Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính (Đau thắt ngực ổn định – Bệnh động mạch vành ổn định) là loại bệnh lý thường gặp nhất ở các nước phát triển, và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước đang phát triển (Trong đó có Việt Nam); gặp ở hơn một nửa số bệnh nhân bị bệnh động mạch vành (ĐMV) nói chung, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, chất lượng cuộc sống cũng như chi phí điều trị, chăm sóc. Vậy, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là gì? Nguyên nhân, các dấu hiệu và cách phòng ngừa của bệnh? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.  

1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là gì?

Cơ tim là một cơ quan năng động nhất, có trọng trách sống còn là bơm máu nuôi cơ thể; và chính cơ tim cũng cần máu để nuôi dưỡng. Nhu cầu Oxy của cơ tim cũng là lớn nhất trong số các cơ quan của cơ thể.

Bản chất hoạt động của cơ tim là đảm bảo sự cân bằng giữa cung (Nguồn cung cấp Oxy cho cơ tim để hoạt động) và cầu (Nhu cầu Oxy của cơ tim). Nguồn cung cấp Oxy duy nhất cho cơ tim là động mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp đáng kể (Thường là trên 70%), dòng chảy tưới máu cơ tim dưới đoạn hẹp bị giảm đáng kể, nhất là lúc gắng sức. Khi đó, nguồn cung Oxy cho cơ tim bị suy giảm đáng kể, trong khi nhu cầu Oxy của cơ tim vẫn cần, đặc biệt khi gắng sức.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa

Tình trạng thiếu nguồn cung này dẫn đến các rối loạn trong hoạt động của tế bào cơ tim. Hậu quả lâu dài là các cơn đau ngực khi gắng sức; ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của bạn; kéo dài tình trạng này hơn nữa sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của tim, rối loạn nhịp tim…

2. Nguyên nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim đều gây ra bệnh, bao gồm:

Các nguyên nhân do giảm nguồn cung cấp Oxy cho cơ tim:

    • Do phát triển của mảng xơ vữa: Xơ vữa là hiện tượng thành động mạch dày lên do tích tụ canxi và các chất béo (Cholesterol và Triglycerid). Nó làm giảm tính đàn hồi và làm hẹp thành động mạch, và do đó, cho phép ít máu đi qua. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa
Xơ vữa động mạch vành trong bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
    • Các yếu tố khác: Hẹp động mạch vành bẩm sinh; Co thắt động mạch vành; Chấn thương gây hẹp động mạch vành; Nguồn máu thiếu Oxy (Thiếu máu; máu không giàu Oxy…).

Các nguyên nhân do tăng nhu cầu Oxy của cơ tim:

Tăng nhịp tim, tăng sức bóp cơ tim trong một số bệnh lý (Basedow, nhiễm độc giáp…), khi gắng sức hoặc sau sử dụng một số thuốc cường tim…

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu quan trọng nhất trong lâm sàng để giúp nhận biết và chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính. Tuy nhiên, đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nên cần phải phân biệt rõ. Cũng có một số trường hợp bị bệnh động mạch vành nhưng lại không có hoặc ít đau thắt ngực (Người già; Bệnh nhân đái tháo đường…). Để tránh bỏ sót và nhầm lẫn, chúng tôi luôn khuyến khích bạn đi khám ngay khi có triệu chứng đau ngực để có tư vấn chính xác nhất từ bác sĩ.

Đặc điểm nhận biết cơn đau thắt ngực do bệnh lý ĐMV:

  • Vị trí: Thường ở sau xương ức; đau thành một vùng (Chứ không phải một điểm); đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Thường gặp nhất là hướng lan lên vai trái và mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
  • Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá. Một số trường hợp, cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
  • Tính chất: Bạn có thể có cảm giác như thắt lại, bóp nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực, đôi khi cảm giác buốt giá. Trong một số y văn, cơn đau thắt ngực được mô tả như “có con voi giẫm lên ngực”. Bạn cũng có thể có cảm giác khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…
  • Thời gian: Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút (3-5 phút), hoặc có thể dài hơn, nhưng thường không vượt quá 20 phút. Nếu đau dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ, thì cần nghĩ đến Hội chứng vành cấp (Gồm: Cơn đau thắt ngực không ổn địnhNhồi máu cơ tim cấp). Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau chỉ thoáng qua, hoặc chỉ dưới 1 phút thì thường do các nguyên nhân khác ngoài tim.
  • Cách giảm cơn đau: Cơn đau thường đỡ hơn khi nghỉ ngơi, hoặc dùng các thuốc nhóm Nitrate.
  • Một số biến thể: Ở một số trường hợp, có thể bạn không biểu hiện rõ cơn đau, mà chỉ cảm giác nặng tức ngực, khó chịu ở ngực, hoặc cảm giác như cứng hàm khi gắng sức… Ngược lại, một số trường hợp lại có cơn đau giả thắt ngực (Nhất là ở nữ giới). Bạn cũng có thể cảm giác đau ngực khi mới gắng sức, nhưng sau đó sẽ đỡ đau dần mặc dù vẫn tiếp tục hay lặp lại hoạt động gắng sức như vậy…
Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, nhận biết, phòng ngừa
Các vị trí thường gặp của cơn đau thắt ngực

4. Đối tượng nào có nguy cơ cao với bệnh động mạch vành

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành đã được biết đến từ lâu, và danh sách ngày càng dài. Các yếu tố này thường tác động phức tạp lẫn nhau, và một người lại thường dễ mang nhiều yếu tố nguy cơ. Khi nhiều yếu tố nguy cơ tác động lẫn nhau, làm nguy cơ của bệnh động mạch vành tăng lên theo cấp số nhân, chứ không phải chỉ là cộng nhau.

Các yếu tố có thể thay đổi được:

    • Hút thuốc lá.
    • Rối loạn lipid máu (Tăng LDL-c).
    • Tăng huyết áp.
    • Đái tháo đường.
    • Thừa cân / béo phì.
    • Lười vận động.

Các yếu tố không thể can thiệp thay đổi được:

    • Tuổi cao.
    • Giới nam hoặc nữ sau mãn kinh.
    • Tiền sử gia đình có người thân trực hệ bị bệnh động mạch vành trước 55 tuổi (Với nam) và 65 tuổi (Với nữ).

5. Cần làm gì để giảm nguy cơ bệnh động mạch vành

Các yếu tố nguy cơ nêu trên có liên quan đến khả năng mắc bệnh động mạch vành; và việc điều chỉnh tốt các yếu tố nguy cơ giúp làm giảm tỷ lệ mắc và tiến triển của bệnh. Rất cần sự hiểu biết và thái độ tốt với các yếu tố nguy cơ (Kể cả các yếu tố không thay đổi được) để chúng ta có thể chủ động ngăn ngừa tốt các biến cố tim mạch.

Những giải pháp chính:

    • Thay đổi lối sống, bỏ thói quen có hại: Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu.
    • Tập thể dục đều hàng ngày (Ít nhất 4 ngày/tuần), mỗi ngày 30-60 phút, tập mức độ vừa phải theo khả năng gắng sức của mỗi người.
    • Chế độ ăn uống lành mạnh: Tránh các chất béo no, nhiều Cholesterol (Mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa béo); hạn chế ăn mặn… Khuyến khích chế độ ăn nhiều cá, nhiều rau quả…
    • Phát hiện và điều chỉnh tốt các bệnh tật, rối loạn kèm theo: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…
    • Tránh các căng thẳng, stress; giữ thăng bằng và điều độ trong cuộc sống.
    • Dùng các thuốc đầy đủ và đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Liên hệ chặt chẽ với bác sĩ chuyên ngành, định kỳ liên lạc và thông báo kịp thời các triệu chứng, bất thường, cũng như thăm khám định kỳ.

Các mục tiêu cụ thể:

    • Điều trị, khống chế tốt huyết áp: Mục tiêu kiểm soát huyết áp cần đạt được là < 140/90 mmHg. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau tùy vào từng bệnh nhân; nhưng sẽ ưu tiên dùng một số nhóm thuốc hạ áp như: Chẹn Beta giao cảm; Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể.
    • Điều trị tốt rối loạn lipid máu: Mục tiêu kiểm soát là LDL-c < 1,8 mmol/l. Ưu tiên lựa chọn kê đơn là các thuốc hạ mỡ máu thuộc nhóm Statin.
    • Khống chế tốt đường máu: Mục tiêu cần đạt được chỉ số HbA1c < 7%.
    • Bỏ hút thuốc lá.
    • Giảm cân: Duy trì BMI ở mức 18,5-23.
    • Uống rượu có kiểm soát: Không quá 1 đơn vị rượu trong một ngày (Tương đương 50 ml rượu mạnh; 100 ml rượu vang đỏ; 300 ml bia).

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành vẫn chiếm hàng đầu trong mô hình bệnh tật. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả các thuốc, phác đồ điều trị bệnh động mạch vành cũng đã có các thành tựu và bước tiến; giúp tăng đáng kể hiệu quả điều trị và thời gian sống còn của bệnh nhân, giảm các nguy cơ và biến cố tim mạch, cũng như tử vong ở bệnh nhân bệnh động mạch vành.

Việc chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng. Muốn vậy, bạn cần thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tích cực điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, khám bệnh định kỳ, cũng như liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch khi có các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh.

Bác sĩ Vũ Thành Đô

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm
Hình ảnh tin tức Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa?
Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa? Đây là câu hỏi chung của nhiều người khi đối mặt với tình trạng gàu xuất hiện liên tục trên da đầu dù đã
Hình ảnh tin tức Cho con bú uống rau má được không? Những lưu ý cần nhớ
Trong những ngày oi bức, một ly nước rau má mát lạnh hoặc một chén canh rau má tôm tươi có thể giúp thanh nhiệt, mát gan hiệu quả. Nhờ có đặc tính hàn