Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm cho cả vật nuôi và con người. Đa phần các ca nhiễm dại ở người đều do bị chó dại cắn. May mắn thay, bệnh dại ở người rất dễ điều trị nếu bạn tiêm phòng đúng lúc và có cách sơ cứu kịp thời.
Cách sơ cứu khi bị chó dại cắn: Làm gì để tránh lây bệnh dại?
Mục Lục
Vậy khi bị chó cắn nên làm gì để xử lý vết thương? Hãy cùng NT BacGiang tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé.
Những việc cần làm ngay khi bị chó cắn
Bị chó cắn phải làm sao? Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu xem con vật cắn bạn đã được tiêm ngừa bệnh dại hay chưa. Nếu bạn không biết chủ sở hữu của con vật hoặc con vật đã rời đi, hãy liên hệ với các cơ quan kiểm soát động vật và người dân xung quanh để họ tìm giúp bạn.
Nếu bị cắn trong khi đi ngang qua một con chó bị xích, bạn nên dừng lại và kiểm tra xem vết cắn có làm rách da hay không, đồng thời lấy thông tin về chó từ chủ sở hữu. Đừng chờ đợi đến khi về nhà mới kiểm tra vết cắn.
Tất cả chó và mèo khi cắn người cần được cách ly trong 10 ngày và được bác sĩ thú y kiểm tra các dấu hiệu bệnh dại. Nếu con vật không có dấu hiệu bệnh dại sau 10 ngày thì bạn không cần tiếp tục tiêm ngừa. Ngược lại, bạn sẽ phải tiêm phòng bệnh dại đầy đủ.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó cắn
Các bước sơ cứu khi bị chó dại cắn
Nếu đã xác định được con vật cắn bạn mắc bệnh dại, bạn cần ngay lập tức thực hiện các bước sau:
- Đầu tiên, bạn rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước, bôi thuốc sát trùng để làm sạch vết thương.
- Sau đó, bạn đến bệnh viện ngay để thực hiện tiêm phòng dại và xử lý vết thương. Nếu bạn để quá lâu, virus sẽ di chuyển qua hệ thống thần kinh, lây lan đến các cơ quan và não của bạn. Tại thời điểm đó, sẽ quá muộn để các bác sĩ làm bất cứ điều gì.
Trường hợp chưa rõ con vật có mắc dại hay không, bạn cần tiến hành sơ cứu vết thương. Cách sơ cứu khi bị chó cắn sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết cắn, cụ thể:
- Nếu da bạn bị xước, hãy rửa vùng đó bằng nước ấm và xà phòng.
- Nếu vết cắn chảy máu, hãy đắp một miếng vải sạch lên vết thương và ấn nhẹ xuống để cầm máu.
Tất cả các vết thương do chó cắn, ngay cả những vết thương nhỏ, cũng cần được theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng cho đến khi chúng được chữa lành hoàn toàn. Nếu vết thương trở nên tồi tệ hơn, bạn cảm thấy đau hoặc bị sốt, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Dù chưa xác định chắc chắn chó cắn bạn bị dại, bạn vẫn cần tiêm ngay vaccine phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:
- Vết cắn ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục.
- Chó cắn có biểu hiện dại hay địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh
Không tiêm ngay mà phải theo dõi sau 15 ngày với các trường hợp sau:
- Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.
- Chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh.
Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích thì bạn nên nhanh chóng đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường thì bạn không cần phải tiêm phòng dại nữa.
Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)
Khi nghi nhiễm bệnh dại, bạn cần thực hiện PEP ngay lập tức. PEP bao gồm một đợt tiêm vaccine bệnh dại mạnh kèm theo sử dụng immunoglobulin để tăng hiệu quả của vaccine.
- PEP phải được áp dụng bằng phác đồ đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
- PEP không chống chỉ định nếu sử dụng chung với immunoglobulin. Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cũng không chống chỉ định với PEP.
- Nếu immunoglobulin bệnh dại không có sẵn trong lần tiêm đầu tiên, bạn phải đợi đến 7 ngày sau liều tiêm đầu tiên mới sử dụng được.
- Không nên chờ kết quả chẩn đoán trong phòng thí nghiệm hoặc trì hoãn cho tới khi nghi ngờ chó bị bệnh dại mới bắt đầu thực hiện PEP.
- Đối với bệnh nhân bị chó dại cắn sau nhiều tháng mới điều trị PEP, thì việc điều trị vẫn phải được thực hiện như người bệnh mới bị nhiễm gần đây.
- PEP được áp dụng ngay cả khi bạn chỉ nghi ngờ động vật cắn bị dại hoặc không thể tìm ra được con vật đã cắn mình. Tuy nhiên, có thể ngừng sử dụng vaccine và immunoglobulin nếu động vật đó được xác định là đã tiêm phòng bệnh dại.
- Trong các khu vực nhiễm bệnh dại, PEP nên được thực hiện ngay lập tức trừ khi có đầy đủ dữ liệu chỉ ra rằng, loài động vật cắn bạn không bị mắc bệnh dại.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh dại có chữa được không
Lời khuyên bảo vệ bạn và thú cưng khỏi bệnh dại
Để phòng tránh bệnh dại cho chính mình và thú cưng, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Luôn luôn cập nhật lịch tiêm vaccine bệnh dại cho thú cưng của bạn. Chó con và mèo con nên được tiêm vaccine bệnh dại đầu tiên vào lúc 12 tuần tuổi. Chúng phải tiêm phòng lại sau một năm, sau đó cứ 3 năm 1 lần tiêm phòng trong suốt quãng đời còn lại.
- Giữ giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại của thú cưng ở nơi dễ kiếm, phòng ngừa khi chúng tấn công ai đó, bạn sẽ có đủ giấy tờ chứng minh rằng nó đã được tiêm phòng bệnh dại.
- Nếu thú cưng của bạn bị một vật nuôi khác cắn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y ngay lập tức, đồng thời giữ trẻ em và người khác tránh xa thú cưng cho đến khi bác sĩ thú y kiểm tra xong. Bạn cũng cần yêu cầu chủ sở hữu vật nuôi kia cung cấp bằng chứng tiêm phòng bệnh dại. Nếu con vật kia chưa tiêm vaccine bệnh dại, bạn nên báo cáo sự cố cho cơ quan kiểm soát động vật địa phương để đảm bảo rằng cả hai con vật được cách ly thích hợp.
Các bài viết của NT BacGiang chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: https://hellobacsi.com/