Coveram (perindopril, amlodipin): Công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý

Coveram là thuốc thường được dùng để điều trị tăng huyết áp. Vậy bạn đã biết rõ về tác dụng phụ của thuốc? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của YouMed nhé!

Thành phần hoạt chất: Perindopril + Amlodipin.

Các dạng trình bày của thuốc Coveram

Thuốc Coveram có nhiều dạng như sau:

  • 5mg/5mg: viên nén trắng, hình que, khắc 5/5 ở một mặt.
  • 5mg/10mg: viên nén trắng, hình vuông, khắc 5/10 ở một mặt.
  • 10mg/5mg: viên nén trắng, hình tam giác, khắc 10/5 ở một mặt.
  • 10mg/10mg: viên nén trắng, hình tròn, khắc 10/10 ở một mặt.

Các viên nén được đựng trong các lọ thuốc chứa 30 viên.

Coveram
Thuốc Coveram gồm các viên nén được đựng trong các lọ thuốc chứa 30 viên

Tính chất của thuốc

Coveram là thuốc gồm hai hoạt chất perindopril và amlodipin. Khi dùng với nhau, hai chất này sẽ làm giãn mạch để cho máu qua mạch dễ dàng hơn và giúp tim duy trì dòng máu bình thường.

Chỉ định của thuốc Coveram

Coveram được dùng để điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh động mạch vành ổn định. 

>> Ngoài Coveram, còn một số loại thuốc được chỉ định để điều trị tăng áp. Trong đó, có thể kể đến Cozaar. Xem thêm tại: Thuốc Cozaar (losartan) có ưu điểm gì so với thuốc tim mạch khác?

Chống chỉ định của thuốc

Không được dùng thuốc Coveram nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng với perindopril hoặc với các thuốc cùng nhóm khác, với amlopidin hoặc các dẫn chất dihydropyridin hoặc bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú (đặc biệt là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ).
  • Từng bị phù mạch liên quan đến điều trị bằng các thuốc nhóm ức chế men chuyển trước đó hoặc phù mạch do di truyền hoặc vô căn, với các triệu chứng như thở khò khè, sưng mặt hoặc lưỡi, ngứa ran hoặc phát ban da nghiêm trọng (báo với bác sĩ nếu từng bị dị ứng với bất kỳ thuốc nào khác).
  • Sốc, bao gồm cả sốc tim, tắc nghẽn đường ra tâm thất trái (như hẹp động mạch chủ mức độ nặng).
  • Hạ huyết áp nặng.
  • Suy tim có huyết động không ổn định sau nhồi máu cơ tim cấp.
Coveram
Bệnh nhân huyết áp không nên dùng thuốc Coveram

Phụ nữ có thai và cho con bú có được sử dụng?

Với đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú, trước khi dùng bất cứ thuốc nào, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Không khuyến cáo dùng thuốc Coveram trong thời kỳ mang thai. Bác sĩ sẽ khuyên bạn dừng uống thuốc Coveram trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mang thai và sẽ tư vấn sử dụng thuốc khác thay thế. 

Không nên uống thuốc Coveram khi đang trong thời kỳ cho con bú. Bác sĩ sẽ chọn liệu pháp điều trị khác cho bạn, đặc biệt nếu con bạn mới sinh hoặc sinh thiếu tháng.

Coveram có các tương tác gì với thức ăn?

Bưởi chùm hoặc nước ép bưởi chùm. Không nên uống nước bưởi ép và ăn bưởi khi đang dùng Coveram. Lý do là vì bưởi và nước bưởi ép có thể làm tăng nồng độ amlodipin trong máu, từ đó làm tăng tác dụng hạ áp không đoán trước được của thuốc.

Nên uống thuốc Coveram vào lúc nào?

Cách dùng:

Coveram được dùng đường uống.

  • Nuốt nguyên viên thuốc với một cốc nước, tốt nhất vào đúng giờ mỗi ngày, vào buổi sáng trước bữa ăn.
  • Không nên uống nước bưởi ép và ăn bưởi khi đang dùng Coveram.

Liều dùng: Uống theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ quyết định liều dùng cụ thể cho riêng bạn. 

Quá liều Coveram có triệu chứng gì?

Triệu chứng: Quá liều nghiêm trọng có thể dẫn đến giãn mạch ngoại biên quá mức và có thể gặp nhịp tim nhanh phản xạ. Hạ huyết áp toàn thân rõ rệt và có thể sốc dẫn đến tử vong. Nếu thấy choáng váng, bạn hãy nằm ngửa và nâng cao chân.

Khi có các triệu chứng ngộ độc, bạn hoặc người nhà cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí.

Lưu ý về một số thành phần khác của Coveram

Thuốc Coveram có chứa một loại đường là lactose monohydrate. Bạn cần báo với bác sĩ nếu bạn không dung nạp loại đường này trước khi dùng thuốc này.

Tác dụng không mong muốn của Coveram

Nếu bạn gặp các phản ứng sau đây, hãy ngưng thuốc ngay và lập tức báo cáo với bác sĩ:

  • Thở khò khè, đau ngực, thở nông hoặc khó thở.
  • Sưng mí mắt, mặt hoặc môi.
  • Sưng lưỡi và họng, có thể gây khó thở.
  • Phản ứng quá mẫn trên da: ban đỏ trên da, phát ban, nốt đỏ khắp cơ thể, ngứa nhiều, mụn nước rộp da, tróc vảy và sưng da, viêm màng nhày hoặc các phản ứng dị ứng khác.
  • Chóng mặt nhiều hoặc ngất.
  • Cơn đau tim, nhịp tìm nhanh bắt thường hoặc không đều.
  • Viêm tụy, có thể gây đau bụng nghiêm trọng và đau lưng, kèm theo cảm giác khó chịu.

Một số tác dụng phụ phố biến khác:

  • Đau đầu, choáng váng, buồn ngủ (đặc biệt trong giai đoạn đầu điều trị), chóng mặt.
  • Cảm giác tê bì, kiến bò ở các chi, rối loạn thị giác (bao gồm nhìn đôi), ù tai.
  • Đánh trống ngực (cảm giác tim đập hồi hộp), bừng đỏ, chóng mặt, hạ huyết áp.
  • Ho, thở nông.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn vị giác, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón.
  • Phản ứng dị ứng (phát ban da, ngứa).
  • Chuột rút, mệt mỏi, cảm giác yếu, sưng phù mắt cá chân.

Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào gây khó chịu hoặc kéo dài trên một tuần, bạn nên báo với bác sĩ.

Cách bảo quản 

Để thuốc xa tầm với và tầm nhìn của trẻ em. Không dùng Coveram đã quá hạn sử dụng in trên hộp và lọ thuốc. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30oC. Để thuốc nơi khô mát, đậy kín lọ để tránh ẩm và ánh sáng.

Coveram là một loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Nếu bạn mắc bệnh tăng huyết áp, hãy khám ngay chuyên khoa Tim mạch để được bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.