Comiaryl là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Comiaryl là thuốc gì? Thuốc có công dụng gì? Thuốc mang lại hiệu quả điều trị như thế nào? Cần nên lưu ý những điều gì trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Hoạt chất: Glimepiride, Metformin.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Amaryl M, Azulix MF Forte, Bigonyl, Daoryl, …

Comiaryl là thuốc gì?

Comiaryl là thuốc được sản xuất bởi Công ty TNHH Hasan – Dermapharm.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén dài bao phim và được đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên nén.

Thuốc có công dụng điều trị đái tháo đường type 2 kết hợp với chế độ ăn kiêng và luyện tập thể dục.

Comiaryl
Thuốc CoMiaryl 2 mg/500 mg điều trị đái tháo đường type 2

Thành phần và công dụng của từng thành phần

Thành phần

Mỗi viên Cimiaryl chứa:1

  • Glimepirid 2 mg.
  • Metformin Hydrochlorid 500 mg.

Công dụng của từng thành phần

1. Glimepirid2

Glimepiride làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tụy tiết insulin ở bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2.

2. Metformin hydrochlorid3

Kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 bằng cách tăng nhạy cảm với insulin ngoại biên, giảm sản xuất glucose ở gan, giảm hấp thu glucose ở dạ dày và ruột, ngăn ngừa biến chứng trên thận, mắt, thần kinh, mất tứ chi và các vấn đề về chức năng tình dục.

Tác dụng của thuốc Comiaryl

Thuốc CoMiaryl được chỉ định dùng trong các trường hợp điều trị đái tháo đường type 2 kết hợp với chế độ ăn kiêng và luyện tập thể dục:1

  • Thuốc Comiaryl được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân đái tháo đường type 2 không đáp ứng với liệu pháp đơn trị bằng thuốc glimepirid hoặc metformin.
  • Sử dụng thuốc Comiaryl thay thế cho việc sử dụng phối hợp rời hai thuốc glimepirid và thuốc metformin, nhằm thuận tiện cho việc sử dụng thuốc của bệnh nhân.

Cách dùng và liều dùng thuốc

Cách dùng1

Thời điểm dùng thuốc: uống ngay trước hoặc trong bữa ăn.

Lưu ý: Nên uống nguyên viên thuốc Comiaryl với một cốc nước đầy.

Liều dùng cho từng đối tượng1

  • Nên bắt đầu điều trị với thuốc Comiaryl với liều thấp nhất có tác dụng trị liệu, sau đó hiệu chỉnh liều theo từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân. Phải thường xuyên theo dõi nồng độ glucose huyết của bệnh nhân trong suốt quá trình sử dụng thuốc để hiệu chỉnh liều dùng cho phù hợp.
  • Liều tối đa hằng ngày của thuốc Comiaryl không nên vượt quá 2 viên (bệnh nhân chỉ được uống tối đa một ngày 2 lần, mỗi lần uống 1 viên)
  • Trong trường hợp: Bệnh nhân đang sử dụng phối hợp thuốc glimepirid và thuốc metformin ở dạng hai viên uống tách rời muốn chuyển sang dùng thuốc CoMiaryl thì liều dùng CoMiaryl 2 mg/500 mg sẽ dựa theo liều glimepirid và metformin đang sử dụng.

Tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Comiaryl:1

  • Trong quá trình sử dụng thuốc Comiaryl, bệnh nhân có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy. Bạn đừng quá lo lắng vì tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa thường chỉ xuất hiện khi mới bắt đầu điều trị với thuốc và sẽ giảm dần theo thời gian.
  • Bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết quá mức khi điều trị bằng thuốc Comiaryl.
  • Khi sử dụng thuốc Comiaryl bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng nhìn mờ thoáng qua, cảm giác hơi khô rát mắt. Hay còn được gọi là rối loạn thị giác thoáng qua.
  • Một tác dụng phụ thường gặp khác của thuốc là da của bạn có thể bị ngứa, nổi ban đỏ.
Comiaryl
Tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa thường gặp khi sử dụng thuốc Comiaryl

Tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng thuốc Comiaryl:1

  • Chuyển hóa: Nhiễm toan lactic do tích lũy metformin ở người suy thận, suy gan, nghiện rượu và giảm oxy huyết (tỉ lệ tử vong cao).

Tác dụng phụ rất hiếm gặp khi sử dụng thuốc Comiaryl:1

  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

Tương tác thuốc

1. Đối với hoạt chất glimepirid1

  • Thuốc có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của glimepirid: Các thuốc điều trị đái tháo đường khác (đường uống), dẫn chất Coumarin, insulin, kháng sinh Tetracyclin, kháng sinh Chloramphenicol, kháng sinh Quinolon, kháng sinh Sulfonamide, thuốc hóa trị liệu Ifosfamid, Cytophosphane, thuốc điều trị loạn nhịp Disopyramid, thuốc chống viêm Non-Steroid (NSAID), thuốc ức chế enzyme monoamine oxidase (thuốc chống trầm cảm IMAO), các thuốc kháng nấm, các thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển (ACEi), Probenecid (thuốc tăng đào thải acid uric), các steroid đồng hóa và nội tiết tố sinh dục nam, rượu.
  • Thuốc có thể làm giảm tác dụng hạ đường huyết của glimepirid: các thuốc lợi tiểu (đặc biệt là thuốc lợi tiểu Thiazid), thuốc trị hạ đường huyết Diazoxid, Catecholamin và các thuốc giống thần kinh giao cảm khác, thuốc kháng viêm Glucocorticoid, glucagon, Estrogen và thuốc tránh thai chứa Estrogen, Phenothiazin, thuốc chống động kinh Phenytoin, Vitamin B3 (liều cao), hormon tuyến giáp, kháng sinh Rifampicin.

2. Đối với hoạt chất metformin hydroclorid

  • Furosemid làm tăng nồng độ trong máu của thuốc metformin, do đó làm tăng tác dụng hạ đường huyết của metformin.
  • Các thuốc Cationic tương tác với metformin theo cơ chế cạnh tranh ở hệ thống vận chuyển ở ống thận: Amilorid, Digoxin, Morphin, Procainamid, Quinidin, Ranitidin, Triamteren, Trimethoprim, Vancomycin. Cimetidin làm tăng nồng độ đỉnh của metformin trong máu (60%). Do đó gây tích lũy metformin. Từ đó làm tăng độc tính của Metformin. ví vậy, tránh sử dụng phối hợp Comiaryl với những thuốc trên.

Đối tượng chống chỉ định

Thuốc chống chỉ định với các đối tượng sau:1

  • Chống chỉ định dùng Comiaryl cho bệnh nhân mẫn cảm với glimepirid, metformin hay với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Chống chỉ định dùng Comiaryl cho bệnh đái tháo đường type 1, trường hợp nhiễm toan chuyển hóa cấp tinh hay mãn tính (thể ceton mất bù), hôn mê hay tiền hôn mê do đái tháo đường.
  • Chống chỉ định dùng Comiaryl  cho bệnh nhân suy thận, người bệnh lý cấp tính có nguy cơ gây suy thận.
  • Chống chỉ định dùng Comiaryl bệnh nhân bị suy gan, ngộ độc rượu cấp tính, suy tim sung huyết, trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính, người mắc bệnh hô hấp nặng giảm oxy máu, bệnh phổi thiếu oxy mãn tính, hoại thư, người nghiện rượu, thiếu dinh dưỡng.
  • Đối với người chụp X quang có tiêm chất cản quang chứa iod cần phải tạm thời ngừng sử dụng CoMiaryl 2 mg/500 mg (48 giờ trước và sau khi chụp X-quang). Vì chất này có thể ảnh hưởng cấp tính đến chức năng thận .
  • Chống chỉ định dùng thuốc Comiaryl cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Comiaryl
Thuốc chống chỉ định sử dụng cho mẹ bầu và mẹ cho con bú

Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc

Do nguy cơ hạ đường huyết và rối loạn thị giác thoáng qua khi sử dụng CoMiaryl 2 mg/500 mg nên cần thận trọng khi dùng thuốc trong khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Xử lý khi quá liều

Trong trường hợp bị quá liều khi sử dụng thuốc Comiaryl, hãy gọi ngay cho trung tâm cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế địa phương gần nhất.

Trường hợp quên liều

Nếu quên liều khi điều trị bằng thuốc Comiaryl, tiếp tục uống trong bữa ăn kế tiếp. Bạn không nên uống liều gấp đôi để bù vào liều đã quên.

Lưu ý gì khi sử dụng?

Trước khi sử dụng thuốc Comiaryl bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Comiaryl.

Khi đang điều trị bằng thuốc Comiaryl cần tuân thủ chế độ ăn kiêng và luyện tập thể dục. Thường xuyên theo dõi glucose huyết và đường niệu.

Bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết quá mức trong lúc điều trị bằng Comiaryl. Để tránh hạ đường huyết quá mức, bệnh nhân phải nghiêm chỉnh tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó là có chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với việc luyện tập thể dục vừa sức.

Nếu trong khi sử dụng thuốc Comiaryl bạn gặp phải tình trạng nôn mửa, đau bụng kèm theo vọp bẻ, có cảm giác mệt mỏi có thể là dấu hiệu đường huyết của bạn đang bị mất kiểm soát nghiêm trọng. Điều bạn cần làm lầ phải ngừng dùng thuốc Comiaryl và báo ngay cho bác sĩ điều trị biết.

Cách bảo quản

  • Cần bảo quản thuốc Comiaryl ở nơi khô thoáng, nhiệt độ dưới 30°C.
  • Tránh ánh sáng.

Comiaryl giá bao nhiêu?

Giá tham khảo: 89.000 VNĐ/hộp thuốc Comiaryl (3 vỉ x 10 viên). Giá có thể thay đổi theo từng thời điểm.

Bài viết cung cấp cho bạn đọc về thông tin thuốc Comiaryl. Hy vọng thông qua đó giúp bạn đọc có thể hiểu thêm về loại thuốc này. Để được tư vẫn kỹ hơn, bạn hãy tham vấn ý kiền từ bác sĩ hoặc chuyên gia nhé!