Bạch Long Thủy là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Thuốc Bạch Long Thủy được tạo nên từ các nguyên liệu Đông Y như húng chanh, cam thảo, xuyên tầm bì… Vậy thuốc này dùng để điều trị bệnh gì? Cần lưu ý điều gì trong quá trình sử dụng thuốc? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Việt Linh. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Hoạt chất: Xuyên bối mẫu, Cam thảo, Húng chanh, Bạch chỉ, Bách bộ…

Bạch Long Thủy là thuốc gì?

Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Đông Dược Bảo Long. Thuốc Bạch Long Thủy được nghiên cứu, bào chế dưới dạng cao lỏng và đóng gói dưới dạng chai 90 ml.

Với các thành phần chính từ các dược liệu cổ truyền như Xuyên bối mẫu, Trần bì, Sa sâm,… thuốc Bạch Long Thủy được chỉ định điều trị cho các vấn đề như viêm họng, viêm phế quản, hen huyễn, ho có đờm.

Bạch Long Thủy
Thuốc Bạch Long Thủy được điều chế từ các nguyên liệu Đông Y

Thành phần của thuốc Bạch Long Thủy

Dưới đây là các thành phần và hàm lượng trong 90 ml công thức của Bạch Long Thủy:1

  • Xuyên bối mẫu: 7 gam.
  • Bách bộ: 7 gam.
  • Thiên môn đông: 7 gam.
  • Liên phòng: 7 gam.
  • Cát cánh: 7 gam.
  • Kinh giới: 7 gam.
  • Cam thảo: 7 gam.
  • Tang bạch bì: 7 gam.
  • Húng chanh: 7 gam.
  • Bạch chỉ: 7 gam.
  • Trần bì: 7 gam.
  • Sa sâm: 7 gam.
  • Đường trắng: 27 gam.
  • Nước vừa đủ 90 ml.

Công dụng của từng thành phần trong công thức

1. Xuyên bối mẫu2

Xuyên bối mẫu có các thành phần như alkaloid (peiminine, peimine, peimisine…) và các khoáng chất kim loại như mangan, đồng, kẽm… Các công dụng long đờm, giảm ho và hạ huyết áp của Xuyên bối mẫu là nhờ các thành phần này.

Xuyên bối mẫu có tính mát. Theo Đông y, nó giúp điều trị viêm phế quản, nóng sốt, ho khan, ho có đờm, đau rát họng và viêm sưng vùng cổ. Ngoài ra, Xuyên bối mẫu còn giúp điều trị áp – xe phổi và vú, viêm đau cơ và sưng có hạch.

Bạch Long Thủy
Dược liệu Xuyên bối mẫu thường được sử dụng trong Đông y

2. Bách bộ3

Rễ củ là bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây Bách bộ. Thành phần của dược liệu này bao gồm alkaloid nhóm stemonin, các glucid, protid và các acid hữu cơ như acid malic và acid oxalic.

Bách bộ có nhiều tác động dược lý như chữa ho, diệt côn trùng, kháng viêm, chống ung thư, kháng khuẩn và diệt virus.

3. Thiên môn đông4

Người ta dùng rễ cây của Thiên môn đông dùng làm dược liệu làm thuốc. Một số tác dụng của thiên môn đông được chứng minh về mặt dược lý:

  • Thanh nhiệt, hạ sốt, giảm ho, tiêu đờm và lợi tiểu.
  • Điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính bằng cách ức chế men dihydrogenase.
  • Kháng bệnh bạch huyết thông qua kích hoạt interferon.

Thiên môn đông từ lâu đã được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị các bệnh như:

  • Ho khan.
  • Suy nhược cơ thể.
  • Giúp tăng sữa ở phụ nữ.
  • Điều trị hoa mắt, chóng mặt.
Bạch Long Thủy
Ngoài làm cây cảnh, Thiên môn đông được xem là một dược liệu quý trong y học cổ truyền

4. Cát cánh5

Y học hiện đại đã chứng minh Cát cánh có tác dụng ích phổi, thông họng, dưỡng ẩm da, có tác dụng phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp. Nó cũng có thể làm giúp hạ huyết áp và thúc đẩy lưu thông máu. Cát cánh cũng có thể điều hòa hoạt động ruột và dạ dày; thúc đẩy quá trình tiêu hóa.

5. Kinh giới6

Có thể nói kinh giới là một vị thuốc quen thuộc vì không chỉ ứng dụng trong y học mà còn thường xuyên được chị em phụ nữ sử dụng trong nội trợ. Chỉ trừ rễ, kinh giới có thể được sử dụng cả cây để cho tác dụng chữa bệnh. Dưới đây là một số tác dụng của cây kinh giới:

  • Tăng tiết mồ hôi và cho tác dụng giải cảm.
  • Thanh nhiệt, giải độc. Trị dị ứng và mẩn ngứa.
  • Cầm máu tử cung, đi tiêu ra máu, chảy máu cam…
  • Lợi tiểu tiện, đại tiện.
Bạch Long Thủy
Kinh giới là vị thuốc quen thuộc và phổ biến với người dân

6. Cam thảo

Dược liệu cam thảo được chứng minh có các tác dụng sau:7

  • Chống viêm và chống oxy hóa. Nhờ chứa các hợp chất có các đặc tính này mà chiết xuất cam thảo được chứng minh có thể giúp chống lại một số loại ung thư.8
  • Chống dị ứng.
  • Kháng khuẩn.
  • Cam thảo cũng được sử dụng để điều trị bệnh gan.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh răng miệng.
  • Các rối loạn da khác nhau.
Bạch Long Thủy
Ngoài phạm vi ẩm thực, Cam thảo được thường dùng như một vị thuốc trong Đông y

7. Tang bạch bì9

Tang bạch bì là tên gọi khác của vỏ rễ dâu. Dược liệu có các tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, trị ho suyễn.

Tang bạch bì được ứng dụng làm thuốc trong các trường hợp tả phế, cắt cơn hen suyễn khi sốt nóng. Ngoài ra vị thuốc này còn được phối hợp trong các bài thuốc giúp tiêu thũng và lợi niệu.

8. Húng chanh

Húng chanh có thể được tìm thấy ở khắp Việt Nam vì được ứng dụng là gia vị. Thành phần của húng chanh bao gồm một chất có tên gọi là colein và tinh dầu. Cacvacrola là cấu tử chủ yếu trong tinh dầu húng chanh.

Húng chanh được ứng dụng trong điều trị như sau:10

  • Giảm viêm họng, giảm sốt.
  • Giúp điều trị ho, hen suyễn, hay cảm mạo thông thường
  • Giảm viêm khớp.
  • Tăng lượng sữa mẹ.
  • Cải thiện chức năng thận.
  • Giúp mau lành các vết loét da.
Bạch Long Thủy
Húng chanh là vị thuốc có thể dễ dàng tìm thấy ở khắp Việt Nam

9. Bạch chỉ11

Bộ phận được dùng làm thuốc của cây là rễ củ. Bạch chỉ có mùi thơm hơi hắc, vị cay và đắng. Theo Đông y, Bạch chỉ thường được sử dụng để chữa các bệnh như:

  • Cảm mạo, nhức đầu.
  • Giúp ra mồ hôi.
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang.
  • Đau răng.
  • Phong thấp.
  • Mụn nhọt.
  • Viêm tuyến vú.
  • Thông kinh.
  • Trị ghẻ lở.

10. Trần bì12

Trong y học cổ truyền, Trần bì là vị thuốc phổ biến. Nó có mùi thơm cùng mùi vị cay đắng. Trần bì có các công dụng điều hòa khí huyết, kiện tỳ và giúp tiêu đờm. Nó rất phổ biến vì được phối hợp trong các bài thuốc trị bệnh tiêu hóa. Có thể kể đến như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, nôn mửa, tiêu chảy.

Một số tác dụng của Trần bì đến với hệ hô hấp không thể không kể đến như:

  • Trị viêm họng, viêm phế quản nhẹ.
  • Trị ho mất tiếng.
  • Trị ho có đờm do cảm hàn.

11. Sa sâm13

Các thành phần hóa học của sa sâm là saponin, coumarin, glucid… Những chất này cho tác dụng tăng trương lực cơ tim, giúp trừ đàm và kháng trực khuẩn.

Sa sâm được ứng dụng trong một số bài thuốc. Có thể kể đến như nhuận phế chỉ khát, giúp trị ho khan, ho lâu ngày và khàn tiếng.

Tác dụng của Bạch Long Thủy

Thuốc Bạch Long Thủy được chỉ định điều trị một số bệnh lý và triệu chứng sau:1

  • Ho có đàm.
  • Ho gió.
  • Viêm họng.
  • Viêm phế quản.
  • Hen suyễn.
Bạch Long Thủy
Bạch Long Thủy được chỉ định điều trị các bệnh lý đường hô hấp như ho khan, viêm họng, hen suyễn…

Cách dùng và liều dùng Bạch Long Thủy

1. Cách dùng1

Bạch Long Thủy được dùng bằng đường uống. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần.

2. Liều dùng cho từng đối tượng1

Người lớn dùng 30 ml cho mỗi lần uống.

Đối với trẻ em:

  • Từ 6 tháng – 2 tuổi dùng 5 – 10 ml cho mỗi lần uống.
  • Từ 2 – 15 tuổi dùng 15 ml cho mỗi lần uống.

Đối với người bị bệnh nặng có thể dùng liều gấp đôi cho mỗi lần dùng.

Bạch Long Thủy có giá bao nhiêu?

Giá tiền tham khảo của thuốc Bạch Long Thủy trên thị trường rơi vào khoảng 25.000 – 30.000 VNĐ/chai 90 ml. Lưu ý, đây chỉ là giá tham khảo.

Giá tiền trên thực tế có thể có thay đổi dựa vào đơn vị phân phối và bán lẻ, thời gian mua và các chương trình khuyến mãi đi kèm.

Tác dụng phụ của thuốc

Hiện nay vẫn chưa ghi nhận báo cáo về phản ứng có hại của thuốc này. Tuy nhiên nếu trong quá trình sử dụng có ghi nhận bất kỳ phản ứng bất thường nào trên người sử dụng, hãy liên hệ ngay với chuyên gia y tế để nhận được tư vấn và hướng xử trí kịp thời.

Tương tác thuốc

Không trộn lẫn Bạch Long Thủy với các loại thuốc khác khi sử dụng. Tốt nhất nên sử dụng Bạch Long Thủy cách các thuốc khác ít nhất 2 giờ.

Lưu ý: để bệnh hen suyễn mau thuyên giảm, bạn nên kiêng cử các loại thực phẩm như mắm, lòng heo, thịt trâu, thịt gà, thịt chó và các sản phẩm như rượu bia, thuốc lá.1

Đối tượng chống chỉ định dùng Bạch Long Thủy

1. Đối tượng chống chỉ định

Thuốc Bạch Long Thủy được chống chỉ định sử dụng cho các đối tượng sau:1

  • Người bị đái tháo đường.
  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi ghi nhận tiền sử động kinh, sốt cao, co giật.

2. Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có thể sử dụng thuốc không?

Hiện nay vẫn chưa ghi nhận thông tin về việc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Việc sử dụng thuốc chỉ nên tiến hành sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Để tối ưu, bạn nên hỏi xin tư vẫn của chuyên gia y tế về vấn đề này.1

3. Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc

Hiện vẫn chưa ghi nhận thông tin về ảnh hưởng của Bạch Long Thủy đến khả năng lái xe và vận hành máy móc của người dùng.1

Cách xử trí khi quá liều và quên liều

1. Xử trí khi quá liều

Hiện nay vẫn chưa ghi nhận về ảnh hưởng của thuốc khi sử dụng quá liều. Tuy nhiên bạn nên tuân thủ về liều lượng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Trong trường hợp đã sử dụng quá liều, cần phải theo dõi tình trạng của người dùng để phát hiện và xử trí kịp thời nếu xảy ra phản ứng bất thường. Liên hệ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí tình huống này.

2. Xử trí khi quên liều

Nếu bạn quên sử dụng thuốc theo như kế hoạch, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp đã gần đến thời gian sử dụng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc như kế hoạch. Tuyệt đối không sử dụng gấp đôi liều Bạch Long Thủy để bù cho liều đã quên.

Lưu ý khi sử dụng

  • Cần đọc kỹ và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc Bạch Long Thủy từ nhà sản xuất.
  • Thuốc có hạn dùng 18 tháng kể từ ngày sản xuất.

Cách bảo quản thuốc Bạch Long Thủy

  • Bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C.
  • Bảo quản thuốc Bạch Long Thủy ở nơi tránh xa tầm tay trẻ em.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Bạch Long Thủy do Dược sĩ Trần Việt Linh đã cung cấp. Mong rằng những nội dung mà bài viết mang lại sẽ giúp ích cho bạn đọc!