sẽ đưa đến cho bạn những thông tin chi tiết nhất.

Hoạt chất: Menthol, Eucalyptus oil, Camphor, Methyl salicylat.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Dầu gói xanh hiệu kim bản Gold Medal Medicated Oil, Dầu gió loan.

Dầu cây Búa là thuốc gì?

Dầu cây Búa là sản phẩm của Công ty Dược phẩm TNHH Leung Kai Fook Việt Nam. Thuốc dùng ngoài da để giảm các triệu chứng cảm lạnh, ho khan, nhức đầu, sổ mũi, buồn nôn, khó chịu do say tàu xe. Dầu còn có thể làm giảm đau bụng, đầy hơi, đau lưng, nhức mỏi chân tay, làm dịu các vết sưng ngứa do côn trùng đốt.

Dầu cây Búa
Dầu cây Búa được dùng để làm giảm triệu chứng khó chịu đường hô hấp, giảm đau và ngứa

Thành phần của Dầu cây Búa

Mỗi 100 gam dầu chứa:1

  • Menthol Crystals (Tinh dầu Bạc hà): 20 gam
  • Eucalyptus Oil (Tinh dầu Khuynh diệp): 15 gam
  • Methyl salicylat: 15 gam
  • Camphor (Long não): 5 gam
  • Tá dược: Essential oil (tinh dầu) 12 gam, Liquid paraffin (dung dịch paraffin) vừa đủ 100 gam.

Công dụng của từng thành phần

Menthol Crystals

Chủ yếu được dùng tại chỗ. Menthol cho cảm giác mát và tê. Chất này có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng đau dây thần kinh và sát trùng mạnh. Menthol thường dùng trong một số trường hợp ngứa của bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng như viêm phế quản, viêm xoang và các trường hợp tương tự.1 2 3

Eucalyptus Oil

Dầu có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:4

  • Giảm viêm.
  • Giảm các triệu chứng liên quan đến hen suyễn.
  • Giảm căng thẳng.

Methyl salicylat

Methyl salicylat xoa ngoài da có tác dụng giảm tạm thời các cơn đau nhẹ do căng cơ, bong gân, viêm khớp, bầm tím, đau dây thần kinh, đau lưng hoặc đau ở cột sống dưới.5

Camphor

Camphor có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm. Nó được dùng điều trị các bệnh ngoài da, cải thiện chức năng hô hấp và giảm đau.6

Tác dụng của Dầu cây Búa

Dầu cây Búa được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:1

  • Giảm các triệu chứng cảm lạnh, ho khan, nhức đầu, sổ mũi.
  • Buồn nôn, khó chịu do say tàu xe, đau bụng, đầy hơi.
  • Đau lưng, nhức mỏi chân tay, các vết sưng ngứa do côn trùng đốt.

Cách dùng và liều dùng của Dầu cây Búa

Cách dùng1

Dầu chỉ dùng để xoa ngoài da, không được uống.

Liều dùng1

  • Trường hợp cảm lạnh, ho khan, nhức đầu, sổ mũi, say tàu xe, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi: Thoa dầu lên hai bên thái dương, cổ, bụng, gan bàn chân và bàn tay cho tới khi thấy người ấm lên. Thoa bôi dầu lên mũi để hít và ngửi.
  • Trường hợp đau lưng, nhức mỏi tay chân, côn trùng đốt: Thoa dầu mỗi ngày 3 đến 4 lần xung quanh chỗ đau nhức.

    Dầu cây Búa
    Thoa dầu lên thái dương, cổ, gan bàn chân,… cho đến khi thấy người ấm lên

Dầu cây Búa giá bao nhiêu?

Trên thị trường hiện nay Dầu cây Búa được bán với giá tham khảo:

  • Khoảng 15.000 – 20.000 VNĐ cho hộp 1 chai 5 ml.
  • Khoảng 24.000 – 30.000 VNĐ cho hộp 1 chai 10 ml.
  • Khoảng 75.000 – 85.000 VNĐ cho hộp 1 chai 56 ml.

Mức giá chênh lệch tùy thuộc vào thời điểm mua thuốc và các nhà thuốc, cửa hàng khác nhau.

Tác dụng phụ của Dầu cây Búa

Dầu cây Búa làm tăng tiết mồ hôi, giảm thân nhiệt. Bên cạnh đó còn gây kích ứng và làm khó chịu nơi xoa thuốc.

Hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn mà bạn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc

Bệnh nhân đã dùng warfarin có nguy cơ xuất huyết dưới da nếu bôi quá nhiều Dầu cây Búa do sự hấp thu của methyl salicylat qua da.1

Đối tượng chống chỉ định dùng Dầu cây Búa

Chống chỉ định sử dụng thuốc cho các đối tượng sau:

  • Phụ nữ có thai hoặc mẹ đang cho con bú.
  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
  • Trẻ em có tiền sử động kinh hoặc tiền sử co giật do sốt cao.
  • Dị ứng với salicylate, aspirin hoặc bất kỳ các thành phần nào khác của thuốc.

    Dầu cây Búa
    Không sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai, mẹ cho con bú và trẻ em dưới 30 tháng tuổi

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có sử dụng được Dầu cây Búa hay không?

Chống chỉ định sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và mẹ cho con bú.

Xử lý khi quá liều Dầu cây Búa

Phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị nếu xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, lờ đờ,…

Các triệu chứng ngộ độc có thể xảy ra nếu uống nhầm Dầu cây Búa. Khi đó, cần thông báo ngay cho bác sĩ và đến cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Xử trí ngộ độc salicylat

  • Hút dịch hoặc rửa dạ dày kết hợp với loại bỏ độc chất bằng than hoạt.
  • Truyền tĩnh mạch natri bicacbonat để kiềm hoá nước tiểu, truyền dung dịch bổ sung kali clorid khi cần.
  • Thẩm phân, truyền máu hoặc thay máu nếu cần.

Xử trí ngộ độc camphor, menthol, eucalyptus oil

  • Dùng dầu parafin để rửa dạ dày rồi cho thuốc tẩy ruột có muối.
  • Điều trị triệu chứng: Dùng diazepam khi co giật, dùng atropin để làm giảm tiết dịch phế quản, hô hấp hỗ trợ trong trường hợp suy hô hấp.

Trường hợp quên liều Dầu cây Búa

Nếu quên một liều, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp. Không nên gấp đôi liều dùng để bù lại cho liều đã quên.

Lưu ý gì khi sử dụng Dầu cây Búa

Khi sử dụng Dầu cây Búa cần lưu ý một số điều sau:1

  • Dầu chỉ dùng để xoa ngoài da, không được uống.
  • Tránh để dầu tiếp xúc với mắt, miệng và niêm mạc.
  • Tránh các phần da bị tổn thương hay các vết thương hở khi bôi thuốc.
  • Cần cẩn trọng không để trẻ sơ sinh hít phải thuốc.
  • Dầu không được phân liều cụ thể. Tuy nhiên sử dụng với lượng vừa phải, không được bôi xoa trên diện rộng.
  • Nên thông báo cho bác sĩ nếu bạn mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, đang sử dụng các thuốc. khác, đang mang thai, cho con bú, hoặc gặp bất kỳ phản ứng nào khác của thuốc.

Cách bảo quản

  • Bảo quản dưới 30°C, tránh ánh sáng, để nơi khổ ráo thoáng mát.
  • Để xa tầm tay trẻ em.

Trên đây là các thông tin chi tiết về công dụng, cách dùng và tác dụng phụ của Dầu cây Búa. Nếu còn thắc mắc gì về thuốc, hãy liên hệ với Nhà thuốc Bắc Giang để được tư vấn ngay bạn nhé!