Andol S Imexpharm là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Andol S Imexpharm là thuốc gì, công dụng thuốc là gì? Thuốc được chỉ định sử dụng trên những đối tượng nào? Khi sử dụng thuốc Andol S Imexpharm bạn cần lưu ý gì? Tất cả những thông tin chi tiết sẽ được Dược sĩ Trần Việt Linh giải đáp cho bạn trong bài viết sau.

Hoạt chất: Paracetamol, Phenylephrine HCl, Clorpheniramin maleat.

Thuốc chứa thành phần tương tự: A.C Mexcold, Andol Fort…

Andol S Imexpharm là thuốc gì?

Andol S Imexpharm là sản phẩm dược thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Thuộc nhóm thuốc giảm đau không cần kê đơn với thành phần chính gồm Paracetamol, Phenylephrine hydrochloride và Clorpheniramin maleat. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như sốt, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi…

Andol S Imexpharm
Andol S Imexpharm được chỉ định điều trị sốt, nhức đầu, sổ mũi,…

Thành phần của thuốc Andol S

Thuốc ở dạng viên nén, mỗi viên nén Andol S Imexpharm có chứa:

  • Paracetamol 500 mg.
  • Phenylephrine HCl 10 mg.
  • Clorpheniramin maleat 4 mg.

Công dụng của từng thành phần 

Paracetamol là hoạt chất có tác dụng giúp giảm đau và hạ sốt nhiều người biết đến. Tác dụng giảm đau của paracetamol chỉ từ mức độ nhẹ đến trung bình như đau đầu, đau răng, đau họng, đau bụng kinh, đau thấp khớp, đau thần kinh tọa, đau thắt lưng…1

Clorpheniramin là hoạt chất kháng histamin H1 có tác dụng chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn. Như hầu hết các chất kháng histamin khác, Clorpheniramin cũng có tác dụng phụ là chống tiết acetylcholin. Nhưng tác dụng phụ này khác nhau nhiều ở từng người.2

Phenylephrine HCl là hoạt chất có tác dụng co mạch nên giúp thông mũi xoang giúp bạn thở dễ dàng hơn, giảm nghẹt mũi. 

Tác dụng của thuốc Andol S Imexpharm

Andol S Imexpharm được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Ðiều trị các triệu chứng cảm cúm như sốt, đau đầu, đau nhức cơ bắp.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang do cảm cúm hoặc dị ứng thời tiết.

Cách dùng và liều dùng Andol S Imexpharm

Cách dùng

Thuốc dùng đường uống. Uống sau bữa ăn 30 phút.

Liều dùng cho từng đối tượng

Người lớn và trẻ em trên 11 tuổi: uống 01 viên x 1 – 3 lần/ngày.

Liều dùng này chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ bệnh. Để biết chính xác liều phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế trước khi sử dụng

Andol S Imexpharm giá bao nhiêu?

Giá bán Andol S sẽ khác nhau ở các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện. Giá bán kê khai theo Bộ Y tế là 1,000/Viên.3 Hiện trên thị trường hộp 25 vỉ X 20 viên nén có giá dao động khoảng 415.000 – 500.000 VNĐ.

Tác dụng phụ của Andol S Imexpharm

Khi sử dụng thuốc Andol S, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn (ADR). Chẳng hạn buồn ngủ, khô miệng, chóng mặt, buồn nôn. Các triệu chứng này hầu hết sẽ giảm sau vài ngày.

Những phản ứng dị ứng thường gặp là nổi ban đỏ hoặc mày đay. Đôi khi có xảy ra tác dụng phụ nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và tổn thương niêm mạc. Đã ghi nhận số ít trường hợp giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu do paracetamol.

Phenylephrine dạng uống có thể gây đau bụng nhẹ, buồn nôn, rung giật, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, khó ngủ. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng do Phenylephrine rất hiếm khi xảy ra. Các dấu hiệu dị ứng của phenylephrine như phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là mặt, lưỡi, họng), chóng mặt nặng, khó thở.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bạn nên tạm ngừng sử dụng. Đồng thời thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Andol S Imexpharm
Phản ứng dị ứng thường gặp là nổi ban đỏ hoặc mày đay

Tương tác thuốc

Sử dụng 2 hoặc nhiều thuốc cùng lúc có thể xảy ra tương tác thuốc. Tương tác này có thể xảy ra theo kiểu đối kháng hoặc hiệp đồng.

Với Paracetamol:

  • Paracetamol sử dụng liên tục và liều cao làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandione.
  • Các loại thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturate, carbamazepine) gây cảm ứng enzyme ở microsome thể gan. Điều này làm tăng chuyển hóa paracetamol thành các chất độc hại cho gan.
  • Phối hợp paracetamol với isoniazid cũng gây tăng độc tính của nó ở gan.

Với Phenylephrine:

  • Không nên phối hợp với các thuốc chống trầm cảm ba vòng (như imipramine) hoặc guanethidine vì làm tăng tác dụng cao huyết áp của phenylephrine.
  • Không dùng chung với các thuốc ức chế monoamine oxydase. Vì làm tăng tác dụng kích thích ở tim và cao huyết áp của phenylephrine.

Với Clorpheniramin:

  • Các loại thuốc an thần gây ngủ làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Clorpheniramin maleat.
  • Clorpheniramin maleat ức chế chuyển hóa phenytoin nên có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.

Các tương tác thuốc này dành cho chuyên gia hoặc những người có kiến thức chuyên môn. Bạn không nên tự ý nghiên cứu và áp dụng tại nhà.

Đối tượng chống chỉ định dùng Andol S Imexpharm

Andol S Imexpharm bị chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm hoặc có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Đang mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh phổi, suy gan, suy thận.
  • Người bị thiếu hụt enzim chuyển hóa glucose-6-phosphate dehydrogenase.
  • Cường giáp nặng hoặc bệnh glaucoma góc hẹp.
  • Người bệnh đang lên cơn hen cấp.
  • Người mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến.
  • Người bị loét dạ dày, tắc môn vị–tá tràng.
  • Trẻ em nhỏ hơn 11 tuổi.
  • Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ cho con bú.

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Andol S Imexpharm

Thuốc có ảnh hưởng đến bào thai và trẻ bú sữa mẹ. Do đó, không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú

Andol S Imexpharm
Không dùng Andol S Imexpharm ở phụ nữ có thai và đang cho con bú

Đối tượng thận trọng khi dùng Andol S Imexpharm

  • Người cao tuổi (trên 60 tuổi).
  • Người bị suy chức năng gan, thận, đái tháo đường.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân có bệnh lý về mạch máu.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân tiểu khó.
  • Thuốc có chứa tá dược màu quinolin nên người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi dùng thuốc này.
  • Thuốc có ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc. Thận trọng khi bắt buộc phải sử dụng thuốc cho đối tượng này.

Xử lý khi quá liều Andol S

Quá liều Paracetamol

Chẩn đoán sớm rất quan trọng trong việc điều trị quá liều paracetamol. Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi quá liều. Điều trị với N-acetylcysteine có hiệu quả hơn khi quá liều thuốc trong thời gian dưới 10 giờ. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc chất tẩy muối vì chúng có khả năng làm giảm hấp thụ paracetamol. Các xử lý trên đòi hỏi người có chuyên môn y tế. Vì vậy cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Quá liều Clorpheniramin maleat

Chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống. Và đặc biệt lưu ý đến chức năng gan, thận, hô hấp, tim và hỗ trợ cân bằng nước, điện giải.

Quá liều Phenylephrine HCl

Tăng huyết áp có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc phentolamin tiêm tĩnh mạch; nếu cần có thể lặp lại. Chủ ý điều trị triệu chứng và hỗ trợ tổng trạng chung.

Các xử trí quá liều trên đều cần có sự can thiệp của nhân viên y tế có chuyên môn. Khi có triệu chứng quá liều, bạn cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Trường hợp quên liều Andol S

Nếu bạn quên một liều, hãy dùng càng sớm càng tốt. Nhưng nếu quá gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên. Sau đó dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi liều đã quy định để bù lại liều đã quên.

Lưu ý gì khi sử dụng

  • Sử dụng thuốc theo đúng toa của bác sĩ.
  • Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em.
  • Không dùng thuốc nếu dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Hoặc đã có cảnh báo từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần tham khảo kỹ ý kiến của nhân viên y tế trước khi sử dụng.

Cách bảo quản

Đọc kỹ thông tin bảo quản và hạn sử dụng ghi trên vỏ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Thông thường các thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh nắng.

Trên đây là các thông tin chi tiết về công dụng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc Andol S Imexpharm. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với đội ngũ Nhà thuốc Bắc Giang để được tư vấn sớm nhất.