Bệnh thủy đậu: Bạn đã biết những gì?

Thủy đậu là bệnh ngoài da do vi rút gây nên, bệnh rất lây và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thủy đậu tương đối lành tính nhưng đôi khi gây ra những biến chứng trầm trọng và có thể khiến tử vong.

Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị thủy đậu, nhưng các trường hợp nặng thường xảy ra ở người trưởng thành. Khi bị thủy đậu, cách chăm sóc bệnh rất quan trọng để hạn chế biến chứng xảy ra và để bệnh có thể hồi phục tốt mà không để lại sẹo. Sau đây, YouMed xin trình bày những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh trái rạ, là bệnh nhiễm trùng ngoài da gây ra bởi vi rút Varicella – zoster. Sự thật là Varicella – zoster có thể gây 2 bệnh khác nhau là thủy đậu và zona. Thủy đậu là đáp ứng miễn dịch tiên phát của người bệnh khi bị nhiễm vi rút, zona là đáp ứng miễn dịch từng phần của người bệnh với vi rút. Để dễ hiểu hơn là khi một người tiếp xúc với vi rút Varicella – zoster thì người đó khởi phát bệnh thủy đậu, sau đó cơ thể của họ đã có miễn địch với loại vi rút này. Vì lý do nào đó khiến cho hệ miễn dịch của người này bị suy yếu thì sẽ khởi phát bệnh zona.

Bệnh thủy đậu: Bạn đã biết những gì?

Bệnh thủy đậu rất lây và có khả năng tạo thành dịch một cách nhanh chóng. Bệnh xuất hiện nhiều vào mùa xuân và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ em vẫn là đối tượng nhạy cảm, dễ mắc bệnh hơn, tuy nhiên khi người lớn bị bệnh cũng có thể có những biến chứng nguy hiểm nên cũng cần chăm sóc đặc biệt.

Bệnh có nhiều đường lây truyền khác nhau. Đường lây nhiễm chính là đường hô hấp khi ho, hắt hơi và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

>> Chuẩn bị cho buổi khám thủy đậu sẽ giúp bạn có được chất lượng buổi khám tốt hơn. Tìm hiểu ngay!

2. Tại sao bị thủy đậu?

Nguyên nhân chính gây nên bệnh thủy đậu là vi rút Varicella-zoster, những yếu tố làm cho chúng ta dễ bị mắc bệnh hơn là:

  • Chưa được tiêm phòng bệnh thủy đậu.
  • Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thủy đậu.
  • Mặc dù thủy đậu có thể gây miễn dịch vĩnh viễn, tuy nhiên người đã từng mắc thủy đậu khi hệ miễn dịch của họ bị suy yếu có thể khởi phát lại thủy đậu lần hai nhưng đa số trường hợp là bệnh zona.

3. Biểu hiện của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu: Bạn đã biết những gì?

Bệnh thủy đậu diễn tiến theo 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có những triệu chứng đặc trưng như:

  • Giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn vi rút xâm nhập vào cơ thể người bệnh để gây bệnh.

Giai đoạn này kéo dài từ 10 đến 21 ngày tùy người.

Người bệnh hoàn toàn không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong giai đoạn này nên người bệnh có thể không biết mình bị mắc bệnh.

  • Giai đoạn khởi phát

Người bệnh trong giai đoạn này có những biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu và đôi khi có đau bụng nhẹ, một số trường hợp khác có phát ban tạm thời là tiền thân của các nốt thủy đậu.

Các triệu chứng trên tương đối giống với các bệnh nhiễm trùng khác nên người bệnh có thể chưa biết mình bị thủy đậu trong giai đoạn này.

Giai đoạn này kéo dài 24 – 48 giờ và có thể kéo dài hơn ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.

  • Giai đoạn toàn phát

Các biểu hiện toàn thân bao gồm sốt nhẹ, ngứa hoặc nổi hạch.

Trong giai đoạn này người bệnh có những sang thương là những nốt đậu trên da gợi ý bị bệnh thủy đậu.

  • Các nốt trên da là những mụn nước tròn trên viền da màu hồng. Ban đầu mụn nước có dịch trong, sau đó trở nên đục. Trên một vùng da của người bệnh có thể có những mụn nước mới cũ khác nhau, đặc biệt là các mụn nước lõm và có chấm đen ở giữa.
  • Vị trí nổi mụn nước có thể là thân mình, mặt, tứ chi, trong miệng, đường tiêu hóa, hô hấp…
  • Số lượng mụn nước có liên quan đến mức độ bệnh. Càng nổi nhiều mụn nước thì bệnh càng nặng.

>> Nổi mụn nước, bóng nước là một trong những triệu chứng cơ bản của bệnh thủy đậu, nhưng nó cũng có thể biểu hiện cho những bệnh khác. Tìm hiểu ngay!

  • Giai đoạn hồi phục

Trung bình sau một tuần, hầu hết các mụn nước sẽ đóng vảy và lặn mà không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu không biết cách chăm sóc tốt có thể để lại sẹo trên da và thường là sẹo lõm.

Trẻ nhỏ bị mắc bệnh thường nhẹ hơn trẻ lớn và người có hệ miễn dịch suy yếu có thời gian bệnh kéo dài gấp 3 lần so với người bình thường.

4. Chẩn đoán bệnh thủy đậu

Chẩn đoán bệnh thủy đậu dựa vào yếu tố nguy cơ, biểu hiện bệnh và các xét nghiệm:

Về triệu chứng

  • Tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu trước đó là nguy cơ gây bệnh cao nhất.
  • Trên thân mình, tứ chi nổi các mụn nước lõm và có chấm đen ở giữa. Có thể nổi ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, đường hô hấp…
  • Các triệu chứng không đặc trưng cho bệnh bao gồm sốt nhẹ, ngứa, nổi hạch.

Các xét nghiệm

  • Các xét nghiệm xác định bệnh bao gồm Test tzanck, Test Elisa, PCR phân lập vi rút.

5. Biến chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu: Bạn đã biết những gì?

Theo diễn tiến của bệnh thì thủy đậu trải qua 4 giai đoạn và người bệnh sẽ hồi phục, vì thế thủy đậu là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp thì người bệnh sẽ bị những biến chứng không mong muốn và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Những biến chứng mà bệnh có thể gây ra bao gồm:

  • Bội nhiễm: đây là biến chứng thường xảy ra nhất. Các mụn nước thủy đậu bị vỡ do động tác cào gãi của người bệnh cộng với không giữ vệ sinh sạch sẽ làm cho nhiễm các vi khuẩn khác gây nên lở loét và thường để lại sẹo.
  • Viêm phổi: biến chứng này hiếm xảy ra ở trẻ em và thường gặp nhiều hơn ở người lớn. Viêm phổi do thủy đậu xuất hiện vào giai đoạn người bệnh nổi các mụn nước mới trên da và có các biểu hiện như sốt cao, ho ra máu, khó thở, đau ngực…rất nguy hiểm.
  • Viêm não: biến chứng này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn với các biểu hiện sốt cao, co giật, hôn mê…và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Dị tật bẩm sinh: là biến chứng nguy hiểm cần được lưu ý đối với phụ nữ đang mang thai bị thủy đậu. Nếu mẹ bị thủy đậu vào 3 tháng cuối của thai kì thì trẻ sinh ra có thể bị sẹo thủy đậu, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển tâm thần trí tuệ. Khi mẹ bị thủy đậu vào 5 ngày trước khi sinh thì trẻ sinh sơ sinh bị tổn thương phổi nặng có thể dẫn đến tử vong.

6. Điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính và có thể điều trị khỏi. Khi được điều trị đúng cách, người bệnh sẽ mau chóng hồi phục và hạn chế lây lan.

Nguyên tắc điều trị bệnh thủy đậu bao gồm:

  • Dùng kháng vi rút trong giai đoạn sớm.
  • Phòng ngừa bội nhiễm và các biến chứng khác xảy ra.
  • Nghỉ ngơi tại nhà, cắt đứt nguồn lây lan cho cộng đồng.

Điều trị cụ thể bao gồm:

Vệ sinh da sạch sẽ bằng cách:

  • Mặc quần áo trộng rãi, thoáng mát.
  • Tắm bằng nước ấm và xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn.
  • Sát khuẩn các mụn nước bằng dung dịch eosin, milan…
  • Không cào gãi, cạy vỡ các mụn nước để tránh bị bội nhiễm và lây lan.

Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt khi có sốt. Tuy nhiên không sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ em trong trường hợp này.

Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nặng hay các biến chứng để có phương pháp điều trị kịp thời.

7. Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Mặc dù bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nên việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Mặc khác, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có tính lây nhiễm cao, có thể trở thành dịch nên biện pháp dự phòng hiệu quả không chỉ ngăn ngừa bệnh xảy ra ở một cá nhân mà có lợi ích cho một cộng đồng.

>> Xem thêm: Nổi mụn nước, bóng nước: Báo hiệu bạn đã mắc bệnh gì?

Các biện pháp dự phòng bệnh thủy đậu hiệu quả bao gồm:

  • Tiêm ngừa vắc xin thủy đậu: tin vui là bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng ngừa và đây là biện pháp phòng bệnh an toàn và có hiệu quả lâu dài. Lịch tiêm ngừa cụ thể là:
  • Đối với trẻ từ 12 tháng đến 13 tuổi: tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng.
  • Đối với trẻ trên 13 tuổi và người lớn: tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1tháng. Riêng với phụ nữ, nên hoàn tất lịch tiêm ít nhất 3 tháng trước khi có thai để phòng ngừa dị tật thai nhi.
  • Cách ly người bệnh thủy đậu để hạn chế lây nhiễm cho người xung quanh bằng cách:
  • Nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi mụn nước khô và bong vảy.
  • Vệ sinh sạch sẽ, không cào gãy, cạy vỡ mụn nước.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bị thủy đậu.

Bệnh thủy đậu tương đối lành tính, tuy nhiên có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và gây tử vong. Vì thế khi bị thủy đậu cần có các phương pháp điều trị phù hợp để hạn chế biến chứng xảy ra. Các biện pháp dự phòng bệnh rất hiệu quả không chỉ riêng cho cá nhân mà còn cho cộng đồng.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Hội chứng siêu nữ là gì? Chẩn đoán thế nào, điều trị ra sao?
Mới đây, thông tin về việc bé gái mắc hội chứng siêu nữ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bầu.
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra bao cao su trước và sau khi quan hệ
Bao cao su hết hạn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài hoặc dùng sai cách là những nguyên nhân thường gặp khiến bao cao su bị
Hình ảnh tin tức Ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không?
Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ lo sợ không biết ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không, phương
Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang