Cặp song sinh dính liền: Bí ẩn y khoa chưa được giải đáp

Sinh đôi dính liền là một trong những dị tật hiếm gặp trong y khoa và luôn gây sự chú ý của mọi người. Tỉ lệ của cặp song sinh dính liền là 1 trong 50,000 đến 200,000 trẻ được sinh ra. Trong đó 70% các cặp là nữ giới. Bài viết sau đây, YouMed sẽ giới thiệu đến các bạn về các cặp sinh đôi dính liền.

Cặp song sinh dính liền ở Việt Nam

Ngày nay với sự phát triển kỹ thuật siêu âm thường quy trong thai kỳ, số trường hợp phát hiện ngày càng tăng. Tại Việt Nam, vào năm 1988, ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức được thực hiện với sự tham gia của ê kíp bao gồm 70 giáo sư, BS đầu ngành của Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng đã thành công tốt đẹp và đi vào lịch sử y học Việt Nam.

Trong ngày 15/07/2020, các Bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cùng các chuyên gia từ bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước cũng vừa tiến hành phẫu thuật tách rời hai bé song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi.

Cặp song sinh dính liền: Bí ẩn y khoa chưa được giải đáp
Ca phẫu thuật bé Trúc Nhi – Diệu Nhi
Cặp song sinh dính liền: Bí ẩn y khoa chưa được giải đáp
Cặp song sinh Việt-Đức

Cặp song sinh dính liền là gì?

Cặp song sinh dính liền là khi hai bé có da, cấu trúc hay một số cơ quan nội tạng dính với nhau. Tình trạng này xảy ra khi phôi thai chỉ phân chia một phần để phát triển thành 2 cá thể. Khoảng 40 – 60% cặp song sinh dính liền bị chết trước sinh, khoảng 35% sống sót trong vài ngày và chỉ có 5-25% các cặp sống sót đến khi trưởng thành.

Ngày nay, với sự phát triển các kỹ thuật hình ảnh, gây mê, hồi sức, chăm sóc toàn diện…Các cặp này có tỉ lệ sống sót cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. 

Có nhiều kiểu kết dính khác nhau và dường như là độc nhất cho từng cặp, trong đó:

  • 75%: dính nhau ở phần ngực, bụng trên (thường gặp nhất)
  • 23%: dính phần chậu hông, chân, bộ phận sinh dục
  • 2%: nối nhau ở hộp sọ

Triệu chứng, phân loại song sinh dính liền

Khi mang thai, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy mang thai song sinh dính liền. Cũng như các trường hợp đa thai khác, tử cung có thể phát triển nhanh hơn so với đơn thai. Và có thể có mệt mỏi, buồn nôn và nôn sớm trong thai kỳ. Cặp song sinh dính liền được chẩn đoán sớm trong thai kỳ bằng siêu âm thai.

Phân dạng theo bộ phận

Mỗi cặp song thai dính liền nhau theo cách duy nhất cho từng cặp. Chúng được phân loại theo từng bộ phận như:

  • Ngực: cặp song sinh nối đối mặt nhau ở ngực, có thể dính phần bụng. Chúng có chung một trái tim và chia sẻ một phần gan và ruột trên. Đây là một trong những vị trí phổ biến nhất của cặp song sinh dính liền.
  • Bụng: dính nhau ở giữa bụng. Nhiều cặp chia sẻ gan, và một số chia sẻ phần dưới của ruột non và ruột già. Nhưng chúng không có chung một trái tim.
  • Cột sống: nối với nhau ở đoạn cuối cột sống và mông. Chúng chia sẻ đường tiêu hóa dưới. Một số ít chia sẻ cơ quan sinh dục và tiết niệu.
  • Xương chậu: dính nhau ở khung xương chậu, nối cạnh bên hay nối song song đối diện nhau. Chúng có chung đường tiêu hóa dưới, gan, cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Mỗi bé có thể có hai chân hoặc cặp song sinh chia sẻ hai hoặc ba chân.
  • Trục cơ thể: nối với nhau ở xương chậu và một phần hoặc tất cả bụng và ngực, nhưng phần đầu tách biệt. Cặp song sinh có thể có hai, ba hoặc bốn cánh tay và hai hoặc ba chân.
  • Đầu: nối ở phía sau, đỉnh hoặc hai bên đầu, nhưng không dính mặt. Chúng chia sẻ một phần của hộp sọ. Nhưng bộ não của chúng tách biệt, dù chúng có thể chia sẻ một số mô não.
  • Đầu và ngực: nối mặt và phần trên cơ thể. Hai khuôn mặt nằm ở hai phía đối diện và chung một bộ não, trái tim. Những cặp song sinh này hiếm khi sống sót.

Trường hợp hiếm gặp

Cặp song sinh có thể dính liền theo cách sau: một bé nhỏ hơn và phát triển kém hơn so với bé khác (cặp song sinh dính liền không đối xứng). Trong trường hợp cực kỳ hiếm, có thể tìm thấy một bé được hình thành một phần trong cơ thể bé kia (thai nhi trong bào thai).

Cặp song sinh dính liền: Bí ẩn y khoa chưa được giải đáp
2 bé có chung cơ hoành và gan nhưng tim tách biệt

Nguyên nhân cặp song sinh dính liền

Sinh đôi giống hệt nhau (sinh đôi cùng trứng) xảy ra khi một trứng được thụ tinh, tách đôi ra và phát triển thành hai cá thể. 8 – 12 ngày sau khi thụ thai, các lớp phôi sẽ tách ra để hình thành cặp song sinh cùng trứng, bắt đầu phát triển thành các cơ quan và cấu trúc cụ thể.

Người ta tin rằng khi phôi phân tách muộn hơn thế này – thường là trong khoảng từ 13 đến 15 ngày sau khi thụ thai. Quá trình phân tách dừng lại trước khi quá trình phát triển hoàn tất. Và kết quả là cặp song sinh dính liền nhau.

Một giả thuyết khác cho thấy: hai phôi riêng biệt bằng cách nào đó có thể hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển ban đầu.

Yếu tố nguy cơ

Bởi vì cặp song sinh dính liền rất hiếm và nguyên nhân không rõ ràng. Đến nay vẫn chưa sáng tỏ điều gì có thể khiến một số cặp vợ chồng có khả năng sinh đôi dính liền.

Biến chứng

Việc mang thai song sinh dính liền rất phức tạp và làm tăng đáng kể nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng. Các bé dính liền bắt buộc phải sinh bằng cách mổ lấy thai.

Cũng như cặp song sinh khác, những đứa trẻ dính liền có khả năng sinh non. Và một hoặc cả hai có thể chết non hoặc chết ngay sau khi sinh. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cặp song sinh có thể xảy ra ngay lập tức, ví dụ như suy hô hấp hoặc các vấn đề về tim mạch. Và sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như vẹo cột sống, bại não hoặc khiếm khuyết trong học tập.

Các biến chứng tiềm ẩn phụ thuộc vào vị trí dính nhau, cơ quan hoặc bộ phận của cơ thể được chia sẻ. Và chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ chăm sóc sức khỏe. Khi dự kiến ​​được cặp song sinh dính liền, gia đình và đội ngũ bác sĩ cần thảo luận chi tiết về các biến chứng có thể xảy ra và cách chuẩn bị cho các bé.

Chẩn đoán song sinh dính liền như thế nào?

Các xét nghiệm máu, dịch ối hay nhiễm sắc thể không thể kết luận được song thai dính nhau. Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến cuối tam cá nguyệt 1 (tuần thứ 14). Tuy nhiên, cặp sinh đôi có sự kết hợp nhiều có thể bị nhầm lẫn thành đơn thai.

  • Siêu âm tim, siêu âm màu Doppler 4D: được sử dụng tuần thứ 20 để đánh giá rõ hơn mức độ kết nối, giải phẫu của cặp song sinh và hoạt động của các cơ quan của chúng.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Nếu siêu âm phát hiện cặp song sinh dính liền, MRI có thể được chỉ định. MRI có thể cung cấp chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào chia sẻ. MRI thai nhi và siêu âm tim thai hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc trong và sau khi mang thai.

Các xét nghiệm hình ảnh học khác được chỉ định tuỳ từng loại kết nối khác nhau.

Điều trị song sinh dính liền

Việc điều trị các cặp song sinh dính liền phụ thuộc vào đặc điểm riêng của các bé:

  • Tình trạng sức khỏe
  • Vị trí dính liền
  • Cơ quan nội tạng hay cấu trúc quan trọng dùng chung
  • Các biến chứng có thể xảy ra

Khi mang thai

Nếu bạn đang mang song thai dính liền, bạn nên được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Bạn sẽ được giới thiệu đến đội ngũ các bác sĩ về sản và thai nhi, các chuyên gia về thai kỳ có nguy cơ cao. Các chuyên khoa khác nhau như: ngoại nhi, phẫu thuật chỉnh hình…sẽ cùng phối hợp cho ý kiến.

Đội ngũ bác sĩ sẽ tìm hiểu càng nhiều càng tốt về cấu trúc giải phẫu, chức năng các cơ quan và tiên lượng để lập kế hoạch điều trị cho cặp song sinh của bạn.

Khi sinh

Mổ lấy thai được lên kế hoạch trước hai đến bốn tuần trước ngày dự sinh của bạn. Sau khi cặp song sinh dính liền được sinh ra, chúng được đánh giá đầy đủ. Và sẽ phải ở lại bệnh viện theo dõi trong ít nhất 1 tháng.

Phẫu thuật tách riêng

Phẫu thuật tách đôi được thực hiện thường trong vòng một năm hoặc hơn sau khi sinh. Đây là một cuộc mổ tự chọn do bác sĩ lập kế hoạch và cha mẹ quyết định.

Đôi khi, cuộc mổ tách đôi cần khẩn cấp, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu một trong hai bé sinh đôi chết, phát triển tình trạng đe dọa tính mạng hoặc đe dọa sự sống sót của cặp song sinh kia. Chẳng hạn như: tắc ruột, suy hô hấp, suy tim sung huyết, bệnh nan y…

Nhiều yếu tố phức tạp được cân nhắc khi quyết định thực hiện phẫu thuật. Trong đó, song sinh dính liền phần bụng thường được lựa chọn nhiều nhất vì tỉ lệ sống sót tốt. Trái tim chung hay có chung bộ não là chống chỉ định vì sự phức tạp, khó thành công và thường biến chứng suy tim sau đó.

Các vấn đề cần được xem xét 

  • Liệu cặp song sinh có chung các cơ quan quan trọng, như tim ?
  • Liệu cặp song sinh có đủ sức khỏe để chịu đựng được cuộc phẫu thuật?
  • Tỷ lệ tách thành công có cao không?
  • Loại và mức độ phẫu thuật tái tạo cần thiết cho mỗi bé sau khi tách
  • Loại và mức độ hỗ trợ chức năng cần thiết sau khi tách
  • Điều thách thức nào cặp song sinh phải đối mặt nếu bị dính liền

Trong một số trường hợp, lựa chọn được đưa ra là hy sinh một bé để cho bé còn lại cơ hội sống sót. Khi có chung cơ quan đơn lẻ, tay chân không đều nhau, bé nhận được sẽ sống và phát triển đầy đủ. Trong khi người còn lại sẽ phải chịu đựng hoặc tử vong. Trong những tình huống này này, tham khảo ý kiến ​​với hội đồng đạo đức bệnh viện trước khi ra quyết định phẫu thuật.

Cặp song sinh dính liền vẫn còn là một bí ẩn cũng như thách thức lớn với nền y học hiện đại. Dù đã có nhiều phẫu thuật thành công, vẫn còn những trường hợp tách đôi không phải là một sự lựa chọn vì nhiều lý do. Và vẫn có cuộc sống khoẻ mạnh bình thường, đầy đủ, hạnh phúc bên nhau. Trên thế giới, có nhiều cặp song sinh dính liền nổi tiếng đã tận dụng đi lưu diễn khắp nơi đem lại tiếng cười cho mọi người.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống