Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại

Bạn đã từng bị sưng đau khớp cổ chân, đi lại khó khăn sau một biến cố như bước hụt cầu thang, bước hụt trên mặt đường gồ ghề trong khi chạy bộ…? Từ đầu tiên hiện lên trong đầu bạn có lẽ là “bong gân”. Đây là một từ rất hay được sử dụng trong chấn thương khớp, cả đông y và tây y.  Bong gân thật sự là gì? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về bong gân qua bài viết sau đây.

1. Bong gân là gì?

Bong gân là thuật ngữ y khoa chỉ những tổn thương kín của phần mềm cố định và giữ vững sự toàn vẹn của khớp (là hệ thống dây chằng, bao khớp, có thể có cả các gân cơ. Những thành phần này tạo cho khớp sự vững chãi và cử động một cách bình thường), làm cho khớp giảm hoặc mất chức năng vận động. Tình trạng bong gân không kèm theo tổn thương sai khớp, bán sai khớp hoặc gãy xương.

Tổn thương chủ yếu là các dây chằng giữ vững khớp, thường kèm theo tổn thương bao khớp. Đôi khi tổn thương gân cơ liên quan xuất hiện sau một tác động cơ học đột ngột. Tổn thương gân cơ đơn thuần không được gọi là bong gân.

2. Cơ chế tổn thương bong gân

Vị trí hay gặp là những khớp sử dụng nhiều trong quá trình hoạt động thể chất như khớp gối, cổ chân, khớp vai, cổ tay.

Bạn hãy hình dung khớp là nơi tiếp giáp giữa 2 nhóm cơ – xương khác nhau (ví dụ khớp gối phía trên có nhóm cơ – xương đùi, dưới có nhóm cơ – xương cẳng chân), hệ thống dây chằng, bao khớp, gân cơ làm nhiệm vụ kết nối, giữ vững, tạo nên sự chuyển động đồng điệu giữa 2 nhóm cơ – xương trong quá trình vận động.

Một tác động cơ học đột ngột gián tiếp vào một nhóm cơ – xương gây nên sự gập góc, xoắn vặn, chuyển động sai hướng của nhóm cơ – xương này so với chuyển động chung của khớp và nhóm còn lại. Kết quả các dây chằng, bao khớp, gân cơ bị xoắn vặn, kéo căng quá mức, đứt rách gây ra những triệu chứng của bong gân. Bong gân cũng xảy ra sau khi khớp bị một lực cơ học mạnh, trực tiếp tác động vào, mặc dù trường hợp này ít gặp hơn.

Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại
Hình minh họa cơ chế bong gân khớp cổ chân

3. Triệu chứng của bong gân

Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau chấn thương điển hình gây vặn xoắn, gập góc các dây chằng, bao khớp và gân cơ. Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất là đau và sưng nề.

  • Đau diễn biến theo 3 giai đoạn: Đầu tiên đau chói như điện giật sau khi bị chấn thương, sau một vài giờ chuyển sang tê bì, rồi trở lại đau nhức tăng dần. Cảm giác khó chịu, đau tăng khi ấn vào vùng tổn thương hoặc cố gắng cử động khớp.
  • Kèm theo phù nề, bầm tím, tụ máu tại vị trí khớp và cạnh khớp, nhìn thấy khớp sưng to, mất các vết lõm tự nhiên so với bên đối diện.
  • Có thể tràn dịch, tràn máu vào khe khớp. Khớp giảm hoặc mất chức năng vận động.

Tổn thương của dây chằng bao khớp chia làm 3 mức độ:

  • Bong gân độ 1: Dây chằng bị kéo giãn, tổn thương các thớ, sợi dây chằng không đáng kể.
  • Ở bong gân độ 2: Rách dây chằng, không ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của khớp.
  • Bong gân độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn gây mất vững tại khớp, trường hợp nặng có thể gây trật khớp do tổn thương nhiều dây chằng và bao khớp. Khớp giảm chức năng vận động rõ rệt.
Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại
Có nhiều cấp độ của bong gân

4. Khi nào bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa cơ, xương, khớp?

Với những tổn thương nhẹ biểu hiện đau nhức, sưng nề ít, không có bầm tím tụ máu, khớp vẫn cử động được mặc dù có giảm, bạn có thể tự điều trị tại nhà.

Hãy tới gặp bác sĩ của bạn khi có những biểu hiện như:

  • Đau chói, đau khiến bạn không thể cử động được khớp và chi thể.
  • Sưng nề khớp nhiều, bầm tím tụ máu, sưng nề nhiều có thể là biểu hiện của tràn dịch, tràn máu khe khớp.
  • Những trường hợp ban đầu đau, sưng nề ít, sau đó tăng dần hoặc không giảm sau vài ngày mặc dù bạn đã tự điều trị cũng nên được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn kịp thời.

5. Bạn cần làm gì khi bị bong gân?

5.1. Những điều bạn nên làm

  • Để vùng chi có bong gân nằm yên.
  • Chườm đá lạnh, nếu không có thì chườm nước lạnh cách nhau 15 – 30 phút trong 3 – 4 giờ sau chấn thương. Đây là biện pháp không dùng thuốc hiệu quả nhất làm giảm đau, giảm phù nề.
  • Băng ép bằng băng chun giãn hoặc cố định bằng nẹp khớp bị tổn thương liên tục ít nhất 48 giờ. Khi nằm ngủ, gác chân cao nhằm giảm máu dồn đến nơi tổn thương, giảm phù nề.
  • Bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau đường uống thông thường không trong danh mục thuốc kê đơn ngay sau khi bị chấn thương để giảm đau và phù nề.
 

>> Có 2 cách chườm là chườm nóng và chườm lạnh. Liệu bạn đã hiểu và làm đúng cách? Tìm hiểu thêm trong bài viết Chườm nóng và chườm lạnh: bạn có đang làm đúng cách?

Bong gân dưới góc nhìn của y học hiện đại
Bạn nên ngay lập tức thực hiện những biện pháp sơ cứu sau khi bị bong gân

5.2. Những điều bạn không được làm

  • Đừng chườm, đắp nóng bằng bất kỳ cách nào (tinh dầu nóng, rượu thuốc, đá cuội nóng…). Chúng không những không hiệu quả mà còn làm tăng phù nề tại nơi tổn thương.
  • Đừng xoa bóp, tập vận động khớp bị tổn thương khi còn sưng tấy cấp tính.
  • Không được dùng các chất kích thích như rượu vì càng làm tăng phù nề.
  • Không được tiêm, hút dịch vùng khớp tổn thương tại những cơ sở không có bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Với bong gân độ 1, 2 đơn thuần, triệu chứng đau, sưng nề ít, bạn có thể tự điều trị tại nhà với những biện pháp trên. Đồng thời, bạn cần nghỉ ngơi và tránh vận động. Nếu không đỡ sau 2 – 3 ngày hoặc tổn thương nặng, bạn nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tóm lại, bong gân là một chấn thương hay gặp nhất trong hoạt động thể chất thường ngày, đặc biệt là ở những vận động viên thể thao. Bong gân có thể chỉ là giãn dây chằng, bao khớp, hoặc có thể là những tổn thương rách, đứt dây chằng, bao khớp, gây hậu quả nặng nề đến chức năng vận động của khớp và chi thể. Khi bị bong gân, bạn nên được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa cơ, xương, khớp nhằm phục hồi nhanh nhất chức năng vận động cũng như tránh những di chứng nặng nề.

Bác sĩ Lê Thanh Tâm

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm