30/4/2021:Sau chùm 14 ca bệnh, Chủ tịch nước và Thủ tướng trực tiếp đốc thúc chống dịch COVID-19
Mục Lục
Trưa 30/4, Hà Nội công bố thêm 2 ca mắc Covid-19 là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Một người là nữ công nhân 25 tuổi, làm việc tại công ty Panasonic, người còn lại là nam công nhân 27 tuổi làm việc tại công ty Vico Thăng Long. Cả 2 là F1 của bệnh nhân 2911 – tức là ca lái xe tải tự do, trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội có kết luận dương tính trong đợt dịch này.
Công ty Panasonic có 2.831 công nhân đang làm việc, công ty Vico có 499 người. Các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt có trường hợp ra đường không đeo khẩu trang với mức cao nhất là 2 triệu đồng.
Sau 1 ngày công bố ca nhiễm đầu tiên ở Hà Nam, đến nay đã có 14 người từ chùm ca bệnh này. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do chùm ca bệnh có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian tiếp xúc ngắn. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sáng 30/4, 2 nhà lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đốc thúc công tác phòng chống dịch. Chủ tich nước đã đến Đà Nẵng, làm việc với Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là nơi điều trị cho gần 60 bệnh nhân COVID-19.
Đà Nẵng là trung tâm du lịch của cả nước. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay đến Đà Nẵng, nên thành phố phải tập trung kiểm soát người nhập cảnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp khẩn để đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và bàn các nhiệm vụ, giải với phương châm phải nhanh nhất khống chế dịch, không để lây lan, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế...
Tại buổi làm việc với thủ tướng, một số ý kiến đặt vấn đề, phải rà soát, xem lại quy trình cách ly cho chặt chẽ hơn khi trường hợp ca bệnh 2899 vừa qua, đã di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Đà Nẵng để về quê sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Chỉ có 1% bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày, vì vậy, cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung chính là kiểm soát số 1% này. Có khả năng, trường hợp ca 2899 cũng rơi vào số 1% này.
Nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh và chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước, các mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân - nguyên nhân dẫn đến bùng phát ổ dịch ở Hà Nam.
Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Cần giám sát chặt chẽ khâu cách ly tại nhà. Sau khi có 1 ca bệnh, TP.HCM đã lập 3 đoàn kiểm tra tất cả các khu cách ly trên địa bàn về việc phân luồng, khử trùng vật dụng cá nhân của người được cách ly trước khi di chuyển vào khách sạn.
TP.HCM cũng thực hiện yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày đối với những người từ địa phương có ca bệnh COVID-19. Trước mắt là những người đến từ 3 khu vực:
1. Thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam
2. Thôn Hoàng Xá, xã Tiền Tiến, huyện Phù Cừ, Hưng Yên
3. Khu Trung, xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng rà soát cơ sở cách ly tập trung và có phương án sẵn sàng cho tình huống 30.000 mắc Covid-19 trước bối cảnh dịch có nguy cơ bùng phát trở lại. Bộ Văn hóa thông tin đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội và hạn chế du lịch trên cả nước trong thời gian này để chống dịch.