Co thắt Dupuytren và những điều cần biết

Co thắt Dupuytren là bệnh diễn tiến từ từ qua nhiều năm.  Đặc trưng của bệnh là tình trạng quá sản bao cân gan tay và những cấu trúc liên quan. Nguyên nhân chưa rõ, nghĩ nhiều do yếu tố di truyền, thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Bệnh thường ảnh hưởng ngón út và ngón nhẫn, hoặc cả bàn tay. Hãy cùng YouMed tìm hiểu thêm thông tin về bệnh Dupuyren để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

1. Định nghĩa co thắt Dupuytren là gì?

Co thắt Dupuytren là kết quả của rối loạn tăng sinh dạng sợi của mô liên kết. Đây là tình trạng di truyền, lành tính và tiến triển mãn tính trong nhiều tháng, nhiều năm. Kết quả là làm dày lên và co ngắn cân gan tay ở lòng bàn tay và ngón tay. Bệnh làm cho mô sợi liên kết co rút theo chiều dọc, gây gập các ngón vào lòng bàn tay. Điều này có thể gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày như đeo găng tay, bắt tay… Hiện vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh, nguyên nhân cũng chưa rõ ràng. Tuy nhiên điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

2. Dịch tễ học 

Bệnh phổ biến ở những người gốc Bắc Âu, ảnh hưởng đến 4 – 6% người da trắng trên toàn thế giới. Bệnh hiếm khi xảy ra ở những người Châu Phi, Châu Á.

Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, thường là sau 50 tuổi, phổ biến nhất là 50 – 60 tuổi. Nam giới chiếm 80% các trường hợp.

Bệnh liên quan đến tiền sử gia đình. Gần một nửa số bệnh nhân có họ hàng mắc bệnh. Tuổi khởi phát của người có cả cha và mẹ mắc bệnh trẻ hơn người chỉ có cha hoặc mẹ mắc. Người có anh chị em mắc bệnh tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 3 lần.

3. Triệu chứng của co thắt Dupuytren

Bệnh tiến triển rất chậm trong nhiều tháng nhiều năm. Co thắt dupuytren có thể xảy ra ở cả hai tay, tuy nhiên một tay thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Trong đó tay phải thường bị hơn tay trái.

Những biểu hiện của bệnh bao gồm:

  • Các nốt sần hay u cục xuất hiện ở mặt lòng bàn tay. Các nốt có hình tròn hoặc hình oval, dẹt, cứng chắc, không di động, đường kính từ 0.5 cm đến 1,5 cm, có bờ không rõ, không đau khi sờ chạm. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, các nốt trở nên đỏ, đau và ngứa.
  • Da nhăn nheo hoặc nhíu lại như núm đồng tiền ở lòng bàn tay, ngón tay
  • Các dây xơ nổi gồ lên kéo dài từ lòng bàn tay đến các ngón tay. Dây xơ rộng từ vài mm đến 1 cm, sờ cảm giác như một sợi dây chạy dưới da. Bình thường cảm giác mềm, nhưng khi kéo căng các ngón chúng sẽ trở nên cứng chắc. Khác với các nốt sần, dây xơ có bờ rõ và di động khi sờ nắn. Thường cái dây xơ và các nốt sần nằm trên cùng một đường thẳng theo chiều các ngón tay.
  • Co gấp các ngón tay về mặt lòng bàn tay. Đây là giai đoạn muộn của bệnh. Các ngón bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngón út và ngón nhẫn. Ngón tay giữa cũng có thể bị, rất hiếm khi liên quan đến ngón tay cái và ngón trỏ. Trong đó, khớp bị co rút là khớp bàn ngón và khớp liên đốt gần ngón tay.

Co thắt Dupuytren và những điều cần biết

4. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân của co thắt Dupuytren thì chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều phát hiện về sự thay đổi của mô liên kết và tế bào có liên quan đến bệnh. Mặc dù có một vài đặc điểm tương tự u ác tính, nhưng nó tiến triển lành tính. Bệnh khởi đầu với sự tăng sinh của nguyên bào sợi. Sau đó là sự lắng đọng của các collagen type 3. Từ đó dẫn đến sự tăng sinh không kiểm soát của cân gan tay, gây ra tình trạng co thắt. Bệnh có liên quan đến tình trạng di truyền. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có tiền sử gia đình làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

5. Yếu tố nguy cơ của co thắt Dupuytren

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh bao gồm:

  • Tuổi tác: Co thắt Dupuytren xảy ra phổ biến nhất sau 50 tuổi. Biểu hiện bệnh tăng dần theo tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh hơn và mức độ co rút trầm trọng hơn nữ giới.
  • Chủng tộc: Những người gốc Bắc Âu, da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh: Theo nghiên cứu những người có cha, mẹ, anh chị em hay họ hàng mắc bệnh thì sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác.
  • Thuốc lá, rượu: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh co thắt Dupuytren, có lẽ do những thay đổi vi thể ở mạch máu do thuốc lá gây ra. Việc lạm dụng rượu cũng là yếu tố liên quan đến bệnh.
  • Đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường được báo cáo là có liên quan đến tình trạng co thắt này.
  • Động kinh hoặc sử dụng thuốc chống động kinh
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI): Những người có BMI thấp hơn bình thường được báo cáo là có liên quan đến bệnh.
  • Các ngành nghề liên quan đến tay như thợ thủ công hoặc các chấn thương ở bàn tay có thể là nguy cơ của co thắt Dupuytren.

6. Chẩn đoán co thắt Dupuytren

Co thắt Dupuytren được chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Các xét nghiệm hỗ trợ thì hiếm khi cần thiết. Các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh là đủ để bác sĩ chẩn đoán. Tuy nhiên, vẫn cần phải phân biệt với các bệnh khác có triệu chứng tương tự. Bao gồm:

  • Ngón tay cò súng. Không giống như co thắt Dupuytren, ngón tay cò súng thường đau khi gấp các ngón và không có khả năng duỗi các ngón bị ảnh hưởng.
  • Viêm bao hoạt dịch gân. Biểu hiện thường đau và nguyên nhân do hoạt động quá nhiều hoặc chấn thương các ngón.
  • Nang bạch huyết. Một u nhỏ, di động dễ sờ thấy ở khớp bàn ngón tay có thể là nang bạch huyết
  • U mô mềm. Khối u phần mềm cần được xem xét nếu bệnh nhân còn trẻ và không có yếu tố nguy cơ.

6.1 Các cận lâm sàng hỗ trợ:

Không sử dụng thường xuyên các cận lâm sàng để chẩn đoán co thắt Dupuytren. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu nghi ngờ đái tháo đường trên bệnh nhân Dupuytren nên thực hiện test nhanh đường huyết. Bởi vì đã có nhiều báo cáo cho thấy đái tháo đường có liên quan đến co thắt Dupuytren.

Siêu âm có thể cho thấy sự dày lên của cân gan tay, cũng như hiện diện của các u. Ngoài ra, siêu âm còn hỗ trợ điều trị trong quá trình tiêm các chất vào nơi tổn thương.

6.2 Chẩn đoán giai đoạn mô học của bệnh

Luck năm 1959 đã mô tả 3 giai đoạn phát triển mô học của bệnh Dupuytren như sau:

  • Giai đoạn tăng sinh (proliferative stage): Đặc trưng bởi sự sắp xếp ngẫu nhiên của các sợi collagen. Cùng với đó là sự tăng sinh mạnh mẽ của các nguyên bào sợi.
  • Giai đoạn cuộn xoắn (involution stage): Sợi collagen được sắp xếp theo chiều dọc của bàn tay. Tế bào myofibroblast chiếm ưu thế và tập hợp gần các sợi collagen
  • Giai đoạn còn lại (residual stage): Collagen được định hướng đồng đều, có ít hoặc không có các sợi xơ. Giai đoạn này tương tự như giai đoạn chữa lành vết thương.

7. Điều trị co thắt Dupuytren

Các lựa chọn điều trị bao gồm giải phóng mô mềm như tiêm chất tiêu collagen, phẫu thuật cắt bỏ cân mạc. Vì chỉ điều trị triệu chứng co rút mà không điều trị được nguyên nhân nên tình trạng tái phát sau điều trị xảy ra rất phổ biến. Điều trị tùy theo từng cá nhân dựa trên yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh của người đó. Chỉ nên điều trị bệnh nhân có triệu chứng vì tất cả phương pháp điều trị đều có biến chứng. Các phương thức điều trị bao gồm:

7.1 Theo dõi

Việc theo dõi là thích hợp đối với những người không đau, bệnh không tiến triển, co thắt tối thiểu hoặc không suy giảm chức năng bàn tay, ngón tay. Bệnh nhân có thể được theo dõi tại cơ sở y tế mỗi 6 – 12 tháng. Theo dõi giúp lượng giá được tiến triển của bệnh, phát hiện dấu hiệu suy giảm chức năng vận động. Từ đó, giúp đưa ra lời khuyên điều trị chính xác hơn.

7.2 Vật lý trị liệu

Phương pháp kéo giãn với nhiệt và sóng siêu âm có thể hữu ích ở giai đoạn đầu. Có thể dùng nẹp hỗ trợ để kéo giãn ngón tay. Các bài tập nên được thực hiện vài lần trong ngày. Có thể áp dụng các bài tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật, bao gồm:

  • Chăm sóc vết thương
  • Massage
  • Kéo giãn thụ động
  • Bài tập nâng tầm vận động của ngón tay
  • Nẹp duỗi hỗ trợ

7.3 Tiêm chất tiêu collagen (Collagenase)

Co thắt Dupuytren và những điều cần biết

Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện tại cơ sở y tế. Chất collagenase được tiêm vào dải xơ. Sau đó dải xơ sẽ bị đứt thông qua việc duỗi thụ động ngón tay. Quy trình duỗi thụ động ngón tay được thực hiện tại thời điểm 24, 48 hoặc 72 giờ sau tiêm. Các biến chứng phổ biến nhất bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm, phù, bầm tím, chảy máu và đau. Phản ứng nghiêm trọng hơn bao gồm đứt gân và hội chứng đau khu vực. Những biến chứng này có xu hướng tự giới hạn và giải quyết nhanh chóng, không để lại di chứng. Tiêm Collagenase đã được chứng minh là giúp giảm 75% co thắt, với tỷ lệ tái phát 35%.

7.4 Tiêm corticoid

Tiêm corticoid có thể cải thiện kích thước của nốt cục ở một số bệnh nhân Dupuytren. Nếu tiêm ở giai đoạn sớm của nốt cục khi chưa co rút khớp có thể ngăn tiến triển bệnh. Tuy nhiên, chúng không hiệu quả ở tất cả các bệnh nhân và tái phát lên tới 50%. Tiêm corticosteroid có thể dẫn đến teo mỡ, thay đổi màu da và có khả năng gây đứt gân.

7.5 Phẫu thuật

Mục tiêu phẫu thuật là để cắt bỏ các cân mạc co rút, giúp ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cân gan tay. Tỷ lệ tái phát là 30% sau 1 đến 2 năm, 15% sau 3 đến 5 năm và dưới 10% sau mười năm.

Co thắt Dupuytren và những điều cần biết
Hình ảnh minh họa một ca phẫu thuật co thắt Dupuytren

7.6 Các phương pháp điều trị khác

Xạ trị, thuốc tamoxifen, 5 fluorouracil, imiquimod và botulinum toxin đang được nghiên cứu thử nghiệm.

8. Biến chứng của co thắt Dupuytren

Các biến chứng của điều trị phẫu thuật bao gồm hoại tử mép vết thương, tụ máu, tổn thương thần kinh, thiếu máu ngón tay, nhiễm trùng, sưng, tái phát hoặc bùng phát cấp tính sau phẫu thuật. Thiếu máu ngón tay có thể do tổn thương trực tiếp mạch máu cung cấp cho ngón tay. Ngoài ra, tổn thương mạch máu còn do quá trình co rút kéo dài của ngón tay. Phản ứng bùng phát Dupuytren là đỏ, đau, sưng lan tỏa, tăng cảm và cứng chắc. Điều trị biến chứng này bao gồm steroid, block giao cảm, và giải phóng ròng rọc A1.

9. Chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng

Co thắt Dupuytren và những điều cần biết

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tập trị liệu bàn tay để duy trì tầm vận động của bàn tay. Nẹp gân duỗi ngón tay nên được sử dụng kèm. Vật lý trị liệu nên được thực hiện trong ít nhất 3 tháng để ngăn ngừa co thắt. Hiệu quả tối đa của phẫu thuật không phải là ngay lập tức mà chỉ rõ ràng sau 6-8 tuần.

Cần phòng ngừa tái phát bằng cách kiểm soát đường huyết, kiêng rượu và ngừng hút thuốc.

Thông qua bài viết, Youmed hy vọng đã cung cấp cho bạn thêm những thông tin bổ ích. Nếu có các dấu hiệu, triệu chứng trên, nên đến gặp bác sĩ cơ xương khớp để được chẩn đoán. Tình trạng và diễn tiến bệnh khác nhau tùy theo mỗi ngày. Vì vậy, người bệnh khám bác sĩ định kì để theo dõi tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần cải thiện lối sống để hỗ trợ điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Xem thêm các bài viết liên quan:

>>> Đau cổ tay: Những nguyên nhân thường gặp

>>> Hội chứng ống cổ tay: Biết để bảo vệ bản thân

>>> Hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai
Hình ảnh tin tức Nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách phòng ngừa ra sao?
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế
Hình ảnh tin tức Bật mí 2 cách làm tắc ngâm đường phèn ai cũng làm được
Khi gặp các về đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, khò khè… nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như dùng tắc ngâm đường phèn hay ngâm
Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chị em khi đi khám phụ khoa cần chuẩn bị gì?
Vì sao chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa, khám phụ khoa cần chuẩn bị những gì là những băn khoăn rất thường gặp của không ít chị em khi lần đầu đi