Thuốc Combivent®: Cách sử dụng và các lưu ý cần biết

Thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) có công dụng gì? Dùng trong bệnh lý gì? Cách sử dụng như thế nào? Khi dùng, bạn cần nắm rõ những lưu ý gì? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Tên thành phần hoạt chất: ipratropium bromide monohydrate và salbutamol sulfate.

1. Thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) được dùng ở những dạng nào?

Combivent® (ipratropium, salbutamol) có các dạng dùng như sau:

  • Bình hít khí dung định liều Combivent® Respimat®: Mỗi đơn vị hít chứa 20 µg ipratropium bromide và 100 µg salbuterol.
  • Ống đơn liều Combivent® UDVs®: Mỗi đơn vị liều 2,5 ml chứa 500 µg ipratropium bromide và 2,5 mg salbutamol.
Combivent®
Thuốc Combivent® có 2 dạng để bạn có thể lựa chọn sử dụng

2. Thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) dùng trong bệnh lý gì?

Hoạt chất chính của thuốc Combivent ® là ipratropium bromide monohydrate và salbutamol sulfate. Ipratropium bromide là một chất giúp giảm tiết dịch và làm giãn phế quản. Salbutamol là chất có tác dụng ngắn làm giãn phế quản, thường được sử dụng để điều trị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Vì vậy, thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) có tác dụng kiểm soát co thắt phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cần điều trị thường xuyên.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) như thế nào? 

Thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) có các dạng dùng và liều lượng cho mỗi dạng dùng được hướng dẫn như sau:

3.1. Bình hít khí dung định liều Combivent® Respimat® (ipratropium, salbutamol):

  • Liều dùng: Sử dụng bình hít qua đường miệng. Mỗi lần 1 hít x 4 lần/ngày. Có thể sử dụng thêm nếu cần thiết nhưng lưu ý không dùng quá 6 lần/ngày.
  • Cách dùng: Hộp thuốc bao gồm 1 dụng cụ khí dung và 1 ống thuốc bằng nhôm có chứa hoạt chất. Ống thuốc có thể sử dụng được 120 lần tương đương 30 ngày sử dụng.

Cách lắp ống thuốc vào dụng cụ khí dung:

a. Ấn chốt an toàn và tháo đế trong suốt của dụng cụ khí dung.

b. Lấy ống thuốc ra khỏi hộp và đưa đầu nhỏ ống thuốc vào bên trong dụng cụ cho đến khi khớp vị trí.

c. Đặt dụng cụ khí dung trên một mặt phẳng sao cho phần nắp hướng lên trên và ấn thật mạnh để ống thuốc được đưa hoàn toàn vào bên trong nhưng vẫn còn lộ ra phần đáy ống.

d. Lắp lại đế trong suốt và giữ nguyên như vậy sử dụng cho đến khi hết thuốc hoặc thuốc hết hạn thì vứt toàn bộ.

Các bước kích hoạt chuẩn bị cho lần sử dụng đầu tiên:

e. Sau đó, giữ dụng cụ thẳng đứng với nắp hướng lên trên.

f. Xoay phần đế trong suốt theo chiều mũi tên màu trắng trên nhãn cho đến khi nghe tiếng “click”.

g. Mở rộng nắp dụng cụ khí dung.

h. Hướng dụng cụ xuống mặt đất và nhấn nút bơm thuốc. Sau đó đóng nắp lại.

i. Lặp lại bước e đến h cho đến khi thấy thuốc phun ra thì thực hiện thêm 3 lần nữa trước khi sử dụng.

Lưu ý: Nếu không sử dụng quá 3 ngày, bệnh nhân phải kích hoạt ống hít một lần trước khi sử dụng. Nếu không sử dụng từ 21 ngày trở lên, bệnh nhân thực hiện lại bước e – i.

Cách sử dụng bình hít khí dung:

  1. Giữ dụng cụ thẳng đứng, nắp đóng chặt.
  2. Xoay đế trong suốt theo chiều mũi tên trên nhãn cho đến khi có tiếng “cách”.
  3. Mở nắp cho đến khi bật ra hoàn toàn.
  4. Thở từ từ cho đến khi đấy hết không khí ra.
  5. Ngậm chặt đầu dụng cụ nhưng không che lỗ thông khí.
  6. Trong khi hít nhẹ từ từ vào bang miệng, nhấn nút bơm thuốc và tiếp tục hít vào càng lâu càng tốt.
  7. Giữ hơi thở trong vòng 10 giây rồi thở ra từ từ.

Chi tiết cách sử dụng tham khảo như hình:

Combivent®
Cách sử dụng thuốc Combivent®

3.2. Ống đơn liều Combivent® UDVs® (ipratropium, salbutamol)

Luôn sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol) theo như lời hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

  • Liều dùng:

Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn và người cao tuổi: Mỗi lần 1 ống đơn liều x 3 – 4 lần/ngày.

  • Cách dùng:
  1. Chuẩn bị máy phun khí dung và thực hiện theo những chỉ dẫn của nhà sản xuất. Tham khảo ý kiến bác sỹ nếu không biết cách sử dụng.
  2. Mở bao bì và tách lấy 1 ống đơn liều từ dải ống. Không sử dụng nếu ống không đóng kín hoặc dung dịch bên trong đã đổi màu.
  3. Giữ ống thẳng đứng và vặn mở đầu ống đơn liều.
  4. Cho tất cả dung dịch trong ống vào buồng máy phun khí dung. Nếu cần pha loãng, sử dụng dung dịch vô trùng NaCl 0,9%.
  5. Sau đó làm theo chỉ dẫn của bác sỹ để sử dụng máy phun khí dung.
  6. Sau khi sử dụng xong, không giữ lại thuốc còn lại trong máy.
  7. Vệ sinh máy phun khí dung theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Trường hợp nào không được sử dụng hoặc cần thận trọng khi sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol)?

4.1. Trường hợp không được sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol)

Không sử dụng bình hít khí dung định liều Combivent® (ipratropium, salbutamol) trong trường hợp:

  • Bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn hoặc loạn nhịp tim.
  • Quá mẫn cảm với ipratropium bromide, salbutamol sulfate hoặc atropine hoặc các dẫn xuất của nó

4.2. Trường hợp cần thận trọng khi sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol)

Thận trọng khi sử dụng thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) trong trường hợp:

  • Phản ứng quá mẫn: nổi mề đay, phù mạch, phát ban, co thắt phế quản, sốc phản vệ hoặc phù nề hầu họng.
  • Co thắt phế quản nghịch thường: ngừng sử dụng ngay lập tức và điều trị bằng liệu pháp thay thế.
  • Biến chứng ở mắt: mờ mắt hoặc rối loạn thị giác xảy ra khi thuốc xịt vào mắt. Cần đến cơ sở y tế gần nhất nhanh chóng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp, tăng sinh tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn cổ bàng quang, đái tháo đường.
  • Rối loạn nhu động dạ dày – ruột.
  • Khó thở.
  • Nhiễm acid lactic.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp, tăng sinh tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn cổ bàng quang, đái tháo đường.

5. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol)

Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng Combivent® (ipratropium, salbutamol) có thể gặp phải như:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Họ, viêm mũi họng, viêm phế quản.
  • Đau đầu, khó thở.

Các tác dụng phụ hiếm gặp: Các rối loạn chức năng cơ thể: hệ miễn dịch, chuyển hóa và dinh dưỡng, hệ thần kinh, mắt, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, da…

Combivent®
Dùng Combivent® sai cách sẽ dẫn đến tác dụng phụ viêm phế quản, khó thở

6. Một số lưu ý phụ nữ có thai và cho con bú

Một số nghiên cứu của ipratropium bromide trên động vật không cho thấy thuốc có tác động có hại cho thai kỳ. Salbutamol đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm mà không có tác động rõ rệt trong thai kỳ. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu trên động vật đã có bằng chứng về một số tác động có hại đối với thai nhi ở liều rất cao.

Vì vậy, không nên sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol) trong thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu, và phụ nữ cho con bú trừ khi lợi ích dự kiến được cho là lớn hơn bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra với trẻ sơ sinh.

Combivent®
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc Combivent®

7. Tương tác thuốc có thể gặp khi dùng chung với Combivent 

Không nên sử dụng đồng thời Combivent® (ipratropium, salbutamol) với các thuốc:

  • Thuốc tác dụng trên hệ adrenergic.
  • Dẫn xuất xanthine.
  • Corticosteroid.
  • Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc hít gây mê hydrocarbon halogen: halothane, trichloroethylen và enflurane.

8. Làm gì khi dùng Combivent® (ipratropium, salbutamol) quá liều?

Ipratropium bromide khi dùng quá liều sẽ gây tác động cấp tính như khô miệng, rối loạn thị giác. Biểu hiện của quá liều với salbutamol bao gồm: nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, tăng huyết áp, đánh trống ngực, run, hạ kali máu, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim và đỏ bừng mặt.

Xử trí

Ngưng sử dụng Combivent® (ipratropium, salbutamol) ngay và giám sát nồng độ axit và điện giải trong máu.

9. Bảo quản thuốc Combivent® (ipratropium, salbutamol) như thế nào?

  • Bảo quản ở nơi có nhiệt độ dưới 25°C. Không đông lạnh.
  • Tránh ánh sáng.
  • Không sử dụng nếu dung dịch bị đổi màu.

Combivent® là thuốc dạng bình hít khí dung định liều và ống đơn liều. Combivent® có chứa các hoạt chất ipratropium, salbutamol dùng để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bên cạnh Combivent®, còn có các biệt dược khác có chứa thành phần hoạt chất với công dụng tương tự.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Bạn hãy đi khám chuyên khoa Hô Hấp để được bác sĩ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.

Mang thai là khoảng thời gian cần đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Do vậy, mọi thao tác đều cần cẩn trọng. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai không thể nào tránh khỏi một số nhu cầu điều trị bệnh lý. Một trong số đó yêu cầu phải chẩn đoán bằng X quang. Liệu chụp X-quang khi mang thai có nguy hiểm không? Tìm hiểu ngay: Chụp X quang khi mang thai có nguy hiểm không?