Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết

Sa trực tràng là một bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi với tình trạng táo bón kéo dài hay suy yếu cơ sàn chậu. Tuy nhiên, chúng thường bị nhầm lẫn với bệnh trĩ do các biểu hiện ở giai đoạn đầu là khá giống nhau. Do đó, chúng ta cần phân biệt một cách chính xác để có được phương pháp điều trị thích hợp. Hãy cùng nhau đến với bài viết để trả lời được “tất tần tật về bệnh sa trực tràng” các bạn nhé!

1. Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng xảy ra khi phần thấp nhất của ruột già (trực tràng) rơi khỏi vị trí bình thường của nó và trượt ra ngoài lỗ cơ ở cuối đường tiêu hóa (hậu môn). Người ta phân tình trạng này ra thành ba loại dựa trên sự di chuyển của trực tràng, cụ thể là:

  • Trực tràng sa nội thành: Trực tràng bắt đầu rơi ra khỏi vị trí của nó nhưng vẫn chưa đi tới hậu môn.
  • Sa trực tràng một phần: Chỉ một phần của trực tràng đã di chuyển qua hậu môn.
  • Sa trực tràng hoàn toàn: Toàn bộ trực tràng rơi qua hậu môn.
Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết
Vì lí do nào đó trực tràng bị rơi ra khỏi vị trí bình thường của nó gây ra bệnh

2. Đối tượng nào dễ mắc bệnh sa trực tràng?

Sa trực tràng phổ biến ở người lớn hơn trẻ em và ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Độ tuổi mắc bệnh ở từng giới cũng không giống nhau. Hầu hết phụ nữ bị sa trực tràng ở độ tuổi từ 50 trở lên, trong khi hầu hết đàn ông mắc bệnh ở độ tuổi 40 hoặc trẻ hơn. Thêm nữa, ở các phụ nữ lớn tuổi, sa trực tràng thường sẽ xảy ra cùng lúc với sa tử cung hoặc sa bàng quang do sự yếu kém chung của các cơ sàn chậu.

3. Nguyên nhân nào gây ra sa trực tràng?

Các chuyên gia không biết được chắc chắn những nguyên nhân nào dẫn đến sa trực tràng. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện ra một số khiếm khuyết về cấu trúc cũng như các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ này.

Khiếm khuyết cấu trúc

Ở người lớn, một số khiếm khuyết ở vùng chậu đã được tìm thấy như:

  • Trực tràng di động hơn bình thường.
  • Suy yếu cơ sàn chậu và/hoặc các cơ thắt hậu môn.

Còn đối với trẻ em, các bác sĩ đã tìm thấy sự khác biệt trong cấu trúc của trực tràng. Ví dụ, trực tràng không uốn cong như bình thường mà nằm ở vị trí thẳng đứng, làm tăng nguy cơ sa ra ngoài.

Yếu tố nguy cơ

Tình trạng nào làm tăng áp lực bên trong ổ bụng hoặc làm suy yếu các cơ sàn chậu đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những ví dụ bao gồm:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên.
  • Sinh đẻ nhiều.
  • Phẫu thuật vùng chậu
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng lưng/ chấn thương tủy sống.
  • Nhiễm ký sinh trùng đường ruột
  • Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),…

4. Sa trực tràng có triệu chứng gì?

Các triệu chứng thường thay đổi theo tiến triển của bệnh, thường bao gồm:

  • Xuất hiện một khối màu đỏ sa ra bên ngoài hậu môn. Lúc đầu, nó có thể chỉ xảy ra trong hoặc sau khi đi tiêu và là một tình trạng tạm thời. Tuy nhiên, theo thời gian – trực tràng có thể bị sa chỉ với hoạt động đứng lên hoặc đi lại bình thường và có thể cần phải dùng tay để đẩy ngược lên hậu môn.
  • Đau ở hậu môn và trực tràng.
Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết
Bệnh có thể gây đau rát ở hậu môn và đi tiêu ra máu
  • Chảy máu từ niêm mạc bên trong trực tràng.
  • Đi tiêu không tự chủ (rò rỉ chất nhầy, máu hoặc phân từ hậu môn).

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị sớm và ngăn ngừa các biến chứng!

Khi tình trạng này kéo dài, chúng có thể sẽ gây ra các biến chứng như:

  • Loét trực tràng gây chảy máu nặng.
  • Sa trực tràng nghẹt (sa trực tràng không thể dùng tay đẩy vào hậu môn). Đây là một trường hợp khẩn cấp vì phần ruột bị kẹt có thể thiếu máu nuôi dẫn đến hoại tử. Bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa trị kịp thời, ngăn ngừa nhiễm trùng huyết, suy cơ quan, sốc,…
  • Tổn thương cơ thắt và các dây thần kinh, dẫn tới hoặc nặng hơn tình trạng đi tiêu không tự chủ.

5. Đây có phải là một tên gọi khác của bệnh trĩ không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Dù bệnh trĩ cũng có thể gây ngứa, đau hậu môn, khó chịu và chảy máu khi đi tiêu, nhưng bản chất chúng là các mạch máu sưng lên ở vùng hậu môn và trực tràng. Trong khi đó, sa trực tràng lại là sự trượt các thành phần của đoạn cuối ruột già. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, bệnh sa trực tràng có thể trông giống như bệnh trĩ nội đã tuột ra khỏi hậu môn, gây khó khăn cho việc phân biệt.

Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết
A: Sa trực tràng B: Trĩ

Nếu bạn nghi ngờ mình bị trĩ hoặc sa trực tràng, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất!

6. Làm thế nào để chẩn đoán?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ của bạn. Sau đó, họ thực hiện thăm khám với các biện pháp như:

  • Quan sát trực tiếp vùng hậu môn trực tràng. Đánh giá các tổn thương thấy được ở bên ngoài.
  • Khám hậu môn trực tràng. Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã được đeo găng và bôi trơn với gel vào trực tràng để với mục đích kiểm tra các tổn thương nằm khuất ở bên trong. Mặc dù có thể gây một ít khó chịu và bối rối cho người bệnh ở lần đầu tiên, nhưng chúng rất quan trọng để có được chẩn đoán chính xác.

Một số xét nghiệm có thể sẽ được yêu cầu để làm rõ chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh lý khác, bao gồm:

  • Proctography. Sử dụng tia X để tạo ra một video ghi lại hoạt động của trực tràng. Chúng dùng để đánh giá chức năng và cho thấy những thay đổi cấu trúc trong trực tràng và hậu môn.
  • Nội soi trực tràng/ nội soi đại tràng.Ống nội soi được đưa vào trong lòng ruột để nhìn kỹ hơn các tổn thương không thấy được qua thăm khám. Đồng thời, nội soi còn có thể giúp bác sĩ thực hiện bấm sinh thiết khi cần.
  • Siêu âm qua ngã nội soi. Xét nghiệm này giúp đánh giá hình dạng và cấu trúc của cơ thắt hậu môn cũng như các mô xung quanh
  • Các xét nghiệm bổ sung.Dùng để kiểm tra xem các dây thần kinh và cơ của trực tràng và hậu môn hoạt động tốt như thế nào, chẳng hạn như đo trương lực hậu môn.

7. Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp rất nhỏ, việc điều trị có thể bắt đầu tại nhà. Tuy nhiên, phẫu thuật thường là cần thiết trong điều trị sa trực tràng.

Nhìn chung, hai con đường tiếp cận phổ biến nhất là qua ngã bụng và qua ngã trực tràng. Trong mỗi cách tiếp cận có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau có thể được sử dụng để cố định lại trực tràng. Lựa chọn như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như:

  • Độ tuổi của bệnh nhân
  • Mức độ sa trực tràng
  • Kết quả khám và các xét nghiệm
  • Các vấn đề sức khỏe hiện có khác
  • Sở thích và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật với các kỹ thuật nhất định.

Phẫu thuật qua ngã bụng

  • Thường được sử dụng ở người trẻ tuổi khỏe mạnh.
  • Ở cách tiếp cận này, người bệnh trước tiên được gây mê toàn thân.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường ở trên bụng và thực hiện các thao tác bắt đầu từ vùng này.

Phẫu thuật qua ngã trực tràng

  • Thường được sử dụng ở những bệnh nhân lớn tuổi và ở những bệnh nhân có nhiều vấn đề sức khỏe.
  • Ở phương pháp này, gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng có thể được sử dụng thay vì gây mê toàn thân.

8. Tôi cần bao lâu để hồi phục sau phẫu thuật?

Phần lớn mọi người đều hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị bệnh sa trực tràng và có một cuộc sống bình thường.

Thời gian nằm viện mất trung bình khoảng 2 đến 3 ngày và thay đổi tùy theo bệnh nhân. Để phục hồi hoàn toàn có thể cần đến thời gian một tháng. Tuy vậy, để làm giảm nguy cơ tái phát, bệnh nhân nên hạn chế làm việc nặng trong ít nhất 6 tháng, cũng như có một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa táo bón. Chẳng hạn như:

  • Ăn uống nhiều chất xơ.
  • Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung có chứa chất xơ.
  • Uống đầy đủ nước.
  • Sử dụng các chất làm mềm phân (nếu cần thiết)

Lưu ý: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc và thực phẩm bổ sung kể trên để chắc chắn chúng phù hợp với tình trạng của bạn!

9. Sa trực tràng có ngăn ngừa được không?

Có một số thay đổi trong lối sống mọi người có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng, ví dụ như:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Uống nhiều nước.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh rặn quá mạnh khi đi tiêu.

Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết

Sa trực tràng là một bệnh lý không quá nghiêm trọng. Quá trình điều trị có thể bắt đầu tại nhà, tuy nhiên, phẫu thuật thường là cần thiết. Thời gian nằm viện mất trung bình 2 đến 3 ngày và phục hồi hoàn toàn cần đến thời gian khoảng một tháng. Tuy vậy, người bệnh nên hạn chế làm việc nặng trong ít nhất 6 tháng sau đó để làm giảm khả năng bệnh tái phát. Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm