Bó bột sau gãy xương và những điều bạn cần lưu ý

Hiện nay, số lượng tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động và sinh hoạt ngày càng nhiều. Tần suất gãy xương cũng tăng đáng kể. Phương pháp điều trị bằng bó bột vẫn chiếm một phần lớn trong gãy xương. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt sau bó bột thì cần quá trình điều trị, chăm sóc và theo dõi một cách chu đáo. Dưới đây là một số vấn đề cần biết, liên quan đến bó bột sau gãy xương.

Bó bột là gì?

Bó bột là một trong các cách giúp cố định vùng xương gãy. Người ta dùng các miếng bột để bao quanh vị trí chấn thương. Điều này phòng ngừa các mảnh hay đầu xương gãy bị di lệch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành xương.

Tại sao cần bó bột sau gãy xương?

Chức năng của bột là để bảo vệ và bất động vững chắc vùng xương hay khớp chấn thương. Nó giúp giữ các xương bị gãy ở trục thích hợp theo giải phẫu bình thường. Từ đó giúp xương lành ở hình dạng thích hợp để thực hiện được các hoạt động thường ngày.

Bột cũng có tác dụng làm giảm đau vùng xương hay khớp chấn thương. Bởi vì chúng ngăn cản vận động vùng tổn thương, giúp vùng mô không bị căng quá mức khi di chuyển.

Quy trình bó bột như thế nào?

Trước khi thực hiện

Người bệnh sẽ được thăm khám kỹ trước khi bó bột nhằm hạn chế tối đa các tai biến. Trong đó, người bệnh được đo mạch, huyết áp, kiểm tra dấu hiệu mất máu, kiểm tra tri giác (dựa trên thang điểm Glasgow), nhịp thở.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được kiểm tra:

  • Các rối loạn cơ tròn (khi gãy cột sống) để phòng tổn thương tủy.
  • Tổn thương phối hợp.
  • Các tổn thương ở các tạng khác: sọ não , ngực , bụng , tiết niệu.
  • Tổn thương ở các chi khác.
Bó bột sau gãy xương và những điều bạn cần lưu ý
Chấn thương gân trên CT

Trong khi thực hiện

Trước khi mang bột, vùng tổn thương sẽ được băng thun vớ stockinette (tất lót bó bột). Sau đó, một lớp đệm làm bằng bông hoặc một chất liệu mềm khác được quấn quanh. Mục đích để tăng cường bảo vệ da và tạo độ đàn hồi, hỗ trợ quá trình hồi phục.

Bó bột thạch cao có dạng dải hoặc cuộn được làm ẩm và quấn ngoài lớp đệm. Vật liệu thạch cao được làm từ vải muslin được xử lý bằng tinh bột hoặc dextrose và canxi sulfate. Tương tự như thạch cao, vật liệu sợi thủy tinh cũng có dạng cuộn và được làm ẩm.

Xem thêm: Gãy xương cổ chân: Bạn cần làm gì?

Sau khi thực hiện

Sau khi hoàn thành quá trình bó bột, bột sẽ bắt đầu khô trong khoảng 10 – 15 phút. Nhiệt độ của da có thể tăng lên khi thạch cao khô vì phản ứng hóa học xảy ra. Thường mất từ ​​1 – 2 ngày để lớp bột cứng hoàn toàn. Người bệnh phải cẩn thận trong giai đoạn này vì thạch cao có thể bị vỡ hoặc nứt. Khi bột thạch cao đã khô, lớp bó sẽ mịn màng, có màu trắng. Đối với vật liệu sợi thủy tinh, lớp bó sẽ thô ráp hơn.

Thời gian bó bột là bao lâu?

Thời gian bó bột phụ thuộc vào thời gian lành xương và mô mềm xung quanh. Tùy vào xương gãy, vị trí gãy, mức độ gãy và các yếu tố kèm theo như tổn thương mô mềm xung quanh, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý đi kèm mà có thời gian lành xương khác nhau. Ở tình trạng sức khỏe tốt, thì gãy xương chi trên có thể lành sau 4 – 8 tuần, và chi dưới là 8 – 12 tuần. Tuy nhiên con số này chỉ có vai trò tham khảo. Thời gian sẽ dao động vì phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.

Để chắc chắn xương đã lành, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và cho chụp x-quang để kiểm tra. Sau khi có kết quả lành xương mới tiến hành cắt bột.

Bó bột có nguy hiểm không?

Nhìn chung, bó bột là kỹ thuật phổ biến và hiệu quả. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp có thể xảy ra một số tai biến. Nguyên nhân tai biến của bó bột có thể khách quan (tổn thương từ đầu) hoặc do sự thiếu hiểu biết và cẩn trọng của y bác sĩ khi thực hiện.

Tai biến tức thì

  • Choáng (sốc) do đau đớn trong quá trình nắn, bó bột.
  • Sốc phản vệ do thuốc tê.

Tai biến sớm

  • Tổn thương mạch máu, thần kinh. Ở chi trên có thể gặp tổn thương động mạch cánh tay, thần kinh giữa, thần kinh quay, thần kinh trụ, đám rối thần kinh cánh tay. Ở chi dưới có thể gặp ở động mạch khoeo, động mạch chày sau, thần kinh mác chung… (nhưng hiếm xảy ra).
  • Xương chọc ra gây gãy hở thứ phát. Ban đầu là gãy kín nhưng do thiếu cẩn thận hoặc động tác vận chuyển, kéo nắn thô bạo có thể làm đầu xương nhọn chọc thủng da gây gãy hở.
  • Gãy thêm xương, đặc biệt với người bệnh cao tuổi và người có bệnh lý về xương.
  • Phù nề, rối loạn dinh dưỡng, hội chứng chèn ép khoang cấp gây hoại tử chi có thể xảy ra.
  • Chấn thương tủy sống, liệt tủy.
Bó bột sau gãy xương và những điều bạn cần lưu ý
Phù nề là một trong những tai biến sớm sau khi bó bột.

Tai biến muộn

  • Rối loạn dinh dưỡng bán cấp và rối loạn dinh dưỡng từ từ dẫn đến sưng nề kéo dài, cứng khớp, ảnh hưởng đến cơ năng của chi.
  • Thiếu máu bán cấp và mạn tính, gây xơ hóa các cơ, không còn độ đàn hồi – biểu hiện của hội chứng Volkmann, Sudeck (loạn dưỡng giao cảm phản xạ)…
  • Can lệch, khớp giả do kỹ thuật nắn không tốt, bất động không đúng quy cách, do tuổi cao, không được tư vấn về chế độ ăn uống cũng như hướng dẫn cách tập trong và sau thời gian mang bột…
  • Viêm xương do gãy xương hở, tụ máu nhiễm trùng, loét do tì đè…

Cách theo dõi trong khi mang bột?

Tong khoảng 72 giờ đầu sau khi bó bột, người bệnh sẽ có cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, cần phải thông báo cho bác sĩ để nới bột kịp thời, tránh dẫn đến tình trạng chèn ép bột.

Người bệnh nên quay lại bệnh viện nếu sau khi bó bột và nẹp, vùng thương tổn có cảm giác tê hoặc ngứa ran, châm chích. Bên cạnh đó, những trường hợp sau cũng cần trợ giúp từ y tế:

  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Da nhợt nhạt hoặc có tông màu hơi xanh.
  • Cảm giác đau, sưng nhiều hơn.
  • Rỉ dịch, có mùi hôi từ chỗ bó bột.
  • Lớp bột bị ướt hoặc bẩn.
  • Có vết loét, mụn nước hoặc phát ban bên dưới lớp bột.
  • Giảm khả năng vận động các ngón tay, ngón chân.

Khi hết đau chưa phải là xương đã liền chắc. Do đó, chỉ được tháo bột khi xương đã liền vững chắc và do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý tháo bột kể cả khi thấy các dấu hiệu liền xương vì nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc xương không liền nếu chưa đủ thời gian bó bột.

Bác sĩ sẽ chỉ định tháo gỡ lớp bột bằng 1 loại cưa đặc biệt khi xương đã đủ thời gian lành. Loại cưa này có thể cắt xuyên qua các lớp bột mà không làm tổn thương vùng da bên dưới. Khi cưa đến lớp đệm bảo vệ và lớp stockinette, bác sĩ sẽ dùng kéo để gỡ bỏ.

Cách chăm sóc trong quá trình mang bột?

  • Nên kê cao vị trí được bó bột để tránh phù nề.
  • Cần gồng cơ trong bột đúng cách và thường xuyên để tránh rối loạn dinh dưỡng, teo cơ và xương chậm lành.
  • Cố gắng vận động các phần cơ thể không bị bất động để giúp lưu thông máu, tránh bị cứng khớp.
  • Tránh tạo áp lực hoặc đặt vật nặng lên lớp bột. Nếu bị chấn thương ở chân và cần đi lại, hãy chắc chắn lớp bột đã cứng hoàn toàn.
  • Giữ cho lớp bột sạch sẽ và khô ráo, nhất là khi vệ sinh, tắm rửa vì nếu bột bị dính nước sẽ gây mùi hôi và hỏng bột. Nếu bó bằng vật liệu sợi thủy tinh và bị ướt, người bệnh có thể dùng máy sấy tóc có chế độ sấy mát (cool) để làm khô. Trường hợp không thể sấy khô hoặc lớp da bên dưới bị ướt, hãy quay lại bệnh viện.
  • Che hoặc bọc lớp bột bằng túi nhựa trước khi tắm. Người bệnh có thể dùng đai treo bó bột làm từ nhựa, thường được bán tại một số cửa hàng vật liệu y tế hoặc nhà thuốc.
  • Không đặt bất kỳ đồ vật nào bên trong lớp bột cũng như không sử dụng các sản phẩm bôi thoa trên lớp da này, kể cả bột phấn trẻ em.
  • Không cào gãi vùng da đang mang bột hay dùng vật nhọn chọc vào. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu da bị rách hay trầy xước.
  • Không tự tháo bột.
  • Thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ
Bó bột sau gãy xương và những điều bạn cần lưu ý
Cần kê cao chân mang bột

Phục hồi chức năng trong thời gian bó bột và sau khi tháo bột?

Vận động trong lúc bó bột và sau bó bột đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu sau gãy xương. Cái bài tập vận động giúp phòng ngừa các biến chứng teo cơ, cứng khớp, giảm sưng, đau, cải thiện chức năng và mau quay về cuộc sống hàng ngày.

Các phương pháp và bài tập thường gặp

Tập duy trì sức cơ

Tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.

Tập đi

Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững…

Dùng nhiệt

Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập.

Tập sinh hoạt thông thường

Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.

Biện pháp xoa nắn

Nên xoa nắn thường xuyên chỗ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.

Bó bột sau gãy xương và những điều bạn cần lưu ý
Tập đi bằng nạng khi chân bó bột

Các bài tập tương đối nhiều và khác nhau ở từng giai đoạn và khả năng của mỗi người. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cần khám bác sĩ phục hồi chức năng để có thể tập bài tập đúng cách.

Chế độ ăn sau bó bột do gãy xương

Ngoài vận động thì chế độ ăn cũng góp phần quan trọng cho quá trình lành xương. Cần bổ sung các loại thực phẩm cung cấp các vi chất như: canxi, magie,  kẽm, phốt- pho, axid folic, vitamin B6, vitamin B12… có trong sữa, cá hồi, chuối, rau xanh, ngũ cốc, thịt bò, trứng… giúp tăng quá trình lành xương.

Tránh những loại thực phẩm gây cản trở cho quá trình tái tạo tổ chức xương mới. Ví dụ như:

  • Rượu làm rối loạn hoạt động tế bào xương, khiến xương thoái hóa nhanh hơn.
  • Caffeine làm giảm thiểu lượng canxi trong cơ thể. Sự có mặt caffeine trong khẩu phần ăn cũng làm ngăn trở khả năng hấp thu canxi ở ruột.
  • Trà đặc, socola, nước ngọt có gas là những thứ không nên sử dụng.
  • Mặt khác, thức ăn nhiều mỡ cũng làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể.

Bó bột là phương pháp điều trị gãy xương phổ biến và quan trọng. Quá trình bó và mang bột cần được thực hiện chính xác. Bó bột đúng và theo dõi sát góp phần quan trọng vào phục hồi xương gãy. 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai