Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa

Bệnh thủy đậu là bệnh do virus Varizella – zoster gây nên. Bệnh rất dễ lây truyền ở cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng điển hình là phát ban những nốt mụn nước ở da và niêm mạc. Đa số các ca bệnh diễn tiến lành tính. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp, bệnh diễn tiến nặng với những biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu về biến chứng thủy đậu. 

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

Dấu hiệu của bệnh thủy đậu thay đổi theo từng giai đoạn, người bệnh sẽ có triệu chứng nổi mụn nước trên da, niêm mạc, mụn nước trở nên ngứa hoặc có biến chứng nhiễm trùng. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như sốt, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn uống không ngon miệng.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu có sự khác biệt theo từng giai đoạn như sau:1

Triệu chứng ở thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh được xác định từ lúc tiếp xúc với Varizella – zoster virus đến lúc có triệu chứng đầu tiên, thay đổi từ 10 – 20 ngày, trung bình 14 – 15 ngày, thời kỳ ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức đề kháng của bệnh nhân, can thiệp điều trị khi vừa tiếp xúc với nguồn bệnh

Triệu chứng ở thời kỳ khởi phát

Khi bước vào thời kỳ khởi phát, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như sốt nhẹ, có thể kèm ớn lạnh, đôi khi sốt cao. Sốt cao thường gặp ở những người già, người suy giảm miễn dịch. Đi kèm với sốt là biểu hiện mệt mỏi, cảm giác khó chịu, đau họng, ăn uống kém, đau nhức người,…

Một số bệnh nhân có thể xuất hiện hồng ban. Kích thước vài mm. Nổi trên nền da bình thường. Có thể ngứa hoặc không. Đây chính là tiền thân của những bóng nước. Thường xuất hiện 24 giờ trước khi trở thành bóng nước.

Thời kỳ này kéo dài khoảng 24 – 48 giờ trước khi bước vào giai đoạn toàn phát.

Triệu chứng ở thời kỳ toàn phát

Thời kỳ toàn phát hay còn gọi là thời kỳ đậu mọc, đặc trưng bởi phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Lúc này bệnh nhân có thể giảm sốt hoặc hết sốt, tuy nhiên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch vẫn có thể sốt cao do tình trạng nhiễm độc nặng

1. Đặc điểm của bóng nước

Hình dạng: Hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da màu hồng.

Kích thước: Có đường kính thay đổi 3 – 13 mm, đa số số có kích thước < 5mm.

Đặc điểm: Bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, sau khoảng 24 giờ thì hóa đục, đóng mày. Bóng nước mọc nhiều đợt trên cùng một diện tích da. Vì vậy người bệnh có thể quan sát thấy bóng nước với nhiều mức độ khác nhau:

  • Dạng phát ban.
  • Dạng bóng nước trong.
  • Dạng bóng nước đục.
  • Bóng nước đã đóng mày.

Triệu chứng kèm theo: ngứa, nếu như bóng nước vỡ ra sẽ có nguy cơ nhiễm trùng.

2. Vị trí

Xuất hiện đầu tiên ở thân mình, sau đó lan ra mặt và tứ chi, bóng nước có thể ở da hoặc niêm mạc như niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa khiến cho bệnh nhân nuốt đau, nôn ói, đau bụng,..

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa
Hình ảnh bóng nước với nhiều mức độ khác nhau trên cùng một vùng da của người bệnh thủy đậu

Triệu chứng ở thời kỳ hồi phục

Sau khoảng 1 tuần thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục. Bóng nước sẽ khô dần, đóng vảy, vùng da nổi bóng nước sẽ giảm sắc tố da (trắng hơn so với nền da bình thường). Kéo dài nhiều ngày đến nhiều tuần nhưng không để lại sẹo. Bóng nước chỉ để lại sẹo nếu có biến chứng nhiễm trùng. Sẹo có nền hơi lõm có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài hoặc thành sẹo vĩnh viễn. Vì vậy việc giữ cho các bóng nước không vỡ tránh nguy cơ bội nhiễm là một việc hết sức cần thiết.

Biến chứng bệnh thủy đậu và mức độ nguy hiểm

Thủy đậu là một bệnh lành tính và có thể tự giới hạn trên một cơ thể có hệ miễn dịch đầy đủ, điều này chứng minh cho việc WHO xếp thủy đậu vào nhóm bệnh nhẹ.2

Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng với sự xuất hiện của những biến chứng nếu bệnh nhân suy giảm miễn dịch, không được chăm sóc y tế hoặc không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Các biến chứng có thể gây tử vong, vì vậy khi xuất hiện biến chứng người bệnh cần nhập viện ngay để có thể kịp thời điều trị. Biến chứng của thủy đậu có thể được chia thành hai nhóm: biến chứng sớm và biến chứng muộn:

Biến chứng thủy đậu sớm

Biến chứng sớm bao gồm:

  • Nhiễm trùng da, mô mềm.
  • Viêm phổi.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Viêm não – màng não.
  • Viêm gan.
  • Hội chứng Reye.

Biến chứng thủy đậu muộn

Biến chứng muộn bao gồm:

  • Bệnh Zona và biến chứng đau dây thần kinh.
  • Hội chứng Guillain – Barré.
  • Viêm võng mạc.

Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các biến chứng trên.

Các loại biến chứng có thể xảy ra

1. Nhiễm trùng da, mô mềm1

Đây là biến chứng thường gặp nhất trên bệnh nhân thủy đậu. Nguyên nhân do bóng nước vỡ khi bệnh nhân gãi hoặc cọ xát với áo quần kèm theo chăm sóc vết thương không đúng cách. Triệu chứng gợi ý như đột ngột sốt cao có thể kèm lạnh run. Dù trước đó người bệnh đã giảm sốt hoặc hết sốt, bóng nước hóa mủ đục kèm đau nhức nhiều. Nếu dấu hiệu nhiễm trùng xảy ra trên nhiều bóng nước có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu, viêm xương, viêm khớp,…

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa
Hình ảnh sẹo lõm do bóng nước thủy đậu bị nhiễm trùng

2. Viêm phổi

Biến chứng này thường gặp ở người lớn, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch hơn là trẻ em.3

Viêm phổi thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh. Triệu chứng thường gặp là ho, đau ngực, thở nhanh, khó thở, sốt. Đôi khi người bệnh có thể xuất hiện ho ra máu, tím tái, X- quang ngực biểu hiện tổn thương dạng nốt hoặc viêm phổi mô kẽ. Diễn tiến của bệnh rất khác nhau tùy vào mỗi bệnh nhân. Từ nhẹ không có dấu hiệu nguy hiểm cho đến tình trạng nặng. Chẳng hạn như viêm phổi nặng, phù phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp. Điều trị Acyclovir đường truyền tĩnh mạch sớm cùng với hỗ trợ hô hấp sẽ giúp cải thiện nhanh tình trạng khó thở của người bệnh.

3. Biến chứng thần kinh

Biến chứng thần kinh trong đó có viêm não – biến chứng có thể gây tử vong cao nhưng may mắn là tỉ lệ mắc khá thấp.3 Ngoài ra còn ghi nhận các biến chứng thần kinh khác như: viêm màng não, viêm tủy cắt ngang, viêm thần kinh ngoại biên…4

Viêm não chiếm 20% số ca nhập viện do VZV.5  Biến chứng này thường xảy ra sau khi nổi bóng nước trong vòng 1 tuần đầu tiên, nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện cùng lúc hoặc trước cả khi nổi bóng nước.6

Biểu hiện thường gặp nhất là sốt, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu, múa vờn, đôi khi co giật, hôn mê. Chẩn đoán dựa vào kỹ thuật PCR để phát hiện DNA của VZV trong dịch não tủy. Diễn tiến của biến chứng viêm não do thủy đậu thường kéo dài 2 tuần, tỉ lệ di chứng và tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.7

4. Hội chứng Reye

Hội chứng Reye thường gặp ở trẻ em, là bệnh lý não gan có thể gặp ở thời kỳ toàn phát – giai đoạn nổi bóng nước nếu trẻ dùng thuốc có thành phần salicylate để giảm đau, hạ sốt, thuốc thường sử dụng là Aspirin. Hội chứng này thường biểu hiện với một loạt các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau đầu, kích thích, rối loạn tri giác có thể tiến triển thành hôn mê.8

5. Viêm gan

Viêm gan thường xuất hiện ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở những bệnh nhân mắc thủy đậu không biến chứng, nhưng tỉ lệ hiếm.9

Thường không có triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán chỉ dựa vào sự tăng của men aminotransferases. Trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch thì biểu hiện suy gan tối cấp, đông máu nội mạch lan tỏa, xuất huyết tiêu hóa cũng đã từng được báo cáo.10

6. Dị tật bẩm sinh

Trẻ có mẹ bị thủy đậu trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ.1

Trẻ có mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước và 2 ngày sau khi sinh nếu bị thủy đậu sẽ có tỷ lệ tử vong cao do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện cũng như không nhận được kháng thể bảo vệ qua nhau thai. Ở những trẻ này, các cơ quan nội tạng thường bị tổn thương, đặc biệt là phổi.

Cách phòng tránh biến chứng

Thủy đậu là một bệnh dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong cao nếu biến chứng xuất hiện trên các đối tượng đặc biệt: trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai. Phương pháp phòng tránh biến chứng lý tưởng nhất là không để mắc bệnh.

Cách ly phòng bệnh

Phương pháp phòng ngừa chung được khuyến cáo là cách ly người bệnh thủy đậu cho đến khi nốt đậu đóng vảy, tuy nhiên thực tế bệnh đã có thể lây trong vòng 24 – 48 giờ trước khi xuất hiện bóng nước nên rất khó đạt hiệu phòng ngừa cao khi áp dụng phương pháp này.

Cách phòng bệnh cũng như phòng tránh biến chứng hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin. Vắc xin thủy đậu được các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra từ năm 1970, từ đó đến nay bệnh thủy đậu đã được đẩy lùi đáng kể. Vắc xin có vai trò ngăn ngừa 80% bệnh thủy đậu ở mọi mức độ, 95 – 98% trong việc ngăn ngừa bệnh trung bình – nặng, các biến chứng cần sự chăm sóc y tế hoặc tử vong, > 99% trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.11 12

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa
Vacxin thủy đậu là biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả nhất hiện nay

Khám bác sĩ nếu nghi ngờ bị lây bệnh

Đối với những trường hợp bệnh nhân đã tiếp xúc với nguồn bệnh, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch chưa được tiêm vắc xin thủy đậu trước đây, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh cũng như biến chứng nặng bằng cách tạo miễn dịch thụ động với Globulin miễn dịch ( Varizella – Zoster Immnune Globulin). Thời gian bảo vệ sau khi sử dụng globulin miễn dịch là khoảng 3 tuần. Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, người tiếp xúc nên được chích Globulin miễn dịch càng sớm càng tốt, tối đa trong vòng 96 giờ.13

Đối với trường hợp bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây, thuộc đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng nhưng lại có chống chỉ định của Globulin miễn dịch, người bệnh đến trễ, sau khi tiếp xúc với nguồn lây hơn 96 giờ, các nghiên cứu hiện tại ủng hộ điều trị dự phòng Acyclovir cho bệnh nhân. Với phương pháp này, có thể không phòng ngừa hoàn toàn được bệnh nhưng được chứng minh làm giảm mức độ nặng của bệnh.14

Nhìn chung đa phần các ca bệnh thủy đậu diễn tiến lành tính. Chỉ có số ít trong các trường hợp xuất hiện biến chứng, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, với sự phát triển của y học cũng như sự ra đời của vắc – xin  thì tỉ lệ biến chứng nặng ngày càng giảm đi. Một điều quan trọng là khi đã xuất hiện những triệu chứng nặng, gợi ý những biến chứng được trình bày ở trên thì người bệnh cần bĩnh tĩnh và lập tức đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để có được sự chăm sóc kịp thời, điều này sẽ góp phần giảm nguy cơ diễn tiến thành biến chứng thủy đậu nặng và tỉ lệ tử vong trong bệnh thủy đậu.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức 9 cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tại nhà an toàn, hiệu quả
Phụ nữ đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời áp dụng
Hình ảnh tin tức Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào?
Tiểu đường là một căn bệnh mạn tính và ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người, có thể gây ra nhiều biến
Hình ảnh tin tức Phụ nữ đột nhiên ăn nhiều: Giải mã 9 nguyên nhân thường gặp
Bạn nhận ra gần đây mình có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường nhưng nhu cầu ăn tăng lên thường không phải là do cơn đói. Bạn băn khoăn không biết phụ
Hình ảnh tin tức Viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu là gì? Biểu hiện, nguyên nhân và điều trị
Vi khuẩn tụ cầu là tác nhân gây tử vong hàng đầu trong số các nguyên nhân gây viêm phổi mắc phải tại cộng đồng. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do viêm
Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái