Bệnh tiểu đường có lây không và câu trả lời từ bác sĩ

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, với thực trạng tuổi thọ và tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng, đái tháo đường cũng ngày càng phổ biến. Chính vì điều này mà một số người nghĩ rằng đái tháo đường (hay tiểu đường) là một căn bệnh có thể lây truyền. Vậy thực chất bệnh tiểu đường có lây không? Việc có những hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về căn bệnh quan trọng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho người bệnh. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Trần Kiều Hoanh tìm hiểu liệu bệnh tiểu đường có lây hay không, và những thông tin khoa học về căn bệnh này nhé.

Bản chất bệnh tiểu đường là gì?

Bình thường, cơ thể chúng ta phân hủy và chuyển hóa hầu hết thức ăn thành đường (glucose) và phóng thích chúng vào máu. Lượng đường trong máu tăng lên sẽ báo hiệu cho tuyến tụy tiết ra một loại hormon gọi là insulin. Insulin hoạt động như một chìa khóa để đưa glucose vào các tế bào. Đặc biệt là tế bào gan, mô cơ và mô mỡ; chuyển hóa đường thành ATP, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Trong khi đó, với bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin, hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Từ đó dẫn đến tình trạng tăng đường huyết. Đái tháo đường không phải là một căn bệnh đơn giản, mà là một phổ bệnh lý với nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng.

Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết tương. Tình trạng này kéo dài gây nên rối loạn chuyển hóa carbohydrate, rối loạn chuyển hóa protein và rối loạn chuyển hóa lipid, gây tổn thương và ảnh hưởng chức năng của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.1

Các dạng đái tháo đường thường gặp

Các loại đái tháo đường thường gặp bao gồm:2

  • Đái tháo đường típ 1, hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin: do sự phá hủy tế bào beta tuyến tụy, dẫn đến thiếu hụt insulin tuyệt đối. Được chia thành hai loại: liên quan tự miễn và vô căn. Đái tháo đường típ 1 thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, có thể trạng trung bình hoặc gầy. Và thường được phát hiện lần đầu với biến chứng cấp tính nguy hiểm, đe dọa tính mạng là nhiễm toan ceton.
  • Đái tháo đường típ 2, hay còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin: do mất dần tiết insulin của tế bào beta tuyến tụy, thường trên nền tảng đề kháng insulin. Loại này chiếm khoảng 90 – 95% các loại đái tháo đường. Tiểu đường típ 2 trước đây thường gặp ở người lớn tuổi và có thể trạng béo phì. Tuy nhiên, tuổi khởi phát đái tháo đường típ 2 ngày càng trẻ hóa do gia tăng lối sống tĩnh tại và tỷ lệ béo phì cao.
  • Đái tháo đường thai kỳ tình trạng tăng đường huyết mới xuất hiện, hoặc được ghi nhận lần đầu trong ba tháng giữa, hoặc ba tháng cuối thai kỳ.
Bệnh tiểu đường có lây không và câu trả lời từ bác sĩ
Điều trị đái tháo đường type 1 cần tiêm insulin hằng ngày

Các dạng đái tháo đường khác

Các dạng đặc biệt khác của đái tháo đường ít gặp hơn:2

  • Đái tháo đường đơn gen: đái tháo đường trẻ sơ sinh, đái tháo đường thể MODY.
  • Bệnh tuyến tụy ngoại tiết: xơ hóa nang, viêm tụy mạn, bệnh ứ sắt…
  • Đái tháo đường do thuốc hoặc hóa chất: sử dụng corticoid, các thuốc điều trị HIV/AIDS, sau ghép cơ quan…
  • Các bệnh nội tiết: hội chứng Cushing, to đầu chi, u tủy thượng thận, cường giáp…
  • Nguyên nhân khác có thể kèm theo đái tháo đường: các hội chứng di truyền (hội chứng Down, hội chứng Klinefelter, hội chứng Turner), nhiễm siêu vi, các dạng đái tháo đường qua trung gian tự miễn…

Bệnh tiểu đường có lây không?

Vì thực trạng bệnh đái tháo đường ngày càng phổ biến, nhiều người nhầm lẫn đây là một loại bệnh có thể lây nhiễm. Thực tế, với những hiểu biết của khoa học hiện nay, đái tháo đường được xem là một bệnh dịch. Tuy nhiên đái tháo đường là bệnh lý không lây lan.3

Bên cạnh đó, một số người bệnh thường thắc mắc:

  • Liệu bệnh tiểu đường có lây qua đường ăn uống không?
  • Hay bệnh tiểu đường có lây qua đường quan hệ tình dục không?
  • Bệnh tiểu đường có lây qua đường máu không?

Thực chất, đái tháo đường không thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua hắt hơi, nước bọt, qua ăn uống, qua quan hệ tình dục, qua đường máu hay bất cứ tiếp xúc trực tiếp nào khác.3

Vì sao nhiều người nghĩ bệnh tiểu đường có thể lây lan?

Mặc dù sự thật là đái tháo đường không lây qua đường ăn uống. Tuy nhiên, các thói quen ăn uống không lành mạnh như: uống nhiều nước ngọt, dùng nhiều thực phẩm đã qua chế biến, thường xuyên ăn thức ăn nhanh… thường xuất hiện từ khi trẻ tuổi và có liên quan chặt chẽ với thói quen ăn uống của gia đình. Từ đó đái tháo đường có thể, và đã “lây lan” như bệnh dịch.

Tương tự, đái tháo đường cũng không lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều vấn đề cho đời sống tình dục của người bệnh như: giảm khoái cảm ở nữ và rối loạn cương dương ở nam.

Bệnh tiểu đường có lây không và câu trả lời từ bác sĩ
Đái tháp đường thực chất không lây qua các tiếp xúc thân mật hay quan hệ tình dục

Tuy nhiên, một điều cần đặc biệt chú ý: Đái tháo đường là một bệnh lý có yếu tố gia đình. Sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền lên đái tháo đường típ 2 rất mạnh. Khi có người thân trực hệ (ba, mẹ, anh, chị, em ruột) mắc đái tháo đường type 2, nguy cơ mắc đái tháo đường của bạn tăng gấp 6 lần.4

Do đó, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn cần chú ý thực hiện một lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó cần liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn khi nào cần tầm soát đái tháo đường.

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc đái tháo đường?

Việc tầm soát và chẩn đoán sớm đái tháo đường, ngay cả ở giai đoạn tiền đái tháo đường, ở những người có nguy cơ caom đặc biệt có ý nghĩa quan trọng. Từ đó có thể can thiệp điều trị kịp thời. Góp phần ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng mạn tính của đái tháo đường.

Một vài suy nghĩ sai lầm về bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nhận thức về bệnh như:3

  • Ăn quá nhiều đường sẽ gây đái tháo đường.
  • Chỉ cần lưu ý nguy cơ đái tháo đường ở những người thừa cân/béo phì.
  • Trong gia đình không có ai mắc đái tháo đường, do đó không cần lo lắng về căn bệnh này.
  • Đái tháo đường không phải là một vấn đề quan trọng, rất dễ kiểm soát nếu mắc phải.

Vì vậy, những người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường, cần chú ý đi khám bác sĩ để được tầm soát các rối loạn đường huyết, bao gồm:5

Đối tượng có các biểu hiện nghi ngờ

Người có các biểu hiện nghi ngờ của các biến chứng đái tháo đường: nhiễm trùng da lâu lành, nhiễm trùng tiết niệu hoặc viêm âm đạo tái diễn, viêm quanh chân răng, lao phổi… Những đối tượng này cần đến gặp các chuyên gia y tế để được tư vấn và xét nghiệm tầm soát.

Các đối tượng đặc biệt khác

Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi có tình trạng thừa cân, hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và kèm theo một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

  • Người thân trực hệ thế hệ thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường.
  • Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch: bệnh mạch vành mạn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên.
  • Tăng huyết áp, hoặc đang điều trị tăng huyết áp.
  • HDL-cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L).
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Người ít hoạt động thể lực.
  • Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen).
Bệnh tiểu đường có lây không và câu trả lời từ bác sĩ
Dấu gai đen là một trong những dấu hiệu cảnh báo mắc đái tháo đường

Ngoài ra, tất cả mọi người từ 35 tuổi trở lên cũng cần được tầm soát đái tháo đường.

Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1 – 3 năm sau đó hoặc ngắn hơn.

Phụ nữ mang thai

Riêng đối với đối tượng phụ nữ mang thai, cần lưu ý tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, đái tháo đường thai kỳ mang lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ (như tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm khuẩn niệu, diễn tiến thành đái tháo đường típ 2 sau này…) và thai nhi (hạ đường huyết sơ sinh, tăng trưởng quá mức và thai to, dị tật bẩm sinh, bệnh lý đường hô hấp…)

Phòng ngừa bệnh đái tháo đường như thế nào?

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính phức tạp, đòi hỏi một quá trình điều trị tỉ mỉ và lâu dài. Việc quản lý toàn diện đái tháo đường mang lại nhiều gánh nặng cho bản thân người bệnh, cũng như gia đình và xã hội. Do đó, biết cách phòng ngừa, hoặc ít nhất là làm chậm quá trình xuất hiện đái tháo đường thật sự quan trọng.

Đáng tiếc là không có cách nào phòng ngừa đái tháo đường típ 1, bệnh lý này có thể xuất hiện rất đột ngột.

Còn đối với đái tháo đường típ 2, thay đổi lối sống rất hiệu quả trong ngăn chặn khởi phát bệnh. Một số biện pháp được khuyến khích bao gồm:6

Giảm cân nếu thừa cân/béo phì

Việc giảm cân không chỉ có tác động tốt trên việc phòng ngừa đái tháo đường mà còn giúp ổn định huyết áp, mỡ máu.

Ngưng, giảm bia rượu

Trong bia rượu có năng lượng, uống nhiều bia rượu cũng tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, tăng cân và khó kiểm soát huyết áp.

Tăng cường hoạt động thể lực

  • Chú ý giảm thời gian ngồi tĩnh tại, không ngồi lâu quá 30 phút.
  • Nếu tập thể dục, nhiều loại hình tập luyện có thể được áp dụng: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ, tập đối kháng, tập thăng bằng, tập dẻo dai các khớp…. Việc lựa chọn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cũng như sở thích của mỗi cá nhân.
Bệnh tiểu đường có lây không và câu trả lời từ bác sĩ
Vận động thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Chế độ ăn lành mạnh

  • Ăn nhiều rau và các loại thực phẩm giàu chất xơ.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đường hấp thu nhanh hay đường tinh luyện. Thay vào đó nên sử dụng ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt. Ngoài ra, các loại nước ngọt, kể cả nước trái cây, chứa đường hấp thu nhanh nên không được khuyến khích.
  • Chọn các thực phẩm tươi càng nhiều càng tốt, thay vì các thực phẩm đã qua chế biến.
  • Sử dụng chất tạo vị ngọt có thể xem là một giải pháp tạm thời cho người có thói quen ăn nhiều đồ ngọt. Tuy nhiên, những chất này có tác dụng không mong muốn là gây rối loạn cảm giác đói cảm giác no. Từ đó dẫn đến các rối loạn về hành vi ăn uống. Chính vì thế, không nên lạm dụng việc dùng các loại nước giải khát có chất tạo vị ngọt.

Cân bằng tâm lý

Giảm các stress tâm lý và cải thiện giấc ngủ sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường.

Xem thêm: 11 cách giảm stress giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần!

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “bệnh tiểu đường có lây không?”. Có thể thấy, đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm xuất hiện ngày càng phổ biến. Nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Dù không phải là một bệnh lý lây truyền trực tiếp từ người sang người. Nhưng mọi người nên thực hiện một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa và làm chậm quá trình xuất hiện đái tháo đường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường để thực hiện tầm soát bệnh đúng thời điểm. Từ đó lên kế hoạch quản lí toàn diện đái tháo đường kịp thời nếu mắc bệnh.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan