Ampicillin Vidipha là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Thuốc Ampicillin Vidipha có công dụng là gì? Thuốc được chỉ định sử dụng trên đối tượng nào? Khi sử dụng thuốc này bạn cần lưu ý điều gì? Trong bài viết dưới đây Dược sĩ Trần Việt Linh sẽ đưa đến cho bạn những thông tin chi tiết nhất.

Hoạt chất trong Ampicillin Vidipha: Ampicillin (dưới dạng Ampicillin trihydrate).

Thuốc chứa thành phần tương tự: Ampicillin Domesco, Ampicillin Mekophar, Ampicillin DMC, Ampicillin NKP,…

Ampicillin Vidipha là thuốc gì?

Ampicillin Vidipha là một sản phẩm thuốc của Công ty CP Dược Phẩm Trung Ương Vidipha. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nang cứng. 

Ampicillin Vidipha
Ampicillin Vidipha là thuốc cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ

Thành phần và công dụng của thành phần

Thành phần bao gồm ampicillin (dưới dạng Ampicillin trihydrate) và các loại tá dược (tinh bột sắn, magnesi stearat, natri butyl sulfat).

Ampicillin là kháng sinh loại Penicillin. Nó có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm. Do đó, kháng sinh này được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.1  

Tác dụng của Ampicillin Vidipha

Thuốc Ampicilin của Vidipha được dùng để điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản mạn tính bộc phát, viêm nắp thanh quản do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Ngoài ra, thuốc này còn điều trị bệnh lậu do Gonococcus chưa đề kháng penicillin, thường dùng ampicillin hoặc ampicillin probenecid. Thuốc còn có hiệu quả trên bệnh nhiễm khuẩn Listeria. 

Đặc biệt, nhờ hiệu quả tốt trên một số vi khuẩn khác, Ampicillin Vidipha còn được chỉ định rất tốt trong điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi này, thuốc sẽ được kết hợp với Amnoglycosid. 

Cách dùng và liều dùng Ampicillin Vidipha

Cách dùng

Thuốc Ampicillin Vidipha dạng viên nang được dùng bằng đường uống. Thuốc này tránh uống vào bữa ăn. Tốt nhất nên uống thuốc trước khi ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Liều dùng cho từng đối tượng

Bạn có thể tham khảo liều dùng của thuốc Ampicillin Vidipha như sau:2

Người lớn

  • Liều từ 0,25 g – 1 g/lần uống mỗi 6 giờ. Bệnh nhân ở mức độ nặng có thể uống 6 g – 12 g/ngày.
  • Đối với bệnh nhân điều trị lậu không ghi nhận biến chứng do những chủng nhạy cảm với ampicillin sẽ dùng liều từ 2 g – 3,5 g. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phối hợp với 1 g probenecid. Bệnh nhân chỉ cần uống 1 liều duy nhất. Riêng đối tượng bệnh nhân là phụ nữ thì có thể dùng nhắc lại (nếu cần).

Trẻ em

  • Đối với trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc ngoài da: liều 25 mg – 50 mg/kg/ngày, uống cách đều mỗi 6 giờ (trẻ cân nặng từ 40 kg trở xuống).
  • Đối với trẻ em bị viêm đường tiết niệu: liều 50 mg – 100 mg/kg/ngày, cách 6 giờ. 

Bệnh nhân suy thận

  • Nếu độ thanh thải creatinin từ 30 ml/phút trở lên: không cần điều chỉnh liều ở người lớn.
  • Nếu độ thanh thải creatinin từ 10 ml/phút trở xuống: sử dụng liều thông thường nhưng giãn thời gian ra đến 8 giờ/lần.
  • Nếu người bệnh chạy thận nhân tạo thì phải dùng thêm 1 liều ampicillin sau mỗi lần thẩm tích.

Ampicillin Vidipha giá bao nhiêu?

Giá bán thuốc Ampicillin Vidipha sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ sở kinh doanh hoặc vị trí địa lý. Thông thường, giá thuốc sẽ dao động từ 650 đồng – 1100 đồng/viên nang. 

Tác dụng phụ của Ampicillin Vidipha

Tác dụng phụ của Ampicillin Vidipha xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể:

Thường gặp: 

  • Trên tiêu hóa: tiêu chảy.
  • Trên da: nổi mẩn đỏ.

Ít gặp: 

  • Trên huyết học: thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt.
  • Trên tiêu hóa: viêm lưỡi, miệng, buồn nôn, nôn, viêm đại tràng giả mạc, tiêu chảy.
  • Trên da: nổi mày đay.

Hiếm gặp: 

  • Toàn thân: phản ứng sốc phản vệ, viêm da tróc vảy, ban đỏ đa dạng.
  • Phản ứng dị ứng ở da kiểu “ban muộn”. 
Ampicillin Vidipha
Sốc phản vệ là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh

Tương tác thuốc

Trong nhóm, các penicillin đều tương tác với methotrexat và probenecid. Riêng penicillin còn tương tác với thuốc allopurinol. Bệnh nhân tăng khả năng bị nổi mẩn đỏ nếu sử dụng phối hợp hai thuốc này với nhau. Ngoài ra, thuốc Ampicillin còn bị giảm khả năng diệt khuẩn khi dùng chung với các kháng sinh kìm khuẩn như: cloramphenicol, các tetracycline, erythromycine. 

Đối tượng chống chỉ định dùng Ampicillin Vidipha

Chống chỉ định Ampicillin Vidipha cho người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc không có những phản ứng có hại cho thai nhi. Do đó, có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Mặt khác, ampicillin vào sữa nhưng không gây những phản ứng hại cho trẻ bú mẹ ở liều điều trị thông thường. 

Những trường hợp sau đây cần thận trọng khi dùng Ampicillin Vidipha:

  • Dị ứng chéo với penicillin hoặc cephalosporin. 
  • Có thể không được dùng hoặc tuyệt đối thận trọng khi dùng cho người bị mẫn cảm với cephalosporin.
  • Người bị suy giảm chức năng gan/thận.

Xử lý khi quá liều Ampicillin Vidipha

Khi người bệnh sử dụng quá liều thuốc ampicillin, hãy báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

Trường hợp quên liều Ampicillin Vidipha

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo sự an toàn trong quá trình sử dụng thuốc. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều vì sẽ gây nguy hiểm.

Lưu ý gì khi sử dụng

Thuốc Ampicillin Vidipha là thuốc chỉ được dùng theo sự kê đơn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần đặc biệt lưu ý những điều sau:

  • Không được sử dụng thuốc nếu: 
    • Viên thuốc bị biến đổi màu, móp méo, nứt vỡ.
    • Vỉ thuốc bị rách.
    • Chai thuốc bị nứt hay mất nhãn.
  • Phải ngưng dùng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ khi gặp các biểu hiện dị ứng thuốc.
  • Để xa tầm tay trẻ em.
  • Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Tốt nhất nên xin ý kiến bác sĩ.
Ampicillin Vidipha
Nên để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em để đảm bảo an toàn cho trẻ

Cách bảo quản

Bảo quản thuốc Ampicillin Vidipha tại nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30ºC và tránh ánh sáng.

Bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc Ampicillin Vidiphar để bạn tham khảo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, bạn hãy liên hệ Nhà thuốc Bắc Giang để được tư vấn giải đáp.