Da khô: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Da khô là một tình trạng rất phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người già và những người thường xuyên ở trong môi trường không khí khô, lạnh, độ ẩm thấp hay tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa mạnh. Hiện nay những hiểu biết mới về cơ chế gây nên khô da, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của da khô ngày càng được làm sáng tỏ, chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây với Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu nhé.

Tình trạng da khô là gì?

Da khô là da có cảm giác khô khi chạm vào. Điều này xảy ra khi da bị thiếu độ ẩm ở lớp thượng bì (là lớp ngoài cùng của da) và có thể dẫn đến các vết khô nứt trên bề mặt da.

Da khô có thể gây tình trạng khó chịu với biểu hiện là bong tróc vảy, ngứa da và nứt nẻ. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Bạn có thể có làn da khô tự nhiên, nhưng ngay cả khi da của bạn là tuýp da dầu nhờn, bạn vẫn có thể bị khô da theo thời gian.

Da khô có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần da nào trên cơ thể, nhưng thường ảnh hưởng đến bàn tay, tay và chân. Trong nhiều trường hợp khô da nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi lối sống và bôi kem dưỡng ẩm thích hợp, thường xuyên là đủ để điều trị. Nếu những phương pháp đó không đủ để cải thiệu triệu chứng, bạn nên liên hệ với bác sĩ da liễu để được hỗ trợ tốt nhất.1

Da khô: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Da khô gây bong tróc vảy, nứt da và gây ngứa, khó chịu cho người bệnh

Ai bị khô da?

Cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị khô da.

  • Da khô bắt đầu từ nhỏ có thể là một trong 20 phân loại nhỏ của bệnh da vảy cá (ichthyosis), ghi nhận thường có tiền sử gia đình cũng bị da khô tương tự.
  • Tình trạng khô da thường thấy ở những người bị viêm da cơ địa. (chàm).
  • Hầu hết tất cả người lớn trên 60 tuổi đều bị khô da.

Ngược lại khi da khô bắt đầu muộn hơn có thể gặp ở những người mắc một số bệnh và tình trạng như là:

  • Phụ nữ ở lứa tuổi sau mãn kinh.
  • Bệnh suy giáp.
  • Bệnh thận mạn tính.
  • Suy dinh dưỡng và sụt cân.
  • Viêm da chưa biểu hiện trên lâm sàng.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như retinoid uống (dẫn xuất của vitamin A tổng hợp), thuốc lợi tiểu hay thuốc ức chế thụ thể các yếu tố tăng trưởng của thượng bì.

Trong trường hợp những người tiếp xúc với môi trường khô cũng có thể bị khô da:

  • Độ ẩm thấp: ở vùng khí hậu nóng ẩm hoặc thời tiết quá nhiều gió.
  • Sử dụng máy lạnh quá mức, có thể gây mất nước qua da.
  • Tiếp xúc với nhiệt tỏa ra trực tiếp từ lửa hoặc quạt sưởi/lò sưởi.
  • Tắm quá nhiều lần trong ngày.
  • Tiếp xúc với xà phòng, các chất tẩy rửa và dung môi không phù hợp với tình trạng da hiện tại.
  • Các chất bôi ngoài da không thích hợp như rượu thuốc, cồn,…
  • Kích ứng do ma sát từ quần áo thô ráp.2

Nguyên nhân nào gây khô da?

Như đã đề cập ở trên, da khô là do sự bất thường trong tính toàn vẹn của cấu trúc và chức năng hàng rào bảo vệ da, cụ thể là ở lớp tế bào sừng (lớp ngoài cùng của thượng bì), được tạo thành từ các tế bào tạo sừng (keratinocyte).

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có sự giảm lipid (chất béo) trong lớp tế bào sừng. Ngoài ra, tỷ lệ các chất giữ ẩm tự nhiên có trong da, chủ yếu là ceramides, cholesterol và axit béo tự do có thể bình thường hoặc thay đổi, tùy từng tình trạng da. Chính sự thiếu hụt các chất này khiến cho bề mặt da trở nên xù xì, khô ráp hơn.

Một nguyên nhân khác là do giảm chu kỳ tăng sinh của tế bào tạo sừng, các tế bào trên da không được bong ra và thay mới. Kết quả là còn giữ lại trên da các tế bào tạo sừng già cỗi vốn dĩ cần được da tống ra ngoài, đi kèm với tình trạng giảm khả năng giữ nước của da, khiến da ngày càng khô, nhăn nheo hơn.

Triệu chứng của da khô là gì?

Da khô sẽ có bề mặt xỉn màu với chất lượng thô ráp và có thể tróc vảy. Da sẽ ít mềm dẻo và đôi khi gặp nứt nẻ. Khi tình trạng khô nghiêm trọng, da có thể bị viêm và nứt da.2 Ngoài ra bạn cũng có thể thấy da bạn có kết cấu bong tróc hoặc sờ vào thô ráp, có thể gây cảm giác ngứa, châm chích, hay bỏng rát, thậm chí gây lột da.1

  • Mất nước qua da: Da khô quá mức gây mất nhiều độ ẩm, gây mất nước rõ rệt, làm cho da bị khô, xuất hiện các nếp nhăn nheo và gây ngứa da.
  • Ngứa: khi bị ngứa liên tục có thể khiến bạn khó tập trung vào các công việc hàng ngày cũng như khi đang lái xe. Nhiều người ngứa nhiều đến mức mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, hay đang ngủ mà bị đánh thức do ngứa, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể bị khô, nhưng vùng da bị ảnh hưởng có xu hướng liên quan đến cẳng chân, tay, và bàn tay nhiều hơn. Các đặc điểm lâm sàng của bệnh da vảy cá phụ thuộc vào từng thể bệnh cụ thể.2

Viêm da là một từ chỉ tình trạng da quá khô, gây ra các phản ứng viêm của cơ thể. Một vài loại viêm da thường gặp có thể gây khô da quá mức như là:1

Viêm da tiếp xúc

Xảy ra khi da bạn phản ứng với thứ gì đó lạ chạm vào, gây nên viêm da tại chỗ. Viêm da tiếp xúc kích ứng có thể xảy ra khi da của bạn tiếp xúc với một tác nhân hóa học như acid, kiềm, cồn mạnh, chất tẩy rửa mạnh gây tổn thương da bạn trực tiếp. Còn viêm da tiếp xúc dị ứng có thể khởi phát khi chất tiếp xúc đó là chất mà bạn bị dị ứng, chẳng hạn như kim loại, niken,… Viêm da tiếp xúc sẽ làm cho da bạn trở nên khô hơn, tróc vảy, có thể kèm nổi mụn mủ, viêm đỏ.

Viêm da tiết bã

Xuất hiện khi da bạn tiết quá nhiều dầu, và chất bã, có thể còn do tác động của một loại nấm hạt men là Malassezia spp. sống trên vùng da đó. Biểu hiện đặc trưng là ban đỏ, kèm khô da tróc vảy mịn ở vùng mặt như lông mày, 2 bên cánh mũi, sau tai hay trên da đầu, thường gặp ở trẻ sơ sinh hay người lớn.

Biến chứng của da khô

Các vùng da khô có thể bị ngứa, cho thấy một dạng bệnh chàm (eczema) hay viêm da đã phát triển.2

Viêm da cơ địa – đặc biệt ở những người có tình trạng da vảy cá

Da khô, bong tróc, nổi ban đỏ, nứt da kèm ngứa.

Da khô: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Người bị viêm da cơ địa

Chàm nứt nẻ (asteatotic eczema)

Thường gặp ở ở người lớn tuổi. Chàm nứt nẻ với tình trạng viêm có thể kết hợp với sưng phù chân, dày da lichen hóa khi chà xát hay cào gãi các vùng bị ngứa. Chàm nứt nẻ có thể chia thành 4 loại chính:3

  • Loại 1: Chàm chi dưới, thường gặp ở người cao tuổi thứ phát do lão hóa, da bị mất nước và tổng trạng suy dinh dưỡng.
  • Loại 2: Ban đỏ da nứt nẻ thứ phát sau viêm da tiếp xúc kích ứng do xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
  • Loại 3: Bệnh chàm tổ đĩa, thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, hay những vùng đã ngừng điều trị bằng corticosteroid.
  • Loại 4: (ít gặp hơn) Chàm nứt nẻ trong các hội chứng thần kinh.

Chàm đồng tiền – đặc biệt ở những người chà xát da quá mức

Khi da của người già bị khô và ngứa mà không nổi mẩn đỏ, đôi khi người ta gọi là ngứa mùa đông hay ngứa do tuổi già hoặc ngứa mạn tính ở người già.

Các biến chứng khác

  • Da bong tróc hoặc ngứa da quá mức.
  • Nhiễm trùng da khi vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào vết nứt trên bề mặt da, từ đó xâm nhập sâu hơn vào trong da gây nhiễm trùng. Các dấu hiệu gợi ý da bạn bị nhiễm trùng có thể là lớp vảy mài màu vàng trên da, da chảy dịch mủ, sưng đỏ hay đổi màu da, gây đau đớn.
  • Cơ thể cảm thấy quá nóng, đặc biệt là trong một số dạng của bệnh da vảy cá.
  • Dị ứng thức ăn, ví dụ đậu phộng, thường có liên quan đến đột biến filaggrin.4
  • Viêm da tiếp xúc, ví dụ niken, thường có liên quan đến các khiếm khuyết chức năng hàng rào bảo vệ da.2
Da khô: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Biến chứng nhiễm trùng da gây rỉ dịch mủ, và khó chịu cho người bệnh

Làm thế nào để chẩn đoán được da khô?

Loại da khô được chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám cẩn thận. Ở trẻ em, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ cha mẹ về tiền căn của gia đình, tuổi bắt đầu thấy da khô, có xuất hiện từ lúc mới sinh không (để hướng tới các bệnh lý do di truyền), phân bố của vùng da bị khô và các đặc điểm khác, ví dụ như bệnh chàm, móng tay bất thường, khám tóc, khám răng, thị giác, thính giác.

Ở người trưởng thành, các bác sĩ cũng sẽ hỏi tiền sử bệnh, thuốc và các chế phẩm bôi ngoài da, tần suất tắm và sử dụng xà phòng, đánh giá các yếu tố môi trường có thể góp phần gây khô da.

Ngoài ra có thể làm các xét nghiệm bổ sung cho từng trường hợp cụ thể.2

Điều trị tình trạng da khô

Phương pháp điều trị chính của bệnh khô da và bệnh da vảy cá là chất dưỡng ẩm / chất làm mềm da. Chúng nên được áp dụng một cách thích hợp và thường xuyên để:2 5 6

  • Giảm tình trạng ngứa da.
  • Cải thiện chức năng của hàng rào bảo vệ da.
  • Ngăn chặn sự xâm nhập của các chất kích ứng, vi khuẩn, vi rút có hại.
  • Giữ nước trong da, do đó giảm được tình trạng mất nước qua lớp thượng bì.
Da khô: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trong điều trị và ngăn ngừa khô da, chọn loại dưỡng ẩm phù hợp là quan trọng nhất

Dưỡng ẩm

Bôi kem dưỡng ẩm/ chất làm mềm da nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi bạn cảm thấy da bị khô hay sau khi rửa tay, sau khi tắm, khi đó da bạn vẫn còn ẩm. Lựa chọn loại sản phẩm phù hợp với tình trạng da của bạn, đôi khi bạn phải thử một số sản phẩm trước, để tránh kích ứng. Cách làm như sau: thử 1 lượng nhỏ sản phẩm lên mặt trong cánh tay 2 lần/ngày trong 4 – 5 ngày. Nếu da không đỏ, ngứa hay phản ứng lạ thì có thể dùng cho mặt và các vùng khác. Ngưng dùng ngay các sản phẩm nếu có châm chích, nóng rát, râm ran.

Bạn có thể thử tìm các thành phần dưỡng ẩm tốt cho da khô như urê, ceramides, axit béo và glycerol (glycerin), bơ hạt mỡ và bơ ca cao, không có mùi thơm, không gây mụn (noncomedogenic) và không chứa chất gây dị ứng (hypoallergenic). Tránh các sản phẩm có chứa natri lauryl sulfat, cồn.

Rửa mặt

Rửa mặt nhẹ nhàng ít nhất 2 lần một ngày. Sử dụng các sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn, không tạo bọt trên da mặt của 2 lần một ngày và sau khi đổ nhiều mồ hôi. Các sản phẩm dưỡng ẩm chứa axit stearic (có trong bơ hạt mỡ) hoặc axit linoleic, ceramide… có thể giúp làm ẩm và giữ ẩm, làm mềm da của bạn. Chú ý là khi bạn có làn da quá nhạy cảm, hãy cân nhắc chỉ xài sữa rửa mặt vào buổi tối, còn các buổi khác chỉ rửa với nước.

Lựa chọn mỹ phẩm

Nếu bạn có sử dụng mỹ phẩm, hãy cân nhắc lựa chọn các sản phẩm có chứa nền dầu. Bạn cũng có thể sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa thành phần chống nắng hay kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF từ 30 trở lên, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Chú ý cách bôi kem chống nắng sao cho đủ và đúng.

Các phương pháp điều trị bổ sung ngoài chất dưỡng ẩm

  • Thoa sản phẩm chứa steroid tại chỗ, đây là một hoạt chất kháng viêm mạnh, có thể giúp giảm ngứa và giảm viêm da, tuy nhiên phải được bác sĩ da kiêu kê toa và hướng dẫn sử dụng vì ngoài những lợi ích đem lại cũng có nhiều tác dụng phụ đi kèm, chọn lựa sản phẩm nào và tần suất sử dụng phải phù hợp với tình trạng da của mỗi cá nhân, do đó không được tự ý sử dụng khi chưa hiểu rõ về nó.
  • Thoa sản phẩm chứa thuốc ức chế calcineurin, nếu steroid tại chỗ không phù hợp.2

Làm thế nào để ngăn ngừa da khô?

  • Loại bỏ các yếu tố làm nặng thêm da khô.
  • Giảm tần suất tắm sao cho phù hợp.
  • Sử dụng thường xuyên giữ ẩm vào mùa đông và điều hòa vào mùa hè, để tránh tình trạng quá lạnh hay quá nóng. Che phủ da càng nhiều càng tốt trong thời tiết lạnh hoặc gió. Thời tiết khắc nghiệt có thể đặc biệt làm khô da. Khăn quàng cổ, mũ và găng tay hoặc găng tay, bao tay giúp bảo vệ làn da của bạn khi bạn ở ngoài trời.
  • Hạn chế tiếp xúc với nước.
  • Đeo găng tay, chú ý bảo vệ tay của bạn bằng găng tay phù hợp khi làm vườn, sử dụng chất tẩy rửa mạnh, khi rửa chén, khi giặt đồ bằng tay,…
  • Đối với đồ giặt, hãy sử dụng bột giặt không có thuốc nhuộm hoặc nước hoa, cả hai đều có thể gây kích ứng da của bạn. Những loại sản phẩm này thường có từ “free” trong tên.
  • Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
  • Sử dụng nước ấm, không quá nóng.
  • Quan trọng là thay xà phòng tiêu chuẩn bằng các sản phẩm thay thế như chất làm sạch chuyên dụng cho da khô, chất dưỡng ẩm không mùi thơm, không chứa cồn hoặc các chất gây dị ứng, dầu tắm, dầu tắm chống ngứa, bột yến mạch dạng keo, …
  • Bôi chất dưỡng ẩm một cách thích hợp và thường xuyên, đặc biệt là ngay sau khi tắm hay sau rửa tay (khi da còn ẩm) và khi bị ngứa. Da càng khô thì càng cần dưỡng ẩm, đặc biệt là trên bàn tay. Một điều mà các bạn yêu thích bơi lội hay quên đó là nhớ rửa sạch và dưỡng ẩm sau khi bơi, đặc biệt là khi bạn bơi trong một hồ bơi có nhiều clo.2

Với những người đang có tình trạng da khô thì việc hiểu biết về nguyên nhân, biểu hiện triệu chứng và cách điều trị cụ thể là rất quan trọng. Bài viết trên đây đã cung cấp những kiến thức trên, do đó bạn cần đọc kỹ và áp dụng theo để có một làn da khỏe mạnh nhé.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai
Hình ảnh tin tức Nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách phòng ngừa ra sao?
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế
Hình ảnh tin tức Bật mí 2 cách làm tắc ngâm đường phèn ai cũng làm được
Khi gặp các về đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, khò khè… nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như dùng tắc ngâm đường phèn hay ngâm
Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chị em khi đi khám phụ khoa cần chuẩn bị gì?
Vì sao chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa, khám phụ khoa cần chuẩn bị những gì là những băn khoăn rất thường gặp của không ít chị em khi lần đầu đi