Bạn cần lưu ý gì về những triệu chứng ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là căn bệnh đứng hàng thứ 5 trong nhóm ung thư phổ biến nhất. Vậy, những triệu chứng ung thư đại tràng là gì? Có những cách nào để tầm soát ung thư đại tràng từ sớm? Hãy cùng YouMed tìm hiểu ngay sau đây!

Ung thư đại tràng là gì?

Bạn cần lưu ý gì về những triệu chứng ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư xuất hiện ở đại tràng (ruột già). Đại tràng là đoạn ruột nằm ở phần dưới của ống tiêu hóa, giữ vai trò hấp thu nước và cô đặc bã thức ăn để tạo phân trước khi thải ra ngoài cơ thể qua trực tràng và hậu môn.

Phân đoạn theo giải phẫu, chia đại tràng thành 04 đoạn: đại tràng phải, đại tràng ngang, đại tràng trái và đại tràng sigma. Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên khung đại tràng.

Triệu chứng ung thư đại tràng

Bệnh có thể xuất hiện mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nếu có, các triệu chứng ung thư đại tràng có thể là:

Đau bụng

Bạn cần lưu ý gì về những triệu chứng ung thư đại tràng
Đau bụng là triệu chứng xuất hiện sớm và rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại tràng

Xuất hiện sớm nhất và hiện diện ở 70-80% bệnh nhân.

Hoàn cảnh khởi phát cơn đau không theo một chu kỳ hay quy luật nào. Đau ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn, vị trí thường tại nơi có khối u. Thời gian cơn đau kéo dài thay đổi, có thể dài hoặc ngắn. Mức độ đau ngày càng tăng dần.

Triệu chứng đau điển hình hơn khi khối u lớn dần gây hội chứng bán tắc ruột: đau bụng từng cơn có thể kèm sôi bụng, trung tiện được thì hết đau. Khi tắc ruột hoàn toàn, các dấu hiệu đau sẽ rõ ràng hơn: đau bụng từng cơn với số cơn ngày càng dày; bí trung – đại tiện, bụng chướng dần (căng to, cứng chắc).

Táo bón

Thường gặp nhiều hơn tiêu chảy, đôi khi là táo bón xen kẽ tiêu chảy. Triệu chứng này kéo dài làm người bệnh khó chịu, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi. Người bệnh có thể có đáp ứng hiệu quả với thuốc nhuận tràng, nhưng nếu ngưng thì vẫn táo bón trở lại.

Tiêu chảy

Nguyên nhân gây tiêu chảy thường do táo bón làm khối phân ứ lại trong lòng đại tràng, làm tăng quá trình lên men, sinh hơi, thối rữa và tăng bài tiết chất nhầy. Những chất nhầy này sẽ gây tiêu lỏng, phân lẫn nhầy, đôi khi có máu theo phân.

Thay đổi màu phân (đen, có máu)

Phân thường có máu do chảy máu tại vị trí khối u. Tiêu máu xuất hiện do khối u nằm bên phải nhiều hơn bên trái. Phân có máu thường kèm theo chất nhầy tiết ra từ niêm mạc ruột.

Màu sắc của máu cũng khác nhau tùy theo vị trí khối u. Khối u nằm ở đại tràng phải máu đỏ sẫm, đại tràng trái máu đỏ tươi. Xuất huyết rỉ rả nên lúc đầu chưa làm ảnh hưởng sức khỏe người bệnh, nhưng lâu ngày sẽ gây thiếu máu.

Thay đổi hình dạng phân

Phân dẹt hơn nếu khối u cũng xuất hiện ở vùng trực tràng.

Các triệu chứng ung thư đại tràng ở giai đoạn muộn (3 hoặc 4)

  • Mệt mỏi quá mức
  • Giảm cân không chủ ý: có thể sụt cân từ từ hoặc sụt cân nhanh do khối u lấy chất dinh dưỡng. Kèm theo chán ăn, mệt mỏi.
  • Những thay đổi tính chất phân kéo dài trên một tháng
  • Cảm giác đầy bụng
  • Nôn mửa

Nếu ung thư đại tràng di căn đến các phần khác của cơ thể, người bệnh cũng có thể gặp:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Sưng ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Khó thở
  • Đau đầu kinh niên
  • Mờ mắt
  • Gãy xương

Chẩn đoán ung thư đại tràng

Bệnh được chẩn đoán càng sớm, khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Theo Tạp Chí Y Khoa Anh (BMJ), khuyến nghị khám sàng lọc cho những người từ 50 đến 79 tuổi.

Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân được khuyến cáo thực hiện 1 đến 2 năm một lần. Mục đích xét nghiệm phân là tìm máu ẩn trong phân. Có hai loại chính là xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên guaiac (gFOBT) và xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT).

Xét nghiệm máu

Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng của người bệnh. Các xét nghiệm chức năng gan và công thức máu hoàn chỉnh hỗ trợ phát hiện hoặc loại trừ các bệnh và rối loạn khác.

Xét nghiệm các dấu ấn ung thư

Xét nghiệm nồng độ CEA và CA 19.9 thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.

Nội soi đại tràng sigma

Cho phép bác sĩ kiểm tra phần cuối cùng của đại tràng, gọi là đại tràng sigma. Thủ thuật “nội soi đại tràng sigma linh hoạt” dùng một ống mềm có đèn chiếu vào.

Nội soi đại tràng

Bạn cần lưu ý gì về những triệu chứng ung thư đại tràng
Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện nhanh các khối u

Nội soi sử dụng một ống dài có gắn camera nhỏ. Quá trình này giúp bác sĩ quan sát toàn bộ ruột già và trực tràng để phát hiện các bất thường. Kỹ thuật này thường được thực hiện sau khi phát hiện bạn có nguy cơ mắc ung thư đại tràng bằng các xét nghiệm ít xâm lấn hơn.

Trong quá trình nội soi, các bác sĩ có thể cắt một mẩu mô đại tràng để gửi đến phòng thí nghiệm phân tích.

Trong số các phương pháp hiện có, nội soi đại tràng sigma và nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện nhanh các khối u lành tính và khối ung thư đại – trực tràng.

Chụp X-quang

Bác sĩ đưa chất lỏng chứa Bari vào đại tràng của người bệnh. Khi đến đúng vị trí, lớp dung dịch thuốc Bari này sẽ phủ lên niêm mạc đại tràng. Từ đó cải thiện đáng kể hình ảnh x-quang.

Chụp CT

Chụp CT cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về đại tràng của người bệnh. Chụp CT được sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng còn được gọi là “nội soi đại tràng ảo”.

Những cách tầm soát ung thư đại tràng

Vì sao cần tầm soát ung thư đại tràng?

Với sự phổ biến và tỷ lệ tử vong cao, triệu chứng ung thư đại tràng lại ít xuất hiện ở giai đoạn đầu. Tầm soát ung thư từ giai đoạn sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị lên đến hơn 90%. Thời gian sống của bệnh nhân cũng được tăng đáng kể, trung bình trên 10 năm.

Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi các triệu chứng ung thư đại tràng trở nên rầm rộ, tiên lượng sống trở nên dè dặt hơn. Tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống dưới 10%. Vì vậy, chẩn đoán và phát hiện ung thư đại tràng từ giai đoạn sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Những đối tượng nào cần tầm soát ung thư đại tràng?

Người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng trung bình (trên 50 tuổi)

  • Nội soi đại tràng sigma ống mềm 5 năm 1 lần.
  • Nội soi đại tràng 10 năm 1 lần.
  • Chụp Xquang sử dụng Barium mỗi 5 năm.
  • Chụp CT đại tràng (nội soi ảo) mỗi 5 năm.
  • Xét nghiệm phân tìm máu ẩn (FOBT) mỗi 5 năm.
  • Xét nghiệm hóa miễn dịch phân hằng năm.
  • Xét nghiệm di truyền (tìm DNA) mỗi 3 năm.

Nếu kết quả các xét nghiệm trên dương tính, cần tiến hành nội soi đại tràng để kiểm tra.

Người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng

Là những bệnh nhân:

  • Có tiền căn mắc ung thư đại – trực tràng hoặc đa polyp.
  • Bệnh lý đại tràng mãn tính: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
  • Tiền căn gia đình bị ung thư đại – trực tràng hoặc đa polyp.
  • Tiền căn gia đình mắc hội chứng ung thư đại – trực tràng di truyền: hội chứng đa polyp gia đình, hội chứng Lynch, v.v.

Những đối tượng này nên được sàng lọc tầm soát trước 50 tuổi và kiểm tra thường xuyên hơn.

Có những cách nào để tầm soát ung thư đại tràng?

Xét nghiệm phân

  • Tìm hồng cầu (máu ẩn trong phân).
  • Phân tích DNA (xét nghiệm miễn dịch phân tử).

Xét nghiệm về hình thái cấu trúc

Chia thành 2 nhóm kỹ thuật:

Kỹ thuật nội soi, phân thành:

  • Nội soi ống mềm: nội soi sử dụng một ống dài có gắn camera nhỏ.
  • Nội soi không dây (nội soi viên nang).

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính đại tràng (CT).
  • Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).

Triệu chứng ung thư đại tràng có thể chưa xuất hiện vào giai đoạn đầu, nhưng sẽ ngày càng rõ rệt và rầm rộ hơn nếu đã bước sang giai đoạn muộn. Nếu bạn hoặc người thân thuộc nhóm yếu tố nguy cơ mắc bệnh, hãy tầm soát thường xuyên để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm!

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm