Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết

Chấn thương dây chằng chéo sau chiếm tỷ lệ thấp trong các tổn thương vùng gối. Các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và ít ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Tuy nhiên các triệu chứng sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Lâu dần sẽ xuất hiện các biến chứng như viêm khớp, hạn chế vận động khớp gối… Bài viết sẽ cung cấp những kiến thức về cách nhận biết, điều trị, cũng như phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau.

Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Chấn thương dây chằng chéo sau

1. ĐỊNH NGHĨA

Chấn thương dây chằng chéo sau là tổn thương làm căng giãn hoặc rách dây chằng chéo sau. Ngoài ra, chúng thường kèm theo tổn thương bao khớp, sụn chêm và các cơ giữ vững khớp quanh gối. Nguyên nhân thường gặp là do va chạm vào đầu gối trong tai nạn giao thông hoặc các hoạt động thể thao như đá bóng.

Dây chằng chéo sau và trước là hai dải mô sợi cứng chắc kết nối giữa xương chày và xương đùi ở trong khớp gối. Chúng bắt chéo nhau tạo thành hình chữ X giúp ổn định khớp gối. Nó giúp tránh được sự chuyển động ra trước và ra sau quá mức của đầu gối. Trong đó, dây chằng chéo sau ngăn xương chày trượt ra sau quá mức so với xương đùi. Ngoài ra, chúng còn hạn chế duỗi quá mức, cũng như vẹo trong, vẹo ngoài khớp gối.

Dây chằng chéo sau khỏe và rộng hơn dây chằng chéo trước. Vì vậy, chấn thương dây chằng chéo sau ít phổ biến hơn chấn thương dây chằng chéo trước. Cường độ căng dãn của dây chằng chéo sau ước tính khoảng 2000N.

Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Giải phẫu thành phần giữ vững khớp gối

2. NGUYÊN NHÂN

Chấn thương dây chằng chéo sau có cơ chế tác động như sau:

  • Một lực tác động hướng về phía sau khi gấp gối có thể gây tổn thương dây chằng chéo sau. Ví dụ, va chạm mạnh vào đầu gối khi đang lái xe như trong tai nạn giao thông.
  • Va chạm vào bờ trước xương chày khi gối duỗi quá mức, có thể dẫn đến tổn thương dây chằng chéo sau kèm trật khớp gối. Cơ chế này thường xảy ra ở những cầu thủ bóng đá.

3. TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo sau có thể bao gồm:

  • Sưng đầu gối từ nhẹ đến nặng, xảy ra nhanh trong vòng vài giờ sau chấn thương. Có thể kèm theo giới hạn vận động khớp gối.
  • Đau nhẹ ở phía sau gối, nặng hơn khi phải quỳ gối. Đau ở phía trước đầu gối có thể xuất hiện khi chạy, hoặc dừng lại đột ngột. Triệu chứng này có thể xuất hiện từ 1 đến 2 tuần sau chấn thương hoặc muộn hơn.
  • Mất vững khớp gối: Đầu gối có thể trở nên lỏng lẻo, đi lại khó khăn, khập khiểng.

Các triệu chứng đầu tiên sau chấn thương có thể rất nhẹ, không rõ ràng và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, thể dục hằng ngày. Tuy nhiên các triệu chứng đau, mất vững khớp gối sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn. Người bệnh thường đến khám bác sĩ muộn vài tuần sau chấn thương khi các triệu chứng đã rõ ràng.

Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Tràn dịch khớp gối sau chấn thương

4. CHẨN ĐOÁN CHẤN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO SAU

4.1 Hỏi bệnh

Để chẩn đoán bệnh bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và tiền sử chấn thương vùng gối. Bao gồm:

  • Hoàn cảnh và thời gian xảy ra chấn thương (tai nạn giao thông, thể thao, té ngã…)
  • Các triệu chứng và vị trí xuất hiện các triệu chứng đó (đau, sưng, lỏng khớp gối…)
  • Tư thế gối khi xảy ra chấn thương (gấp, duỗi hay vặn xoắn)
  • Tiền sử chấn thương vùng gối trước đây

4.2 Khám thực thể vùng gối:

Bác sĩ sẽ kiểm tra cả hai đầu gối và so sánh gối bị thương và gối không bị thương. Đầu tiên, nhìn đầu gối bị chấn thương sẽ có xu hướng sưng, biến dạng và có thể ửng đỏ. Khi ấn vào đầu gối sẽ cảm thấy đau và bập bềnh do dịch, máu chảy ra trong khớp. Nghiệm pháp ngăn kéo sau hay được bác sĩ sử dụng để kiểm tra dây chằng chéo sau. Bệnh nhân nằm ngửa, gối gấp 90 độ, bác sĩ sẽ ấn, đẩy lồi củ xương chày về phía sau. Nếu có tổn thương dây chằng chéo sau, lồi củ chày sẽ di chuyển ra sau so với đầu gối. Mức độ di chuyển ra sau càng nhiều, tổn thương dây chằng chéo sau càng lớn. Làm nghiệm pháp tương tự ở đầu gối bên lành sẽ không có hiện tượng này.

Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Nghiệm pháp ngăn kéo sau

4.3 Cận lâm sàng:

Sau khi hỏi bệnh, khám có các dấu hiệu tổn thương dây chằng chéo sau, bác sĩ sẽ đề nghị các cận lâm sàng để xác định chẩn đoán. Bao gồm:

  • X quang khớp gối thẳng – nghiêng, khớp gối động. Mặc dù x quang không phát hiện được tổn thương dây chằng, nhưng nó có thể phát hiện gãy xương. Gãy bong một mảnh xương nhỏ nơi điểm bám dây chằng chéo sau thường được phát hiện.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Đây là chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để khảo sát dây chằng chéo sau. Ngoài ra, nó còn giúp kiểm tra các dây chằng khác vùng gối và sụn chêm.
  • Các cận lâm sàng khác: Doppler mạch máu, MSCT, DSA…Sử dụng khi nghi ngờ có tổn thương mạch máu kèm theo.
  • Nội soi khớp gối: là bước cuối cùng xác định chẩn đoán và xử trí tổn thương.

4.4 Phân độ tổn thương dây chằng chéo sau:

Chia tổn thương dây chằng chéo sau thành 3 độ:

  • Độ I: Chỉ rách một số tối thiểu các thớ sợi của dây chằng, xem như giãn dây chằng. Tổn thương giải phẫu không đáng kể.
  • Độ II: Rách nhiều thớ sợi của dây chằng hơn, xem như rách dây chằng. Đối với tổn thương độ I và II, các dây chằng còn giữ sự liên tục và chưa gây tình trạng chênh vênh khớp.
  • Độ III: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, mất sự liên tục và gây chênh vênh khớp. Ở tổn thương độ III, thường kết hợp với tổn thương dây chằng chéo trước, dây chằng bên, cũng như các chấn thương gối đáng kể khác.

5. BIẾN CHỨNG CỦA CHẤN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO SAU

Các biến chứng có thể xuất hiện khi chấn thương dây chằng chéo sau, bao gồm

  • Cứng khớp gối
  • Mất vững khớp gối
  • Viêm khớp gối tiến triển
  • Các biến chứng sau phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau. Bao gồm: tổn thương mạch máu vùng khoeo, liệt do ga rô, tụ máu khớp gối, nhiễm trùng sớm và muộn, dị ứng dụng cụ, tuột mảnh ghép, giãn mảnh ghép, mảnh ghép bị tiêu hủy.
Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Biến chứng viêm khớp gối

6. ĐIỀU TRỊ

6.1 Điều trị ban đầu:

Điều trị ban đầu sau chấn thương dây chằng chéo sau thường tuân theo quy tắc RICE:

  • Rest: Nghỉ ngơi, hạn chế vận động khớp gối bị chấn thương
  • Ice: Chườm lạnh vùng đầu gối bị chấn thương để giảm sưng nề.
  • Compress: Băng ép khớp gối bị chấn thương. Cần băng nhẹ nhàng, không quá chặt để tránh thiếu máu nuôi.
  • Elevate: Kê cao vùng gối bị chấn thương

6.2 Thuốc:

Thuốc được sử dụng trong chấn thương dây chằng chéo sau nhằm kiểm soát cơn đau, kháng viêm và chống sưng nề.

  • Thuốc giảm đau acetaminophen (paracetamol) 500mg uống 3 – 4 lần mỗi ngày.
  • Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAID) nhằm giảm đau, kháng viêm tạm thời. Nếu sử dụng lâu dài cần theo dõi các tác dụng phụ như loét dạ dày, tá tràng, ảnh hưởng chức năng gan, thận. Cần xét nghiệm máu theo dõi chức năng gan, thận định kỳ mỗi 3 tháng. Thận trọng trên các bệnh nhân có tiền căn tim mạch, hen phế quản. Các thuốc này bao gồm Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib.
  • Nhóm thuốc giảm đau trung ương Tramodol.

6.3 Vật lý trị liệu:

Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Phục hồi chức năng khớp gối
  • Ban đầu có thể sử dụng nạng để tập đi. Sau đó tăng trọng lượng dần dần lên đầu gối khi đi.
  • Mang nẹp khớp gối (nẹp zimmer) bất động gối duỗi trong 2 – 4 tuần.
  • Các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp vùng hông và cơ tứ đầu đùi.
  • Kích thích điện chức năng (FES) cơ tứ đầu đùi có thể được sử dụng.
  • Tập vận động thụ động khớp gối bằng máy hoặc tập với bác sĩ vật lý trị liệu, nhằm đưa tầm vận động của khớp gối về mức bình thường.

6.4 Phẫu thuật sau chấn thương dây chằng chéo sau:

Chỉ định phẫu thuật:

  • Chấn thương làm bong điểm bám dây chằng chéo sau
  • Tổn thương nhiều hơn một dây chằng (kèm theo tổn thương dây chằng chéo trước, dây chằng bên trong, bên ngoài khớp gối)
  • Chấn thương dây chằng chéo sau độ III, hoặc ở các vận động viên chuyên nghiệp.

Thời điểm phẫu thuật:

  • Thường sau chấn thương 3 tuần
  • Khi gối hết sưng, hết viêm.
  • Trương lực cơ và tầm vận động khớp gối trở về bình thường hoặc gần bình thường.
  • Có thể sớm hơn khi kèm tổn thương sụn chêm gây kẹt khớp, không thể tập co gối được.

Phương pháp phẫu thuật:

  • Nếu bong điểm bám dây chằng chéo sau, thực hiện phẫu thuật gắn lại điểm bám bằng vít.
  • Nếu đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau, thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng bằng mảnh ghép. Mảnh ghép có thể sử dụng bao gồm: mảnh ghép tự thân (gân cơ thon – bán gân, gân cơ mác dài, gân bánh chè…) hoặc mảnh ghép đồng loại. Có thể sử dụng phương pháp mổ mở, tuy nhiên đường mổ lớn, nhiều tai biến. Hiện nay, hầu hết đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nôị soi khớp gối xâm lấn tối thiểu. Đường mổ nhỏ hơn, sẹo nhỏ hơn, và ít tai biến hơn phương pháp mổ mở. Điều kiện để thực hiện phẫu thuật nội soi là bệnh nhân tuổi 16 – 50, sụn tiếp hợp đã hàn, khớp gối chưa thoái hóa.
Chấn thương dây chằng chéo sau: Kiến thức cần biết
Phẫu thuật nội soi khớp gối

Sau phẫu thuật cần:

  • Nẹp Zimmer bảo vệ khớp gối ở tư thế duỗi
  • Rút ống dẫn lưu khớp gối sau 24 – 48 giờ.
  • Chườm lạnh
  • Tập gồng cơ, gấp duỗi cổ chân, nâng chân với nẹp.
  • Đi nạng với nẹp bảo vệ và chịu lực nhẹ lên đầu gối.
  • Tái khám và tập vật lý trị liệu theo đúng lịch hẹn. Nên theo dõi vào 2, 6, 12, 24, 36, 48 và 52 tuần sau phẫu thuật.

7. PHÒNG NGỪA CHẤN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO SAU

Để ngăn ngừa chấn thương dây chằng khớp gối liên quan đến thể thao, bạn nên:

  • Khởi động nhằm làm nóng và giãn cơ trước khi tham gia các hoạt động thể thao.
  • Tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp gối.
  • Không tăng cường độ tập luyện thể thao đột ngột, mà nên tăng từ từ. Không tập luyện thể thao quá sức.
  • Mang giày thoải mái, phù hợp với bàn chân và môn thể thao đang luyện tập.

8. TIÊN LƯỢNG

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và chương trình phục hồi chức năng. Trong hầu hết các trường hợp, phục hồi hoàn toàn mất từ ​​4 đến 12 tháng. Các vận động viên có thể trở lại thể thao sau 9 -12 tháng. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện biến chứng viêm khớp gối kể từ 15 -25 năm sau chấn thương.

Chấn thương dây chằng chéo sau tuy không phổ biến bằng các chấn thương khác vùng gối, nhưng nó để lại hậu quả hết sức nặng nề. Sau chấn thương vùng gối, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như sưng nề, biến dạng hay mất vững khớp gối, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm chấn thương dây chằng chéo sau giúp hạn chế các biến chứng và phục hồi chức năng hiệu quả.

>> Như vậy chúng ta đã bàn về chấn thương dây chằng chéo sau, vậy còn dây chằng chéo trước thì sao? Hãy xem thêm và tìm hiểu thêm về Đứt dây chằng chéo trước tại Đây nhé! 

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai
Hình ảnh tin tức Nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách phòng ngừa ra sao?
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế
Hình ảnh tin tức Bật mí 2 cách làm tắc ngâm đường phèn ai cũng làm được
Khi gặp các về đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, khò khè… nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như dùng tắc ngâm đường phèn hay ngâm
Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chị em khi đi khám phụ khoa cần chuẩn bị gì?
Vì sao chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa, khám phụ khoa cần chuẩn bị những gì là những băn khoăn rất thường gặp của không ít chị em khi lần đầu đi