Cholesteatoma: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Trong bệnh lý viêm tai giữa mạn tính, các bác sĩ thường chia thành 2 dạng: viêm tai giữa an toàn và viêm tai giữa nguy hiểm. Trong đó, viêm tai giữa nguy hiểm thường đi kèm với cholesteatoma. Vậy cholesteatoma là gì? Nguyên nhân gây ra cholesteatoma là gì? Nó có thể gây ra những biến chứng gì? Có thể chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa cholesteatoma bằng những cách nào? Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy sẽ giúp các bạn có được những thông tin cơ bản về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa cholesteatoma.

Cholesteatoma là gì?

Cholesteatoma là sự phát triển bất thường của da ở tai giữa, bên trong màng nhĩ. Nó là một khối xuất phát từ màng nhĩ và không dẫn đến ung thư. Cholesteatoma thường được hình thành do phần co lõm của màng nhĩ tích tụ dần dần các tế bào da chết vào trong tai giữa. Theo thời gian, khối cholesteatoma trở nên lớn dần và phá huỷ các cấu trúc xương mỏng manh bên trong và xung quanh tai giữa. Điều này có thể gây ra:1

  • Huỷ xương.
  • Nhiễm trùng.

Mặc dù cholesteatoma không phải là thường gặp, nhưng nó có thể dẫn đến:

  • Nghe kém.
  • Chóng mặt.
  • Liệt mặt.

Ở những trường hợp nặng, cholesteatoma có thể ảnh hưởng đến não gây ra áp xe não (ổ mủ tích tụ bên trong nhu mô não) hoặc viêm màng não.1

Cholesteatoma: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Khối cholesteatoma ở tai giữa

Nguyên nhân Cholesteatoma

Cholesteatoma có thể hình thành theo 3 cách:1 2

  1. Nguyên nhân thường gặp nhất là rối loạn chức năng vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache). Đây là cấu trúc ống nối tai giữa với vòm mũi họng, có chức năng thông khí cho tai giữa. Khi hoạt động của vòi eustache bị rối loạn, thông khí của tai giữa không được thông khí đầy đủ, gây ra áp lực âm trong khoang tai giữa. Áp lực âm này làm màng nhĩ bị co kéo vào trong hòm nhĩ. Túi co lõm này tích tụ các tế bào da chết và ráy tai, dẫn đến cholesteatoma. Viêm mũi dị ứng thời tiết, nhiễm trùng hô hấp trên (ho, cảm lạnh), viêm xoang, nhiễm trùng tai giữa thường xuyên có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng vòi Eustache.
  2. Qua một lỗ thủng màng nhĩ ở bệnh lý viêm tai giữa mạn tính hoặc thủng màng nhĩ do chấn thương, da ống tai ngoài có thể đi qua lỗ thủng này vào khoang tai giữa, phát triển và tích tụ trong khoang tai giữa gây ra cholesteatoma.
  3. Bẩm sinh: một số người khi sinh ra đã có một số mẩu da nhỏ mắc kẹt trong tai giữa, các mẩu da này phát triển dần theo thời gian và gây ra khối cholesteatoma bẩm sinh. Dạng này khá hiếm gặp.

Triệu chứng Cholesteatoma

Ở giai đoạn đầu, cholesteatoma thường không có triệu chứng.1 2 3

Khi khối cholesteatoma phát triển đủ lớn để gây phá huỷ các cấu trúc xương bên trong và xung quanh tai giữa, gây ra các triệu chứng như:1 2 3

  • Nghe kém tăng dần.
  • Cảm giác đầy tai, ù tai.
  • Đau tai.
  • Chóng mặt, cảm giác xoay tròn.
  • Yếu liệt mặt.
  • Khối cholesteatoma còn gây ra chảy dịch tai thường xuyên và dịch tai có mùi hôi.

Khi khối cholesteatoma nhiễm trùng và gây ra các biến chứng lên não, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như:1 2 3

  • Sốt cao, có thể kèm lạnh run.
  • Nhức đầu .
  • Buồn nôn.
  • Nôn ói.
  • Thay đổi tri giác.

Điều trị/Xử lý tại nhà có được không?

Cholesteatoma là bệnh lý cần phải được xử trí bằng phẫu thuật. Do đó, không nên tự ý điều trị ở nhà mà nên đến các cơ sở y tế tin cậy để chẩn đoán và xử trí kịp thời khi có các dấu hiệu nghi ngờ cholesteatoma, đặc biệt là ở bệnh nhân có tiền căn viêm tai giữa tái đi tái lại trước đó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, cholesteatoma sẽ gây ra nhiễm trùng tai dai dẳng, tái đi tái lại. Nhiễm trùng tai mạn tính có thể dẫn đến nghe kém tăng dần và thậm chí điếc. Cholesteatoma có thể gây xói mòn xương bao gồm chuỗi xương con và các xương ngăn cách tai giữa với não và tai trong. Khi các xương này bị phá huỷ, nhiễm trùng từ tai giữa có thể lan rộng gây ra viêm màng não, áp xe não, liệt mặt, và thậm chí có thể đe dọa tính mạng.2

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, đặc biệt là chảy dịch tai có mùi hôi kéo dài trên 2 tuần, bạn nên gặp bác sĩ tai mũi họng ở cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.

Cholesteatoma: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Khối cholesteatoma phát triển gây phá huỷ vách xương ngăn cách tai giữa và não, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nội sọ

Chẩn đoán cholesteatoma

Để chẩn đoán cholesteatoma, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi kỹ càng về các triệu chứng lâm sàng cũng như tiền căn viêm tai giữa của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ nghi ngờ cholesteatoma khi bệnh nhân có tiền căn viêm tai giữa tái đi tái lại, tiền căn rối loạn chức năng vòi Eustache điều trị không đầy đủ, kèm theo các triệu chứng nghi ngờ của cholesteatoma, đặc biệt là chảy dịch tai có mùi hôi kéo dài trên 2 tuần.

Nội soi tai cũng đóng vai trò quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán cholesteatoma. Bằng cách nội soi tai, bác sĩ sẽ quan sát rõ ràng ống tai ngoài, màng nhĩ và tai giữa, xác định các tổn thương ở màng nhĩ và tai giữa. Các dấu hiệu nghi ngờ này bao gồm:

Túi co lõm ở góc sau trên của màng nhĩ (hay còn gọi là thượng nhĩ). Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cholesteatoma. Ở các túi co lõm này có thể sẽ tích tụ những tế bào da chết, ráy tai,…

Cholesteatoma: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Túi co lõm thượng nhĩ tích tụ các tế bào da chết hình thành cholesteatoma

Màng nhĩ thủng rộng có các đặc điểm:

  • Thủng bờ trên và/hoặc bờ sau của màng nhĩ.
  • Thủng phần khung nhĩ sợi bao quanh màng nhĩ.
  • Có kèm mô hạt.
  • Có khối trắng bên trong tai giữa quan sát được qua lỗ thủng.
  • Có xói mòn xương.

Trong trường hợp cholesteatoma bẩm sinh, có thể quan sát thấy khối trắng ngà ở phía trong màng nhĩ nguyên vẹn.

Các xét nghiệm chuyên sâu

Sau khi nghi ngờ cholesteatoma qua hỏi bệnh và nội soi tai, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn bao gồm:4

  • Đo thính lực (đánh giá sức nghe chủ quan của người bệnh) giúp xác định loại và mức độ nghe kém.
  • Đo nhĩ lượng đồ xác định tình trạng của màng nhĩ và tai giữa.
  • Đo phản xạ cơ bàn đạp.
  • Cấy dịch tai để xác định tác nhân nhiễm trùng vì khối cholesteatoma thường đi kèm với nhiễm trùng tai dai dẳng.
  • Chụp CT scan cho vùng xương thái dương, giúp xác định mức độ tổn thương và phát hiện sự huỷ các cấu trúc xương bên trong và xung quanh tai giữa.
  • Ở những trường hợp nghi ngờ xâm lấn nội sọ, có thể cần chụp MRI (cộng hưởng từ), công thức máu, chọc dò dịch não tuỷ,…

Điều trị Cholesteatoma

Phẫu thuật5

Trong phần lớn trường hợp cholesteatoma, muốn lấy sạch và triệt để túi cholesteatoma, bệnh nhân cần phải được can thiệp phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ cần phải hút rửa, chăm sóc tai một cách cẩn thận để làm sạch ống tai và tai giữa nhiều nhất có thể. Ngoài ra, các bác sĩ có thể phải kê thêm một số loại thuốc để làm ngưng hoặc giảm thiểu tình trạng chảy tai. Các thuốc này có thể bao gồm kháng sinh, kháng viêm đường uống hoặc nhỏ tại chỗ, trực tiếp vào tai hoặc kết hợp đồng thời cả 2 dạng này.

Mục tiêu chính của phẫu thuật là lấy bỏ toàn bộ túi cholesteatoma, làm sạch nhiễm trùng, phục hồi tai khô và an toàn. Loại phẫu thuật được xác định tuỳ thuộc theo giai đoạn diễn tiến của cholesteatoma tại thời điểm phẫu thuật. Phẫu thuật có thể bao gồm khoan xương chũm (xương ở phía sau tai, thông khí với tai giữa) lấy bỏ bệnh tích ở xương chũm và tai giữa, tái tạo màng nhĩ, lấy bỏ xương con hoặc tái tạo xương con.

Hồi phục sau phẫu thuật

Bệnh nhân cần nằm viện qua đêm sau phẫu thuật để theo dõi các biến chứng sớm sau phẫu thuật. Sau khi được xuất viện, bệnh nhân cần giữ cho tai khô, có thể tắm hoặc gội đầu, nhưng không được để nước thấm vào tai. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần phải tránh đi máy bay, bơi lội và làm các công việc nặng hoặc chơi thể thao trong một vài tuần sau phẫu thuật.

Theo dõi

Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên để làm sạch tai, đánh giá lại sức nghe và đánh giá kết quả phẫu thuật. Bệnh nhân cholesteatoma cũng cần phải theo dõi dài hạn để theo dõi tái phát sau phẫu thuật.2

Một số trường hợp cần phải phẫu thuật 2 lần với 1 lần phẫu thuật để lấy bỏ bệnh tích và 1 lần phẫu thuật để chắc chắn rằng bệnh tích đã được lấy sạch kèm theo tái tạo hệ thống truyền âm. Phẫu thuật lần 2 được thực hiện sau phẫu thuật lần đầu tiên từ 6 đến 12 tháng.

Điều trị bảo tồn

Trong một số ít các trường hợp, cholesteatoma có thể được điều trị bảo tồn bằng cách thường xuyên lấy bỏ các tế bào da chết bên trong túi co lõm để kiểm soát diễn tiến. Việc chăm sóc này được thực hiện một cách cẩn thận dưới kính hiển vi bởi một bác sĩ tai mũi họng có kinh nghiệm. Cách điều trị này được chỉ định ở những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý đi kèm, nguy cơ trong phẫu thuật cao. Ngoài ra, việc chăm sóc tai thường xuyên còn được chỉ định ở bệnh nhân chỉ còn 1 tai có sức nghe.

Phòng ngừa Cholesteatoma

Cholesteatoma là bệnh lý bẩm sinh không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bệnh nhân cần biết về các dấu hiệu của bệnh để có thể nhanh chóng nhận diện và đi khám kịp thời nếu nghi ngờ.

Cholesteatoma mắc phải có thể được phòng ngừa bằng cách điều trị các bệnh lý nhiễm trùng tai giữa cũng như rối loạn chức năng vòi nhĩ một cách triệt để. Khám, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa trong điều trị cholesteatoma và phòng ngừa các biến chứng do cholesteatoma gây ra.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang
Hình ảnh tin tức Khám phụ khoa là khám những gì? Chị em nên khám phụ khoa ở đâu?
Khám phụ khoa định kỳ là bước quan trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Song nhiều chị em vẫn chưa
Hình ảnh tin tức 35 tuổi có tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không?
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung thường được khuyến nghị cho trẻ từ 12-13 tuổi để bảo vệ và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung trước khi có quan hệ tình dục lần
Hình ảnh tin tức Nên đeo bao cao su lúc nào khi quan hệ? Cách đeo bao cao su đúng cách
Sử dụng bao cao su để ngừa thai và bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục là một phương pháp phổ biến. Nhưng nên đeo bao cao su