Thuốc Clonazepam: Thuốc chống động kinh, chống co giật

Thuốc Clonazepam là thuốc gì? Thuốc này được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng như thế nào là đúng và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích 

Clonazepam qua bài viết dưới đây!

Tên thành phần hoạt chất: Clonazepam.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tựAlzocalm, Antaspan, Opezepam, Rivotril, …

1. Thuốc Clonazepam là thuốc gì?

Thuốc Clonazepam thuộc nhóm thuốc chống co giật, được bào chế viên nén dùng đường uống hoặc ống thuốc tiêm.

Clonazepam
Thuốc Clonazepam có thể được dùng qua đường uống hoặc ống tiêm vào cơ thể

2. Công dụng của thuốc Clonazepam

Thuốc Clonazepam được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Dùng đơn trị liệu tạm thời hoặc phối hợp cùng với một thuốc động kinh khác trong quá trình điều trị động kinh.
  • Bệnh động kinh: Mọi hình thái của động kinh và co giật. Đặc biệt với động kinh cơn nhỏ điển hình hoặc có thể không điển hình, trạng thái động kinh, hội chứng Lennox-Gastaut. Hiệu quả của thuốc có thể bị hạn chế khi sử dụng trong thời gian dài và thuốc gây buồn ngủ.
  • Chứng hoảng sợ: Clonazepam còn được dùng trong điều trị các chứng hoảng sợ có hoặc không kèm theo chứng ghê sợ khoảng trống.

Bạn cần nhớ đây là loại thuốc được bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

Clonazepam
Thuốc Clonazepam được chỉ định trong một số trường hợp động kinh, chứng hoảng sợ,…

3. Trường hợp không nên dùng Clonazepam

Loại thuốc này được chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với clonazepam, các chất thuộc nhóm benzodiazepin hay bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Suy hô hấp nặng
  • Hội chứng ngừng thở khi ngủ
  • Suy gan nặng, cấp hoặc mạn. Bệnh glôcôm góc đóng cấp
  • Bệnh nhược cơ

4. Hướng dẫn dùng thuốc Clonazepam

4.1. Liều dùng

Thuốc Clonazepam là thuốc được chỉ định theo đơn của bác sĩ. Liều lượng của thuốc cần được điều chỉnh tùy thuộc độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ được điều chỉnh khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều lượng được trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng mà không tuân thủ chính xác liều lượng được bác sĩ hướng dẫn.

Bệnh động kinh:

Bạn nên bắt đầu dùng từ liều nhỏ rồi sau đó tăng dần cho tới liều tối ưu, tuỳ theo người bệnh. Tổng liều uống trong ngày được chia làm 3 lần. Khi đạt được liều duy trì, liều cả ngày có thể uống 1 lần vào lúc đi ngủ.

Người lớn: Liều lượng lúc khởi đầu là 1 mg (0,5 mg ở người cao tuổi), tối đa không quá 1,5 mg và uống vào buổi tối trong 4 đêm. Có thể được tăng thêm 0,5 – 1 mg, cứ cách ba ngày tăng một lần cho đến khi kiểm soát được cơn động kinh. Cùng với tác dụng không mong muốn ít nhất có thể.

Liều duy trì thông thường từ 4 – 8 mg/ngày. Tổng liều không được vượt quá 20 mg/ngày.

Trẻ em: Đối với trẻ từ 5 tuổi trở xuống: nên khởi đầu với 250 microgam, uống vào buổi tối, trong 4 tối, tăng dần trong 2 – 4 tuần đến liều duy trì 0,5 – 1 mg (với trẻ từ 1 tuổi trở xuống) và 1 – 3 mg (với trẻ từ 1 – 5 tuổi). Có thể chia làm 3 lần nếu cần thiết.

Trẻ em trên 5 tuổi – 12 tuổi: Khởi đầu 500 microgam, uống vào buổi tối, trong 4 tối, tăng dần trong 2 – 4 tuần (có thể thực hiện: liều tăng thêm 0,25 – 0,50 mg, cách 3 ngày tăng một lần) đến liều duy trì 3 – 6 mg. Có thể chia làm 3 lần uống nếu cần thiết.

Trẻ từ 12 tuổi – 18 tuổi: Khởi đầu với 1 mg, uống vào buổi tối, trong khoảng 4 tối. Rồi từ từ tăng dần trong thời gian 2 – 4 tuần (có thể thực hiện: liều tăng thêm là 0,25 – 0,50 mg, cách khoảng 3 ngày tăng một lần) đến liều duy trì 4 – 8 mg (với trẻ 5 – 12 tuổi). Bạn có thể chia làm 3 – 4 lần khi cần thiết.

Chứng hoảng sợ:

Người lớn: Liều lượng khi khởi đầu là 0,25 mg cho mỗi lần, dùng hai lần trong ngày. Sau đó có thể tăng lên sau 3 ngày tới tổng liều 1 mg/ngày. Đối với một vài bệnh nhân có thể tăng tối đa 4 mg/ngày. Để giảm buồn ngủ, hãy uống 1 lần vào ban đêm.

Trẻ em: Chưa có kinh nghiệm sử dụng lâm sàng clonazepam trong điều trị chứng hoảng sợ dành cho người bệnh chưa đủ 18 tuổi.

4.2. Cách dùng

Thuốc viên nén được dùng qua đường uống. Thức ăn không gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ của thuốc. Bạn có thể lựa chọn sử dụng thuốc trước hay sau ăn đều được.

Đối với thuốc tiêm, nên được sử dụng bởi nhân viên y tế, bạn không được tự ý tiêm tại nhà.

5. Tác dụng phụ của thuốc Clonazepam

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Clonazepam:

  • Thần kinh trung ương: Buồn ngủ
  • Cơ xương: Rối loạn điều phối
  • Tâm thần: Rối loạn hành vi, lú lẫn, giảm khả năng trí tuệ, quên những việc về trước
  • Tiêu hóa: Táo bón, đau bụng
  • Sinh dục nữ: Thống kinh

Bạn cần thông tin đến bác sĩ những triệu chứng không mong muốn mà bạn gặp phải trong quá trình dùng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng Clonazepam

Các tương tác bạn có thể gặp phải khi sử dụng chung thuốc Clonazepam với các thuốc khác:

  • Phenytoin và phenobarbital do có thể làm tăng chuyển hóa của clonazepam và làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương. Việc này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Tác dụng ức chế thần kinh trung ương của clonazepam cũng như của các thuốc benzodiazepin khác có thể tăng lên khi sử dụng rượu, thuốc có tác dụng gây mê, thuốc ngủ, thuốc chống loạn thần, thuốc giải lo, thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) và các thuốc chống co giật khác.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Clonazepam

Một vài điều cần chú ý dành cho người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc Clonazepam như:

  • Thận trọng khi ngừng dùng thuốc đối với người bệnh động kinh: Ngừng thuốc clonazepam đột ngột ở người bệnh đã dùng thuốc trong thời gian dài cùng liều cao có thể gây trạng thái động kinh (hội chứng cai thuốc). Vậy nên việc ngừng clonazepam phải được tiến hành từng bước và đồng thời có thể chỉ định một thuốc chống co giật khác thay thế.
  • Tránh uống rượu hoặc các thuốc chứa thành phần rượu. Thận trọng với người nghiện một thuốc khác vì có khả năng gây nghiện (nhiễm độc mạn tính).
  • Đối với những người bệnh mắc động kinh phức hợp thì clonazepam có thể làm gia tăng tỷ lệ xuất hiện hoặc thúc đẩy xuất hiện nhanh các cơn động kinh co giật toàn bộ. Trong trường hợp này, cần sử dụng thêm các thuốc chống co giật khác hoặc tăng liều lượng thuốc. Sử dụng đồng thời cả 2 thuốc axit valproic và clonazepam có thể làm xuất hiện động kinh liên tục cơn vắng.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Clonazepam

8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Clonazepam

  • Chưa xác định được tính an toàn của clonazepam dành cho người mang thai.
  • Những người mẹ đang dùng clonazepam tuyệt đối tránh cho con bú.

Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Do clonazepam có khả năng làm suy giảm khả năng phán đoán tư duy hoặc vận động, nên người bệnh dùng thuốc cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Clonazepam

Triệu chứng không mong muốn khi dùng thuốc clonazepam quá liều cũng giống như triệu chứng do các thuốc ức chế thần kinh trung ương gây nên, bao gồm: ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, giảm phản xạ.

Khi gặp phải các dấu hiệu như trên. Bạn cần ngừng dùng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Clonazepam

Nếu bạn lỡ quên dùng một liều thuốc, hãy dùng bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian quá gần với liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên. Tiếp tục dùng liều kế tiếp vào thời gian đúng như kế hoạch sử dụng. Không được dùng thuốc gấp đôi liều đã quy định.

11. Cách bảo quản thuốc Clonazepam

Thuốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và tìm hiểu thật kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, Nhà thuốc Bắc Giang đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Thuốc Clonazepam là thuốc gì, những công dụng, cách dùng và những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng. Trong quá trình dùng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ triệu chứng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ, hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn nhanh nhất!

Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy