Bạn biết gì về thuốc hạ huyết áp Bisoloc (bisoprolol)

Thuốc Bisoloc (bisoprolol) là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu và phân tích Bisoloc (bisoprolol) qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy.

Tên thành phần hoạt chất: bisoprolol.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Agicardi, Bihasal, Concor Opesopril, Romaprolol, Savi Prolol, Tevaprolol, Zabesta,…

Thuốc Bisoloc là thuốc gì?

Bisoloc thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén với hoạt chất là bisoprolol hàm lượng 2,5 mg hoặc 5 mg.

Bisoloc
Thuốc Bisoloc 2.5 mg
Bisoloc
Thuốc Bisoloc 5 mg

Công dụng của thuốc Bisoloc

Bisoloc được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Tăng huyết áp.
  • Đau thắt ngực.
  • Suy tim mạn ổn định, từ vừa đến nặng, kèm giảm chức năng tâm thu thất trái đã được điều trị cùng với các thuốc ức chế enzym chuyển, lợi tiểu, và với glycosid trợ tim. Chỉ định này do thầy thuốc chuyên khoa quyết định

Bạn nên nhớ đây là thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

Trường hợp không nên dùng Bisoloc

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh có sốc do tim, suy tim cấp, suy tim chưa kiểm soát được bằng điều trị nền, suy tim độ III hoặc độ IV với chức năng co bóp thất trái thấp (EF < 30%), blốc nhĩ – thất độ hai hoặc ba và nhịp tim chậm xoang (dưới 60/phút trước khi điều trị), bệnh nút xoang.
  • Hen nặng hoặc bệnh phổi – phế quản mạn tính tắc nghẽn nặng.
  • Hội chứng Reynaud nặng.
  • U tủy thượng thận (u tế bào ưa crôm) khi chưa được điều trị.
  • Huyết áp thấp (< 100 mmHg).
  • Toan chuyển hóa.

Hướng dẫn dùng thuốc Bisoloc

1. Liều dùng

Bisoloc là thuốc được chỉ định theo đơn của bác sĩ. Liều lượng cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.

Điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành (cơn đau thắt ngực): liều đầu tiên thường dùng là 2,5-5 mg x 1 lần mỗi ngày. Liều dùng có thể tăng lên 10 mg, ngày 1 lần nếu cần.

Điều trị tăng huyết áp hoặc cơn đau thắt ngực với bisoprolol là điều trị lâu dài. Đặc biệt ở những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ, không nên ngừng bisoprolol đột ngột. Liều dùng nên được giảm dần, tức là sau 1-2 tuần.

2. Cách dùng

Thuốc được dùng theo đường uống và nên dùng vào buổi sáng. Thức ăn không ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của thuốc, vì thế có thể dùng thuốc trước hay sau ăn đều được. Bạn nên uống nguyên viên thuốc với nước và không được nhai.

Tác dụng phụ của thuốc Bisoloc

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc:

  • Tiêu hoá: Tiêu chảy, nôn, buồn nôn.
  • Hô hấp: Viêm mũi.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Cơ xương: Đau khớp.
  • Hệ thần kinh trung ương: Giảm cảm giác, khó ngủ.
  • Tim mạch: Nhịp tim chậm.
  • Đau ngực, phù ngoại biên.

Bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc khi dùng Bisoloc

Bạn không nên sử dụng thuốc đồng thời với:

  • Các thuốc chẹn beta khác như propranolol, metoprolol,…
  • Các thuốc ức chế co bóp cơ tim hoặc ức chế sự dẫn truyền nhĩ – thất như một số thuốc đối kháng canxi, đặc biệt tránh kết hợp thuốc với tiêm tĩnh mạch verapamil và diltiazem, hoặc các thuốc chống loạn nhịp như disopyramid, sotalol,…
  • Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc
  • Việc sử dụng đồng thời rifampicin, barbiturat làm tăng chuyển hóa dẫn đến làm giảm nồng độ bisoprolol trong huyết tương. Ngược lại cimetidin, hydralazin làm giảm chuyển hóa và giảm dòng máu đến gan nên làm giảm sự thanh thải thuốc

Lưu ý khi dùng thuốc Bisoloc

Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:

  • Cần sử dụng thuốc thận trọng ở những bệnh nhân suy tim do Bisoloc có thể dẫn đến suy giảm thêm co bóp cơ tim và thúc đẩy suy tim nặng hơn. Có thể dùng ở bệnh nhân suy tim sung huyết còn bù và chỉ dùng thêm vào khi đã có điều trị suy tim với các thuốc cơ bản dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không ngừng thuốc đột ngột do có thể làm nặng thêm tình trạng đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim, loạn nhịp thất ở người bệnh động mạch vành.
  • Dùng thận trọng Bisoloc ở người bệnh có bệnh co thắt phế quản.
  • Cần hiệu chỉnh liều Bisoloc một cách cẩn thận đối với người suy thận hoặc suy gan.

Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Bisoloc

1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Chỉ dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích dự kiến cao hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai.

Không biết bisoprolol có được bài tiết vào sữa người hay không, cần phải thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.

Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái tàu xe hay vận hành máy móc.

Xử lý khi dùng quá liều thuốc Bisoloc

Triệu chứng: chậm nhịp tim, tụt huyết áp, co thắt phế quản, suy tim cấp và hạ đường huyết.

Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Xử lý khi quên một liều thuốc Bisoloc

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Cách bảo quản thuốc Bisoloc

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, Nhà thuốc Bắc Giang đã giúp biết thêm về thuốc Bisoloc (bisoprolol). Việc sử dụng thuốc cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!