Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết

Bệnh sốt vàng là 1 tình trạng nhiễm virus lây truyền bởi 1 loại muỗi. Triệu chứng của bệnh giống cúm và có nguy cở tử vong cao. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt cao và vàng da vàng mắt. Đó là lí do bệnh được gọi là bệnh sốt vàng. Bệnh phổ biến nhất ở Nam Mĩ và một số vùng ở Châu Phi. Cho đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị nhưng chúng ta có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết
Triệu chứng sốt cao của bệnh sốt vàng

1/ Nhận biết các triệu chứng của bệnh sốt vàng

Trong 3-6 ngày đầu nhiễm virus – giai đoạn ủ bệnh – bạn sẽ không có triệu chứng gì.

Sau đó, bệnh bước vào giai đoạn cấp và tiếp theo là giai đoạn gây độc (vài trường hợp). Giai đoạn gây độc bệnh có nguy cở tử vong cao.

Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết

Các triệu chứng ban đầu rất giống với triệu chứng do virus cúm gây ra, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Lạnh run
  • Đau khớp
  • Sốt

1.1 Giai đoạn cấp

Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Sốt cao
  • Đau khớp
  • Da ửng đỏ
  • Mất cảm giác ăn ngon
  • Đau lưng
  • Run

Sau giai đoạn cấp, các triệu chứng sẽ từ từ biến mất. Nhiều người sẽ hồi phục ở giai đoạn này. Tuy nhiên, một số người sẽ tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn của bệnh.

1.2 Giai đoạn gây độc

Các triệu chứng bạn có trong giai đoạn cấp có thể biến mất trong 24 giờ. Sau đó, các triệu chứng đó sẽ trở lại cùng với các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn. Bao gồm:

  • Giảm số lần đi tiểu và lượng nước tiểu
  • Vàng da và vàng mắt
  • Đau bụng
  • Nôn ói (thỉnh thoảng có lẫn máu)
  • Các vấn đề nhịp tim
  • Suy giảm chức năng não bộ, bao gồm co giật, mê sảng và hôn mê.
  • Suy chức năng gan và thận
  • Chảy máu mũi, miệng và mắt
Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết
Vàng mắt

Giai đoạn này của bệnh có nguy cơ tử vong cao. Có khoảng 15% người bệnh sốt vàng bước vào giai đoạn này.

2/ Nguyên nhân gây bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng gây nên bởi 1 loại virus được lây truyền bởi muỗi Aedes aegypti. Loại muỗi này phát triển và sinh sản gần môi trường sống của con người. 

>> Sốt xuất huyết là một bệnh do virus Dengue truyền sang người khi vị muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn chích. Sốt xuất huyết phổ biến ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ bệnh sốt xuất huyết cao nhất thế giới. Cùng YouMed tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về sốt xuất huyết Dengue tại đây nhé.

Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết
Muỗi Aedes aegypti là trung gian lây truyền bệnh sốt vàng

Đa số bệnh sốt vàng xảy ra ở Châu Phi vùng hạ Sahara vùng nhiệt đới Nam Mĩ. Người và khỉ là đối tượng bị lây nhiễm nhiều nhất của virus sốt vàng. Muỗi lây truyền từ khỉ sang khỉ, người sang người hoặc lây giữa người và khỉ.

Khi muỗi hút máu người hoặc khỉ bị nhiễm bệnh sốt vàng, virus sẽ đi vào máu của muỗi và tuần hoàn ở đó trước khi đi đến tuyến nước bọt. Khi muỗi bị nhiễm đốt người hoặc khỉ khác, virus sẽ đi vào dòng máu của kí chủ, nơi nó gây bệnh.

3/ Các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh  

Bạn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh nếu bạn đi đến các khu vực có muỗi mang virus. Các khu vực nguy cơ cao này bao gồm Châu Phi vùng hạ Sahara và vùng nhiệt đới Nam Mĩ.

Thậm chí khi không có báo cáo trường hợp bệnh nào trong các khu vực này, không có nghĩa là bạn không có nguy cơ nhiễm bệnh. Có khả năng người dân địa phương đã được tiêm vaccine để phòng bệnh. Hoặc có thể các trường bệnh sốt vàng không được chẩn đoán chính xác và báo cáo chính thức.

Bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh, nhưng người lớn tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

4/ Biến chứng của bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng gây tử vong 20-50% ở các trường hợp bệnh giai đoạn nặng. Các biến chứng ở giai đoạn gây độc bao gồm:

  • Suy chức năng gan và thận
  • Vàng da vàng mắt
  • Mê sảng
  • Hôn mê

Khi vượt qua được giai đoạn này, bệnh sẽ dần hồi phục từ vài tuần đến vài tháng, và thường không có tổn thương cơ quan nghiêm trọng. Ở thời điểm này, có thể có triệu chứng mệt mỏi và vàng da vàng mắt. Các biến chứng khác bao gồm nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu.

5/ Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh sốt vàng dựa vào các triệu chứng có thể rất khó khăn ở giai đoạn sớm. Bởi vì bệnh dễ nhầm lẫn với sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết ở giai đoạn này.

Để chẩn đoán tình trạng của bạn, bác sĩ có thể:

  • Đặt các câu hỏi về tiền sử bệnh lí và lịch sử đi lại của bạn.
  • Thu thập mẫu máu để xét nghiệm.

Nếu bạn bị nhiễm bệnh, xét nghiệm máu có thể sẽ cho thấy có sự hiện diện của virus. Các xét nghiệm máu cũng có thể giúp xác định kháng thể và các vật chất đặc hiệu của virus.

6/ Điều trị

Hiện tại vẫn chưa có thuốc kháng virus để điều trị bệnh sốt vàng. Do đó, việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ triệu chứng ở bệnh viện. Điều trị hỗ trợ bao gồm truyền dịch và thở oxy, duy trì huyết áp, bù lượng máu mất, chạy thận nhân tạo và điều trị các nhiễm trùng thứ phát khác. Một số người cần truyền huyết tương để bù lại các protein và đông máu.

Nếu bạn hoặc con bạn bị bệnh sốt vàng, bạn nên ở trong nhà, tránh để muỗi đốt và tránh lây truyền bệnh sang người khác. Sau khi bạn bị bệnh và khỏi bệnh, bạn sẽ có miễn dịch với virus suốt đời.

7/ Phòng ngừa

7.1 Tiêm chủng

Hiện đã có vaccine hiệu quả cao phòng ngừa bệnh sốt vàng. Nếu bạn có kế hoạch đi đến các vùng nguy cơ cao như Châu Phi vùng hạ Sahara hoặc vùng nhiệt đới Nam Mĩ, hãy đến gặp bác sĩ để được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh ít nhất 10 ngày, tối ưu nhất từ 3 đến 4 tuần trước khi đi. Một số quốc gia đòi hỏi phải trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng khi nhập cảnh.

Một liều vaccine ngừa bệnh sốt vàng có tác dụng bảo vệ ít nhất 10 năm.

Tác dụng phụ thường nhẹ, kéo dài từ 5 đến 10 ngày, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Sốt nhẹ
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Đau ở vị trí tiêm ngừa

Các phản ứng nặng nề hơn như hội chứng giống bệnh sốt vàng thực sự, viêm não hoặc tử vong có thể xảy ra, gặp phổ biến ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.

Vaccine được cho là an toàn nhất đối với đối tượng từ 9 tháng tuổi đến 60 tuổi.

Bệnh sốt vàng là gì và những điều bạn cần biết
Vaccine phòng bệnh sốt vàng

Hãy gặp bác sĩ để được tư vấn xem vaccine bệnh sốt vàng có phù hợp không nếu:

  • Bạn có con nhỏ dưới 9 tháng tuổi
  • Hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm chức năng
  • Bạn có thai
  • Bạn > 60 tuổi

7.2 Phòng ngừa tránh muỗi đốt

Ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh, bạn có thể tự bảo vệ bạn và con bạn tránh bị muỗi đốt.

7.2.1 Hạn chế tiếp xúc với muỗi
  • Tránh các hoạt động ngoài trời không cần thiết vào lúc muỗi đang hoạt động
  • Mặc quần áo dài tay khi đi đến khu vực có muỗi
  • Ở trong nhà có điều hòa hoặc che chắn tốt
  • Sử dụng mùng ngủ. Các loại mùng đã xử lí bằng thuốc diệt côn trùng sẽ giúp bảo vệ tốt hơn.
7.2.2 Sử dụng các loại thuốc chống muỗi, sử dụng cả 2 loại dưới đây:
  • Thuốc chống mũi không bôi da. Sử dụng thuốc chứa Permethrin trên quần áo, giày, dụng cụ cắm trại ngoài trời và mùng ngủ. Ngoài ra, bạn có thể mua các loại quần áo và dụng cụ đã được xử lí bằng Permethrin. Permethrin không được dùng để bôi lên da.
  • Thuốc chống muỗi bôi da. Sản phẩm với các thành phần hoạt hóa DEET, IR3535 hoặc Picaridin giúp bảo vệ da trong thời gian dài. Chọn loại sản phẩm dựa vào thời gian bảo vệ mà bạn cần. Nói chung, loại có nồng độ cao càng có tác dụng kéo dài hơn.

Hãy nhớ rằng các hóa chất chống muỗi có thể gây độc, và chỉ nên sử dụng 1 lượng nhỏ cần thiết trong thời gian bạn hoặc động ngoài trời. Không sử dụng DEET ở bàn tay của trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Thay vào đó, hãy sử dụng xe đẩy hoặc cũi có sử dụng lưới chắn muỗi khi ở ngoài trời.   

Theo CDC, tinh dầu bạch đàn chanh, 1 sản phẩm có thành phần tự nhiên hơn, cũng có tác dụng bảo vệ tương tự như DEET ở cùng nồng độ sử dụng. Nhưng những sản phẩm này không nên sử dụng cho trẻ dưới 3 tuổi.

Tóm lại, Bệnh sốt vàng là 1 tình trạng nhiễm virus lây truyền bởi 1 loại muỗi. Bệnh có triệu chứng giống cúm. Bệnh có đặc trưng là sốt cao và vàng da vàng mắt. Cho đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm chủng vaccine. Ngoài ra, chúng ta hãy phòng ngừa muỗi đốt để tránh bị bệnh và lây truyền bệnh nhé.

>> Bệnh sốt Q là một tình trạng nhiễm trùng gây ra bởi chủng vi khuẩn Coxiella burnetii. Bệnh thường nhẹ với các triệu chứng giống cảm cúm. Nhiều người có khi không có triệu chừng gì. Bệnh sốt Q lây truyền sang người từ động vật, thường gặp nhất là cừu, dê và gia súc. Nếu bạn hít phải phân tử bụi nông trại nhiễm từ động vật nhiễm bệnh, bạn có thể mắc bệnh. Cùng YouMed tìm hiểu về căn bệnh nguy hiểm này nhé. 

Bác sĩ Đặng Hoàng Thiên 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Hội chứng siêu nữ là gì? Chẩn đoán thế nào, điều trị ra sao?
Mới đây, thông tin về việc bé gái mắc hội chứng siêu nữ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bầu.
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra bao cao su trước và sau khi quan hệ
Bao cao su hết hạn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài hoặc dùng sai cách là những nguyên nhân thường gặp khiến bao cao su bị
Hình ảnh tin tức Ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không?
Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ lo sợ không biết ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không, phương
Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang