Đại Tràng Nhất Nhất là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Đại Tràng Nhất Nhất được dùng trong trường hợp nào? Cần sử dụng Đại Tràng Nhất Nhất như thế nào để thuốc cho hiệu quả cao? Cần lưu ý gì khi sử dụng Đại Tràng Nhất Nhất? Tất cả các thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Việt Linh!

Hoạt chất: Bạch thược, bạch truật, cam thảo, hậu phác, hoàng liên…

Thuốc chứa thành phần tương tự: chưa ghi nhận.

Đại Tràng Nhất Nhất là thuốc gì?

Đại Tràng Nhất Nhất là sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất. Sản phẩm được bào chế từ 9 loại dược liệu thiên nhiên dưới dạng viên nén bao phim. Đại Tràng Nhất Nhất hiện nay được lưu hành với các dạng đóng gói như sau:1

  • Hộp 2 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên nén bao phim.
  • Hộp 3 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên nén bao phim.
  • Hộp 12 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên nén bao phim.
  • Hộp 1 lọ chứa 30 viên nén bao phim.
  • Hộp 1 lọ chứa 60 viên nén bao phim.
  • Hộp 1 lọ chứa 100 viên nén bao phim.
Đại Tràng Nhất Nhất
Đại Tràng Nhất Nhất là sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất

Thành phần và công dụng của từng thành phần

Thành phần của Đại Tràng Nhất Nhất

Bảng dưới đây trình bày về thành phần và hàm lượng của từng thành phần trong 1 viên:1

Thành phần Hàm lượng
Bạch thược 450 mg
Bạch truật 450 mg
Cam thảo 225 mg
Hậu phác 300 mg
Hoàng liên 675 mg
Mộc hương 600 mg
Ngũ bội tử 450 mg
Xa tiền tử 225 mg
Hoạt thạch 75 mg

Công dụng của từng thành phần

1. Bạch thược2

Với bộ phận dùng chính là rễ củ, bạch thược là vị thuốc có tính hàn và vị đắng, chua. Theo nguyên lý trong Đông y, bạch thược cho các tác dụng như bổ huyết và bình can chỉ thống. Bạch thược được dùng với các công dụng như:

  • Đau tức ngực và bụng.
  • Đau do tay chân bị co cứng.
  • Đau bụng do tả, lỵ.
  • Đau đầu.
  • Hoa mắt chóng mặt.
  • Sốt nóng, vã mồ hôi.
  • Kinh nguyệt không đều.
Đại Tràng Nhất Nhất
Bộ phận dùng của bạch thược là rễ củ

2. Bạch truật3

Bạch truật là vị thuốc có tính ôn và vị đắng, ngọt. Trong y học cổ truyền, bạch truật được dùng với các công dụng như trừ thấp, bổ tỳ ích khí, an thai, trị bụng đầy trứng, sôi bụng, ho suyễn, chứng biểu hư mồ hôi ra nhiều, động thai.

Với y học hiện đại, bạch truật được chứng minh với các tác động tới cơ thể như:

  • Tăng sức đề kháng và thể trọng của cơ thể.
  • Kích thích ruột non tổng hợp protein.
  • Tăng hàm lượng kháng thể IgG trong huyết thanh.
  • Tăng số lượng bạch cầu.
  • Giúp tế bào tăng cường khả năng miễn dịch.

Bạch truật khi sắc có thể bảo vệ gan, tăng tiết mật, chống đông máu, hạ đường huyết, phòng chống ung thư và ngăn ngừa sự giảm sút glycogen ở gan.

3. Cam thảo4

Cam thảo có vị ngọt và tính bình. Theo học thuyết tạng tượng của y học cổ truyền, cam thảo có công dụng với các bệnh ở tim, phổi, thận và lách. Dược liệu này thường được dùng để trị các bệnh như: viêm loét tá tràng, đau bụng, viêm phế quản, sưng đau họng, viêm gan, vàng da…

Với các nghiên cứu của y học hiện đại, các tác dụng dược lý của cam thảo có thể kể đến như:

  • Chống dị ứng và viêm nhiễm.
  • Hỗ trợ giảm cholesterol.
  • Phòng ngừa các biến cố tim mạch liên quan đến xơ vữa.
  • Bảo vệ gan.
  • Nâng cao sức khoẻ miễn dịch của cơ thể.
Đại Tràng Nhất Nhất
Cam thảo là dược liệu phổ biến với rất nhiều công dụng có lợi cho sức khoẻ

4. Hậu phác5

Hậu phác là dược liệu có vị cay, đắng, tính ôn. Công dụng của hậu phác quy kinh tỳ (lách), vị và đại tràng. Hậu phác có tác dụng điều trị chứng đầy bụng khó tiêu trong các bài thuốc như: Thang hậu phác ôn trung, Bình vị tán, Thang hậu phác tam vật…

Công dụng thứ 2 của hậu phác là điều trị chứng hen suyễn. Hậu phác chứng minh công dụng này qua các thang thuốc cổ như Thang hậu phác ma hoàng và Thang quế chi gia hậu phác hạnh nhân.

5. Hoàng liên6

Thành phần hoá học chính có công dụng của hoàng liên thuộc nhóm alkaloid. Alkaloid chủ yếu trong hoàng liên chính là berberin. Ngoài ra còn có các alkaloid khác như palmatin, worenine…

Hoàng liên với công dụng chính là trị các bệnh rối loạn đường tiêu hoá. Các triệu chứng có thể điều trị với hoàng liên như viêm ruột, kiết lỵ, đau bụng và nôn mửa. Ngoài ra, hoàng liên còn có thể điều trị lở loét bởi nhiệt miệng, đau mắt đỏ và lợi xương ích mật.

Đại Tràng Nhất Nhất
Thành phần hoá học chính cho tác dụng điều trị của hoàng liên là alkaloid berberin

6. Mộc Hương7

Mộc hương là dược liệu có tính ấm, vị cay và đắng. Mộc hương được sử dụng với mục tiêu điều trị các bệnh như ho, tả lỵ, nôn mửa, và ăn khó tiêu, bí tiểu. Trong y học cổ truyền, các tác dụng của mộc hương được trình bày như đuổi phong tà, giải cơ biểu, tả khó hoả, kiện tỳ, chỉ tả.

7. Ngũ bội tử8

Ngũ bội tử với vị chua và tính bình, công dụng của dược liệu này quy vào 3 kinh chính là phối, thận và đại tràng. Ngũ bội tử được sử dụng để điều trị ho do chức nổi phổi, kiết lỵ lâu ngày, trĩ, đổ nhiều mồ hôi và mọc mụn nhọt.

8. Xa tiền tử9

Xa tiền tử chính là dược liệu lấy từ hạt của cây mã đề. Dược liệu này có vị ngọt, tính mát. Xa tiền tử có một số công dụng như sau:

  • Điều trị tiêu chảy ở trẻ em.
  • Điều trị kiết lỵ.
  • Điều trị bí tiểu.
  • Điều trị tiêu chảy vào mùa nắng.

9. Hoạt thạch10

Đây là dược liệu có nguồn gốc từ các loại khoáng sản tự nhiên. Hoạt thạch còn được gọi là bột talc, dược liệu có màu trắng mịn. Nó là thành phần của một số thành phẩm như phấn rôm, kem đánh răng, lớp bao của thuốc…

Hoạt thạch có vị ngọt, tính hàn. Đây là dược liệu có công dụng thanh nhiệt, chữa các chứng chàm lở, rôm sảy, sỏi niệu…

Tác dụng của Đại Tràng Nhất Nhất

Đại Tràng Nhất Nhất chỉ định để điều trị các bệnh lý sau đây:1

  • Viêm đại tràng.
  • Tiêu chảy.
  • Rối loạn tiêu hoá bao gồm đau bụng, ăn không tiêu, sôi bụng.
  • Đi phân sống.
Đại Tràng Nhất Nhất
Đại Tràng Nhất Nhất được chỉ định để điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hoá

Cách dùng và liều dùng Đại Tràng Nhất Nhất

Đại Tràng Nhất Nhất sử dụng bằng đường uống vè tốt nhất nên được sử dụng vào lúc đói.

Đối với trẻ em từ 3 – 15 tuổi: mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 1 viên.

Đối với trẻ em từ 15 tuổi trở lên và người lớn: mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 2 viên.

Đối với các trường hợp mắc phải các bệnh mãn tính thì nên dùng thuốc trong thời gian tối thiểu 3 tháng.1

Tác dụng phụ của thuốc

Hiện nay chưa ghi nhận thông tin về tác dụng phụ của Đại Tràng Nhất Nhất từ nhà sản xuất cũng như báo cáo về tác dụng phụ khi dùng thuốc từ thị trường.

Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu ghi nhận bất kỳ phản ứng bất thường nào từ bệnh nhân, hãy liên hệ ngay với chuyên gia y tế để được tư vấn về cách xử trí kịp thời.

Tương tác thuốc của Đại Tràng Nhất Nhất

Hiện vẫn chưa ghi nhận về thông tin cẩn trọng về tương tác thuốc khi sử dụng đồng thời với Đại Tràng Nhất Nhất. Để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn từ tương tác thuốc, hãy liệt kê cho chuyên gia y tế của bạn biết tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, từ Đông y đến Tây y và bao gồm cả thuốc không kê đơn!

Đối tượng chống chỉ định và thận trọng khi dùng thuốc

1. Đối tượng chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng Đại Tràng Nhất Nhất cho các đối tượng sau:1

  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
  • Trẻ em có tiền sử động kinh.
  • Trẻ có tiền sử co giật do bị sốt cao.

2. Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Đại Tràng Nhất Nhất?

Nên đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai. Cần cân nhắc giữa 2 yếu tố lợi ích trên mẹ và nguy cơ trên thai nhi trước khi quyết định sử dụng thuốc.1

Hiện vẫn chưa có thông tin về mức độ an toàn khi sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú. vì vậy bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc trên các đối tượng này.

Xử lý khi quá liều và quên liều thuốc

1. Xử trí khi quá liều

Khi sử dụng quá liều thuốc khuyến cáo của nhà sản xuất, bạn có thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Khi sử dụng đúng liều theo khuyến cáo, các tác dụng phụ sẽ hết.1

2. Xử trí khi quên liều

Nếu quên liều thuốc, hãy sử dụng ngay khi vừa nhớ ra. Trong trường hợp phát hiện liều đã quên đã gần với thời điểm dùng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng thuốc như kế hoạch.

Lưu ý: tuyệt đối không sử dụng gấp đôi liều thuốc để bù cho liều đã quên.

Lưu ý gì khi sử dụng?

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng Đại Tràng Nhất Nhất từ nhà sản xuất trước khi dùng.

Bạn không nên tuỳ tiện sử dụng nếu chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ thuốc ở nơi tránh xa tầm tay trẻ em.

Cách bảo quản

Bảo quản Đại Trang Nhất Nhất ở nơi thoáng mát, nhiệt độ dưới 30°C.

Không sử dụng thuốc nếu điều kiện bảo quản không được đảm bảo (thuốc trong vỉ bị rách, hộp đựng thuốc không được đóng nắp).

Đại Tràng Nhất Nhất giá bao nhiêu?

Theo thông tin kê khai với Cục Quản lý Dược, Đại Tràng Nhất Nhất có giá là 4.500 VNĐ/viên nén. Vì vậy với từng loại đóng gói thì sẽ có giá bán khác nhau.1

Lưu ý: thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo vì thực tế sẽ có chênh lệch. Mức chênh lệch sẽ phụ thuộc vào chính sách của đơn vị phân phối và nhà bán.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Đại Tràng Nhất Nhất do Dược sĩ Trần Việt Linh cung cấp cho bạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cho mình những thông tin cần biết. Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn!